Bờ Hồ là Bờ Hồ

1. Lãnh thổ Bờ Hồ suy từ gò rùa
Người Hà Thành vẫn bảo đất gò Rùa hình thế như viên ngọc to, nước lên thì ngập, nước xuống lại thò. Chỗ ấy kết cát huyệt của cả vùng hồ thiêng lẫn các làng Cựu Lâu, Yên Trường, Hà Thanh, Bảo Khánh, Tả Vọng, Yên Trung, Phục cổ, Tự Tháp. Thuở ấy hồ Hoàn Kiếm còn rộng lắm, ít nhất ăn ra hết lòng đường của phố Đinh Tiên Hoàng và phố Hàng Khay ngày nay. Đẹp chả kém cạnh hồ Tây của cụ Nguyễn Huy Lượng mấy tí.
Kể từ thời Lê Trung Hưng, Bờ Hồ đã có diện mạo bền vững của mình: Nào là kiến trúc cổ xưa, nào là công trình thay thế cái đã mất (tiếc nhất là các công trình của chúa Trịnh)…Lại thêm nhiều phường phố Kẻ Chợ sầm uất gần cận. Thế mà tháng 11/1885, nại cớ san lấp đất, cạp lại bờ Hồ Gươm theo ý đồ quy hoạch, người Pháp cho phá sạch sành sanh chùa Báo Ân lừng danh. Rồi chưa đầy 6 năm sau, lại cho đốt hết nhà tre gỗ thuộc các làng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nội trong đêm 22/1/1891 mà 300 nóc nhà ở phố Cầu Gỗ, Hàng Bồ, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Vôi tan thành tro bụi. Cả làng Cự Lâu cũng cháy theo…

Tóm lại, lãnh thổ Bờ Hồ như ngày nay cố định từ sau 1885. Còn cái sự ngày càng bé đi của nó là do người ta chồng chất thêm quá nhiều nhà cửa hùng dũng ven hồ. Đặc biệt là đôi ba thập kỷ gần đây.

Nhà Bưu điện Hà Nội (nhìn từ phố Lê Thái Tổ)
Nhà Bưu điện Hà Nội (nhìn từ phố Lê Thái Tổ)

2. Chuyện rủi may
Nhớ cái đận một chiều hoá giao thông triệt để (triệt một phần, để một phần) ở Hà Nội dạo nào. Trong đó các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm nhà ta, nhất là những phố quanh gần Bờ Hồ được ưu tiên sớm nhất. Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Bà Triệu, Tràng Thi cùng nhiều phố khác có một đầu đâm ra bờ Hồ, xưa hai chiều nay chỉ được đi một chiều. Cấm tiệt lộn lại.

Thoạt đầu thấy bất tiện quá. Các phố phường thân thuộc ấy từng đã ngót nghét trăm năm chăm chỉ đưa đón bà con ngày ngày làm ăn sinh sống tại Bờ Hồ hay khách vãng lai về thăm thú Thủ đô. Thế mà nay người tham gia giao thông cứ như lúc nào cũng đâm đầu vào đường cấm. Riêng tôi, sau đôi lần bị phạt vi cảnh thì không vi phạm thêm lần nào nữa. Có điều đến tận giờ vẫn hơi tủi thân, cứ như mình bị bớt xén cái “Địa vị chủ nhân Bờ Hồ”. Sau nghĩ lại, anh em bên Giao thông công chính làm vậy cũng là vạn bất đắc dĩ. Rồi tự an ủi, trong cái rủi lại có cái may. Kể từ nay, những ai muốn đến với Bờ Hồ (hầu hết) đều phải đi theo cho hết đoạn phố Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ – Hàng Trống – Tràng Thi rồi đi đâu thì đi. Thế là từ Nam lên Bắc, từ phải qua trái tha hồ thưởng ngoạn Bờ Hồ nhé. “Phượt” theo đường ấy cứ gọi là hiêng hiếng một vòng mà mọi bán kính cong đường lượn đều như thể xuyên tâm Tháp Rùa.
Tình ý kiến trúc bộn bề, miên man…

3. Nghe ngóng nhà chuyên môn, công chúng
a) Về những hạt nhân kiến trúc đô thị Bờ Hồ
Bấy lâu nay khi nói về những kiến trúc “đinh” quanh hồ Hoàn Kiếm trước nhất người ta kể tới tháp Hoà Phong, quần thể đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, nhà Thuỷ Tạ…Hay nói cách khác chỉ có chúng mới đủ tư cách “bảo hộ” cho Bờ Hồ. Rồi ra mới đến những gì mà thiên hạ vẫn xưng tụng là kiến trúc Pháp. Hoài của, giá như chùa Báo Ân còn thì nghệ thuật Cư nho Mộ thích của Hoà thượng Vũ Phúc Điền sẽ là trác tuyệt bền vững để mà kiến trúc Bờ Hồ kế tiếp bấy nay. Để ta biết mình đang sở hữu vốn liếng kiến trúc đô thị đồ sộ hơn những gì hiện có.

