Di sản phải trở thành cốt lõi của Quá trình phát triển Đô thị

Ngày Kiến trúc Thế giới, do UIA khởi xướng, nhắc nhở chúng ta không quên trách nhiệm về tương lai môi trường sống của con người. Đây cũng là ngày thế giới tập trung trọng tâm vào vấn đề định cư của con người, nhấn mạnh quyền cơ bản về chỗ ở phù hợp cho tất cả mọi người. Tôi rất vinh dự được chia sẻ dịp kỷ niệm này với các đồng nghiệp từ Tổ chức Môi trường sống của Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat).
Trước những thách thức về bảo tồn và quản lý di sản đô thị, UNESCO đang nỗ lực tối đa trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi cho các đô thị lịch sử của thế giới –  những đô thị được cấu thành chủ yếu bởi di sản kiến trúc.
 
(Bà Katherine Muller – Marin – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam) 
 
Trái ngược với quan niệm phổ biến trước đây, bảo tồn các giá trị văn hóa không hề đi ngược lại nỗ lực phát triển đô thị. Các hình thức phát triển kinh tế và quy hoạch quản lý bảo tồn có thể được tích hợp để hình thành một mô hình mới, trong đó di sản trở thành cốt lõi của quá trình phát triển đô thị thay vì chỉ là một yếu tố bổ sung thứ yếu hoặc một phần của đô thị.
Một nguyên tắc quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa là khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả người dân và khu vực tư nhân. Tăng cường cơ hội cho đầu tư Nhà nước – tư nhân là một khía cạnh thiết yếu để nâng cao hiệu quả quá trình bảo tồn dài hạn.
Trong 6 năm qua, UNESCO đã điều phối sáng kiến Cảnh quan Đô thị Lịch sử, nhằm bảo tồn đô thị như một phần của quá trình nỗ lực tái tạo đô thị và định hướng các chiến lược phát triển. Kết quả đáng chú ý nhất của quá trình này là Khuyến nghị của UNESCO về Cảnh quan Đô thị Lịch sử được thông qua ngày 10/11/2011 trong Kỳ họp Đại Hội đồng của UNESCO với 195 quốc gia thành viên chính thức và 8 quốc gia thành viên liên kết, trong đó tái khẳng định vai trò của UNESCO là tổ chức nền móng tiêu chuẩn quan trọng nhất của thế giới trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Văn bản hoàn chỉnh của “luật mềm” không ràng buộc này có thể được tìm thấy tại địa chỉ: http://whc.unesco.org/en/cities.
Khuyến nghị thúc đẩy cách tiếp cận Cảnh quan Đô thị Lịch sử như một phương thức sáng tạo bao trùm các khía cạnh khác nhau của vấn đề bảo tồn trong một khuôn khổ tích hợp. Nó thừa nhận mối liên hệ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa trong việc bảo tồn môi trường xây dựng, những thách thức mới nổi lên do sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và nhu cầu cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho sự nghiệp bảo tồn di sản.
Cách tiếp cận Cảnh quan Đô thị Lịch sử không thay thế các học thuyết, phương pháp tiếp cận bảo tồn hiện có, mà đúng hơn là dự kiến trở thành một công cụ để tích hợp các chính sách và thực tiễn bảo tồn môi trường xây dựng bằng cách xác định các nguyên tắc hoạt động có thể nhằm đảm bảo các mô hình bảo tồn đô thị tôn trọng các giá trị, truyền thống và các bối cảnh văn hóa khác nhau.
Tôi muốn các bạn nhớ đến Hiến chương Quốc tế về Giáo dục Kiến trúc của Hội Liên hiệp KTS Thế giới, trong đó đề cập: đứng trước sự phát triển của kiến trúc trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các KTS tin rằng tất cả mọi thứ ảnh hưởng đến môi trường xây dựng: sự hình thành, sử dụng, trang trí, giữ gìn và làm đẹp phong cảnh… đều thuộc về lĩnh vực kiến trúc. Một trong những cân nhắc chung là tầm nhìn về thế giới tương lai, được gieo mầm từ môi trường học tập kiến trúc, nên bao gồm các mục tiêu sau đây:
– Một cuộc sống tốt cho tất cả cư dân trong các khu vực định cư của con người;
– Ứng dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở tôn trọng các nhu cầu xã hội, văn hóa và thẩm mỹ của con người;
– Môi trường xây dựng phát triển bền vững và cân bằng về mặt sinh thái;
– Giá trị một kiến trúc là tài sản và trách nhiệm giữ gìn của tất cả mọi người.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng các bạn tôn vinh vai trò quan trọng của KTS trong thế giới muôn màu sắc của chúng ta. Tôi rất mong được tiếp tục hợp tác với tất cả các bạn trong những nỗ lực chung về thiết kế, bảo vệ và quản lý những viên ngọc kiến trúc của Việt Nam – đất nước mà tôi đã luôn coi là ngôi nhà thứ hai của mình.
 
Bà Katherine Muller – Marin – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam