Bảo tồn di sản đô thị ở Hà Nội và lợi ích cộng đồng qua vài dự án

Di sản là một phần không thể thiếu được trong mỗi xã hội hiện đại, đặc biệt với một đô thị cổ giàu truyền thống văn hóa như Hà Nội. Quá trình phát triển đô thị nhanh chóng ở các TP châu Á đòi hỏi phải pha trộn nhuần nhuyễn hơn giữa các tập quán lịch sử với bối cảnh đương đại. Trong vài năm gần đây, TP Hà Nội đã thực hiện thành công một số các dự án bảo tồn và phát triển giá trị di sản. Trong số đó, các dự án như: Cải tại chỉnh trang khu phố đi bộ Tạ Hiện, Trường tiểu học Hồng Hà – Hội quán Phúc Kiến tại 40 Lãn Ông và Trung tâm văn hóa nghệ thuật – Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm… là những thành công nổi bật. Hai dự án sau được xếp hạng Di sản Kiến trúc và Nghệ thuật cấp Quốc gia. Các dự án này có ảnh hưởng rất tích cực đến đời sống của cộng đồng dân cư khu vực cũng như được giới chuyên môn đánh giá cao. Phân tích thành công những dự án bảo tồn này sẽ có thể đóng góp cơ sở cho việc phát triển chính sách bảo tồn, phát huy giá trị cũng như quản lí di sản văn hóa của TP trong tương lai.

