Huế – Thành phố di sản – Thành phố Festival của Việt Nam
Di sản đô thị Huế rất phong phú bao gồm: kiến trúc triều Nguyễn, kiến trúc phố thị, các lăng truyền thống, kiến trúc thuộc địa, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phi vật thể… rất cần được bảo tồn.
Sông Hương và Núi Ngự chính là điểm nhấn quan trọng mang đến vẻ đẹp: duyên dáng, thơ mộng và quyến rũ của Huế.
Sau 20 năm, Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được khôi phục.
Tiêu chuẩn cao nhất về bảo tồn di tích Huế là vừa giữ được tính nguyên gốc, vừa đem lại sinh khí mới để hòa nhập với đời sống của cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển đời sống kinh tế xã hội của địa phương.
Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại năm 1993. Nhờ có quần thể kiến trúc cung đình cổ kính, và khu thành nội với nhiều di tích khá tập trung nên Huế trở thành Thành phố hấp dẫn.
Nếu so sánh với Cố đô Kyoto của Nhật Bản, cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, thì Quần thể Cố đô Kyoto tuy không nhiều di tích và khá phân tán, song môi trường cảnh quan thiên nhiên lại được chăm sóc cẩn trọng, tỉ mỉ từ cây xanh, thảm cỏ, vệ sinh môi trường, đường xá và hạ tầng nên cố đô Kyoto trở thành TP hấp dẫn vào hạng nhất thế giới.
Thiết nghĩ cần có quy hoạch nâng cấp môi trường cảnh quan khu vực Cố đô, để Huế trở nên hấp dẫn hơn, trở thành thành phố Festival, điểm đến của du khách quốc tế.
Bảo tồn thành phố vườn, thành phố phong cảnh
Khác với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Huế vốn là thành phố vườn có đặc trưng riêng, mỗi nhà đều được bao quanh bởi nhiều cây cảnh và cây ăn quả. Đây là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sự trong lành của không khí và làm đẹp cảnh quan. Ngoài ra, trong Thành phố còn có tới z10 công viên với tổng diện tích hơn 36 ha.
Do vậy, trong quá trình đô thị hóa, Huế phải đảm bảo được đặc trưng của thành phố vườn – thành phố được quy hoạch xây dựng với các không gian xanh và vành đai xanh, trong đó các phân khu chức năng được xây dựng khá cách biệt.
Riêng khu vực Bắc sông Hương cần có quy hoạch nâng cấp bảo vệ các khu nhà vườn truyền thống, nhằm bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà vườn trong cố đô Huế hiện nay để hướng tới thành phố sinh thái.
Yếu tố phong cảnh của Huế được tạo dựng bởi hai triền sông Hương với dòng nước chảy tự nhiên, thư thái. Sông Hương là trục thiên nhiên khớp nối giữa hai khu vực Bắc, Nam thành phố Huế, do vậy khi quy hoạch xây dựng các công trình hai bên bờ sông Hương không được để phá vỡ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và hiền hòa, nhất là trong quá trình đô thị hóa khu vực Xuân Phú, Vĩ Dạ và Phường Đúc.
Phát triển Thừa Thiên – Huế trở thành Thành phố Huế vào năm 2015
Theo Quy hoạch đến năm 2015 thì tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ trở thành Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành phố đô thị trung tâm cấp quốc gia, đồng thời là Trung tâm của khu vực miền Trung.
Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong sự tiếp nối, là cầu nối giữa bảo tồn và phát triển của đô thị Huế.
Ngoài việc bảo tồn không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc bao gồm các di tích, quần thể kiến trúc cảnh quan tiêu biểu, Huế còn cần quan tâm bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Huế, nghĩa là tạo lập xung quanh di tích một không gian trang nghiêm, sang trọng, đẹp đẽ, thanh lịch và không gian tự nhiên từ các thành tố cấu thành đô thị như không gian sông Hương, không gian nhà vườn và hình thái đô thị – nông thôn.
Chìa khóa để bảo tồn, phát triển Huế trở thành Thành phố di sản là đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, nhằm phát huy văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, có một số vấn đề nên lưu ý là: Địa hình tỉnh Thừa Thiên – Huế phức tạp từ núi ra biển hẹp và dốc, bề ngang từ núi ra biển (60-70km), độ dốc phổ biến trên 33%, hàng năm có 5-6 trận lụt, nhiều khả năng nguy hại đến di sản và tính mạng tài sản của nhân dân. Mùa hè nước mặn thâm nhập vào sông Hương dẫn đến thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Do vậy, cần quy hoạch xây dựng hệ thống các hồ chứa nước trong đó có Hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương và đập ngăn mặn Thảo Long ở hạ lưu sông Hương. Đây là những biện pháp hữu hiệu trong giai đoạn biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao.
Phát triển Huế theo mô hình đô thị phân tán
Để giảm “hiệu ứng quy mô”, Thành phố Huế tương lai sẽ phát triển theo mô hình đô thị phân tán, đô thị vệ tinh, phát triển chùm đô thị sinh thái là để bảo tồn vẻ đẹp của Huế xưa.
Cơ cấu quy hoạch đô thị bao gồm: Thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị trung tâm, hạt nhân của chùm đô thị với các đô thị động lực như Chân Mây – Lăng Cô, Tử Hạ, Phú Bài và các đô thị vệ tinh Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền với bán kính từ 13 đến 15 km. Đây là các đô thị sinh thái nhỏ bao quanh đô thị sinh thái hạt nhân là Huế, mô hình này có ưu điểm là kết hợp được hai lối sống đô thị – nông thôn, hình thành một chùm đô thị sinh thái.
Các đô thị vệ tinh sẽ chia sẻ áp lực phát triển cho Thành phố Huế góp phần gìn giữ không gian văn hóa, cảnh quan kiến trúc, hướng tới mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững .
Tuy nhiên, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy: Xây dựng khu đô thị vệ tinh là cực kỳ tốn kém, do vậy trong giai đoạn trước mắt chỉ nên tập trung xây dựng trước vài đô thị vệ tinh, còn các khu đô thị khác thì tạm đưa vào khu vực bảo vệ môi trường thiên nhiên. Cùng với văn hóa xứ Huế với nếp sống kinh đô xưa, Huế sẽ trở thành đô thị sinh thái thiên nhiên và sinh thái nhân văn.
Phát triển nông nghiệp đô thị
Quan hệ giữa đô thị và nông thôn ngoại thành là quan hệ giữa Thành phố Huế hiện nay và Thừa Thiên, khu vực Thành phố Huế mở rộng. Đối với khu vực mới, quy hoạch nên theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp – đô thị… nhằm mục tiêu ly nông bất ly hương; phát triển theo mô hình nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Nông nghiệp – đô thị nói một cách đơn giản là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến để cung cấp thực phẩm cho thành phố và vùng ven đô.
Phát triển vùng đô thị Huế – Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Huế kết hợp lại sẽ trở thành cụm đô thị trung tâm của Vùng đô thị miền Trung, theo tổng kết của ESCAP thì ảnh hưởng của đô thị trung tâm có bán kính tới 50km.
Trong tương lai khi có đường sắt cao tốc thì bán kính ảnh hưởng có thể lên tới 150-200km, có thể đi làm và về trong ngày bằng Shinkansen tốc độ 200km/h để phục vụ cho các hoạt động trong vùng.
Tài liệu tham khảo
– Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển và bảo tồn bền vững giá trị di sản thế giới ở Việt Nam, nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế”, ngày 21/9/2013 tại TP Huế.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng