Tập trung xây dựng Nam Từ Liêm thành đô thị Văn minh, hiện đại và đáng sống

TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận uỷ Nam Từ Liêm đã gắn bó với mảnh đất này ngay từ những ngày đặt “viên gạch” đầu tiên, thậm chí là từ trước đó, khi đang giữ vai trò Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, ông đã rất tâm huyết với việc lập đồ án quy hoạch quận mới Nam Từ Liêm. 5 năm nhận nhiệm vụ “chèo lái” một đô thị mới đầy triển vọng nhưng cũng nhiều thách thức, ông và các cộng sự của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Nam Từ Liêm nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn xây dựng Quận không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Từ một vùng đất ven đô, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, Nam Từ Liêm hôm nay đã vươn lên là quận phát triển nhanh nhất thành phố với kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh hiện đại và đáng sống… Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Quận, TS.KTS Nguyễn Văn Hải – Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm đã có cuộc trò chuyện với PV TCKT về những băn khoăn, trăn trở và cả những khát vọng trên từng chặng đường phát triển của Nam Từ Liêm trong tương lai.

TS.KTS Nguyễn Văn Hải
Thành ủy viên – Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Chủ tịch Hội KTS Hà Nội

Đã 5 năm kể từ khi Quận Nam Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết 132/NQ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường – Là một Quận mới nhưng rất nhanh chóng Nam Từ Liêm đã ổn định bộ máy tập trung, quan tâm xây dựng phát triển quận và gặt hái được những thành quả quan trọng, đặc biệt là trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thể hiện sự phát triển nhiều mặt của Quận theo hướng hiện đại, bền vững.

Phóng viên (P/v): Ông có thể chia sẻ với bạn đọc câu chuyện về quá trình thành lập và phát triển của quận Nam Từ Liêm và những khó khăn, thách thức của những ngày đầu mới đi vào hoạt động?

TS.KTS Nguyễn Văn Hải: Như các bạn đã biết, Quận Nam Từ Liêm được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/ 12/ 2013 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm cũ, gồm 5 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; toàn bộ 536,34 ha và 34.052 nhân khẩu còn lại của xã Xuân Phương; toàn bộ 137,75 ha và 23.279 nhân khẩu còn lại của thị trấn Cầu Diễn…

Người ta vẫn nói vui về Nam Từ Liêm, rằng “sau một đêm, làng xóm đã từ huyện lên thành quận”. Nói thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng quả thực lúc bắt đầu thành lập Quận, tồn tại rất nhiều khó khăn. Các khu làng xóm, phát triển manh mún lộn xộn, người dân chưa có khái niệm về cấp phép xây dựng, chính quyền không có công cụ để quản lý do chưa có các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quy hoạch chi tiết 1/500 làm công cụ quản lý…Bộ máy quản lý chính quyền khi đó còn thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý đô thị. Ngoài ra, các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khung còn thiếu và chưa đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư vẫn chưa hoàn thiện, xuống cấp. Do vậy, làm nảy sinh vấn đề bất cập trong đời sống, nhất là những áp lực quá tải đô thị như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Trên địa bàn quận còn thiếu nhiều công trình hạ tầng xã hội, các thiết chế công thiết yếu cấp quận và cấp phường như: Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận; Trường Mầm non công lập, trường Tiểu học công lập, trường Trung học cơ sở; Trạm Y tế phường; Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường; chợ dân sinh cấp phường; Nhà Văn hóa tổ dân phố…Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa – giáo dục – thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, các hoạt động văn hóa thể thao tổ chức chưa thường xuyên còn mang tính tự phát…

Trường Tiểu học – THCS Mỹ Đình 1
Nguồn Ảnh: Quận ủy Nam Từ Liêm

Lúc nhận nhiệm vụ về với Nam Từ Liêm, quả thực tôi đã mang theo rất nhiều băn khoăn: Làm thế nào để quản lý được một địa bàn như thế? Làm sao để tạo được động lực phát triển cho quận? Chiến lược phát triển của Nam Từ Liêm sẽ như thế nào?… Tôi cũng không nghĩ là mình sẽ gắn bó với vị trí Bí thư của Nam Từ Liêm lâu như vậy. Nhưng được sự tin cậy và giúp đỡ của lãnh đạo thành phố, hiểu được tầm quan trọng của vùng đất cửa ngõ Thủ đô, lại yêu mến đất và người nên càng lúc càng quyết tâm gây dựng một diện mạo mới cho vùng đất này.

Từ quyết tâm đến việc sát sao triển khai công việc, và nỗ lực vượt khó đã khiến cho Nam Từ Liêm khoác trên mình một tấm áo mới. Ngay từ khi thành lập, Quận đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chỉ đạo của Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố Hà Nội, Nghị quyết của Quận ủy – HĐND Quận về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trung hạn và hàng năm. Thực tế là lãnh đạo Quận đã luôn chú trọng nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của người đứng đầu và trên cơ sở phân công 5 rõ: “Rõ người – Rõ việc – Rõ trách nhiệm – Rõ quy trình – Rõ hiệu quả” và “Một việc – một đầu mối – xuyên suốt”.

