Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển hiện đại mà vẫn bảo tồn được những đặc trưng vốn có, tiếp nối được quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Từng bước xứng tầm là Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là "Trung tâm đầu não chính trị – hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về Văn hóa, Khoa học, Giáo dục kinh tế và Giao dịch Quốc tế của cả nước"
BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VẬT THỂ VÀ PHI VẬT THỂ :
Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thủ đô thanh lịch. Thủ đô hòa bình. Thủ đô anh hùng… Tất cả những cụm từ này đều hàm chứa nét đẹp văn hóa, đặc trưng văn hóa của Hà Nội, Theo dấu ấn của thời gian mà dòng chảy lịch sử đã để lại trong địa giới hành chính Thủ đô ngày nay, nhiều địa danh nổi tiếng … gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và mở rộng địa giới như:
– Thành Cổ Loa, Thành cổ Sơn Tây, Khu Hoàng Thành Thăng Long và di tích 18 Hoàng Diệu;
– Khu vực phố cổ (thuộc quận Hoàn Kiếm) là khu vực bao gồm những lô phố kiến trúc nhỏ, chủ yếu là nhà ở hình ống, gắn liền với phương thức kinh doanh theo kiểu phố chợ, mật độ dân cư dày đặc, tạo nên sự sầm uất của đô thị, với một khu vực di sản dầy đặc, có giá trị văn hóa, đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội.

– Khu phố cũ là khu vực đô thị chủ yếu phát triển vào nửa đầu thế kỷ XIV (thuộc quận Hoàn Kiếm, một phần quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình) với các công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp: Nhà Hát Lớn, cầu Long Biên, Ga Hà Nội, Phủ Chủ tịch… trong đó đã có pha trộn phần nào bản sắc kiến trúc riêng của Việt Nam, điển hình là Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật… Đây là khu ở có cấu trúc đô thị đặc biệt, hoàn chỉnh với mật độ xây dựng thấp, các khoảng không gian xanh, vườn hoa, các công trình kiến trúc công sở và đặc biệt là hệ thống biệt thự đa dạng được công nhận có giá trị về kiến trúc tạo nên tổng thể hài hòa với đặc trưng kiến trúc cũ thời Pháp thuộc.
– Làng và làng nghề truyền thống có cấu trúc đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, đan xen với các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng: đình, chùa, lăng tẩm, đền miếu, bia mộ văn chỉ… với những dạng thức kiến trúc tiêu biểu riêng cho các thời đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đặc biệt có nhiều làng cổ có giá trị về văn hóa như: Đường Lâm, Bát Tràng, Vạn Phúc…
– Hệ thống cụm các di tích và các di tích đơn lẻ khác tồn tại thành những danh lam cổ tự vào bậc nhất trong cả nước như: Văn Miếu, Chùa Một Cột, đình Kim Liên, đền Quán Thánh, Voi Phục, Chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Thụy Phiêu, đình Tây Đằng, Chu Quyến…
Cùng tồn tại với các giá trị văn hóa vật thể là những giá trị văn hóa phi vật thể. Đó là các lễ hội truyền thống, tôn vinh các anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề có công khai sáng, giữ gìn phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, thực hành các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo, các phong tục, tập quán, lối sống người Hà Nội… Chính những giá trị văn hóa phi vật thể này đã trở thành nét thanh lịch – hào hoa, trong không gian thành phố, trong mỗi vỉa hè, góc phố, mỗi công trình di tích, tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở, đã tạo thành dấu ấn văn hiến người Hà Nội trải dài suốt ngàn năm lịch sử.

Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg. Theo đó, Thủ đô Hà nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, không chỉ khắc họa hình ảnh Hà Nội trong tương lai với các giải pháp định hướng về quy hoạch, tạo lập các cơ hội phát triển và sức hấp dẫn cho Thủ đô, mà còn đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Tổng quan là: bảo tồn và phát huy các không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên (hình thành các không gian hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh chiếm tỷ lệ khoảng 70% diện tích đất tự nhiên) và các không gian văn hóa, lịch sử đặc trưng.
CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CƠ BẢN:
Duy trì và đảm bảo sự hoạt động của các cấu trúc đô thị đặc trưng trong khu phố cổ và khu phố Pháp.
Bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan.
Khoanh vùng di tích, di sản đô thị, tạo lập các không gian đệm bảo vệ, hình thành hệ thống giao thông, cảnh quan để đảm bảo sự tiếp cận được thuận lợi và cảnh quan hấp dẫn.
Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực đầu tư cho các không gian/công trình cần bảo tồn và phát huy giá trị.

Các giải pháp nhằm giảm tải, khắc phục sự mất cân đối giữa mật độ dân cư và năng lực của hệ thống hạ tầng trong khu vực nội đô lịch sử tạo điều kiện bảo vệ các di sản đô thị, qua đó phát huy giá trị di sản:
– Tiếp tục kiên định với mục tiêu giảm quy mô dân số xuống 80 vạn dân tại khu vực nội đô lịch sử; tăng tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng mạng lưới đô thị đồng bộ với đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và các thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch cư, giãn cư; đồng thời với việc phát triển mô hình nông thôn mới nhằm hạn chế di dân tự do vào thành thị và bảo vệ hệ thống làng xóm đặc trưng.
– Di dời các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan, trường đại học, cơ sở y tế gây ô nhiễm hiện hữu ra khỏi nội đô, thay thế bằng các chức năng khác trên cơ sở ưu tiên cho các mục đích tăng cây xanh, chỉ tiêu hạ tầng xã hội và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật của khu vực hoặc sử dụng cho các chức năng đặc biệt của đô thị (như công viên, vườn hoa, cây xanh, hạ tầng xã hội công ích như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ…)
– Cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, các làng xóm theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng cường các tiện ích xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường.
-Thay thế các khu ổ chuột – khu dân cư phát triển tự phát bằng các khu nhà ở hiện đại, đồng bộ về hạ tầng.
– Xác lập hệ thống mặt nước gắn với không gian cây xanh, cảnh quan tự nhiên, nhằm tăng chỉ tiêu diện tích cây xanh cho người dân Thủ đô, cải tạo và làm sống lại các dòng sông cũng như sự liên thông giữa các hồ và dòng sông cổ (Hồ Tây – Tô Lịch…)
– Xác lập để bảo vệ các không gian xanh có giá trị cảnh quan tự nhiên đặc biệt như Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn và vùng nông nghiệp nằm giữa sông Đáy và sông Tích.
– Xác lập Không gian xanh xung quanh Đô thị trung tâm (được giới hạn bởi sông Đáy ở phía Tây và sông Cà Lồ ở phía Bắc). Trong đô thị trung tâm lại xác lập vành đai xanh dựa theo sông Nhuệ, nhằm kiểm soát ngưỡng phát triển về dân số, phù hợp với năng lực đảm nhận được của hệ thống hạ tầng trong đô thị lõi lịch sử.
Các nhóm giải pháp trên sẽ đảm bảo không gian lõi lịch sử của Hà Nội với những giá trị di sản đô thị được bảo tồn và phát huy, tạo nên đặc trưng riêng của Thủ đô, theo đó tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội dựa trên nền tảng giá trị văn hóa và tri thức.

PHÁT TRIỂN GẮN LIỀN VỚI BẢO TỒN:
Không gian đô thị được xác lập trên mô hình đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh, các đô thị giữ vai trò hạt nhân trong vùng nông nghiệp – nông thôn (các thị trấn huyện lỵ, các đô thị mới), thông qua mạng lưới các trục hướng tâm và vành đai, các phương tiện giao thông công cộng tốc độ nhanh.
Đô thị trung tâm
Trên cơ sở khung phát triển chung, đặc điểm và hình thái tự nhiên, tạo lập các phân khu đô thị có đặc trưng về cấu trúc, không gian và tính chất chức năng nổi trội. Nhằm phát huy được lợi thế, tạo ra các nguồn lực và mô hình phát triển hợp lí cho từng khu vực. Đô thị trung tâm được xác lập bởi các phân khu đô thị như sau:
Khu vực phía Nam sông Hồng:
– Khu vực nội đô lịch sử được giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến vành đai 2. Mục tiêu chủ yếu là tập trung bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị kiến trúc, lịch sử, cảnh quan của khu vực nội thành và được kiểm soát qua các phân khu đô thị như khu phố Cổ, khu phố Pháp, khu Hoàng Thành Thăng Long trung tâm Ba Đình lịch sử, khu hồ Gươm và phụ cận, khu hồ Tây và phụ cận; Tầng cao phải được kiểm soát chặt chẽ, không xây dựng cao tầng.
Hình thành hệ thống các hệ trục không gian chủ đạo, các trục không gian cảnh quan, văn hóa lịch sử: Trục không gian sông Hồng (gồm hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng mang tính thời đại của Thủ đô), Trục văn hóa lịch sử (Cổ Loa – Hồ Tây)…
Xác lập hệ thống các trung tâm cấp quốc gia và khu vực gắn với các công trình biểu tượng như: Trung tâm chính trị hành chính Quốc gia tại Ba Đình và Tây Hồ Tây; Trung tâm chính trị, hành chính Thủ đô: quận Hoàn Kiếm hiện nay; Trung tâm văn hóa: Hồ Tây, Hồ Hoàn kiếm; Trung tâm thương mại, tài chính Tây Hồ Tây; trung tâm bảo tồn Lịch sử: Hoàng thành, Phố cổ…
Cải tạo và xây dựng lại các khu tập thể cũ: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ – Hào Nam, Thành Công, Phương Mai, Khương Thượng trên nguyên tắc kiểm soát dân số, không xây dựng cao tầng đối với vùng ảnh hưởng đến các không gian bảo tồn; xây dựng mật độ thấp để tạo được quỹ đất bổ sung cho các chức năng hạ tầng xã hội còn thiếu trong khu vực như: diện tích cây xanh, bãi đỗ xe, tiện ích công cộng, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ…;
– Khu vực nội đô mở rộng: từ vành đai 2 đến sông Nhuệ: mục tiêu chủ yếu là hài hòa giữa phát triển, tái phát triển và cải tạo.
Tiếp tục phát triển trung tâm cấp quốc gia mới hỗ trợ cho khu vực nội đô lịch sử tại Mỹ Đình, Mễ Trì và Tây Hồ Tây trở thành các công trình mang tính biểu tượng mới của thời kỳ hội nhập và phát triển như: trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, tài chính, thể dục thể thao Quốc gia…; tiếp tục hoàn thiện các khu đô thị mới hiện đại như: Ciputra, Trung Hòa Nhân Chính, Nam Trung Yên, Định Công, Linh Đàm, Yên Sở…
Tái phát triển các khu vực phải chuyển đổi di dời như các cơ sở công nghiệp: Thượng Đình, Vĩnh Tuy, Giáp Bát – Thịnh Liệt; một số trường đào tạo, cơ sở y tế gây ô nhiễm…
Cải tạo các làng xóm đô thị hóa, xây dựng lại các khu tập thể: Nghĩa Tân, Thanh Xuân, Thượng Đình, Mai Động, Quỳnh Mai…
Trong khu vực này được kiểm soát bởi 4 phân khu đô thị trên cơ sở các trục hướng tâm hiện hữu: QL 32, QL 6, QL1
– Vành đai xanh: tạo lập theo dòng chảy sông Nhuệ với hệ thống mặt nước, các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao và không gian công cộng lớn khác cho đô thị trung tâm, bổ sung hạ tầng đô thị cho khu vực nội đô lịch sử; vành đai xanh cùng hệ thống các nêm xanh, kết nối với hệ thống hành lang xanh ngoại ô, tạo thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái thành phố”; tạo điều kiện làm cho Hà Nội phát triển bền vững, bảo vệ các di sản Thăng Long cổ nằm trong khu vực nội đô lịch sử trước sức ép của đô thị hóa.
