Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính thiên năm 2016”

Sáng ngày 28/12, tại số 9 Hoàng Diệu, Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính thiên năm 2016”.

Đến dự hội thảo có đại diện cơ quan của Bộ Văn hoá Thông tin, UBND Tp Hà Nội, các sở, ban, ngành và các các nhà khoa học. Mục đích của hội thảo là nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò và góp ý kiến cho những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại các hố khai quật Khu vực Chính Điện Kính Thiên năm 2016.

Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016, thực hiện theo Quyết định số 65/QĐ – BVHTTDL ngày 8/1/2016 của Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch và Công văn số 690/UBND Tp Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cố học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tống diện tích gần 1000m2, gồm 2 hố (H1, H2). Cuộc khai quật đã làm rõ tầng văn hoá dày xấp xỉ 4m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế ký VIII – IX đến thế kỷ XIX – XX) ở trục Trung tâm Hoành Thành Thăng Long. Mặc dù hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể vẫn góp phần nhận diện rõ thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm qua các thời.

Hiện trường khai quật thực tế

Nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2012 đến năm 2015, cuộc khai quật năm nay đã làm rõ phần cấu trúc góc Tây Nam của không gian Chính điện Kính thiên gồm có sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng từ thế kỷ XV đến thế ký XVIII.

Đặc biệt đã làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc thời Lý đang phát triển kéo dài về phía Quảng trường Đoan Môn và phát hiện thêm các loại móng cột mới. Các phát hiện khảo cổ năm 2016 tiếp tục cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực không gian chính điện Kính Thiên và góp phần làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoành thành Thăng Long.

Dấu tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trì, tổng thể và lâu dài.

Đức Huy /TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc