Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan Làng cổ Hội Kỳ (Quảng Trị)

Làng cổ Hội Kỳ thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm bên dòng sông Ô Lâu, được hình thành cách đây hơn 500 năm. Nơi đây là một trong số ít làng quê ở Quảng Trị còn giữ được những nét cổ xưa và lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, cảnh quan truyền thống. Đặc biệt, Hội Kỳ còn sở hữu những ngôi nhà rường có độ tuổi hơn 100 năm có giá trị nổi bật cần được trân trọng và giữ gìn.

Sơ đồ cấu trúc làng Hội Kỳ
Đình làng được xây dựng năm 1956

Nhận diện giá trị kiến trúc cảnh quan Làng cổ Hội Kỳ

Giá trị cấu trúc không gian làng

Làng cổ Hội Kỳ được trải dài ven sông với chiều dài gần 1km, chiều rộng 0,5km. Làng quay về hướng Đông Nam, nhìn ra dòng sông Ô Lâu, làng xóm ẩn mình sau lũy tre xanh, tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ cho dân làng, đồng thời nó còn là ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã, thể hiện đặc điểm đóng kín và độc lập của làng.

Hệ thống đường làng được phân nhánh kiểu răng lược. Trong làng có trục đường chính, dưới là các ngõ xóm. Đường làng trước đây là những con đường đất đỏ rộng khoảng 2-3m; đường chính rộng khoảng 4-5m nay đã được bê tông hóa. Hai bên đường làng trồng những hàng tre, chè tàu được xén tỉa tỉ mỉ, tạo nên tuyến đường làng vừa có bóng mát, vừa có cảnh quan đẹp và thật sinh thái.

Cấu trúc không gian làng Hội Kỳ vẫn còn giữ được những nét cổ xưa. Ấn tượng nhất là con đường làng đi dọc theo sông Ô Lâu – Một bên là dãy nhà rường tiếp nối nhà rường nằm giữa những khu vườn, với những hàng chè tàu “phân chia mà không ngăn cách”; một bên là dãy tre ngà xanh ngát, rợp bóng chạy dài uốn lượn quanh làng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thanh bình, hiền hòa bên dòng sông.

Ngoài ra, làng còn có hệ thống các công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng dày đặc và cổ kính như đình, đền, miếu, nhà thờ họ… lưu giữ được những giá trị về không gian văn hóa cộng đồng đặc trưng, thuần khiết của làng quê truyền thống.

Trong tổng thể cấu trúc không gian làng, nhà ở nông thôn truyền thống được bố cục hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu và tập quán sinh hoạt, sản xuất.

Nhà rường 3 gian 2 chái của gia đình bà Dương Bích Ngọc, có niên đại gần 200 năm

Qua khảo sát, hiện nay trong làng còn 20 ngôi nhà rường cổ được chia làm hai dạng: Nhà ba gian hai chái (6 nhà) và nhà một gian hai chái (14 nhà). Đây là hai dạng nhà rường phổ biến ở Quảng Trị. Đặc biệt trong số đó có 6 ngôi nhà với niên đại từ 100 đến 200 năm có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và kiến trúc.

Đặc điểm kiến trúc của các ngôi nhà rường ở Hội Kỳ thể hiện nguyên vẹn những đặc trưng kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống tỉnh Quảng Trị.

Nhà chính được bố trí các chức năng quan trọng như thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt, ngủ và cất chứa tài sản. Hệ kết cấu chính của ngôi nhà được làm từ gỗ mít địa phương, sử dụng liên kết mộng, có thể tháo rời được. Trên toàn bộ khung gỗ chịu lực, ngoài hàng cột tròn được bào nhẵn thì các bộ phận kết cấu khác được trang trí chạm khắc công phu với các họa tiết cách điệu hình đầu rồng, đao mác, bát bửu, dây leo kết hợp với các đường diềm hồi văn, kỷ hà… tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng và có tính nghệ thuật cao cho công trình. Nền nhà được tôn cao để hạn chế ảnh hưởng của ngập lụt. Hàng hiên rộng có tác dụng che nắng, chắn mưa. Mái lợp ngói liệt giúp cách nhiệt tốt, giảm bức xạ mặt trời vào ngôi nhà, có độ dốc lớn để thoát nước nhanh, đồng thời, mái hiên vươn rộng ra khỏi chân tường để bảo vệ tường nhà khỏi rêu mốc, ẩm ướt. Hệ thống cửa được làm theo hình thức “thượng song hạ bản” để đảm bảo ánh sáng và tạo sự thông thoáng cho ngôi nhà khi đóng cửa. Tỉ lệ, hình thức thẩm mĩ và vật liệu xây dựng làm nhà gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Bên trong các ngôi nhà cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ những cổ vật quý như bộ ngựa, bàn thờ, đỉnh đồng, bát nhang, hoành phi, câu đối…

Nhà phụ nằm sát nhà chính, là nơi đặt bếp, phòng ăn, kho chứa lương thực và công cụ sản xuất… Quy mô, cấu trúc nhà phụ nhỏ hơn nhà chính và vật liệu xây dựng đơn giản, ít cầu kỳ.