Không gian phố cổ Hà Nội

Theo UNESCO (2013), di sản là những gì mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ, là cái mà chúng ta sống với ngày hôm nay, và những gì mà chúng ta truyền lại cho thế hệ tương lai. Định nghĩa về di sản này làm nổi bật vai trò truyền tải, kết nối vượt thời gian giữa các thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong cách tiếp cận về bảo tồn di sản giữa văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông. Vào đầu thế kỉ 20, tư tưởng Trọng Âu luận (Eurocentric) nhấn mạnh vào việc bảo tồn tính xác thực của di sản, tầm quan trọng và các giá trị được gán cho di tích. Tòan cầu hóa càng ngày càng thúc đẩy các tư tưởng của phương Tây trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nhấn mạnh các giá trị được gọi là “phổ quát”. Điều này có thể thấy trong các Công ước: Athens 1934, Venice 1964, cho đến Công ước Unesco 1972 về bảo vệ di sản Tự nhiên và Văn hóa thế giới: Các nguyên tắc cơ bản của thực hành bảo tồn tòan cầu thường được đặt dưới nhãn quan duy lí, nhấn mạnh vào sự “nguyên vẹn”, “xác thực” của đối tượng bảo tồn (Choay, 1992; Winter, 2014). Cách tiếp cận này thường nhấn mạnh vào việc bảo tồn các hiện vật hữu hình, di tích lịch sử và cấu trúc kiến trúc gắn liền với các sự kiện quan trọng hoặc nhân vật nổi bật. Đòi hỏi về sự “xác thực” đôi khi được đẩy đến một cách cực đoan như John Ruskin tuyên bố: Bảo tồn chính là sự phá hủy công trình tệ hại nhất (Ruskin, 1903). Chỉ đến cuối thế kỉ 20, một loạt các tiêu chí và nguyên tắc bảo tồn được bổ sung cho phù hợp với bối cảnh của châu Á. Bắt đầu từ Công ước Nara 1994, Thượng hải 2002, cho đến Hội An 2009. Các giá trị về văn hóa, triết học, thẩm mỹ đặc thù của di sản ở khu vực châu Á đã được thừa nhận và trở thành các tiêu chí của việc bảo tồn (Fong et al., 2012; MacKee, 2013; Winter, 2014). Trong khi đó, các nền văn hóa châu Á thường chú trọng nhiều hơn đến tính liên tục, truyền thống và tính tập thể của cộng đồng, với các hoạt động văn hóa như lễ hội, nghi lễ và nghệ thuật truyền thống, mà trong đó, việc bảo tồn các cấu trúc vật lý chỉ đóng một vai trò thành phần. Như Công ước Hội An nêu rõ: Ở châu Á, di sản của con người tạo ra, được sinh ra từ bối cảnh địa lí, môi trường văn hóa, trở thành bối cảnh cho những sự biểu đạt truyền thống văn hóa (Unesco, 2009). Bên cạnh đó, những biến cố lịch sử trong thế kỉ 20 như giai đoạn thực dân, chiến tranh và thể chế chính trị cũng góp phần làm phức tạp khái niệm về di sản ở các quốc gia châu Á (Long, 2012). Sự đối lập này thể hiện rõ, trong khi đấu trường Colise ở Rome được chú trọng gìn giữ đến từng viên đá, thì cứ 20 năm một lần đền Ise ở Nhật bản được hạ giải và thay thế tòan bộ. Các triết lý châu Á từ ngàn xưa như Phật giáo cũng tạo ra một cái nhìn khác biệt với về khái niệm di sản: Di sản gần gũi với đời sống thường ngày của mỗi cá thể trong cộng đồng và nhu cầu tự nhiên để duy trì mối liên hệ tinh thần với tổ tiên, truyền thống (Fong et al., 2012). Từ đó, những yếu tố này góp phần tạo ra những định danh văn hóa, tinh thần nơi chốn của một khu vực. Nói cách khác, ở châu Á, trong nhiều trường hợp, những “Di sản đời thường” gắn với một bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn của một cộng đồng dân cư nhất định. Từ đó, chìa khóa thành công của hoạt động bảo tồn di sản ở các đô thị châu Á, theo Taylor (2012), là sự tham gia trọn vẹn của người dân trong các hoạt động bảo tồn, mang lại cả lợi ích văn hóa lẫn kinh tế. Theo đó, khu phố cổ Hà Nội chính là một ví dụ xuất sắc cho cho các nỗ lực hội nhập cao giữa hiện đại và truyền thống. Ở đây, các hoạt động bảo tồn đã cho phép duy trì tính liên tục và bền vững của các tập quán văn hóa trong một bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Thành công của nỗ lực hội nhập giữa hiện đại và truyền thống, giữa người dân và chính quyền, giữa di sản và xã hội được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Trước hết, đó là lợi ích thiết thực về kinh tế và tinh thần mà các di sản này mang lại. Nhiều nghiên cứu của ngành kinh tế di sản đã chỉ rõ, tầm quan trọng của di sản gia tăng khi dòng lợi ích kinh tế và văn hóa xã hội mà các đối tượng xã hội khác nhau nhận được với tư cách cá nhân hoặc thành viên của một cộng đồng (Rojas, 2016).

Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện trong khu phố cổ hoàn thành năm 2011 là một minh chứng rõ rệt cho thành công này. Kiến trúc hai bên dãy phố được tinh chỉnh về kích thước, vị trí và màu sắc. Cùng với đó là các hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, nâng cao điều kiện sống cho người dân hai mặt phố. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những khu vực thú vị và náo nhiệt nhất cho những hoạt động ngoài trời ở Thủ đô. Lợi ích kinh tế bền vững của 40 hộ dân trong dự án được bảo đảm hợp lí. Quá trình tham vấn người dân khi thực hiện dự án cũng góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận và ủng hộ của họ. Người dân được trao quyền “sở hữu” không gian di sản, họ tham gia tích cực vào việc duy trì cảnh quan khu phố và trật tự đô thị. Người dân cùng sáng tạo “nội dung” và “hoạt động” trong khu vực, từ đó, phát triển tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Họ hiểu rằng đây không chỉ là việc cung cấp dịch vụ thuần túy, mà ở một cấp độ cao hơn, đó là sự tiếp nối và duy trì nét văn hóa đặc sắc của khu phố cổ Hà Nội. Từ đó, dự án đã góp phần thúc đẩy niềm tự hào của cộng đồng, khuyến khích tinh thần kinh doanh và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.