À còn một cụm công trình ít được nhắc đến là Đền Nam Hương và Tượng Lê Thái Tổ mà cõi hút sâu nhỏ nhoi từ cửa vòm nhà phương đình đến chân tượng đài hóa ra ấp ủ tham vọng tôn thờ nỗi truân chuyên, máu đào gươm thánh đánh đuổi ngoại xâm khôi phục sơn hà của Thái Tổ nhà Lê. Khiến cho hậu thế cứ mường tượng về một điều gì mới lạ của hơn trăm năm về trước. Khi mà ở Hà Nội, Sài Gòn đang nhan nhản mọc lên tượng mẫu quốc, tượng toàn quyền, tượng các đô đốc, tướng tá Pháp – những người đem đến cho đất nước này sự nô dịch. Chính tượng đài vua Lê vụt dậy giữa đất trời Thăng Long, như tiếng nấc lòng của người dân mất nước.

Những gì ở Bờ Hồ làm chúng ta quyến luyến hôm nay có phần không nhỏ các công trình do người Pháp thiết kế xây dựng, sau khi họ đã bức tử gần hết cái bền vững của Bờ Hồ, để thay vào đó kiến trúc đô thị theo ý họ. Đành rằng Bờ Hồ ấy có lời ăn tiếng nói riêng, Nhưng ai dám cam đoan là chúng hoàn toàn đủ tư cách thay thế hoàn toàn những gì từng có trước ngày người Pháp đặt chân đến đây? Tôi cho rằng không! Như Huế đấy, không động chạm đến Đại Nội mà người Pháp vẫn làm mới được cố đô! Cũng như người Pháp biết thừa, giữ thành Phụng lại thì chính họ sẽ có một đô thị thuộc địa ra tấm ra món, nhưng (vì sự thành bại của chiến tranh xâm chiếm) họ đã có sự lựa chọn tàn ác: dùng 32 khối mìn và 850 tấn thuốc súng mà xóa sổ vĩnh viễn thành Phụng đi. Chỉ cần xem sơ đồ Sài Gòn – Gia Định mà bọn họ quy hoạch hồi 1867 thì ai cũng nhận ra: mất thành Phụng cấu trúc Sài Gòn – Gia Định méo mó đi rất nhiều…

Tuy nhiên nhờ những thiết kế bậc thầy của KTS Pháp, Bờ Hồ đã sở hữu khá nhiều tượng đài kiến trúc đa phong cách: Tân cổ điển, chiết chung, Art – Nouveau và duy lý Âu châu. Tôi chỉ nêu một ấn tượng về tay nghề và thủ pháp bậc thầy của các KTS hồi bấy giờ. Đối với tôi dường như các công trình đẹp mà người Pháp xây dựng sau 1885 ở Bờ Hồ thì nhiều và khó nhớ hơn là…bốn đối tượng khá “xoàng xĩnh” ở đó: Đầu hồi cánh trái Toà thị chính; hàng cột giản dị đằng trước toà thị chính; mặt đứng Sở Điện lực và mặt đứng rạp Hoà Bình. Tiện đây nói thêm, trước năm 1932, chỗ rạp này từng có Toà nhà Hội Khuyến nhạc, đẹp không thua kém Nhà Bưu điện (có cổng bên trông ra phố Lê Thạch, nay vẫn còn), nhưng người ta thay thế nó bằng một cái rạp chiếu bóng mà mặt tiền na ná…Sở nhà đèn. Đâu như cùng năm ấy Hội Khuyến nhạc chuyển về một trong hai toà biệt thự (đối diện nhau) ở phố Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, cả hai toà nhà ấy đều được sử dụng làm Trường nhạc (một Dân lập, một Quốc lập).

Lại nói, bốn đối tượng “xoàng xĩnh” tự tin khoe mình bằng vai phải lứa với các công trình đẹp đẽ khác bên dãy số lẻ phố Đinh Tiên Hoàng. Võ đoán thâm ý của các nhà thiết kế: Nếu thiếu những dấu ngắt, những khoảng lặng vô thưởng vô phạt thì dẫu nhiều giai điệu cũng không thể làm nên bản nhạc đủ tình ý. Tôi nghĩ đó là những “xoàng xĩnh” có giá, rồi lại nghĩ tiếp: Chúng để lại một kinh nghiệm thiết kế đô thị đắt giá.

Cũng nên nói, sẽ là phiến diện (và rất không nên) nếu chỉ loá mắt một chiều trước những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật kiến thiết Thuộc địa trên đất Bờ Hồ. Chưa kể, cần nhận ra một hệ luỵ trầm kha: Người Pháp đã biến toàn bộ vòng nối các đoạn đường phố vây kín mặt hồ Gươm thành phố Tây ráo cả. Tôi nói thẳng với họ là thượng sách, chứ với Hà Nội của người Việt là hạ sách. Để đến hôm nay chúng ta chỉ còn trông cậy ở Tháp Rùa, tháp Hoà Phong, đền Bà Kiệu, quần thể Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Nam Hương, hàng liễu bên hồ, hai cây đa…mỗi khi lòng mình muốn nghe ngóng cội nguồn…

b) Về những tác phẩm không may lâm vào bê bối mỹ học
Ấy là ám chỉ những công trình “nguyên đai nguyên kiện” đang hùng dũng giữa thanh thiên bạch nhật, mà về chúng các bậc chí sĩ và công chúng Hà Thành từng đay đi đay lại. Nào là mặt đứng Nhà Bưu điện (mới) vẽ như cái mặt mo, cau có lườm hồ Hoàn Kiếm (Giáo sư Trương Quang Thao từng bảo vậy trong một bài viết của ông). Nào là, cái nhà này giống hệt cái máy gì, cái nhà kia trông giống hàm con gì…nghe rợn cả tóc gáy. Tôi có người họ hàng, cụ nhà ở phố Tô Tịch, năm nay ngoại tám mươi. Được cái, cụ hay khoe mình có thâm niên “hit tôc kinh” Bờ Hồ hơn bảy thập kỷ. Hỏi, ngộ nhỡ qua chỗ “hàm” ấy, “máy” ấy, “mặt mo” ấy cụ nghĩ sao. Đáp: nghĩ ngợi gì, tao quay mặt đi. À quên, còn nhà hát múa rối Thăng Long nữa: Thực nhiều mới lạ, bứt khỏi cả ngày hôm qua lẫn ngày mai của kiến trúc đô thị Bờ Hồ. Nhất là chẳng gợi ý gì về nghệ thuật múa rối Việt, ngoài những hàng chữ quảng cáo cỡ bự Anh, Việt.

Đại thể những bức xúc kiến trúc đô thị Bờ Hồ đương đại đa phần bùng phát vào thời điểm bà con sở thị sát chân công trình. Chứ nếu chịu khó vòng sang bờ hồ bên kia mà ngoái lại, sẽ được phần an ủi: Những đắng đót ngày nào đã được năm tháng và cây cối hàn gắn ít nhiều. Phải chăng cái lẽ “vẽ trông xa đám ma trông gần” vận vào đây. Đến nước ấy thì giữa hội thảo thân mến hôm nay nhắc lại chuyện cũ mà chi.

Nhân chuyện tranh pháo, tôi lại nhớ có thời giới chuyên môn chê bai, nạt nộ “Tranh Bờ Hồ” ghê lắm. Đương nhiên họ luôn chiếm thế thượng phong bởi kiến văn sang trọng của họ. Thế nhưng “Tranh Bờ Hồ” từng đã làm mưa làm gió khắp chợ cùng quê liền nhiều thập kỷ. Có cả gia đình khá giả, tây học hẳn hoi cũng treo “Tranh Bờ Hồ” trong nhà. Tôi cho rằng có ưng ý thì người ta mới treo tranh. Phải chăng người ta châm chước những đường nét, mảng miếng vụng dại của cánh thợ vẽ bình dân bởi trước mắt họ VVkiến trúc đô thị Bờ Hồ và nề nếp Tràng An – Kẻ Chợ. Trộm nghĩ thời nay, nếu anh chị em KTS chúng ta, mỗi khi thiết kế gì đó cho Bờ Hồ, hãy thử dùng “Tranh Bờ Hồ” – thứ hội hoạ tội nghiệp thời xa vắng làm phác thảo tiền cảnh, hậu cảnh cho thiết kế kiến trúc của mình. Biết đâu ta sẽ đắn đo hơn, và cũng biết đâu tác phẩm của ta sẽ nặng tình nặng nghĩa hơn với Bờ Hồ.

