Chiếu sáng và ánh sáng nơi công cộng góp phần phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Con người sống trong một xã hội văn minh, ngoài thời gian làm việc và sinh hoạt tại mỗi gia đình, luôn có nhu cầu giao tiếp, tham gia những hoạt động dịch vụ, giải trí và sinh hoạt khác tại các công trình công cộng và không gian công cộng ngoài trời (KGCC). Thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng tại các KGCC, người dân có điều kiện bày tỏ những tâm tư, hoặc chia sẻ những trải nghiệm tốt đẹp với người thân, bạn bè, khi hoà nhập với cộng đồng… Tất cả những hình thức hoạt động tại các KGCC (dù có dịch vụ thu phí hoặc miễn phí, tham gia trực tiếp hay gián tiếp), đều đem lại cho cộng đồng những cảm xúc lành mạnh, đời sống tinh thần tích cực, được tận hưởng những tiện ích của xã hội văn minh, chiêm ngưỡng hình ảnh đô thị hiện đại…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người ngày một tốt hơn.

Đối với một đô thị, từ các hoạt động về đêm (sau 18 giờ), vai trò chiếu sáng rất quan trọng, không thể thiếu trong đời sống kinh tế – xã hội. Ánh sáng bên ngoài của mặt đứng kiến trúc công trình và các KGCC còn có tác dụng kéo dài hành trình của các tour lữ hành qua chương trình “dạo phố đêm”; tạo động lực phát triển các mô hình “kinh tế đêm” thiết thực cho các địa phương; đặc biệt là kiến tạo nên ký ức nơi chốn cho cư dân và du khách.

Một góc cảnh quan Đà Lạt về đêm (Nguồn: Internet)

Riêng với du khách, khi du lịch đến một thành phố, thường có sự cảm nhận mức độ chiếu sáng của một đô thị qua các hình ảnh đặc trưng của “phố thị về đêm”. Từ những sắc màu rực rỡ của ánh đèn, hình thức chiếu sáng đẹp mắt và công nghệ ánh sáng hiện đại, họ khắc họa nên những suy nghĩ ban đầu về nơi chốn: Hoặc cho rằng đô thị nơi này văn minh, xã hội phát triển, kinh tế sung túc… Nhưng ngược lại, với một đô thị “không đủ sáng”, họ dễ quy kết rằng kinh tế nơi đó chậm phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong đô thị (như: tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội…). Những nhận xét này không còn là suy nghĩ của cá nhân, mà có khả năng lan truyền đến nhiều người – từ các phương tiện truyền thông của thời đại số – tạo nên những hiệu ứng tích cực hoặc tiêu cực từ cộng đồng mạng xã hội, vô tình tác động đến sự thành bại của quá trình phát triển du lịch tại một địa phương.

ĐÀ LẠT – trên bước đường phát triển đô thị và du lịch

Để phát triển du lịch Đà Lạt xứng tầm là một “Thành phố du lịch Quốc gia và Quốc tế, đô thị có đặc trưng về di sản”; bên cạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị, bài toán cân bằng giữa các chỉ tiêu tăng trưởng (về quy mô dân số, diện tích đất, cơ cấu sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình nhà ở và công cộng thiết yếu, lượng khách du lịch, số ngày lưu trú thường xuyên…); cũng cần đánh giá lại vai trò và tính chất chiếu sáng và ánh sáng đô thị về đêm trong quá trình kiến tạo bản sắc đô thị (cả về lượng và chất) – nhất là trong giai đoạn cả nước thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 13/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Bởi vì, ngoài nhu cầu của con người về phát triển kinh tế – xã hội; bản thân cấu trúc đô thị (nói chung) và Đà Lạt (nói riêng) cũng cần được chiếu sáng và tất cả các nguồn sáng ấy (từ công năng đến thẩm mỹ) hợp lại tạo nên hình ảnh “sắc màu của phố đêm”, đồng thời phản ánh cấp độ “đô thị hóa” trong lộ trình phát triển…
Trên cơ sở các định hướng từ các đồ án Quy hoạch xây dựng (QHXD) và thiết kế đô thị được duyệt, Chính quyền Đà Lạt – Lâm Đồng đã có những nỗ lực đầu tư và phát triển thành phố, không chỉ về phát triền đô thị, kinh tế du lịch, mà cả về mặt xây dựng hình ảnh kiến trúc và cảnh quan đô thị. Tổng kết đánh dấu 130 năm hình thành và phát triển (1893 – 2023), Đà Lạt được ghi nhận đã đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng khá về phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị và hoạt động du lịch qua các thời kỳ…