Phía trước nhà có khoảng sân rộng để phơi phóng, đan lát, làm nghề phụ và là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Ngoài khoảng sân có một cái am để thờ thổ thần, có khi thờ vong linh, cô hồn. Am thường được xây bằng gạch, có một cột trụ đỡ một bệ thờ.

Khuôn viên của nhà được bao quanh bằng những hàng rào thoáng bằng hàng chè tàu, tre. Cổng ngõ, bình phong thường do các cây dây leo, thảo mộc được uốn lượn, cắt tỉa mà thành. Trước nhà trồng những hàng cau tạo thành mảng xanh che nắng phía trên nhưng vẫn đón gió mát Đông Nam vào. Sau nhà trồng các bụi chuối, tre, cây ăn quả chắn gió bão, che chắn cho ngôi nhà. Trong vườn trồng các loại rau màu, hai bên và trước nhà thường có giàn leo thiên lý, mướp, bầu, bí… Vườn trong nhà vừa để tự cung tự cấp cho bữa ăn gia đình, vừa để làm kinh tế, và có tác dụng cải tạo vi khí hậu, là giá trị nghệ thuật to lớn cần được kế thừa.

Nhận diện các yếu tố tác động tới cấu trúc không gian Làng và kiến trúc nhà ở truyền thống

Quá trình phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa, đô thị hóa… đã tác động đến hầu hết các mặt khác nhau của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo làng Hội Kỳ theo hướng tích cực như: Cơ sở hạ tầng phát triển, tạo ra nhiều việc làm, mức sống của người dân được nâng cao… Tuy nhiên, đi cùng với đó là những nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian làng và kiến trúc nhà ở truyền thống, tác động tiêu cực tới các giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan.

Các họa tiết trang trí vì kèo, xà gồ

(i) Phong trào “bê tông hóa” nông thôn, “hiện đại hóa” các công trình kiến trúc đã diễn ra trong những năm gần đây ở làng Hội Kỳ. Hệ thống đường làng được bê tông hóa; một số ngôi nhà đã xây tường bờ rào thay thế cho hàng chè tàu, đổ sân bê tông thay thế cho sân lát gạch… làm cho hình ảnh làng Hội Kỳ trở nên khô cứng, bớt cổ xưa hơn so với trước đây;

(ii) Dân số tăng nhanh và nhu cầu tách hộ nên nhiều gia đình đã tự chia phần đất trong khuôn viên cho các con cháu làm nhà ở. Vì vậy, diện tích đất trong khuôn viên ở ngày càng bị thu hẹp. Cùng với đó là sự xuất hiện các công trình mới trong làng như nhà văn hóa thôn, xưởng sản xuất, cửa hàng buôn bán… đã làm tăng mật độ xây dựng, giảm tiện nghi môi trường của làng quê. Các công trình này thiếu sự đầu tư nghiên cứu về kiến trúc, chưa ăn nhập và khai thác các yếu tố kiến trúc truyền thống bản địa gây nguy cơ phá vỡ không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống;

(iii) Qua thời gian, số lượng nhà rường truyền thống đang ngày càng ít dần và bị xuống cấp, hư hỏng. Hệ mái ngói liệt trải qua thời gian mưa bão bị thấm dột; các cấu kiện gỗ bị mối mọt, hư hỏng cần phải thay thế. Nhiều chủ nhân ngôi nhà muốn thay lại những vật liệu xưa, chạm trổ trên các cấu kiện gỗ nhưng việc tìm vật liệu không có, tìm thợ giỏi, lành nghề khó khăn và chi phí rất cao nên họ cũng bỏ cuộc. Do đó, các cấu kiện xuống cấp, hư hỏng sau này đã được thay thế bằng những vật liệu mới, hiện đại làm “trẻ hóa” di sản kiến trúc.

Mặt khác, công năng sử dụng không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại (nhà thấp, ít phòng, hiên nhà nhỏ…) nên những ngôi nhà rường truyền thống phần lớn được chủ nhà làm nhà thờ và xây dựng nhà mới nằm sát bên cạnh với công năng phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn. Nhà mới bên cạnh được xây dựng theo kiểu hiện đại, phát triển theo chiều cao, nhưng lại không kế thừa và ăn nhập với kiến trúc nhà rường truyền thống. Một số hình thức kiến trúc vay mượn vội vàng từ đô thị đưa vào nông thôn đã tạo nên sự mất hài hòa, ảnh hưởng đến không gian cảnh quan kiến trúc.

