Một số khái niệm về đô thị toàn cầu
Khi nghiên cứu về một thành phố hay một đô thị nào đó, người ta thường nghĩ rằng đó chỉ là một chủ thể trong một không gian giới hạn với một vai trò giới hạn. Tuy nhiên, toàn cầu hoá đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ liên kết kinh tế quốc tế và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hình thành nhiều loại hình phát triển đô thị mới trong đó có thành phố toàn cầu (global city), hay thành phố thế giới (world city). Những thành phố này không chỉ đóng vai trò trong phạm vi của một vùng hay quốc gia mà còn đóng vai trò trong phạm vi khu vực và thế giới.
Ngay từ thế kỷ 18, Goethe đã sử dụng thuật ngữ “world city” (thành phố thế giới) khi nói về hai thành phố Paris và Rome1 vì chúng có vai trò như là những trung tâm văn hóa hàng đầu của thế giới. Trong thế kỷ 20, Patrick Geddes (1924) là người đầu tiên nêu ra thuật ngữ “Liên minh thế giới của các thành phố” (A world league of cities). Tiếp sau đó, Braudel (1984) đã sử dụng thuật ngữ “world city” để mô tả các thành phố dẫn đầu về kinh tế. Năm 1966, Peter Hall đã phát triển ý tưởng về 6 thành phố thế giới là: London, Paris, Randstas- Holland, Rhine-Ruhn, Moscow, New York và Tokyo. Đây là những thành phố hàng đầu trong các lĩnh vực về văn hóa, chính trị, tài chính, thương mại, thông tin, công nghệ và các trường đại học.
Trong những năm 1990, thuật ngữ thành phố toàn cầu được Sassen sử dụng đan xen với thuật ngữ thành phố thế giới nhằm diễn tả sự xuyên biên giới, những mạng lưới toàn cầu các thành phố đóng vai trò chiến lược đối với hoạt động kinh tế toàn cầu, đó là 3 thành phố chủ chốt: London, New York và Tokyo. Còn Castells đã phân tích sự liên kết giữa công nghệ, xã hội và không gian, đặt mạng lưới thành phố toàn cầu trong dòng chảy của không gian và dòng chảy của công nghệ thông tin. Bên cạnh khái niệm “thành phố toàn cầu”, Thái Lai Hưng (Trung Quốc) (1998) đã đề ra khái niệm “thành phố trung tâm kinh tế quốc tế” với 3 đặc trưng chủ yếu sau: (i)Trung tâm tiền tệ quốc tế (ii) Trung tâm chi phối và quyết sách hoạt động chính trị và kinh tế quốc tế (iii) Trung tâm thông tin và văn hóa quốc tế2.
Còn Tổ chức Toàn cầu hóa và các thành phố thế giới (Globalization and World Cities, viết tắt GaWC) đã đưa ra khái niệm về thành phố toàn cầu, đó là thành phố có ảnh hưởng hữu hình và trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu thông qua các phương tiện kinh tế – xã hội, văn hóa, chính trị mà các thành phố bình thường khác không có.
Sự phát triển của đô thị toàn cầu trên thế giới
Năm 1998, lần đầu tiên J.V. Beaverstock, R.G. Smith and P.J. Taylor đã tiến hành đánh giá và xếp hạng 55 thành phố thế giới theo 3 thứ hạng là α, β và γ. Trong đó:
- Hạng α là các thành phố: London, Paris, New York, Tokyo, Chicago, Frankfurt, Hong Kong, Los Angeles, Milan, Singapore.
- Hạng β là các thành phố: San Francisco, Sydney, Toronto, Zurich Brussels, Madrid, Mexico City, Sao Paulo, Moscow, Seoul.
- Hạng γ là các thành phố: Amsterdam, Boston, Caracas, Dallas, Dusseldorf, Geneva, Houston, Jakarta, Johannesburg, Melbourne, Osaka, Pra-ha, Santiago, Đài Bắc, Washington, Băng Cốc, Bắc Kinh, Montreal, Rome, Stockholm, Warsaw, Atlanta, Barcelona, Berlin, Buenos Aires, Budapest, Copenhagen, Hamburg, Istanbul, Kuala Lumpur, Manila, Miami, Minneapolis, Munich, Thượng Hải.
- Ngoài ra, còn các thành phố được đánh giá là có tiềm năng trở thành thành phố thế giới (evidence of world city formation), ví dụ như: : Athens, Auckland, Dublin, Helsinki, Luxembourg, Lyon, Mumbai, New Delhi, Philadelphia, Rio de Janeiro, Tel Aviv, Vienna, Abu Dhabi, Dubai, TP. Hồ Chí Minh, Rotterdam, Seattle, Guangzhou, Hà Nội, Wellington.v.v..