Tính riêng năm 2023, về lĩnh vực du lịch, thu hút khoảng 6,7 triệu lượt khách lưu trú / 8,65 triệu lượt khách đến tham quan (chiếm tỷ trọng khoảng 77,5%), số ngày lưu trú bình quân là 2,3 ngày, cơ cấu giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ và du lịch chiếm 68% cơ cấu kinh tế địa phương (tăng 11,62% so với năm 2022 và đạt 104,6% so với kế hoạch năm 2023)… Trong đầu tư và phát triển đô thị, Đà Lạt đang hoàn thiện các chỉ tiêu quy hoạch đô thị lọai I, đáp ứng tiêu chí “Xanh – Sạch – Đẹp – Sáng”; hướng đến mô hình “Thành phố thông minh – Tăng trưởng xanh và Ứng phó với biến đổi khí hậu”. Hiện Đà Lạt đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operation Center – IOC), thực hiện việc chuyển đổi số trong các hoạt động thông tin trực tuyến về quảng bá và phát triển du lịch, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), trợ lý du lịch ảo, xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng đèn LED, kết hợp điều khiển thông minh tại TP Đà Lạt…

Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ trình thẩm định, phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2045, qua đó xác định các mốc tăng trưởng cho TP Đà Lạt đến năm 2030, 2035 và 2045 (theo định hướng phát triển từ Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023)…

Chiếu sáng công cộng tại Đà Lạt – Cơ hội và thách thức

Trước đây, việc quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật do đơn vị Doanh nghiệp Công ích đảm nhận – nay là Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, với 3 lĩnh vực chính là: Công trình giao thông, Chiếu sáng đô thị và Công viên cây xanh. Riêng lĩnh vực chiếu sáng công cộng, phạm vi quản lý của Công ty bao gồm: 172 tuyến đường chính, 530 đường hẻm dân sinh; với tổng cộng 11.000 bộ đèn (trong đó có 3.670 bộ đèn LED), 252 tủ điều khiển và 350 km đường dây điện chiếu sáng. Việc quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa hệ thống chiếu sáng do Đội Chiếu sáng đô thị của Công ty trực tiếp thực hiện (với định mức lao động gồm 14 người, trong đó có 1 quản lý), theo công nghệ điều khiển hẹn giờ “Timer 24h”, một số dùng tủ 2 chế độ, thí điểm quản lý chiếu sáng qua mạng Internet… Nguồn kinh phí chiếu sáng đô thị chủ yếu từ ngân sách thành phố với tổng kinh phí hàng năm khoảng 22 tỷ đồng (gồm: 3 tỷ cho quản lý vận hành, 3 tỷ cho chi phí sửa chữa thường xuyên và chi phí điện năng khoảng 16 tỷ đồng)… Theo ghi nhận của Kỹ sư Phạm Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Công ty: “Phương thức quản lý của đơn vị còn tương đối đơn giản, chủ yếu thủ công, bóng đèn đầu tư từ lâu, hư hỏng nhiều, phần lớn loại Sodium nên hao phí năng lượng điện nhiều, chưa có Trung tâm điều khiển thông minh… Nếu đươc thay thế bằng đèn công nghệ LED cho hệ thống chiếu sáng công cộng, thì sẽ tiết kiệm tiêu hao điện năng, tuổi thọ của đèn cao hơn, chất lượng ánh sáng đảm bảo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Việc điều khiển tự động trong quản lý, vận hành đối với lĩnh vực chiếu sáng đô thị là xu thế tất yếu, cần tích cực nắm bắt để đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng cao”.

Từ năm 2018, Chính quyền Đà Lạt lập Đề án xây dựng “Thành phố thông minh”; trong đó (giai đoạn từ 2018 – 2025) hiện đã và đang thực hiện việc chuyển đổi số trong đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng giao thông công cộng thông minh, sử dụng công nghệ 4.0, nhằm mang lại cho diện mạo thành phố thêm hiện đại, tươi sáng, tạo điểm nhấn đô thị, tiết kiệm năng lượng, giữ gìn an toàn giao thông, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường… Đến năm 2020, các dịch vụ công ích (nói chung), trong đó dịch vụ công ích chiếu sáng đô thị chuyển từ hình thức giao kế hoạch, đặt hàng sang hình thức đấu thầu – do Phòng Kinh tế Đà Lạt làm chủ đầu tư. Thành phố tiến hành đấu thầu thành công dự án đầu tư “Thay đổi toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị sang hình thức bóng đèn LED công nghệ cao, kết hợp công nghệ điều khiển thông minh trong quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng trên địa bàn Đà Lạt”; sau đó hơp đồng với Công ty Cổ phần Slighting Việt Nam theo hình thức “Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao” (BLT). Mục tiêu dự án là: Thay mới toàn bộ 9.333 bộ đèn và bóng đèn LED, thời gian thi công dự án là 8 tháng, vận hành khai thác trong 19 năm (từ năm 2021 đến 2040), với tổng dự toán khoảng 163,5 tỷ đồng (gồm vốn nhà đầu tư là 63,5 tỷ, tỷ lệ 38,84% và vốn huy động của doanh nghiệp là 100 tỷ, chiếm 61,16%)…

Năm 2022, Đà Lạt được Công ty Cổ phần Tập đoàn T & T nhận tổ chức lắp đặt và vận hành hệ thống “Chiếu sáng trang trí nghệ thuật” tại khu vực quanh hồ Xuân Hương, giai đoạn 1, gồm 3 hạng mục: Chiếu sáng hàng cây xanh mặt ngoài phía Đồi Cù, giáp đường vòng quanh hồ Xuân Hương, dài khoảng 700 mét; 5 cầu chữ Y và 5 hình tượng hoa Anh Đào tại các thảm cỏ ven hồ; với tổng kinh phí tài trợ khoảng 42,3 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là: Xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật nhằm tôn vinh giá trị cảnh quan hồ Xuân Hương – một Di tích Thắng cảnh Quốc gia – thành điểm nhấn nghệ thuật về đêm phục vụ nhân dân và du khách… Thời hạn quản lý, vận hành hệ thống là 15 năm (từ năm 2022 đến 2037), với điều kiện tại thời điểm bàn giao công trình cho Thành phố quản lý, yêu cầu hiệu quả chiếu sáng đạt tối thiểu 95% và chất lượng sử dụng còn lại trên 85% so với tình trạng kỹ thuật ban đầu…

Ngoài ra, còn có các hình thức chiếu sáng công cộng khác, theo hình thức:

Doanh nghiệp lắp dựng các bảng quảng cáo có chiếu sáng nghệ thuật, màn hình khổ lớn; hoặc các công trình biểu tượng mỹ thuật kết hợp chiếu sáng và hệ thống các đèn trang trí có hoa văn trên các trụ đèn đường trong đô thị – theo chủ trương xã hội hóa hoặc do doanh nghiệp tài trợ kinh phí… Tất cả các nguồn sáng, từ những KGCC ngoài nhà, đến những công trình kiến trúc công cộng và nhà ở riêng lẻ của cư dân (dù có yếu tố kinh doanh hoặc không kinh doanh), hợp thành hình ảnh “Phố đêm Đà Lạt” lung linh sắc màu…

Những lợi ích về chuyển đổi số trong chiếu sáng đô thị

Đối với các hình thức đầu tư truyền thống, Nhà nước chi phí toàn bộ từ nguồn ngân sách là chủ yếu, có thể sử dụng thêm các nguồn vốn vay, nguồn tài trợ từ nước ngoài; nhưng vẫn có những khó khăn nhất định, trong khi nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… ngày càng tăng và cấp thiết. Vì vậy, với hình thức đầu tư công – tư (PPP) từ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, Nhà nước huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân so với trước, cũng như nhận được các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp tiềm năng. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực kinh tế, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách tín dụng ưu đãi của ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư sẽ đảm bảo nguồnvốn ổn định trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Đặc biệt, với cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương đang chi hàng năm cho hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà đầu tư sẽ hoàn được vốn nhanh, trên cơ sở tiết kiệm điện và giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn LED, đảm bảo ngân sách Nhà nước sẽ không phát sinh chi mới. Xét về mặt xã hội (nói chung), với các dự án chiếu sáng công cộng bằng hệ thống đèn LED và công nghệ số điều khiển thông minh (nói riêng), mang lại hiệu quả như sau:

  •  Giảm lượng khí CO2 thải ra cho môi trường (do mỗi Kw năng lượng tiết kiệm sẽ giảm lượng khí thải bằng 01 tấn CO2 – là nguyên nhân góp phần hủy diệt tầng Ozone của trái đất và sự nóng lên toàn cầu);
  •  Lượng rác thải phát sinh trong quá trình sử dụng (do tuổi thọ lâu dài của bóng đèn LED và khả năng tái chế – so với bóng đèn cao áp (HPS), nên sẽ giảm thiểu lượng rác thải từ bóng đèn bị cháy, hỏng, phải thay thế và hủy bỏ);
  •  Nhiều khả năng cho sáng tạo nghệ thuật về ánh sáng trong không gian đô thị (do công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, vận hành thông minh, linh hoạt trong thiết kế chiếu sáng tạo mỹ quan đô thị…);
  •  Tiết kiệm ngân sách địa phương và tổng thể nền kinh tế. Cụ thể là: Giảm chi phí sử dụng điện cho chiếu sáng công cộng (chiếm khoảng 22% chi phí tiêu thụ điện được sử dụng cho mục đích chiếu sáng); giảm áp lực gánh nặng cho ngân sách về đầu tư, quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; tiết kiệm nguồn năng lượng sẽ giảm chi phí đầu tư lâu dài cho các Nhà máy điện… (Xem bảng)

    Bảng: So sánh hiệu quả kinh tế – xã hội khi thay thế đèn cao áp bằng đèn LED

Thực trạng và nguyên nhân

Xét về mặt chiếu sáng công trình, diện mạo cảnh quan đô thị Đà Lạt về đêm đã có những chuyển biến tích cực: Nhiều thiết bị chiếu sáng và ánh sáng đã được lắp dựng tại một số khu vực công cộng, trên các tuyến phố chính, các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp…; không chỉ đầu tư từ phía Chính quyền mà lan rộng đến các cơ sở du lịch của Doanh nghiệp, các Shop house tư nhân và kể cả nhà ở hộ gia đình (chủ yếu để ở hoặc có yếu tố kinh doanh – dịch vụ). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều điều chưa thỏa mãn được sự hài lòng của người dân và nhu cầu thưởng ngoạn ngày càng cao của du khách. Thực tế khảo sát cho thấy, trừ những ngày Đà Lạt tổ chức các đêm sự kiện, hoặc trong mùa lễ hội, khi “phố đã lên đèn” thì:

  • Công viên Yersin vẫn còn “ẩn khuất” nhiều bóng tối. Bên cạnh là Quảng trường Lâm Viên với điểm nhấn là kiến trúc Nhà hát Opera Đà Lạt – mang dáng hình “Hoa Dã Quỳ” – nhưng vẫn “tù mù” giữa đêm lạnh.
  • Rạp chiếu bóng Hòa Bình luôn bị án ngữ bởi một màn hình “quá to và quá sáng” làm tăng thêm độ tương phản (sáng / tối) so với mặt ngoài kiến trúc công trình do không có một ánh đèn trang trí.
  • Ngay như hồ Xuân Hương – trái tim của thành phố – ngoài 2 công trình Nhà hàng Thủy Tạ và Thanh Thủy luôn “sáng đèn”, trên mặt hồ rộng lớn mặc dù đã được soi bóng từ những công trình ven hồ, nhưng hình ảnh “phố đêm” lung linh ánh sáng soi bóng nước vẫn không sao tạo được sức hấp dẫn về cảm nhận thị giác, không xua tan hết bóng đêm trên mặt hồ phẳng lặng, với những chiếc xe đạp nước hình Thiên Nga đơn chiếc giữa màn sương đêm.
  • Cung đường Trần Quốc Toản vòng quanh hồ Xuân Hương tuy đã “chiếu sáng nghệ thuật” ở phía cụm rừng thông ven đường (thuộc khu vực Đồi Cù xưa) và các cầu chữ Y bên hồ; hoặc ngay đoạn cầu Ông Đạo, nhưng những kiểu đèn hoa văn “nhấp nháy” và ánh sáng LED “xanh, đỏ, tím, vàng” vẫn không nâng tầm giá trị về thị giác và bản sắc của một đô thị đặc thù; cùng lúc với mức độ “lóe sáng” của các màn hình tivi “khủng” đã lấn át ánh sáng công trình kiến trúc và không tương thích với sự cảm thụ thị giác của cộng đồng.
  • Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm vẫn “hiu hắt” ánh đèn trên cung đường vòng quanh hồ; cùng với đó là những biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp nhưng vẫn “chập chờn” ánh sáng trong những ngày vắng khách (mùa thấp điểm). Chưa kể những khu di tích thắng cảnh khác, như: Đồi Cù (nay là Sân Golf), hồ Than Thở, thác Cam Ly, Thung lũng Tình yêu… vắng lặng như “đêm trừ tịch” vì không đón khách khi chiều xuống.
  • Các công trình công sở, như: Trung tâm hành chính, ngân hàng, văn phòng làm việc của các tổ chức/doanh nghiệp… đêm về thường “tắt đèn”, tạo thành những đoạn phố vắng (như: đường Trần Phú, Lê Hồng Phong…).
  • Nhiều công trình có giá trị về thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, như: Khách sạn Dalat Palace, Hotel Du Park, Xí nghiệp Bản đồ (tức Nha Địa dư), trường Cao đẳng Sư phạm (tức Grand Lycée) – nay là Cao đẳng Đà Lạt, trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (tức Dòng tu Couvent des Oiseux) và các cơ sở tôn giáo chính (Nhà thờ Chánh tòa, Chùa Linh Sơn…), không gian tượng đài Phụ nữ gắn với kiến trúc Chợ Đà Lạt… vẫn rất cần nhiều ánh sáng trang trí về đêm (từ các “thiết bị liền tường”) để tô điểm nét đẹp kiến trúc xưa. Đặc biệt là chưa có các hiệu ứng “chiếu sáng nghệ thuật” (tĩnh và động) bằng công nghệ hiện đại, để “pha sáng” trên bề mặt kiến trúc đối với các công trình văn hóa – di sản, góp phần làm tăng thêm giá trị địa điểm, đặc trưng kiến trúc và đặc thù rất riêng về cảnh quan đô thị mà Đà Lạt vốn có.

Điều này cho thấy: Trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị và ánh sáng nơi công cộng vẫn còn nhiều “khác biệt” giữa ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị so với thực tế triển khai. Nhà quản lý cần đề cao mục tiêu, tính chất của “chiếu sáng nghệ thuật” và “quang cảnh ánh sáng đêm” của đô thị; còn các doanh nghiệp cần nhận diện lợi ích / và lợi nhuận / của “hiệu quả chiếu sáng” và “hiệu ứng ánh sáng” trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị đối với các hoạt động về đêm (từ tổ chức sự kiện, lễ hội, kinh doanh thương mại, đến các hoạt động văn hóa và du lịch…). Việc sử dụng “nguồn sáng” và “tiết kiệm điện” là hai khái niệm khác nhau, cần cân bằng giữa tính “hợp lý” và “đúng lúc”, khi bàn đến chiến lược xây dựng hình ảnh một Đà-Lạt-về-đêm luôn “sáng đèn”.

Ga Đà Lạt công trình được chiếu sáng

Vai trò quản lý đô thị mang tính chuyên ngành

Tại Việt Nam, để có một đô thị được chiếu sáng thỏa mãn hết các yêu cầu: Phù hợp ý tưởng quy hoạch, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế đô thị, đáp ứng tiện ích xã hội và tuân thủ các quy định…, là một câu chuyện dài, không dễ bàn để đi đến thống nhất cao. Bởi lẽ, có nhiều chủ thể tham gia đóng vai trò quyết định, trong từng chuỗi công đoạn hồ sơ, từ khi lập QHXD, thiết kế dự án, xin phép xây dựng, cho đến khi lắp dựng được các thiết bị chiếu sáng trong thực tế.

Để có cơ sở pháp lý dẫn đường cho các dự án đầu tư xây dựng công trình và hạ tầng kỹ thuật đô thị – trong đó có hệ thống chiếu sáng công cộng, Chính quyền các cấp trước hết phải hội đủ “chuỗi” các đồ án QHXD được lập và phê duyệt, gồm: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị (theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị); các Quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế đối với chiếu sáng đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan (như: Luật Quảng cáo, Luật Di sản Văn hóa, Luật Du lịch…). Về lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc, có 2 Nghị định Chính phủ về “Quy hoạch đô thị” (Nghị đinh 37/2010 và Nghị định 72/2019) quy định việc nghiên cứu quy hoạch chiếu sáng đô thị, cần phải: “Đánh giá hiện trạng về hệ thống chiếu sáng, nguồn sáng, hình thức chiếu sáng tại các công trình giao thông, không gian công cộng, chiếu sáng mặt ngoài của kiến trúc và tranh tượng mỹ thuật ngoài trời, chiếu sáng quảng cáo, khu vực lễ hội và quảng trường…”; hoặc như trong “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình chiếu sáng” (QCVN.07-7/2016/BXD) cũng xác định nguyên tắc: “Các đối tượng vật thể và không gian cần chiếu sáng, được xem xét về tính chất chiếu sáng, nguồn sáng, yêu cầu kỹ thuật của ánh sáng, quy định quản lý về chiếu sáng…”. Riêng về “Quy chế quản lý kiến trúc” (theo Luật Kiến trúc) chưa nêu rõ yêu cầu, tính chất, sự cần thiết… về chiếu sáng công trình và ánh sáng đô thị về đêm – nhất là đối với các “công trình / khu vực di sản văn hóa và kiến trúc có giá trị” trong đô thị và nông thôn (?!)…

Dù hệ thống các quy định pháp luật về chiếu sáng công trình và đô thị chưa đồng bộ; nhưng trong từng hồ sơ quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị đều có quy định bản vẽ chiếu sáng không gian và chiếu sáng công trình (tùy theo phạm vi nghiên cứu của đồ án và cấp độ yêu cầu của nhiệm vụ). Đây là một thành phần trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: giao thông, cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng, viễn thông, kỹ thuật địa hình…). Trong thực tế, có thể do công việc nghiên cứu chiếu sáng chiếm tỷ lệ nhỏ về thành phần hồ sơ, nên đa phần các hồ sơ được thẩm định / phê duyệt, thường chỉ đặt vấn đề chiếu sáng đường phố (gắn với thiết kế giao thông); ít quan tâm xem xét, phân tích kỹ trên bình diện về hiệu quả chiếu sáng và hiệu ứng ánh sáng đối với công trình kiến trúc công cộng và không gian cảnh quan đô thị (về đêm).

Từ thực tế hiệu quả chiếu sáng nghệ thuật tại Đà Lạt và qua đối chiếu với bộ hồ sơ thiết kế dự án “Trang trí chiếu sáng nghệ thuật khu vực hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt”, có ý kiến nhận định của Sở Xây dựng (tại Văn bản số 2646/SXD-HTKT ngày 30/11/2022): “Thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có ý kiến “là công trình chiếu sáng nghệ thuật thông minh, thiết kế khoa học, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc, đặc thù phong cách người Đà Lạt”; thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng thuộc UBND thành phố Đà Lạt và là cơ quan kiểm soát, quản lý các bước triển khai thực hiện dự án…”.

Như vậy, đối với lĩnh vực chiếu sáng đô thị (nói chung) và thiết kế chiếu sáng nghệ thuật thông minh, có tác động đến cảnh quan đô thị Đà Lạt (nói riêng), xem như Ngành Xây dựng – là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý QHXD, kiến trúc công trình và phát triển đô thị – không tham gia thẩm định thiết kế kỷ thuật và cấp phép xây dựng đối với các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật từ cấp III trở xuống (ngay cả tại khu vực Di tích Thắng cảnh Quốc gia – như hồ Xuân Hương). Mặc dù, công việc thiết kế kỹ thuật của hồ sơ chiếu sáng đô thị thuộc lĩnh vực hành nghề quy hoạch, xây dựng và kiến trúc của các kỹ sư và KTS, nhưng khâu tổ chức lấy ý kiến chuyên gia đối với loại hồ sơ bản vẽ này không đề cập đến vai trò, chức năng tham vấn chuyên môn và phản biện xã hội của các Hội chuyên ngành (như: Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh…).

Kết luận và kiến nghị

Trong nhiều năm qua, chính quyền TP Đà Lạt – Lâm Đồng đã có những nỗ lực đầu tư và phát triển thành phố, không chỉ về kinh tế du lịch, mà cả về mặt xây dựng hình ảnh kiến trúc và cảnh quan đô thị… Hiện Đà Lạt cũng đang trong lộ trình xây dựng “Thành phố Di sản” – theo Tiêu chí UNESCO; gắn với chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt đồng bộ trên mọi phương diện, với kỳ vọng Đà Lạt luôn xứng tầm là “Điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế”. Qua thành quả bước đầu, cho thấy chuyển đổi số trong chiếu sáng công cộng đô thị tại Đà Lạt đã mang lại những hiệu quả tích cực về mặt vĩ mô. Đó là: Tối ưu hóa hoạt động quản lý, kiểm soát, vận hành và cải thiện hiệu suất nhờ công nghệ điều khiển thông minh; hình thành nên những giá trị mới về chiếu sáng nghệ thuật, giúp người dân và du khách có những trải nghiệm mới tại các KGCC; tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường đối với các doanh nghiệp có chức năng, liên tục đổi mới, đột phá trong cải tiến công nghệ và sáng tạo nghệ thuật chiếu sáng…
Hiện nay, trong thị trường chiếu sáng công cộng, hiện các nhà cung cấp đã có đầy đủ các thông tin về công nghệ chiếu sáng, hình thức ánh sáng, kiểu dáng thiết bị (sản xuất trong nước và ngoại nhập). Nhìn rộng ra các thành phố lớn ở nước ngoài (như: Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…) – đôi khi còn được mệnh danh là “Thành phố của Ánh sáng” (City of Lights) – đã để lại nhiều bài học rất hữu ích cho mô hình mẫu cần tham khảo và nghiên cứu ứng dụng.

Do vậy, qua bài viết này xin có mấy kiến nghị sau:

  • Tại Việt Nam, trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng và quản trị đô thị có phần do cơ chế, chính sách vĩ mô, đến chiến lược điều hành tại từng địa phương còn có những bất cập. Đề nghị các nhà quản lý (trung ương và địa phương) cần rà soát, cập nhật và bổ sung, nhằm thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp lý, quy định quản lý đô thị có liên quan đến “chiếu sáng và ánh sáng” công trình, cảnh quan đô thị được đồng bộ, xuyên suốt từ QHXD, lập dự án đầu tư, đến thiết kế xây dựng; vấn đề quản lý “sau quy hoạch” đến cấp phép và kiểm tra xây dựng.
  •  Đề nghị các Hội chuyên ngành về Quy hoạch Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Chiếu sáng, Hiệp hội đô thị… tham vấn giúp Chính quyền các đô thị có được những cơ sở lý luận khoa học đúng tầm, giải pháp minh họa khả thi (từ tổng thể đến chi tiết), học tập những mô hình hay – thiết kế sáng tạo đã có trong nước và quốc tế; trong đó cần làm rõ: Mục tiêu, tính chất, ý nghĩa và giá trị của “chiếu sáng công trình” và “ánh sáng đô thị về đêm”; gắn với mô hình “kinh tế đêm” mà một số tỉnh thành đang triển khai. Một khi các đô thị tỉnh lỵ (như Đà Lạt) có được những kinh nghiệm và thực nghiệm tốt về chiếu sáng đêm, mới có thể an tâm cho các đô thị cấp thị xã và thị trấn khi được “thắp sáng” đúng nghĩa.
  • Riêng đối với Đà Lạt, là thành phố du lịch – cần được phát triển trên nền tảng các giá trị của di sản kiến trúc đô thị, đề nghị các đơn vị (từ nhà sản xuất, cung cấp, thiết kế, đến đơn vị lắp đặt và khai thác sử dụng) khi tham gia trong lĩnh vực chiếu sáng tại các KGCC, không chỉ dừng lại đến các chỉ tiêu: Công năng, kinh tế, kỹ thuật và công nghệ. Cần chú trọng và đề cao vai trò sáng tạo nghệ thuật về chiếu sáng không gian, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc di sản văn hóa đô thị của TP Đà Lạt…

Thiết nghĩ, Đà Lạt từng được mệnh danh là “Petit Paris” xưa, nay hòa cùng với các danh hiệu: “Thành phố Festival Hoa”, “Thành phố sáng tạo Âm nhạc toàn cầu của UNESCO”, “Thành phố Lễ hội châu Á”… đã nâng tầm phát triển về “chất” và “diện” cho đô thị. Hy vọng, khi du lịch Đà Lạt gắn với một nền “kinh tế đêm” tăng trưởng và phát triển du lịch đỉnh cao bền vững, đô thị Đà Lạt cũng sẽ được công nhận là “Thành phố của Ánh sáng”; hợp cùng với lộ trình xây dựng “Thành phố Di sản đầu tiên của Việt Nam” góp phần nâng cao hơn nữa các giá trị văn hóa – đô thị, hướng đến đích kỳ vọng: Năm 2045, Đà Lạt xứng tầm là “Thành phố du lịch Quốc gia, mang tầm Quốc tế”.

ThS.KTS. Trần Đức Lộc
PCT. Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)