Người nặng lòng với di tích Chăm

Những bí ẩn của lịch sử nền văn minh Chămpa cổ xưa luôn thôi thúc ông rong ruổi khắp các miền quê để khai quật các di tích. Ông là nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều- Giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Nhà khảo cổ Nguyễn Chiều luôn say mê nghiên cứu hiện vật di tích Chăm.
Nhà khảo cổ Nguyễn Chiều luôn say mê nghiên cứu hiện vật di tích Chăm.

Dưới cái nắng tháng 8 chang chang, ông cẩn trọng đo vẽ, đánh số hiện vật, tỉ mẫn bóc dỡ từng lớp đất và hướng dẫn nhân công khai quật di tích. Từ khi bắt đầu khai quật di tích Chăm tại thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước – Hòa Vang – Đà Nẵng) ngày nào ông cũng tất bật như thế. “Chúng tôi đã thu được nhiều hiện vật rất giá trị tại di tích Chăm Quá Giáng, với 20 hiện vật đá đặc biệt, trong đó có 3 đầu tượng đá và đế bệ thờ có kích thước lớn được làm bằng đá nguyên khối lần đầu được phát hiện. Chúng tôi cũng phát hiện người Chăm đã tái sử dụng gạch ở đền tháp khác để xây dựng tháp Chăm ở Quá Giáng, bởi có nhiều viên gạch hoa văn, nhưng lại dùng để xây bậc tam cấp. Điều này thật thú vị”-ông Chiều hào hứng.

Miệt mài làm việc tại di tích Chăm Quá Giáng.
Miệt mài làm việc tại di tích Chăm Quá Giáng.

Gần 40 năm gắn bó với nghề khảo cổ, từng khai quật nhiều di tích văn hóa khác nhau, nhưng nhà khảo cổ Nguyễn Chiều luôn bị di tích Chămpa thu hút. Khi bắt đầu nghiên cứu di tích Chămpa và xây dựng chuyên đề để dạy trong trường, ông vấp phải không ít khó khăn. Những giáo sư khảo cổ hàng đầu khuyên: “di tích Chăm người Tây khai thác, viết thành sách hết rồi, còn gì mới đâu”. Bỏ qua tất cả, ông Chiều vẫn tin rằng, dưới những tầng đất của di tích Chăm chứa đựng những lời giải cho bí ẩn của lịch sử nền văn minh Chămpa. Thế nên sau nhiều năm nghiên cứu ông đã xây dựng được chuyên đề về di tích Chăm để giảng dạy cho sinh viên.

“Di tích Chăm đầu tiên tôi khai quật di tích Hậu Xá (Cẩm Thanh – Hội An), đây chỉ là phế tích Chăm nhỏ nên chỉ thu được vài hiện vật. Cuộc khai quật quy mô nhất phải kể đến di tích ở tháp Khương Mỹ (Núi Thành-Quảng Nam), chúng tôi khai quật trên diện tích 5.000 m2 và thu được nhiều hiện vật giá trị. Nhưng việc khai quật di tích Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng) vào năm 2012 mới có nhiều điều bất ngờ, bởi đây là lần đầu tiên người ta biết đến sự tồn tại hố thiêng trong các di tích, đền tháp mà người Chăm xây dựng, điều mà ngày trước người Pháp chưa từng biết đến. Với tôi mỗi hiện vật Chăm thu được mang ý nghĩa rất lớn, có khi một mảnh gốm nhỏ cũng cho ta biết trình độ phát triển kinh tế xã hội của người Chăm. Vào năm 1993, tôi cùng mấy nhà khảo cổ nước ngoài khai quật di tích Chăm ở Trà Kiệu (Duy Xuyên – Quảng Nam) phát hiện mảnh gốm có nguồn gốc Ấn Độ, có niên đại trước công nguyên. Nó chứng minh từ xa xưa, người Chăm đã có sự giao lưu với Ấn Độ” – ông Chiều nói.

Ông cũng tâm sự: “Ngành khảo cổ cực lắm, thế nên đến nay có rất ít sinh viên chọn nghề này, một năm chỉ có 4 đến 5 em theo học. Bây giờ tôi đã về hưu rồi nhưng cũng phải tham gia giảng dạy và dẫn sinh viên đi thực địa khai quật, vì không có người. Nguồn nhân lực cho ngành khảo cổ học đang rất thiếu”. Nặng lòng với ngành khảo cổ nước nhà, với những bí ẩn Chămpa cần nhiều thời gian để giải mã nên lúc nào nhà khảo cổ Nguyễn Chiều cũng trăn trở nỗi lo về đội ngũ kế cận.

Hoàng An /CAND