Tiếp sau đó, GaWC tiến hành đánh giá và xếp hạng các thành phố toàn cầu vào các năm 2000, 2004, 2008, 2012, 2016 và năm 2018. Các thành phố này cũng được đánh giá và xếp hạng theo 4 loại gồm α (alpha), β (bê ta), γ (gamma) và loại S, trong đó:
- Loại α có α++, α+, α và α¬-: Là những thành phố có mức độ kết nối rất lớn và lớn với kinh tế thế giới.
- Loại β có: β+, β và ⬬- : Là những thành phố có mức độ kết nối trung bình với kinh tế thế giới.
- Loại γ có γ+, γ và γ -: Là những thành phố có mức độ kết nối nhỏ với nền kinh tế thế giới.
- Loại S: Là các thành phố chưa phải thành phố toàn cầu nhưng có khả năng cung cấp các dịch vụ (cities with sufficiency of services) gồm hai loại: Loại thành phố có khả năng cung cấp các dịch vụ mức cao (high sufficiency) và loại thành phố có khả năng cung cấp dịch vụ (sufficiency).
Qua xếp hạng của GaWC trong hai mươi năm qua (1998-2018) cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của các thành phố toàn cầu. Các thành phố loại α tăng từ 10 lên 55 thành phố, gấp 5,5 lần. Các thành phố loại β tăng từ 10 lên 80 thành phố, gấp 8 lần. Các thành phố loại γ tăng từ 35 lên 77 thành phố, tăng 2,2 lần. Các thành phố loại S tăng từ 67 lên 167 thành phố, tăng 2,5 lần. Đặc biệt, hai thành phố London và New York luôn xếp ở vị trí thứ nhất, nhì thế giới, hạng α++ , thể hiện vai trò vượt bậc không thể thay thế đối với hai trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới. Trong đó, một số thành phố bị suy giảm vị trí xếp hạng, như: năm 1998, Chicago, Frankfurt, Los Angeles, Milan , nằm trong tốp 10 thành phố hàng đầu thế giới; nhưng đến năm 2018, các thành phố này không còn nằm trong tốp 10. Ngược lại, khu vực châu Á có số lượng các thành phố toàn cầu chiếm tỷ lệ rất cao: Năm 1998, chỉ có Hồng Kông và Singapore xếp hạng α+ thì đến năm 2018 có 8 thành phố trong tốp 10 lần lượt theo thứ tự là Hồng Kông, Bắc Kinh, Singapore, Thượng Hải, Sydney, Paris, Dubai và Tokyo, trong đó riêng khu vực Châu Á có 6 thành phố. Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 thế giới thay vì Paris và Tokyo trước đây thì nay là các thành phố Hồng Kông và Bắc Kinh, còn Paris và Tokyo tụt xuống vị trí thứ 8 và thứ 10 thế giới. Đáng kể là Dubai lần đầu đứng trong tốp 8, đứng trên cả Tokyo.
Tuy nhiên, độ lớn của các thành phố toàn cầu không đánh giá bằng quy mô diện tích, số dân hay quy mô nền kinh tế (GDP) mà chính là vai trò của chúng đối với thế giới. Busan là thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc nhưng chưa phải là thành phố toàn cầu. Ngược lại, Zurich là thành phố rất nhỏ của Thụy Sĩ, nhưng đóng vai trò là thành phố toàn cầu.
Nhân tố để làm thay đổi vị thế của các thành phố có nhiều, trong đó phải kể đến chính là năng lực kết nối của các doanh nghiệp. Chỉ số kết nối mạng lưới toàn cầu (Global Network Connectivity – GNC) là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hội nhập của một thành phố trong mạng lưới các thành phố toàn cầu. GaWC đã sử dụng sự có mặt của các công ty trong tốp 2000 doanh nghiệp toàn cầu (Forbes Global 2000) để xác định chỉ số GNC. Đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ tiên tiến (advanced producer services) gồm các lĩnh vực: Kế toán (accounting), quảng cáo (advertising), ngân hàng (banking), pháp luật (law) và truyền thông (media).
Đô thị toàn cầu ở Việt Nam: Thực tế và triển vọng
Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam được cho là khá cao, ngang bằng với Hàn Quốc và Trung Quốc3. Năm 1999, cả nước có 629 đô thị, đến nay cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Dân số đô thị đạt trên 33 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa 33,4%4 . Các đô thị đã trở thành động lực của tăng trưởng và phát triển KT-XH của đất nước. Chỉ tính riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương (T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) có tỷ lệ đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chiếm 50% GDP cả nước. Năm 2018, tổng thu ngân sách 5 thành phố này chiếm 51,5% tổng thu ngân sách cả nước5. Tỷ lệ đô thị hóa của các thành phố này khá cao: T.P Hồ Chí Minh là 80,8%, Hà Nội là 58,8%, Đà Nẵng là 84,1%, Cần Thơ là 70,7% và Hải Phòng 46,7% [5].