(iv) Với mức sống nông thôn ngày càng được nâng lên, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, thì nhu cầu về xây dựng nhà ở, đầu tư trang thiết bị tiện nghi, hiện đại phục vụ cho cuộc sống ở nông thôn được người dân quan tâm hơn. Khi nhu cầu ở của người dân tăng cao thì xu hướng biến đổi về cấu trúc không gian ngay trong làng sẽ càng diễn ra mạnh mẽ. Nếu không được quy hoạch, quản lý chặt chẽ thì cấu trúc làng cổ Hội Kỳ sẽ bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi, đánh mất bản sắc truyền thống.

Lối vào nhà với hai hàng chè tàu được cắt xén cẩn thận

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc – cảnh quan Làng cổ Hội Kỳ trong quá trình phát triển

Sự biến đổi cấu trúc không gian làng và khuôn viên nhà ở là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu để mọi việc diễn ra một cách tự phát, thiếu kiểm soát như hiện nay thì sẽ có nguy cơ làm mất đi các giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan của làng. Do đó, cần có các giải pháp bảo tồn và kế thừa những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan làng Hội Kỳ để thích ứng với quá trình phát triển:

(i) Tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện về cấu trúc không gian làng, nhà ở truyền thống và các công trình văn hóa tín ngưỡng hiện có trong làng; xác định đặc điểm và đánh giá những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của làng Hội Kỳ; lập hồ sơ đo vẽ hiện trạng, chụp hình, lập mô hình 3D các công trình có giá trị cao để lưu trữ số liệu, nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, phục vụ cho công tác bảo tồn và khôi phục sau này;

(ii) Công nhận Làng cổ Hội Kỳ là di tích cấp tỉnh và xem nhà rường có niên đại hàng trăm năm là những di sản kiến trúc quý giá để có cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị. Tiến hành phân loại, xếp hạng theo nhóm những nhà rường ít bị biến đổi, hư hỏng một phần, hư hỏng nặng… để có thể theo dõi và đưa vào kế hoạch trùng tu, phục hồi khi có điều kiện về kinh phí;

(iii) Ðộng viên, giúp đỡ, hỗ trợ người dân về phương pháp bảo quản, giữ gìn, sửa chữa đúng theo quy trình bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống; tránh những biến đổi làm ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan;

(iv) Chính quyền địa phương cần dành ra một khoản ngân sách để hỗ trợ chủ nhân các ngôi nhà cổ trong công tác bảo quản thường xuyên như chống mối mọt, sửa chữa một số hạng mục gỗ bị hư hỏng…; nghiên cứu đưa ra các mẫu thiết kế nhà ở nông thôn vừa kế thừa các giá trị kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống, vừa phù hợp với cuộc sống của người dân trong thời đại mới; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng để áp dụng rộng rãi, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ khi người dân trong làng đồng ý thực hiện các mẫu nhà ở này;

(v) Khai thác phát triển các hoạt động du lịch về làng cổ. Du lịch phải mang lại lợi ích thiết thực cho chủ nhân các ngôi nhà cổ, di sản phải trở thành nguồn sống, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Kế thừa và phát huy những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan truyền thống trong quy hoạch, thiết kế xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhằm tạo nên một không gian kiến trúc phát triển bền vững theo hướng hiện đại và phát huy giá trị truyền thống;

Nhà mới xây bên cạnh có kiến trúc không ăn nhập với nhà rường truyền thống
Bờ rào và lối vào bằng hàng chè tàu đã được thay thế bằng tường xây

Kết luận

Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, làng Hội Kỳ vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa. Làng tiêu biểu cho một mô hình cư trú bền vững thích ứng với địa hình điều kiện tự nhiên, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, sản xuất và ở của người dân trong một thời gian dài. Làng cổ Hội Kỳ hội tụ đầy đủ những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, không gian cảnh quan… xứng đáng là di sản cần được bảo tồn và kế thừa trong quá trình phát triển.

THS.KTS Hoàng Đức Anh Vũ
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương (2010), Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội.
2. Nguyễn Đình Thi (2011), Kiến trúc nhà ở nông thôn, Nxb. Khoa học Kỹ thuật.
3. Hoàng Đức Anh Vũ (2018), Quá trình biến đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn tỉnh Quảng Trị, Tạp chí Kiến trúc, số 8-2018.