Dự án Trường tiểu học Hồng Hà – Hội quán Phúc Kiến tại 40 Lãn Ông hoàn thành năm 2015 là một minh chứng thành công khác cho sự kết hợp nhuần nhuyễn cộng sinh giữa di sản cũ và công trình mới, giữa chức năng lịch sử và nhu cầu của hiện đại. Khác với dự án Tạ Hiện, ở Hội quán Phúc Kiến có sự tồn tại song hành của một chức năng cộng đồng khác là Trường tiểu học Hồng Hà. Việc cải tạo, đồng thời hoàn trả những chức năng nguyên gốc của các công trình cộng đồng này sẽ làm sống lại những sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu phố cổ, nhằm thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, trường tiểu học Hồng Hà cần nâng cấp, mở rộng không gian lớp học để trở thành trường học theo chuẩn quốc gia. Ý đồ tích hợp cộng sinh được nhấn mạnh trong phương án khi tách biệt các chức năng chồng lấn giữa 2 công trình. Cùng lúc đó, các không gian chung được phân chia thời gian hoạt động để tối đa tòan bộ diện tích của công trình. Một tòa nhà 3 tầng được xây mới trên nền công trình cũ để đảm bảo chức năng trường học.

Dự án Trường tiểu học Hồng Hà – Hội quán Phúc Kiến được tiến hành bài bản, nghiêm túc, đảm bảo cho tinh thần “xác thực” của các chi tiết, phong cách và hình thái bố cục kiến trúc, kỹ thuật thực hiện cũng như các giải pháp triển khai. Đây sẽ là một bài học mẫu mực cho việc thực hiện các công trình bảo tồn đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, ở đây, giá trị về văn hóa giáo dục vượt trội giá trị về kiến trúc. Vì đối tượng thụ hưởng trực tiếp cho thành công của dự án này sẽ lại không phải những du khách, mà trước hết, đó chính là những học sinh của trường tiểu học Hồng Hà và cộng đồng xung quanh. Thế hệ tương lai được học tập trong môi trường đạt chuẩn về tiện nghi và phong phú, giàu có về lịch sử văn hóa. Hiệu quả về văn hóa giáo dục này chắn chắn sẽ góp phần củng cố cảm giác thân thuộc và niềm tự hào trong cộng đồng cho thế hệ tương lai, góp phần tạo nên sự gắn kết xã hội và nhận thức tích cực về bản thân.

Mặt cắt dọc dự án cải tạo với khối nhà 3 tầng mới xây tại trường tiểu học Hồng Hà – Hội quán Phúc Kiến – Nguồn Ban quản lý phố cổ
Sân chơi trước phương đình sau khi phục dựng – Trường tiểu học Hồng Hà

Với Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật – Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm, dự án lại được thực hiện với một cách tiếp cận khác. Do hoàn cảnh lịch sử, trường Mẫu giáo Tuổi Thơ của quận Hoàn Kiếm đóng tại cộng trình này từ năm 1978. Với dự định biến tòan bộ nơi đây thành một Trung tâm Văn hóa Triển lãm Nghệ thuật, đòi hỏi có diện tích hoạt động đầy đủ. Vì vậy, trước hết, trường Mẫu giáo Tuổi thơ được di dời sang ngôi trường xây dựng mới trên cùng con phố, đảm bảo cho hoạt động ổn định của trường và các cháu học sinh. Ở khía cạnh bảo tồn, để khôi phục và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của kiến trúc, công trình được khảo sát kĩ lưỡng từ đó bóc tách những phần phát sinh, không nguyên bản. Ở khía cạnh phục chế, các chi tiết kiến trúc được giữ lại nhiều nhất như các hoa văn chạm trổ, đặc biệt là các chi tiết bằng gỗ. Bên cạnh đó, không gian bên trong được tinh chỉnh để thống nhất với chương trình vận động của công trình văn hóa, ví dụ như sự liên thông giữa khối khán giả, sân khấu và phần sân trời thiên tỉnh trước hậu cung.

Việc bảo tồn và thích ứng tích hợp chức năng mới ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật và Hội quán Quảng Đông này giúp cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển ở Hà Nội. Hàng loạt các sự kiện triển lãm, tọa đàm được diễn ra ở đây noiir bật trong đó có: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm. Các giá trị lịch sử văn hóa xưa cũ được làm lưu giữ, làm nổi bật trên nền của cuộc sống và hoạt động kinh tế mới. Công trình này cùng với khu Tạ Hiện và khu phố đi bộ quanh hồ Gươm góp phần tạo ra địa điểm sáng tạo, biến không gian đô thị thành các trung tâm văn hóa sôi động, kết nối giữa 2 khu phố cổ và khu phố Pháp của TP Hà Nội. Từ đó, các cấu trúc di sản và cảnh quan đô thị hiện đại cung cấp phông nền độc đáo cho các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, trao đổi văn hóa và gắn kết xã hội.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến công trình Pavillon gương triển lãm kiến trúc ở vườn hoa Diên Hồng năm 2023. Không phải là một dự án bảo tồn, nhưng công trình hiện đại và tạm thời này, đã tận dụng và làm nổi bật hoàn hảo bối cảnh di sản xung quanh nó. Bằng một thủ pháp quen thuộc là phản chiếu, công trình đã bắt gọn tất cả cuộc sống hàng ngày, khung cảnh đời thường và con người xung quanh. Theo Gadamer (1986), kiến trúc là cái khiến người ta chú ý vào nó trong giây lát, rồi dẫn sự chỉ hướng đến bối cảnh xung quanh. Từ đó kiến trúc là trang trí (cho cuộc sống) theo nghĩa nó thống nhất và khớp nối mọi thứ, phục vụ như công cụ chống lại thẩm mỹ hời hợt. Ông dựa trên ý nghĩa của Vitruve, nói đến sự vừa vặn giữa hình thức tác phẩm với ý nghĩa công năng, ví dụ theo cách mà cấu trúc ngôi đền phải phù hợp với sự thiêng liêng mà nó tôn vinh. Dưới cái nhìn này, pavilion đặt trong không gian của vườn hoa làm “hiện hình” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng với mảng gương phản chiếu) lên cả không gian công cộng xung quanh, hoạt động của con người và chức năng bên trong của nó. Công trình này chỉ là 1 khối kỷ hà, tối giản nhưng có khả năng khiến người ta dừng lại, ngó lại, nhìn một lúc và ngoảnh ra nhìn xung quanh. Không hẳn bất cứ người dân thủ đô nào đến đây cũng có thể nhận ra được ý đồ về sự biến mất của vườn hoa Diên hồng. Nhưng chắc chắn, ai cũng nhận ra được chính họ và người bên cạnh mình, nhận ra được bối cảnh đô thị xung quanh. Nói cách khác, ai cũng bắt trọn được khoảnh khắc cuộc sống của chính mình được “hiện hình” qua công trình kiến trúc.

 Vậy, thành công của những dự án trên nói với chúng ta điều gì?

  • Trước hết, các dự án bảo tồn này đều sự ghi nhận những giá trị lịch sử mà công trình lan tỏa ở các cấp độ khác nhau của hình thái đô thị: Từ cấp độ đô thị (sự hình thành khu phố cổ và dãy phố), đến cấp độ của đường phố (đường phố và các mặt tiền của nó) và ở cấp độ kết cấu đô thị (phân chia lô đất và kiểu nhà ống). Từ việc xác định chính xác và hiểu biết sâu sắc về chức năng của các tòa nhà và giá trị lịch sử của chúng, điều này đảm bảo cho các hoạt động can thiệp phù hợp khác nhau;
  • Nhờ sự hồi sinh của các hoạt động văn hóa của các khu hội quán, cư dân ở khu phố cổ Hà Nội có thể tiếp tục một nền văn hóa truyền thống. Mặc dù cộng đồng người dùng hiện tại không còn là cộng đồng người Hoa và tần suất sử dụng không đều đặn như trước. Tuy nhiên, bản chất của các hoạt động cộng đồng trong khu phức hợp này luôn giống nhau. Nơi đây tiếp tục là nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân khu phố;
  • Ngày nay, khu phố cổ là khu vực đông dân cư nhất và cũng có mật độ cao nhất Hà Nội. Mật độ cũng cao nhất Hà Nội. Việc duy trì những cơ sở giáo dục tại khu vực này là cần thiết và chính đáng cho người dân. Trong điều kiện hạn chế về quỹ đất và khả năng tài chính, giải pháp “tái chế” công trình hiện hữu trở nên phù hợp hơn cả. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa không gian hiện đại và không gian truyền thống đã làm sống lại không gian công cộng;
  • Về tổng thể, phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cải tạo và phát triển khu phố cổ. Hình thành một lịch trình hợp lý cho du khách là một chiến lược tốt cho dự án và cho các phố đi bộ cuối tuần. Thu hút du khách cũng sẽ là một động lực tiềm tàng khác cho việc bảo tồn trong tương lai.

Ở các đô thị châu Á nói chung, và TP Hà Nội nói riêng, khi phát triển kinh tế dần dần tăng tốc, áp lực đối với các di sản văn hóa cũng tăng lên. Thật không dễ để cân bằng nhu cầu của hiện tại và bảo tồn di sản của quá khứ trong bối cảnh này. Các dự án bảo tồn này cho thấy cần coi di sản văn hóa như một chỉnh thể hữu cơ gắn bó chặt chẽ với cộng đồng xung quanh. Sự tồn tại và thành công của dự án hoàn tòan phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cộng đồng. Kết luận đơn giản và có phần hiển nhiên này này chỉ đạt được khi những những KTS, những nhà hoạch định chính sách thực sự lắng nghe và nắm vững được nguyện vọng của người dân.

Nguyễn Mạnh Trí
Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc – Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2023)


Tài liệu tham khảo

  • Choay, F. (1992). L’allégorie du patrimoine. Éditions Seuil.
  • Fong, K. L., Winter, T., & Rii, H. U. (2012). ‘Same same but different?’ A roundtable discussion on the philosophies, methodologies, and practicalities of conserving cultural heritage in Asia. In P. T. Daly & T. Winter (Eds.), Routledge handbook of heritage in Asia. Routledge.
  • Gadamer, H.-G. (1986). The relevance of the beautiful and other essays Art as play, symbol and festival. In The relevance of the beautiful and other essays (pp. 3–53). Cambridge University Press.
  • Long, C. (2012). Modernity, socialism and heritage in Asia. In P. T. Daly & T. Winter (Eds.), Routledge handbook of heritage in Asia (pp. 201–218). Routledge.
  • MacKee, J. (2013). Developing an alternative paradigm for Asian heritage conservation A Buddhist-systemic perspective. In K. D. Silva & N. K. Chapagain (Eds.), Asian heritage management: Contexts, concerns, and prospects. Routledge.
  • Rojas, E. (2016). The sustainable conservation of urban heritage: A concern of all social actors. In S. Labadi & W. S. Logan (Eds.), Urban heritage, development and sustainability: International frameworks, national and local governance (pp. 235–255). Routledge/Taylor & Francis Group.
  • Ruskin, J. (1903). Seven lamps of architecture: Vol. III (Library edition). George Allen.
  • Taylor, K. (2012). Heritage challenges in Asian urban cultural landscape settings. In P. T. Daly & T. Winter (Eds.), Routledge handbook of heritage in Asia (pp. 266–279). Routledge.
  • Unesco. (2009). Hoi an protocols for best conservation practice in Asia. Professional Guidelines for Assuring and Preserving the Authenticity of Heritage Sites in the Context of the Cultures of Asia (R. A. Engelhardt & P. R. Rogers, Eds.). UNESCO Bangkok.
  • Unesco (Ed.). (2013). Asia conserved: Lessons learned from the UNESCO Asia-Pacific Awards for Cultural Heritage Conservation (2005-2009). Unesco.
  • Winter, T. (2014). Beyond Eurocentrism? Heritage conservation and the politics of difference. International Journal of Heritage Studies, 20(2), 123–137. https://doi.org/10.1080/13527258.2012.736403