Bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội: Thành quả và thách thức trong lộ trình phát triển bền vững

Trong thời gian qua, KPC Hà Nội thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền… Ngày 26/5/1994, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 72-TB/TW về một số vấn đề quy hoạch, xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó có nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, tôn tạo KPC Hà Nội. Ngày 30/3/1995, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 70/BXD/KT-QH phê duyệt Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển KPC Hà Nội. UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 4/6/1999 kèm theo Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo KPC Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, đồng chí Phạm Quang Nghị – UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã 3 lần làm việc với quận Hoàn Kiếm về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KPC Hà Nội.

Lãnh đạo TP Hà Nội và Quận Hoàn Kiếm trong dịp khai trương tuyến phố đi bộ khu bảo tồn cấp I Ảnh trong bài: BQL Phố cổ Hà Nội
Lãnh đạo TP Hà Nội và Quận Hoàn Kiếm trong dịp khai trương tuyến phố đi bộ khu bảo tồn cấp I
Ảnh trong bài: BQL Phố cổ Hà Nội

Sau 20 năm thành lập, đặc biệt là từ khi Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội được chuyển giao về quận Hoàn Kiếm trực tiếp quản lý điều hành (từ tháng 9/2007 đến nay), quận Hoàn Kiếm đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KPC Hà Nội, thể hiện ở hai nội dung sau:

1. Công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể:

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong KPC được chú trọng thông qua việc khôi phục các lễ hội truyền thống. Các hoạt động bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Quận đã triển khai Đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân trong KPC” một cách bài bản, nghiêm túc. UBND quận đã chỉ đạo xây dựng, triển khai các giải pháp đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hoá và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách quận để tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội. Gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc KPC với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch của Quận và Thành phố.

IMG_0209 - Copy
Khánh thành dự án Bảo tồn Đình Phả Trúc Lâm

 

Quận đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội xây dựng Đề án “Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong KPC và khu vực hồ Hoàn Kiếm”, đã phê duyệt đề án bảo tồn 14 lễ hội (trong đó 07 lễ hội cấp Quận, 07 lễ hội cấp phường). Các lễ hội được khôi phục, thu hút người dân tham gia được gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Yên Thái, Đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ…; tổ chức các hoạt động triển lãm tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào; đền Quan Đế 28 Hàng Buồm, đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ… Đây thực sự là những giải pháp khả thi và hiệu quả trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội.

Lễ hội Trung thu trong khu phố cổ
Lễ hội Trung thu trong khu phố cổ

 

Dạy trẻ em làm đồ chơi Truyền thống dịp Trung thu Phố cổ
Dạy trẻ em làm đồ chơi Truyền thống dịp Trung thu Phố cổ

 

Các di tích tiếp tục được xếp hạng và bảo vệ. Từ năm 2010 đến nay đã xếp hạng xong di tích cấp Quốc gia Đình Kim Ngân, đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Đông Thành, đền Hương Tượng, đền Quán Đế…

Các hoạt động văn hóa, lễ hội tiếp tục được củng cố, tăng cường như: chợ hoa Tết Hàng Lược, hoạt động văn hóa đường phố và các câu lạc bộ ca trù trong di tích.

 

Công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể:

Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng các kế hoạch dài hạn đối với việc trùng tu các công trình di tích, công trình kiến trúc có giá trị. Hàng năm, Quận đã dành một khoản lớn ngân sách để GPMB, di chuyển các hộ dân kết hợp với nguồn xã hội hóa trùng tu các công trình di tích trong KPC. Công việc này chính là sản phẩm bước đầu của Đề án Giãn dân KPC, giúp cho người dân sống trong các công trình di tích có nơi ở mới khang trang, giảm áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo tồn được các công trình có giá trị kiến trúc, nhu cầu tín ngưỡng của người dân được khôi phục, thu hút khách du lịch, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của cộng đồng dân cư, các giá trị phi vật thể của di tích được phát huy và trở thành thiết chế văn hóa tại cơ sở trong khi quận Hoàn Kiếm không có quỹ đất.

