Bảo tồn di sản trong thời kỳ đô thị hóa (P2)

Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta khám phá môi trường lịch sử vì thế hệ tương lai thì chúng ta nhất thiết phải đảm bảo rằng cơ chế giữ gìn di sản kiến trúc đô thị phải được nghiên cứu, triển khai theo hướng bền vững. Để từ đó có thể đề xuất những biện pháp bảo tồn thích hợp.

(Tiếp theo) Bảo tồn di sản trong thời kỳ đô thị hóa (P1)

Đô thị hoá là một hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đô thị. Đó là quy luật chung của các thành phố đang phát triển. Trong quá trình phát triển đô thị các di sản kiến trúc bị xâm hại làm cho vấn đề bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn.

Bản đồ quy hoạch Sài gòn xưa

Quá trình đô thị hoá mà đặc biệt ở TP.HCM đang diễn ra rất nhanh, làm mất dần bản sắc kiến trúc đô thị. Áp lực về kinh tế là rất lớn làm cho các khu vực có di sản trở thành một món hàng bất động sản hơn là di sản của đô thị. Sự thay đổi về mật độ dân cư trong thành phố, nhất là những khu vực có di sản kiến trúc đô thị dẫn đến các công trình kiến trúc, các lô đất bị chia cắt nhỏ hơn. Cấu trúc đô thị bị thay đổi.

  • Hệ thống pháp luật, chính sách bảo tồn di sản chưa đầy đủ, chưa được cập nhật rộng rãi. Việc tuân thủ pháp luật của các công dân sống trong khu vực có di sản chưa tốt.
  • Cơ quan quản lý di sản còn thiếu nhân lực và điều kiện thực hiện bảo tồn di sản. Nguồn nhân lực quản lý và trùng tu di sản chưa được đào tạo bài bản và đúng cách.
  • Quy hoạch và nhận diện di sản kiến trúc chưa thực hiện triệt để đến nơi đến chốn, dẫn đến một số di sản kiến trúc bị xuống cấp, biến dạng không kịp thời phục dựng.
  • Có nhiều di sản được nhận diện nhưng chưa tìm cho nó một công năng thích hợp để di sản đó tồn tại và phát triển. Chưa tìm ra cho di sản “hồn sống” vốn có của nó.
  • Vấn đề khó khăn nhất là nguồn kinh phí không quan tâm đúng mức cho công việc bảo tồn các di sản kiến trúc trong thành phố.

Hiện nay, các di sản kiến trúc đô thị ở TP HCM chịu nhiều thách thức bởi quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá. Làm thế nào để vừa phát triển thành phố hiện đại, vừa bảo tồn được các di sản kiến trúc đô thị? Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề hết sức cấp bách và quan trọng của Thành phố hiện nay.

Bảo tồn bền vững dưới góc độ văn hóa xã hội

Các công trình di sản hiện hữu trong đô thị hiện nay đang hài hòa với không gian vốn có ngày xưa của nó. Công trình di sản không bị loại bỏ nhưng cũng không bị cô lập, bảo tàng hóa. Sự hiện hữu của di sản tồn tại ngay trong đời sống của đô thị, hòa nhập với không gian văn hóa xã hội của cộng đồng. Nó trở thành như một bộ phận hữu cơ của không gian đời sống và tạo điều kiện để các tầng lớp xã hội tiếp cận và sử dụng, qua đó có thể cảm nhận các giá trị mà di sản mang tới cho đô thị.Bảo tồn các công trình di sản đô thị chính là bảo tồn sự đa dạng của nền văn hóa và ghi nhận sự phát triển mối giao thoa văn hóa.

Phía trước tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn xưa

Về mặt xã hội, các công trình kiến trúc là một thành phần không thể tách rời với không gian của nó. Từ các công trình công cộng như nhà hát, viện bảo tàng, trường học, nhà thờ đến các công trình nhà ở biệt thự đã tồn tại từ rất lâu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống của người dân, kết nối các tầng lớp trong xã hội một cách bền vững.

Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế

Bảo tồn và khai thác giá trị di sản là hai mặt quan trọng có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Bảo tồn di sản kiến trúc được xem là bền vững khi nó không tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển (vì vậy người ta hay gọi là bảo tồn và phát triển là hai mặt đối lập nhưng hỗ trợ hữu cơ với nhau). Công trình di sản cần được bảo tồn nhưng không phải bị bảo tàng hóa. Nó có thể cộng sinh với kiến trúc hiện đại để phát huy giá trị dưới góc độ kinh tế xã hội. Di sản kiến trúc đô thị  dưới mọi chế độ chính trị đều là tài sản đặt biệt giá trị nếu biết khai thác đúng cách.

Tòa nhà 213 Đồng khởi

Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của di sản kiến trúc đô thị. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định.

Bảo tồn bền vững dưới góc độ môi trường

Đối với Môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên, như gió bão, nắng nóng, độ ẩm… Ở một góc độ khác, cần phải sử dụng thiên nhiên và làm giàu môi trường thiên nhiên để bảo tồn di sản. Như vậy, việc duy trì và phát triển môi trường vi khí hậu và cảnh quan khu vực di sản (cây xanh, mặt nước) là hết sức quan trọng.Công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thị giác. Đây là những nghiên cứu hết sức quan trọng để bảo tồn cả môi trường văn hóa đô thị. Cần bảo tồn và khai thác các điểm nhìn, hướng nhìn, trường nhìn, góc nhìn có lợi nhất cho di sản trong ngữ cảnh khu vực, tuyến phố gắn liền với công trình di sản. Có thể kết hợp bảo tồn di sản tránh tác động có hại của thiên nhiên mà vẫn bảo tồn môi trường thị giác.

Dinh Thượng Thơ ngày nay

Vì vậy, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị. Giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của di sản kiến trúc đô thị trong thời gian lâu dài. Phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị về các mặt xã hội, kinh tế và môi trường, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản.

Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn, sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn, các dự án bảo tồn. Người dân và tổ chức gắn với khu vực di sản cũng như các tổ chức và chuyên gia bảo tồn cần được tham vấn trong toàn bộ quá trình bảo tồn.

Xem thêm :  Bảo tồn di sản trong thời kỳ đô thị hóa (P1)

KTS.Cao Thành Nghiệp
© Tạp chí Kiến trúc