Ba công trình kiến trúc bằng đá độc đáo ở Bắc Ninh

Trong những công trình kiến trúc cổ ở Bắc Ninh, đá là vật liệu được sử dụng phổ biến, phong phú cả về chủng loại lẫn hình thức thể hiện. Cột đá chùa Dạm, tháp Bảo Nghiêm chùa Bút Tháp và lăng đá họ Đặng là 3 công trình kiến trúc đá tiêu biểu, có giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh tâm hồn, tư tưởng và trình độ tạo tác khéo léo của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử.
1- Cột đá chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh)
Chùa Dạm (còn gọi là Đại Lãm tự) được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1086 đến năm 1094. Qua gần nghìn năm nhưng vẫn còn lại nhiều dấu tích của ngôi đại tự từng được mệnh danh là đại danh lam thắng cảnh thời Lý. Trong đó, nguyên vẹn nhất phải kể đến cây cột đá chạm rồng uy nghi trước khu vực cổng chùa. Không tính phần chôn sâu dưới đất thì cột đá cao gần 5m.
 

Cột đá với những chi tiết chạm khắc hình đầu rồng ở Chùa Dạm.
 
Cấu trúc điêu khắc được chia làm 2 phần: Phần dưới hình vuông, phần trên hình tròn. Khối hộp vuông ở dưới có 1 cạnh 1,4m và một cạnh 1,6m. Phần tròn trên thu nhỏ hơn một chút nhưng đường kính cũng lên tới 1,3m. Kiểu kiến trúc này biểu trưng cho quan niệm trời tròn đất vuông. Điểm nhấn của cây cột đá là phần điêu khắc rồng theo phong cách mỹ thuật thời Lý. Đôi rồng được chạm khắc chi tiết, tỉ mỉ với 5 móng sắc nhọn, bờm thành búi, thân giống rắn quấn chặt cột đá, đuôi ngoắc vào nhau, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao chầu mặt trời vừa uy nghi, vừa sinh động. Các nhà sử học đánh giá đây là công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất thời Lý còn lưu truyền lại cho hậu thế.

2- Tháp Bảo Nghiêm chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành)
Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê là ngôi chùa có quy mô khá bề thế so với những ngôi chùa cùng thời. Kiến trúc chùa nổi bật với nhiều bức phù điêu, lan can và chi tiết trang trí bằng đá được tạo tác tinh xảo. Chùa có nhiều tháp, nổi tiếng nhất là tháp Bảo Nghiêm bằng đá xanh, cao 13,5 m, trông xa như một cây bút khổng lồ vươn thẳng lên trời cao. Tháp có 5 tầng với một phần mái. Ngoài tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau rộng 2 m. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29 m. Ngoài kỹ thuật xây dựng đá, phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can. Riêng ở tầng dưới cùng của toà tháp này có mười ba bức chạm đá lấy đề tài chủ yếu là các con thú. Tháp Bảo Nghiêm thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
 

Tháp Bảo Nghiêm cao 5 tầng bằng đá xanh ở chùa Bút Tháp.
 
3- Lăng đá họ Đặng (xã Phú Hoà, huyện Lương Tài)

Lăng đá họ Đặng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 trong một khuôn viên hình chữ nhật dài 54m, rộng 37m. Bao quanh toàn bộ khu vực lăng là những cột đá cắm làm mốc. Hiện các di vật trong lăng còn khá nguyên vẹn, tất cả được tạo tác bằng đá khá đồ sộ, công phu gồm: hai con chó đá, hai cột đá, một sập đá, ba đài đá, hai sấu đá, một bệ đá, ba bia đá dựng năm 1675, 1695, 1751.

Giá trị nghệ thuật của công trình được thể hiện tập trung ở khu trung tâm. Nổi bật là hai con sấu đá cao 1,34m, đầu to ức rộng, dáng ngồi vững chắc và một sập đá dài 2,2m, rộng 1,9m, cao 0,1m. Mặt sập được trang trí các hình bát giác, xen kẽ các ô vuông nhỏ như vết nứt trên mai rùa. Trên mặt thành sập chạm khắc hai con nghê chầu vào lư hương. Mặt bên phải, ngoài hoa văn mây lửa ở các góc, mặt hổ phù ở khoảng giữa, là cảnh cá hóa rồng. Mặt bên trái của sập, cùng với hình hổ phù, mây lửa là một bức tranh liên cảnh miêu tả thiên nhiên kỳ vỹ và sinh hoạt con người.

Tất cả những công trình điêu khắc trên thể hiện triết lý nhân sinh và tư tưởng về thế giới vũ trụ của người Việt thời kỳ nhà Lê. Lăng đá họ Đặng được đánh giá là di tích có giá trị nghệ thuật tiêu biểu nhất của tỉnh Bắc Ninh về chạm khắc đá.
Bài và ảnh: Linh Yên