Khu trung tâm của Chùa là nơi thờ Phật. Ở mỗi vùng miền, với giáo phái, tông phái khác nhau, số tượng Phật khác nhau dẫn đến việc bài trí tượng Phật khác nhau và cấu trúc mặt bằng khu trung tâm cũng khác nhau. Bài viết đề cập đến các loại hình cấu trúc mặt bằng khu trung tâm của Chùa Việt và các yếu tố tác động đến nó.
Khái quát về Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Việt Nam là phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào Việt Nam, mang những đặc điểm tương đồng và khác biệt so với Phật giáo của các nước khác trên thế giới. Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ đại nên mang nhiều nét của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tôn giáo. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam, mang nhiều ảnh hưởng của hệ phái Phật giáo Bắc tông – Phật giáo đại thừa.
Tuy nhiên, ở khu vực miền Nam, hệ phái Phật giáo Nam tông – Phật giáo tiểu thừa cũng có ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong cộng đồng người Khmer Nam bộ.
Hệ phái Phật giáo Bắc tông
Tông phái Thiền tông
Thiền tông được Bồ-đề-đạt-ma truyền sang Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6. Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, Thiền tông ngay sau đó không lâu cũng được truyền sang Việt Nam, với dấu ấn của dòng Thiền Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci). Sư vốn là người Ấn Độ, qua Trung Quốc đắc pháp với Tam tổ Tăng Xán rồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ.
Khi Lục tổ Huệ Năng phát dương rực rỡ Thiền tông Trung Quốc, nhưng đặc tính của nó cũng xuất hiện ở Việt Nam với các dòng Thiền Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Tông phái Tịnh độ tông
Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu tâm dựa vào tha lực của Phật A Di Đà để đắc đạo. Dù vậy đương sự vẫn phải tự lực dốc lòng niệm Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni có lần thuyết giảng: “Một viên đá dù nhỏ đến mấy mà ném xuống nước thì nó cũng chìm, nhưng nếu một hòn đá dù to đến mấy mà đặt trên bè thì nó cũng nổi” nên Tịnh độ tông cho là dù nghiệp nặng tới đâu việc thành tâm niệm Phật cũng sẽ là phương tiện giúp tín đồ sau khi mãn kiếp sẽ tới miền Cực lạc.
Theo Tịnh độ tông cõi Cực lạc là một nơi sinh linh không bị buộc vào vòng luân hồi. Nơi đó Phật A Di Đà (tiếng Phạn: Amitabha) là giáo chủ. Phật tử có thể dùng công đức, làm việc thiện, đọc kinh, niệm Phật (nhất là tụng danh Phật A Di Đà), hồi hướng thiện tâm mà góp sức cứu sinh linh lớn nhỏ thì mai sau cũng sẽ đắc quả. Không như Thiền tông dựa vào tâm lực để giác ngộ, Tịnh Độ tông mở lối cho Phật tử vi giác qua công quả, có phần thực tế và giản dị hơn việc luyện trí tập thiền nên tông phái này rất phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy mà đi đến chùa nào cũng nghe câu “Nam mô A Di Đà Phật” (có nghĩa là “Nguyện quy y đức Phật A Di Đà”) và gần như chùa nào cũng lập tượng Phật A Di Đà để thờ.
Tông phái Mật tông
Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ. Cũng còn gọi là Lạt Ma tông, Mật tông là sự hợp nhất giới luật của thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) và nghi thức tác pháp của Kim Cương thừa. Tương truyền rằng Mật tông do đức Phật Đại Nhật khởi xướng. Mật tông có hai bộ kinh cơ bản là Đại Nhật kinh và Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh. Như vậy, từ thế kỉ thứ 3 đến thế kỉ thứ 7, Thiền tông Việt Nam mang đậm giáo nghĩa Tam Luận tông của Long Thụ, mà đặc biệt là tư tưởng Bát-nhã-ba-la-mật-đa của Long Thụ và Vô Trước. Các thiền sư thuộc Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi không chỉ uyên thâm về Phật pháp mà nhiều vị rất có uy tín với triều đình và biểu thị rõ ý thức độc lập tự chủ của đất nước.
Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh,…
Hệ phái Phật giáo Nam tông
Phật giáo Nam tông được truyền rất sớm vào Việt Nam do các tổ sư Ấn Độ truyền bá nhưng đến khi Đại thừa truyền vào từ Trung Quốc thì dần dần thay thế Phật giáo Nam truyền.
Hiện nay Phật giáo Nam tông phát triển mạnh ở miền nam chủ yếu là Phật tử đồng bào dân tộc Khmer. Mãi đến cuối những năm 1930, thì các sư Hộ Tông, Bửu Chơn, Thiện Luật… truyền bá Phật giáo Nam tông từ Campuchia. Hiện nay, Phật giáo Nam tông (Theravada) là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Đạo phật Khất sĩ Việt Nam là một tông phái Phật giáo nội sinh do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ 1944, lấy chí nguyện “ Nối truyền Thích ca chính Pháp”, sư đã dung hợp hai truyền thống Đại thừa phát triển mạnh và Nam truyền gần gũi với lời dạy gốc của Đức Phật.
Như vậy Đạo Phật du nhập vào Việt Nam theo nhiều hướng, nhiều thời điểm và nhiều tông phái khác nhau, đã để lại dấu ấn khác nhau trong các giai đoạn phát triển của Phật Giáo Việt Nam. Có hai giáo phái chính du nhập vào là Tiểu thừa và Đại thừa. Giáo phái Tiểu thừa (con đường giải thoát hẹp) còn được gọi là Phật giáo Nam tông, chỉ thờ Thích Ca Mâu Ni. Trái lại, giáo phái Đại thừa (con đường giải thoát rộng) còn được gọi là Phật giáo Bắc tông, cho rằng Phật là đấng tối cao, ngoài ra còn thờ cúng thêm nhiều đức Phật của các địa bàn mới, phù hợp với điều kiện địa phương. Phật giáo Đại thừa cho rằng con người có thể tự giải thoát và giúp cho nhiều người khác được giải thoát.
Cấu trúc mặt bằng khu trung tâm chùa Việt
Chùa Việt là một quần thể các thành tố kiến trúc được tổ hợp theo một trục dọc hoặc quy tụ về tâm điểm là khu trung tâm – điện thờ Phật của Chùa.
Với hai giáo phái chính: Tiểu thừa và Đại thừa được du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa vào, cùng văn hóa địa phương đã tác động không nhỏ đến cấu trúc mặt bằng khu trung tâm của Chùa Việt.
* Miền Bắc Bộ
Phật giáo từ Ấn Độ, Trung Quốc – Phật giáo Đại thừa du nhập vào Bắc Bộ, nên khu trung tâm có nhiều tôn tượng: Phật (Buddha), Bồ tát (Bodhisattva), tượng thần, tượng Mẫu…của tín ngưỡng dân gian.
Khu trung tâm chùa miền Bắc thường gồm 3 nếp nhà: Tiền đường (Bái đường), Thiêu hương, Thượng điện (chính điện). Ba nếp nhà này nối liền với nhau tạo thành một cụm mặt bằng dạng chữ “Đinh”, chữ “Tam”, chữ “Công” hay chữ “Nội Công Ngoại Quốc”… Khu trung tâm có không gian tập trung thống nhất, số lượng gian trong một nếp chùa thường là số lẻ (3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái…), hình thành nên trọng tâm và thứ yếu.
- Tiền đường (Bái đường): Nhà tiền đường thường có 5 gian, bày một số tượng, trong đó có 2 tượng Hộ Pháp, bia đá, chuông, khánh.
- Thiêu hương: Là nếp nhà nối liền tiền đường và thượng điện, chức năng: cầu kinh, gõ mõ, niệm Phật của các nhà sư cùng các Phật tử. Quy mô và kết cấu của gian này hoàn toàn phụ thuộc vào kết cấu kiến trúc của khu trung tâm.
- Thượng điện (Chính điện): đây là bộ phận cấu thành quan trọng của khu trung tâm ngôi chùa. Trong thượng điện bày những pho tượng Phật chủ yếu của điện thờ.
