Không gian mới cho Lễ hội Hoa Đà Lạt

Chẳng biết từ bao giờ, Đà Lạt được mệnh danh “ Xứ sở ngàn hoa”. Mỗi độ Xuân về, thành phố lại tưng bừng muôn sắc thắm, rộn rã Lễ hội hoa thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Một không gian đặc biệt cho hoa và Lễ hội đã được TP Đà Lạt quy hoạch tại khu Quảng trường trung tâm, do Công ty CP tư vấn và Đầu tư BĐS Việt Tín thực hiện. Dự kiến, Festival Hoa 2011 sẽ được tổ chức ở phần sân và khán đài đã hoàn thành, từ Festival Hoa 2013 trở đi, không gian Lễ hội này hứa hẹn những màn trình diễn với sự kết hợp vẻ đẹp của hoa, ánh sáng lung linh và những không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc….   

“Xứ sở Ngàn Hoa” Đà Lạt là đô thị duy nhất của Việt Nam phát triển được các giống hoa ôn đới để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Hoa muôn loài rực rỡ dệt gấm các góc phố, các vạt núi Đà lạt… Kiêu sa khoe sắc từ góc sân những nếp nhà dân dã đến khu vườn các ngôi biệt thự trầm mặc trong sương là các giống hoa ôn đới: Thạch Thảo, Cẩm Tú cầu, Đỗ Quyên, Ngọc Thảo, Phong Lữ, Dã Yến Thảo, Violet, Cúc Macgarit… Bình dị hơn, tràn ngập các triền đồi, len lỏi trong những cánh rừng là các loài hoa dại: Bồ Công anh, Dã quỳ, Rẻ quạt, Sim, Mua, Mơ Rừng và Xục Xạc… Đến Đà Lạt, dường như mỗi con phố đều gắn với một loài hoa: dải phân cách ở đường 30/4 lộng lẫy hoa Hồng; hoa Mimosa trải vàng bìa các rừng thông ven đèo (đường 20B); đường Trần Phú trắng hoa Móng bò; thắp sáng các tán lá Sò Đo Cam dọc đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt, đường Lê Hồng Phong là Hoa Chuông đỏ; Phượng tím và Mai Anh Đào cũng điểm sắc theo mùa trên các đường phố thuộc khu trung tâm Đà Lạt….

Thung lũng tình yêu

    Để tôn vinh Hoa và nghề trồng hoa, góp phần phát triển du lịch, từ năm 2005, Festival Hoa được tổ chức ở Đà Lạt, thu hút hàng nghìn người dân và hàng triệu du khách. Phải nói rằng, với ba kỳ Festival 2005, 2007, 2009, Lễ hội hoa Đà Lạt đã trở thành một biểu tượng mới của Xứ xở ngàn hoa.         
Một không gian văn hóa – nghệ thuật đặc biệt, xứng tầm với Lễ hội hoa đã trở thành bài toán khó giải đối với lãnh đạo TP, cũng như đối với những nhà quản lý quy hoạch đô thị. Festival Hoa  các năm 2005 – 2007 – 2009 được tổ chức tại sân vận động bên bờ hồ Xuân Hương với phần khán đài lắp ghép tạm bằng khung thép. Sau kỳ Lễ hội, khu vực sân vận động lại đìu hiu với vài trận đá bóng nho nhỏ, chẳng còn đâu bóng dáng của “bữa tiệc” Hoa.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt chủ trương xây dựng một khu Quảng trường trung tâm đa chức năng, nơi diễn ra Lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, quảng bá du lịch, hội chợ triển lãm, dịch vụ thương mại, tụ điểm văn hóa thu hút người dân, du khách đến tham quan và thưởng thức các đặc sản của TP Đà Lạt…

     Năm 2005, TP tổ chức Cuộc thi tuyển Quy hoạch Quảng trường trung tâm và khu vực (20ha), KTS Nguyễn Văn Dũng  và Công ty Việt Tín đạt Giải B – giải cao nhất. Năm 2008, TP tiếp tục  tổ chức Cuộc thi tuyển Kiến trúc Quảng trường Trung tâm thành phố Đà Lạt (Khu vực trình diễn chính của Festival Hoa) với sự tham gia của nhiều KTS và đơn vị tư vấn uy tín trong nước. Không có giải Nhất, Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã góp ý, điều chỉnh phương án đoạt giải Nhì của KTS Trần Văn Dũng (Công ty CP tư vấn và Đầu tư BĐS Việt Tín) để triển khai thiết kế, xây dựng không gian mới cho hoa Đà Lạt. Với khối Nhà hát hình bông hoa Dã quỳ, phần khán đài uốn lượn và chia tầng bậc theo tính chất nền địa hình cao nguyên Lang Biang, khu Quảng trường như nối tiếp đồi thông từ Dinh 2 trải xuống đến mặt nước hồ Xuân Hương, đối diện với Đồi Cù bờ bên kia.

KTS Trần Văn Dũng (Chủ nhiệm dự án – Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đầu tư BĐS Việt Tín) cho biết: “Công trình chính tại Quảng trường Lễ hội là Cung Nghệ thuật – mang biểu tượng một bông hoa Dã Quỳ (cao 17m). Đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt của TP. Biểu tượng hoa – tượng trưng cho sức sống và sự quyến rũ của Đà Lạt, được đặt trên nền sân lát đá, với những cánh hoa mềm mại ôm lượn theo các cung tròn của khối nhà hình bán cầu, phần cánh hoa được lợp bằng các tấm hợp kim nhôm màu vàng, đặt chênh với mặt vòm kính để tạo ra những khe hở giúp thông gió tự nhiên. Đồng thời, khối hoa được thiết kế nghiêng, nhụy hoa hướng ra phía Hồ Xuân Hương, phù hợp với công năng Cung Nghệ thuật – khán phòng lớn, sức chứa 1000 chỗ, được sử dụng để chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, hội thảo… Khán đài ngoài trời của Quảng trường Lễ hội được thiết kế thành những bờ cong mềm mại, đan xen các bậc đá cứng gẫy góc, những mảng cỏ hoa và mặt sân lát đá – tạo thành những cung bậc – chính là hệ thống giao thông dẫn dắt luồng người từ thấp lên cao, từ phía Tây sang Đông”
Theo phương án quy hoạch, Phía Tây là khu vực Quảng trường Hội chợ triển lãm, được dẫn dắt bằng trục đường đi bộ lớn giữa hàng tùng búp và thông, chính giữa là hồ phun nước dài với hàng cột đèn đá hai bên. Sự kết hợp bởi đá, nước và cây xanh làm cho khu vực này trở nên sinh động và cuốn hút. Quảng trường hội chợ triển lãm bao gồm: Khu vực triển lãm đa năng (nằm trong tầng bán hầm) có thể tổ chức hội chợ hoa, triển lãm chuyên đề, trưng bày tranh ảnh, các tác phẩm thủ công mỹ nghệ…; Vách hầm phía hồ  Xuân Hương là khán đài phụ với các bậc ngồi ngắm cảnh bằng đá vây quanh, tựa lưng vào sườn đồi phía Nam ; trên sân là khối kiến trúc mang hình nụ hoa thủy tinh (2 tầng, cao 10m), nằm giữa hồ nước tròn có đáy bằng kính, vừa tạo nguồn sáng lung linh cho tầng hầm, vừa tạo ra nguồn thác đổ xuống hồ phun nước dài bên dưới; trong khối nụ hoa là khu vực cafe, ngắm cảnh. Khu vực này mang tính dẫn hướng, tạo lối vào hoành tráng, trang trọng cho Quảng trường Lễ hội.

Phương án đoạt giải nhì Cuộc thi ý tưởng Kiến trúc Quảng trường Trung tâm Thành phố Đà Lạt

Phía Đông quảng trường lớn là Công viên Yersin – khu tĩnh, với mục đích giải tỏa số đông người từ khu động (quảng trường), làm dịu đi sự ồn ào, náo nhiệt sau lễ hội và được xem như khu vực phân tán, thoát người khi cần thiết. Khi màn đêm buông xuống, cái tĩnh lặng của Hồ Xuân Hương, của những rừng thông, đồi cỏ, hòa trộn không khí mát lạnh của Đà Lạt sẽ khiến du khách muốn lang thang đây đó. Khu quảng trường trung tâm, nơi có  nhiều loại hình vui chơi giải trí sẽ đáp ứng được nhu cầu vui chơi buổi tối của du khách và người dân Đà Lạt. Cung nghệ thuật sẽ được chiếu sáng, làm nổi bật hình một bông hoa lớn màu vàng trên nền rừng thông xanh thẫm. 

    Dự kiến, Festival Hoa 2011 sẽ được tổ chức ở Quảng trường trung tâm TP Đà Lạt (với phần khán đài chính và sân Lễ hội đã xây dựng xong). KTS Trần Văn Dũng và các cộng sự tại Công ty CP tư vấn và đầu tư BĐS Việt Tín đang gấp rút hoàn thành một số hạng mục của công trình phục vụ cho Lễ hội hoa này. Anh tâm sự: “Nhiều hạng mục, nhiều chi tiết của công trình đang hoàn thành phần thô. Phải nói rằng, với một công trình như thế này, KTS buộc phải đầu tư nhiều công sức và bám sát quá trình thực hiện. Có những chi tiết tưởng chừng đơn giản, nhưng các KTS, KS buộc phải tìm hiểu rất nhiều về vật liệu và công nghệ mới để ứng dụng cho công trình – chẳng hạn như những cánh hoa của Cung Nghệ thuật, được ghép lại từ 9.382 tấm hợp kim màu vàng và 3.204 tấm kính chịu lực (có lớp film cách nhiệt) với đủ loại kích cỡ và hình dáng, chúng tôi phải thiết kế trên 3D, sau đó chuyển file cho đơn vị thi công lập trình phân cách thành từng mảnh nhỏ và đặt hàng vật liệu và công nghệ kết nối lớp vỏ bao che từ nước ngoài mang về lắp ráp, rất lâu và kỳ công… Tôi và các anh em trong công ty đều rất cố gắng, rất vui và vinh dự được đóng góp sức mình làm đẹp cho Đà Lạt. Hy vọng khi công trình hoàn thành vào năm 2013, đây sẽ là một không gian mới, đẹp và xứng tầm với Lễ hội hoa Đà Lạt.”
Trúc Linh