Quận tập trung triển khai thực hiện Đề án giãn dân phố cổ đã được Thành ủy UBND TP phê duyệt; sau một thời gian chuẩn bị, đến nay đã chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Quận cũng chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển 1530 hộ dân theo dự án “đầu đi” – tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi KPC giai đoạn I. Bên cạnh đó, Quận cũng đang phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng của TP để tìm và lựa chọn quỹ đất (khoảng 30ha) tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ – Giai đoạn II của Đề án, di chuyển tiếp 5020 hộ dân đến nơi ở mới, phấn đấu đến năm 2020, mật độ dân số trong KPC là 500 người/ha.
Hàng chục di tích đã được giải phóng mặt bằng, được trùng tu với nhiều di tích quan trọng như: đền Bạch Mã, đình Nam Hương, đình Yên Thái, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Thành, đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Tân Khai, chùa Thái Cam, chỉnh trang mặt đứng phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông…

Có thể nói, trong thời gian qua, việc tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản trong KPC đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đời sống và nhận thức của người dân trong KPC ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các kỳ ĐH Đảng bộ Quận đều xác định công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KPC Hà Nội luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Quận đã tập trung mọi nguồn lực phát huy giá trị di sản, KPC Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là động lực cho phát triển kinh tế – thương mại – du lịch trên địa bàn quận, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch” mà Chương trình 04-CTr/TƯ của Thành ủy Hà Nội đã đề ra.

Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào sau dự án trùng tu
Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào sau dự án trùng tu

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy: Bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản trong KPC Hà Nội là một công việc, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng, nội dung một số hoạt động văn hóa – lễ hội chưa thực sự hấp dẫn; việc triển khai Đề án giãn dân còn chậm; công tác GPMB gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo các công trình di sản…
Về việc này, Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ đã làm rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan:

  • Việc bảo tồn KPC Hà Nội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, khó và phức tạp tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, thay đổi kinh tế chính trị, xã hội của một khu vực di sản khi các quy định pháp lý, nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn còn nhiều hạn chế.
  • KPC có mật độ dân cư đông đúc, chủ yếu là các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, giá trị bất động sản cao. Dân cư tập trung đông, sở hữu nhà đất phức tạp, kinh tế phát triển nhanh, mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý về bảo tồn và nhu cầu phát triển của người dân, cơ chế chính sách chưa đồng bộ.
  • – Do mâu thuẫn giữa nhu cầu cải tạo xây dựng nhà ở của người dân với yêu cầu quản lý về quy hoạch kiến trúc của KPC nên khi vi phạm trật tự xây dựng nhiều chủ đầu tư tìm mọi biện pháp để vi phạm và đối phó với công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
  • – Công trình nhà ở xuống cấp. Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội cũ, lạc hậu.
  • – Việc áp dụng các kinh nghiệm bảo tồn Quốc tế vào thực tiễn trong KPC Hà Nội còn chậm.
  • – Nận thức của cộng đồng và hiệu quả đem lại của bảo tồn di sản cho phát triển kinh tế còn chậm.
  • Phối hợp giữa các ngành các cấp chưa hiệu quả. Trình độ của cán bộ quản lý, của các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công tu bổ di tích còn hạn chế. 
  • – Chất lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng chuẩn Quốc tế.

Trong giai đoạn tới, quận Hoàn Kiếm còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả các tiềm năng của KPC Hà Nội. Các nhiệm vụ cụ thể là:

  1.  Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý – bảo tồn KPC Hà Nội;
  2. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp chủ động – tham mưu cho TP trong các công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội;
  3. Phối hợp các Bộ, ngành TW, các Sở, ngành TP đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về giá trị và trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo KPC;
  4.  Làm tốt công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, chỉnh trang đô thị, cải tạo chỉnh trang kiến trúc mặt đứng các tuyến phố; phối hợp chặt chẽ với Cục Di sản Văn hóa, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Nội trong công tác cấp phép xây dựng, quản lý QH – KT KPC Hà Nội theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội; triển khai thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố, cải tạo ô phố trong KPC;
  5. Làm tốt công tác giãn dân, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để quản lý đối với các diện tích nhà, đất của các hộ dân đã di chuyển;
  6. Đầu tư GPMB, tu bổ, tôn tạo 100% các công trình di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, bảo tồn các công trình nhà ở có giá trị kiến trúc, cải tạo không gian công cộng trong khu vực phố cổ;
  7. . Tiếp tục cải tạo hạ tầng, từng bước tổ chức lại giao thông trên địa bàn, để KPC trở thành không gian đi bộ gắn với khu vực hồ Hoàn Kiếm, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước;
  8. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội. Lập quỹ bảo tồn di sản KPC Hà Nội;
  9. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản;
  10. Tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể KPC Hà Nội, phát triển du lịch văn hóa liên kết hệ thống di sản quốc gia. Tiếp tục khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật để KPC trở thành Trung tâm văn hóa của cả nước.
20h tối thứ 3,5,7 hàng tuần tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long trình diễn ca trù cho các du khách trong nước và nước ngoài
20h tối thứ 3,5,7 hàng tuần tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long trình diễn ca trù cho các du khách trong nước và nước ngoài

Với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo TP, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan TW và TP Hà Nội, sự tham gia của người dân đang sinh sống trong KPC… quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy những lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KPC Hà Nội, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân trong KPC.

TS.KTS Dương Đức Tuấn
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc, Số 08-2015)