* Miền Trung Bộ
Ðối với miền Trung, Phật giáo thâm nhập vào theo hướng: các vị truyền giáo truyền bá Phật pháp theo đường biển sang Ðà Nẵng và từ Ðà Nẵng đi các vùng miền Trung. Vùng Trung Bộ có một thời kỳ thuộc vương quốc Chămpa trước khi thuộc về người Việt. Do đó, lịch sử vùng đất Trung Bộ đi liền với sự cộng cư và hoà nhập giữa hai nền văn hoá lâu đời đó.
Do sự phân chia quyền lực phong kiến Ðàng Trong – Ðàng Ngoài ngăn cách, kiến trúc ngôi chùa khi đã được hoàn thiện ở miền Bắc ít được kế thừa ở miền Trung. Tuy nhiên các loại hình kiến trúc có sớm hơn cũng được kế thừa tại đây.
Ðiểm khác biệt với miền Bắc là xuất hiện bố cục khu trung tâm dạng chữ Khẩu ra đời, chùa Quốc Ân khánh thành năm 1684 ( Huế), chùa Hàm Long (Huế) xây dựng cuối thế kỷ 17, chùa Thiền Tông (Huế) xây dựng năm 1708, chùa Từ Hiếu (Huế) xây dựng năm 1848, chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh xây dựng năm 1677, chùa Long Khánh xây dựng năm 1655 (Bình Ðịnh), chùa Ðông Thuyền (Huế)… Chùa chữ Khẩu ra đời do người Kinh vào đây tiếp thu văn hoá Ấn Ðộ giáo qua người Chăm – coi số 4 rất thiêng liêng, nên xây dựng chùa gồm 4 toà nhà. Hơn nữa, ngôi chùa chữ Khẩu tạo nên một Thiên Tỉnh ở giữa, lấy ánh sáng ra bốn bên nhằm đề cao mệnh trời. Chùa chữ Khẩu gồm khu chính điện trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ, khu nhà hậu làm nhà Thiền, khu Ðông đường và Tây đường hai bên là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Kể từ Quảng Trị trở vào thì xuất hiện nhiều chùa thuộc hệ phái Nam Tông và hệ phái Khất sĩ. Kiến trúc và Phật điện của các hệ phái này tương tự như ở miền Nam.
* Miền Nam Bộ
Tiến trình lịch sử của Nam Bộ có những nét khác biệt so với các địa phương khác. Nếu như Trung Bộ, Bắc Bộ là những vùng lịch sử liên tục thì Nam Bộ có lịch sử phát triển trải qua sự ngắt quãng, sự biến mất của nền văn hóa Óc Eo vào cuối thế kỉ VI, vùng Nam Bộ rơi vào tình trạng hoang vu hiểm trở. Thế kỉ XVI, với sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài giữa hai họ Trịnh và Nguyễn, lấy sông Gianh làm ranh giới đã là một mốc quan trọng ảnh hưởng đến lịch sử Phật giáo. Một phần nào đó những ảnh hưởng từ phương Bắc đã được xem như không còn phát huy tác dụng với miền Nam Bộ. Và đây chính là dấu ấn tạo cho Phật giáo Đàng Trong mang những đặc trưng mới trong quá trình phát triển sau này.
Từ thế kỉ 17, Nam Bộ có nhiều thành phần dân cư khác nhau đến định cư tại các thời điểm khác nhau, vì thế các hình thức tôn giáo tín ngưỡng phong phú, đa dạng. Song Phật giáo vẫn luôn là tôn giáo chủ đạo.
Phật giáo thâm nhập vào Nam Bộ bằng 3 hướng chính:
- Hướng từ miền Thuận Quảng, những nhà sư người Việt, người Hoa theo cả đường thuỷ và đường bộ vào Sài Gòn.
- Hướng từ Trung Quốc, những nhà sư theo đường biển từ Trung Quốc vào Sài Gòn.
- Hướng từ Campuchia, những nhà sư theo đường bộ vào Sài Gòn. Phật giáo Nam Bộ bắt đầu được mở mang cùng với sự khai phá đất đai của di dân. Những ngôi chùa, am đầu tiên được xây dựng khoảng thế kỷ 17 để thoả mãn nhu cầu về tinh thần cho người dân ở vùng đất mới. Thời chúa Nguyễn, ở Ðàng Trong với địa thế thuận lợi, nơi gặp gỡ của các dân tộc khác nhau, giao lưu giữa các nền văn hoá khác nhau dẫn đến tính chất đa dạng của Phật giáo trong cộng đồng người Nam Bộ đến ngày nay. Các ngôi chùa xây dựng trong thế kỷ 18 còn lại cho đến ngày nay trở thành đặc trưng cho kiến trúc chùa cổ Nam Bộ như Giác Lâm, Giác Viên… Phật giáo Nam Bộ thời kỳ Pháp thuộc, Phật giáo bắt đầu bị suy thoái. Từ năm 1860 – 1865, nhiều ngôi chùa cổ bị đập phá hoặc sử dụng làm phòng tuyến, đồn bót… Tình trạng này kéo dài đến những năm 20 của thế kỷ 20. Phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu khởi sắc và có những kết quả nhất định thì chiến tranh lại nổ ra. Từ thế kỷ 16 với sự phân chia Ðàng Trong Ðàng Ngoài đã là một mốc quan trọng đối với lịch sử và kiến trúc Phật giáo tại đây. Tuy vậy, phải khẳng định rằng kiến trúc tự viện của phái Nam Tông và Khất Sĩ thì lại ảnh hưởng từ trong Nam ra miền Trung.
Tính địa phương được thể hiện rõ nét trong kiến trúc chùa Nam Bộ. Mặt bằng chùa thường hình chữ Tam – gồm ba nếp nhà: chính điện, giảng đường và trai đường. Chính điện và nhà tổ thường được thiết kế cùng một gian và theo dạng “tiền Phật hậu Tổ”.
Kiến trúc chùa thường có nhiều toà nhà song song nối lại với nhau và phát triển theo chiều sâu. Phật giáo Tiểu thừa từ Thái Lan du nhập vào miền Nam nên Phật điện ở đây thường ít tượng hơn miền Bắc, bố cục mặt bằng khu trung tâm thường có dạng chữ nhất, hoặc nhà xếp đọi (theo cách gọi nhà nông thôn Nam Bộ). Dạng chữ Nhị có sân thiên tỉnh ở giữa (chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên xây dựng năm 1805), hoặc dạng nhà chữ Tam và có sân thiên tỉnh (chùa Giác Lâm xây dựng năm 1774, chùa Phước Tường năm 1741). Chùa luôn có sân thiên tỉnh và không gian chuyển tiếp với bên ngoài là hành lang bao quanh các mặt chùa tạo điều kiện cho ánh sáng đi gián tiếp vào sâu bên trong công trình.
Kết luận
Dưới tác động của văn hóa Phật giáo, và văn hóa địa phương, cấu trúc mặt bằng khu trung tâm của Chùa Việt thay đổi theo vùng miền đem lại giá trị đặc trưng của vùng miền về kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Chùa miền Bắc thường có cấu trúc mặt bằng khu trung tâm chữ Công, Nội công ngoại quốc, chùa miền Trung thường có kiến trúc chữ Khẩu và chùa miền Nam thường có kiến trúc chữ Tam.
Ths.Kts. Phạm Thị Tố Quỳnh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền – Chùa Việt – NXB Văn hoá – TT 1996
2. Nguyễn Phi Hoành – Lược sử Mỹ thuật VN – NXB Khoa học – Xã hội 1970
3. Vũ Tam Lang – Kiến trúc cổ Việt Nam – NXB Xây dựng 1998
4. Nguyễn Bá Lăng – Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Viện ĐH Vạn Hạnh 1972
5. Hà Văn Tấn – Chùa Việt Nam – NXB Thế Giới 2013
6. Chu Quang Trứ – Sáng giá chùa xưa – Mỹ thuật Phật giáo – NXB Mỹ thuật Hà Nội 2001
7. Nguyễn Tài Thư – Lịch sử Phật giáo Việt Nam – NXB Khoa học – Xã hội 1988
8. Trần Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương – Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam – NXB Khoa học và Kĩ thuật 2010
9. Trần Quốc Vượng – Cơ sở Văn Hóa Việt Nam – NXB Giáo dục 2005
10. Phạm Thị Tố Quỳnh – Nghiên cứu khai thác các giá trị nghệ thuật kiến trúc Chùa Việt – Đề tài NCKH 09-2023/KHXD, trường ĐH xây dựng Hà Nội