Một số công trình chỉnh trang và đầu tư xây mới trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm trong 5 năm qua

Hướng đến mục tiêu “đô thị đáng sống” nên điều tiên quyết mà chúng tôi chú trọng đó chính là yếu tố con người – Bao gồm cả việc tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng bộ máy lãnh đạo, quản lý, cán bộ nhân viên của Quận với tôn chỉ mục đích “Lấy dân làm gốc”; tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc (được ghi nhận tại các buổi tiếp xúc cử tri trước, và sau các kỳ họp HĐND Thành phố, Quận và tại các buổi lãnh đạo Quận tiếp công dân) với những chủ trương, chính sách và hành động luôn được Quận đặt vào vị trí của người dân.

P/v: Trong những năm qua, diện mạo của Nam Từ Liêm đã thay đổi rất nhanh, thể hiện sự phát triển nhiều mặt của Quận với hàng loạt những công trình, dự án quan trọng. Đứng trước những khó khăn của một Quận mới khởi sắc, từ góc độ của một nhà quản lý, nguyên là giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc ông có thể cho biết Đảng bộ, chính quyền Nam Từ Liêm đã có những chủ trương như thế nào trong công tác quản lý phát triển đô thị?

TS.KTS Nguyễn Văn Hải: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong định hướng phát triển Quận được chúng tôi xác định là: Xây dựng Nam Từ Liêm trở thành một đô thị văn minh, sạch đẹp và đáng sống. Nội dung này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tôi muốn nói thêm rằng: Có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa về “đô thị đáng sống” (Liveable City), nhưng tựu trung lại thì nó phải đáp ứng được những tiêu chí cứng đó là: Một đô thị an toàn, lành mạnh, thân thiện, thuận tiện trong sinh hoạt có môi trường trong sạch, nhiều cây xanh và đảm bảo cho người dân nơi đây có chất lượng cuộc sống cao. Đó cũng là định hướng mà Nam Từ Liêm đang triển khai thực hiện.

Để đạt được những mục tiêu đó trong 05 năm qua, Quận đã thực hiện rất tốt những nội dung sau:

  • Phối hợp với các cơ quan quản lý và lập quy hoạch như Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục hoàn thiện các đồ án phân khu, quy chế quản lý kiến trúc – quy hoạch, đồng thời nhận bàn giao các quy hoạch chi tiết 1/500 để công khai với người dân và làm công cụ quản lý;
  • Tiếp tục quản lý tốt công tác quy hoạch, tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Năm 2018, Quận đã tập trung lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch 1/500 các điểm dân cư đô thị trên địa bàn Quận. Các điểm dân cư đô thị được thay áo mới từ làng xóm cũ chuyển thành các khu đô thị, cụ thể: Dự kiến hoàn thành 03 Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 tại phường Trung Văn; đang tổ chức lập, thẩm định 06 đồ án quy hoạch chi tiết tại các phường Xuân Phương, Phương Canh, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; 08 đồ án quy hoạch còn lại trên địa bàn các phường: Phương canh, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Cầu Diễn, Phú Đô, Mễ Trì, Quận đã có văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách quận. Đồng thời, UBND quận đang triển khai xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quận Nam Từ Liêm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch đô thị;
  • Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đường giao thông và đồng bộ hóa các công trình hạ tầng xã hội (05 tuyến đường khung + 08 tuyến đường mới + cống hóa mương Đỗ Xuân Hợp, Đầm Bông…), cải tạo hệ thống thoát nước trên 10 phường…;
  • Triển khai lập thiết kế đô thị, thiết kế chỉnh trang xây dựng đề án các tuyến phố Văn minh đô thị, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị (KĐT), tạo kiến trúc cảnh quan đẹp như KĐT thành phố Xanh – Green City, KĐT Nam Đại lộ Thăng Long, Vinhome Mễ Trì – Green Bay; khu nhà ở Phạm Hùng – Sky lake, Vinhome Sportia City…; đồng thời triển khai đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội như: nhà trẻ – mầm non, trường tiểu học, THCS, nhà văn hóa tổ dân phố…
  • Đẩy mạnh công tác duy tu, bảo tồn các công trình văn hóa có giá trị lịch sử
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, xây dựng, phát triển phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phát huy vai trò các tổ dân phố trong việc tự quản tại cộng đồng dân cư, từng bước làm chuyển biến nhận thức của nhân dân đối với nếp sống văn hoá văn minh đô thị…

P/v: Và những kết quả đạt được đã thực sự đáp ứng được với kỳ vọng của ông?

TS.KTS Nguyễn Văn Hải: Câu hỏi của bạn rất hay nhưng không thể trả lời rõ ràng như với câu hỏi một cộng một bằng hai được, nó đòi hỏi phải có một cái nhìn bao quát, tổng thể và cũng rất tỉ mỉ, chi tiết tùy thuộc vào nhãn quan và sự cảm nhận của mỗi người. Tôi cũng không muốn nêu ở đây như một bản thống kê hay báo cáo. Nhưng rõ ràng, sau 5 năm nhìn lại, Nam Từ Liêm đã có những thành quả đáng kể, thể hiện rất rõ nét thông qua diện mạo giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa và các khu đô thị mới, các công trình trọng điểm đang trở thành những điểm nhấn quan trọng không chỉ trên địa bàn Quận mà còn ở tầm Quốc gia. Muốn rõ hơn về điều này, xin được mời các bạn đến với quận Nam Từ Liêm và cảm nhận cảnh quan cũng như không gian đô thị ở đây.

Trụ sở HĐND-UBND phường Mỹ Đình 1

P/v: Với những đặc trưng của Nam Từ Liêm, sự năng động, nhiệt huyết của đội ngũ lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân, ông có thể dự báo gì về diện mạo Nam Từ Liêm trong tương lai?

TS.KTS Nguyễn Văn Hải: Như tôi đã chia sẻ ở phần trên, chúng tôi đã và đang thực hiện khát vọng đổi mới, tìm tòi những ý tưởng có sự khác biệt, để đưa quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống Hà Nội”. Theo định hướng quy hoạch chung, quận Nam Từ Liêm là trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội gồm các chức năng: Dịch vụ, thương mại, tài chính, văn hóa, giải trí, du lịch, TDTT cấp quốc gia và thành phố, nhà ở, xác định quận trở thành cực hút về đầu tư, dịch vụ, thương mại, văn hóa và về đầu tư. Cho đến nay, đã có rất nhiều dự án tầm Quốc gia và Thành phố đang triển khai xây dựng trên địa bàn Quận. Tôi cho rằng chính những dự án mới đang thành hình sẽ làm nên diện mạo mới của Nam Từ Liêm, đó là:

– Đường đua Công thức 1;

– Các không gian hành chính thương mại, dịch vụ:

  • Dự án trục Văn phòng thương mại dịch vụ Phạm Hùng: Xây dựng dựa trên dự án các khu đô thị, dự án trụ sở các tổng công ty và các công trình hai bên đường Phạm Hùng … thành trục thương mại dịch vụ lớn nhất Việt Nam tương đương với tuyến phố nổi Orchad – Singapore;
  • Trục hành chính, thương mại dịch vụ Mễ Trì: Trụ sở chính quyền đô thị Quận, Khách sạn 5 sao Mỹ đình Pearl, Bệnh viện An Sinh, Cung Văn hoá Hữu nghịViệt Trung, Trung tâm thương mại dịch vụ The Manor;
  • Phố đi bộ, ẩm thực đêm Lê Quang Đạo – Phú Đô (kết hợp với làng nghề truyền thống bún Phú Đô và cốm Mễ Trì);
  • Quảng trường thanh niên Mỹ Đình – nơi thể hiện khát khao vươn lên của tuổi trẻ, thanh niên Hà Nội;
  • Trung tâm VHTT Nam Từ Liêm: Điểm nhấn của quận với hình ảnh đặc trưng Cam Canh – Bưởi Diễn
Trung tâm VHTT Nam Từ Liêm

– Các không gian công viên cây xanh như: Công viên văn hóa Trung Văn, Công viên sinh thái Nhân Mỹ, Công viên văn hóa thể thao (trên nền đường đua F1), Công viên hồ điều hòa CV1, Công viên Văn hóa Lễ hội Thị Cấm, Công viên trồng cây đặc sản địa phương: Cam Canh – Bưởi Diễn…

– Các công trình đại siêu thị, trung tâm mua sắm lớn; (Các trung tâm dự kiến đặt tại các trục Đại lộ Thăng Long, khu vực Tây Mỗ – Đại Mỗ…);

– Các dự án Khu đô thị mới: Vinhome Tây Mỗ – Đại Mỗ, Dự án Khu đô thị Nam đại lộ Thăng Long, Dự án Khu thành phố Công nghệ xanh (Đại Mỗ)…

Chúng tôi kỳ vọng rằng những dự án lớn này sẽ đưa quận Nam Từ Liêm thành trung tâm mới, phát triển theo hướng hiện đại và thu hút đầu tư của Thủ đô Hà Nội.

P/v: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông và các cộng sự tiếp tục với những thành công mới, hiện thực hoá khát vọng phát triển đô thị Nam Từ Liêm theo hướng bền vững và trở thành đô thị đáng sống!


TS.KTS Nguyễn Văn Hải
Thành ủy viên – Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Chủ tịch Hội KTS Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)