– Hình thành các không gian đô thị mới phía Đông đường vành đai 4: thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì và quận Hà Đông, (từ vành đai xanh sông Nhuệ đến vành đai 4); tạo lập các không gian đô thị mới hiện đại – đô thị có đặc trưng gắn liền với không gian sinh thái đảm bảo kết nối với không gian hành lang xanh – sông Đáy, gắn liền với các trục phát triển kinh tế – văn hóa mới của Thủ đô như: Tây Thăng Long, Ba Vì – Hồ Tây, Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài, Trục Nam Hà Đông; đồng thời phát triển mạnh hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối.
Khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng:
Các dòng chảy theo sông Thiếp và đầm Vân Trì, sông Đuống và sông Cà Lồ đã định dạng cho các phân khu đô thị phía Bắc với các đặc trưng cơ bản là đô thị sinh thái, mật độ thấp.
Theo đó, các phân khu phát triển theo các tuyến giải đan xen với dòng chảy tự nhiên tạo nên những “ốc đảo sinh thái”- hài hòa với không gian mặt nước và cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, được nối kết bởi các tuyến liên kết với sân bay Nội Bài và hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long, tạo nên các động lực phát triển mới như: trục đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, trục đường Cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài, QL1A mới… Không gian trọng tâm tạo ra hình ảnh đô thị thịnh vượng xác lập ngay phía bờ Bắc sông Hồng tại Phương Trạch với công trình biểu tượng là trung tâm triển lãm Asian. Tháp tài chính ngân hàng, theo trục Nhật Tân nội bài là làng văn hóa Asian; tổ hợp các công trình văn phòng – chung cư – thương mại của một đô thị đẳng cấp quốc tế; quần thể công trình cửa ngõ vào Thủ đô; không gian vui chơi giải trí ẩn hiện trong những mảng xanh lớn đến sân bay Nội Bài. Từ hệ trục này sẽ kết nối theo các tuyến Đông-Tây tạo lập các không gian hạt nhân cho các khu chức năng đô thị hai bên.

Đô thị vệ tinh, các đô thị hạt nhân của vùng nông nghiệp – nông thôn
Các đô thị này sẽ được phát triển theo các chức năng chủ đạo với các đặc trưng về cấu trúc và không gian dựa trên đặc điểm về điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng hiện hữu. Trong đó, Hòa Lạc được xem là đô thị đối trọng – cực phát triển lớn nhất về phía Tây với các chức năng cấp Quốc gia như: giáo dục đào tạo, công nghệ cao, y tế chuyên sâu, các khu du lịch vui chơi giải trí, và công viên nghĩa trang… Đây cũng là điểm cửa ngõ của Hà Nội về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, nối kết với các đô thị, các khu vực phát triển kinh tế trên trục đường Hồ Chí Minh.
Phát triển khu vực nông thôn theo mô hình bảo tồn cấu trúc làng, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt đối với các làng cổ có nhiều giá trị về văn hóa; hạn chế không xây dựng nhà ở lô phố, cao tầng; khuyến khích xây dựng các loại nhà nông thôn truyền thống; hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề; hạn chế không san lấp ao hồ, khoét núi; cải tạo, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật; kết nối giữa đô thị và nông thôn, liên kết về cảnh quan giữa hệ thống di tích nông thôn với vùng cảnh quan lân cận.

KẾT LUẬN:
Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển hiện đại mà vẫn bảo tồn được những đặc trưng vốn có, tiếp nối được quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Từng bước xứng tầm là Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là “trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Các giải pháp quy hoạch được đề xuất đều nhằm đạt được các mục tiêu:
– Tạo ra mô hình phát triển đô thị đặc trưng “mặt nước – cây xanh”
– Duy trì vị thế, hình ảnh Thủ đô văn hiến, Thủ đô Hòa bình.
– Tạo ra khả năng nối kết với các trung tâm của khu vực, cả nước và quốc tế
– Tạo nên các động lực tăng trưởng mới
– Khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng của các khu vực xung quanh
Mọi nguồn lực giải pháp đều tập trung hướng tới hình ảnh Thủ đô trong tương lai: “XANH – VĂN HIẾN – VĂN MINH – HIỆN ĐẠI”, cân bằng giữa “BẢO TỒN – PHÁT TRIỂN”.
Ths.KTS Lã Kim Ngân – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
Và cộng sự – Ths.KTS Vũ Hoài Đức