Để làm rõ thêm về quy mô (diện tích, dân số) cũng như sức mạnh về kinh tế của một số đô thị lớn, Bảng 2 dưới đây so sánh 2 thành phố của Việt Nam với một số thành phố hàng đầu của Đông Nam Á, Châu Á và thế giới.
Bảng so sánh trên cho thấy, nếu xét về quy mô kinh tế và mức độ kết nối kinh tế toàn cầu thì New York đứng vị trí số 1 thế giới. Tuy nhiên, đáng chú ý là khoảng cách giữa New York và những thành phố tốp sau của Châu Á không còn cách biệt nhiều. GDP năm 2017 của Tokyo đã vượt London, gần xấp xỉ với New York. Còn GDP của Seoul đã bám đuổi sau London. Đặc biệt, các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh đã vượt Hongkong và Singapore. Thâm Quyến trước năm 1979 còn là một làng chài, nhưng sau khi trở thành đặc khu kinh tế, GDP của Thâm Quyến đã tăng trưởng liên tục ở mức cao (bình quân trên 16%/năm), đến năm 2017, GDP của Thâm Quyến đã vượt cả Singapore và Việt Nam (223,9 tỷ USD), được GaWC xếp trong nhóm α-.
Ở Việt Nam, năm 1998, TP HCM và Hà Nội chưa được xếp hạng (xếp trong nhóm các thành phố có tiềm năng) thì đến 2018, TP HCM nằm trong tốp đầu của nhóm β+ và xếp vị trí thứ 56, còn Hà Nội cũng trong nhóm này và xếp thứ 69 trên thế giới. Đây là sự tiến bộ vượt bậc của hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam mặc dù xét về quy mô nền kinh tế và mức độ kết nối cũng còn thấp hơn với một số đô thị trung tâm trong khu vực Đông Nam Á.
Đối với Hải Phòng, lần đầu tiên phương pháp của GaWC được sử dụng để tính toán chỉ số kết nối toàn cầu GNC. Thông qua khảo sát đối với 40 doanh nghiệp trong tốp 2000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Forbe global 2000) đang hoạt động tại Hải Phòng năm 2016 đã cho thấy Hải Phòng đã có kết nối với 13 thành phố toàn cầu, trong đó đáng chú ý là đã có sự kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới như New York, London, Tokyo, Singapore, Hongkong, Seoul, Boston, California, The Hague, Osaka, Kyoto, Toronto và Copenhagen. Kết quả tính toán tổng số điểm kết nối GNC của Hải Phòng với 13 thành phố toàn cầu nêu trên là 1.784 điểm. So sánh mức độ kết nối của Hải Phòng với London (96.267 điểm) và New York (95.838 điểm)6 thì chỉ số GNC của Hải Phòng là khoảng 0,018 ( GaWC coi London có chỉ số GNC = 1,00). Chỉ số này phản ánh mức độ kết nối của Hải Phòng còn khá thấp, thấp hơn gần 3 lần so với mức chuẩn là từ 0,05 – 1,00. Vì vậy, Hải Phòng hiện chưa được GaWC xếp trong nhóm S.
Lời kết
Sự phát triển của loại hình thành phố toàn cầu hay thành phố thế giới là một xu thế tất yếu, khách quan trong bối cảnh thế kỷ 21 được gọi là thế kỷ của các thành phố7. Các thành phố này đang ngày càng có vai trò và tầm ảnh hưởng không những trong phạm vi quốc gia mà còn trong phạm vi khu vực và thế giới.
Ở Việt Nam, trong 20 năm qua, theo xu thế phát triển chung của đô thị toàn cầu trên thế giới, TP HCM và Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, được xếp trong nhóm thành phố toàn cầu có mức độ kết nối ở mức trung bình trên thế giới. Đối với với Hải Phòng, Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng ngang tầm với các thành phố hàng đầu Đông Nam Á; đến năm 2045, ngang tầm với các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới. Đây cũng chính là những thành phố toàn cầu hàng đầu ở Đông Nam Á, Châu Á và thế giới như đã nêu ở phần trên. Do vậy, việc nghiên cứu về đô thị toàn cầu trên thế giới để vận dụng cho sự phát triển của một số đô thị trung tâm của Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Phạm Hữu Thư
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hải Phòng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)