Thực tình mà nói, nhân sĩ và công chúng Hà Thành cũng chẳng có bụng dạ gì ngoài cái tình với Bờ Hồ của Thăng Long – Hà Nội, cái nghĩa với Thủ đô của trăm họ. Nhưng mặt khác, không ác khẩu như thế thì không khéo một Bờ Hồ như ngày hôm nay chưa chắc ta đã còn. Ai cũng hiểu, không chỉ trong những năm tháng thế kỷ XX mà cả trước đó lẫn thời nay mỗi khi thiết kế xây dựng, dù nhỏ nhất bên Hồ Gươm người vẽ kiểu sẽ phải chịu khống chế ngặt nghèo của văn hoá Tràng An sâu rễ bền gốc. Không kể tả được tình nghĩa sắt son ấy bằng kiến trúc thì tài ba nào cũng có thể thất bại. “Cái còn tưởng mất vẫn còn/ Cái tan cứ tưởng lâu bền cũng tan”. Cám ơn Trần Đăng Khoa, vì lời thơ ông thực hợp cảnh hợp tình với Hội thảo của chúng tôi hôm nay.

4. Còn Tháp Rùa thì sao?
Có lẽ tính tuổi tác kiến trúc đô thị Bờ Hồ Cận – hiện đại nên bắt đầu từ Tháp Rùa vì nó được xây dựng vào năm 1884, nghĩa là trước tất tần tật công trình thời Pháp thuộc còn lại đến ngày nay ở Bờ Hồ. Hơn nữa, Tháp Rùa lại là hạng mục chót của chùa Báo Ân thuở ấy. Dẫu rằng chuyện xây cất trang trí ngang trái, chả ra ngọn ngành gì nhưng 130 năm nay Tháp Rùa đã chiếm được cảm tình của nhiều thế hệ cả dân Hà Thành lẫn khách thập phương.

Cứ ngắm Tháp Rùa tôi như nghe được lời tổ nghề khuyên bảo. Rằng, trong thực tiễn lịch sử không hiếm kiến trúc tôn giáo ra đời vào thời điểm mà tượng thờ (bái vật chủ) đã sẵn sàng. Ngặt nỗi bái vật ấy từng đã thuộc về tôn giáo tín ngưỡng khác, chẳng qua được dân chúng tình cờ phát hiện. Khỏi cần quan tâm lắm đến nguồn gốc hiện vật, các cụ nhà ta thường tự ý quy kết luôn đó là hiện thân lẽ sống của mình. Đại để, trước khi thiết lập đền miếu, chùa chiền có thể hoàn tất việc “cải đạo hình thức” từ hiện vật sẵn có. Tôi thấy Tháp Rùa hoàn toàn ở trường hợp tương tự.

Quan trọng là bấy nay trông vào cái Tháp Rùa mà thấy cái lẽ dựng xây đắp đổi. Rồi còn máu và nước mắt gìn giữ nó nữa chứ! Chắc nhiều vị ngồi đây còn nghe vọng tai mình những loạt đạt 12 ly 7 rền vang trên nóc Nhà Bưu điện, nóc Nhà Thuỷ Tạ, nóc Khách sạn Phú Gia hồi chiến tranh phá hoại. Pháo 12 ly 7 chắc khó “khều” được Thần sấm, Con ma hung tàn của giặc Mỹ, thế mà hôm nay chúng ta vẫn được thưởng ngoạn Tháp Rùa cùng hầu hết kiến trúc trác tuyệt nhất của Bờ Hồ còn nguyên vẹn. Vì, chủ nhân đích thực của chúng thực bụng muốn gìn giữ.

Thế nên Bờ Hồ càng trở nên thiêng liêng, Tháp Rùa càng trở nên thiêng liêng. Bỏ cả mạng sống ra mà gìn giữ ắt phải là cái Thiêng liêng. Và ứng xử với nó cũng gian truân lắm. Trước chúng ta, ít ra đã có một người nói đến điều này trên báo Văn nghệ (đâu như quãng 1962-1963, còn tên tác giả bài thơ thì chịu, tôi không thể nhớ ra được):

“Tháp Rùa ơi hỡi, thẹn gió trăng!
Khi vàng, khi trắng, lúc lăng nhăng;
Dẫu có thừa vôi xin chớ quét;
Tháp Rùa đâu phải cục xi măng.”

Nghe biết vậy, chấp nê làm gì mẩu thơ con cóc! Nhưng tại hội thảo này cho phép tôi nâng thơ ấy lên hàng “Thơ Cóc Vàng”. Bởi nhẽ, thơ ấy chỉ ra thứ “Nghệ thuật xi măng” của mấy tác phẩm hiện đại và đương đại sát sàn sạt hồ Hoàn Kiếm. Đến mức, có thể soi mặt xuống lục thuỷ và đè bẹp luôn cái Tháp Rùa nhỏ nhoi của chúng ta. Cái tháp rùa hiện ra sớm sớm chiều chiều, thực đáng yêu bởi tài hoa của người nghệ nhân thổ mộc năm nào.

Tôi bỗng nảy ra một ý, Chủ tịch Quận cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội của chúng ta thử hôm nào tổ chức Cuộc thi ý tưởng thiết kế Tháp Rùa Đương Đại và đặc cách công nhận mô hình của Tháp Rùa ngoài kia như một phương án ứng thí. Ai thì không biết, chứ tôi dứt khoát bỏ phiếu cho cái mô hình và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm nghề nghiệp.

Nhân đây nói chả cứ đối với Tháp Rùa, bất kể giải pháp kiến trúc đô thị đơn lẻ nào tại Bờ Hồ cũng đều dễ rút dây động rừng. Chẳng hạn phương án Tôn tạo cảnh quan Kiến trúc Hồ Gươm – 2010 (nghe nói nhóm tác giả liên danh Việt – Pháp trăn trở nhiều, tâm đắc lắm). Thoạt đầu, ai cũng tưởng là chuyện vô thưởng vô phạt. Nhưng người trong nghề đọc vị được ngay, chẳng qua người ta cố làm phong quang đám đất quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi “phát tán” mảng miếng kiến trúc thuộc địa. Không ổn, khi ấy Tháp Rùa bỗng trở thành của đi mượn, còn nhà Thuỷ Tạ từ hàng “chiếu trên” bỗng tụt xuống dưới trướng mấy bực so với dãy nhà Long Vân – Hồng Vân. Mà, cộng với ba tầng nữa của toà nhà sau lưng nó nhô lên trông chẳng kém cạnh vườn treo Babylon hay ngôi đền La Mã thứ thiệt. Mừng, vì phương án ấy đã không được chấp nhận…

5. Móc ngoặc chuyện đời nảo đời nào.
Chả là Bờ Hồ của chúng ta phong thuỷ lắm, chuyện nghiêm chỉnh lịch sử hẳn hoi! Có một thực chứng Thiên – Địa – Nhân, tạm gọi là “Thực chứng nhân văn” hay “Thực chứng có định hướng” mà kết quả khoa học tiên quyết của nó ở chỗ, về lâu về dài mọi cát huyệt chỉ tốt đẹp với người Việt – chủ nhân đích thực của đất nước này. Cũng một thành Đại La, một thần Long Đỗ mà Cao Biền đắp xong, thì ít lâu sau bị triệu hồi về nước Tàu rồi bị giết. Còn khi Lý Công Uẩn dựng đô thì được chính thần Long Đỗ hiển linh thành ngựa trắng về giúp. Vua Lý đã xây được thành, lại còn dựng nên cả Thăng Long huyền thoại của Đại Việt.

Chả phải chúng ta cậy mình là con dân Đại Việt, họ mạc Hà thành mà nói vống lên. Thì đấy, Paul Bert – Toàn quyền Lưỡng kỳ (Bắc và Trung kỳ), được bổ nhiệm vào tháng 1/1886, tháng 4 đến Hà Nội nhưng tháng 11 năm ấy thì Paul Bert đã bỏ mạng vì mắc dịch thổ tả. Chuyện lạ, đến chó bec giê nhà quan Tây còn được tắm nước nóng thì hà cớ gì ngài mắc thổ tả. Song le, áo mặc sao qua khỏi đầu, một khi đấng Thần linh chỉ chuyên tâm phù hộ cho chủ nhân đích thực của Thăng Long – Hà Nội, của Hồ Gươm là dân Nam ta.

Chưa hết, dạo hưng công Tràng Tiền Plaza, vin vào tai nạn lao động cánh dị đoan đương đại được thể nói phũ. KTS nhà ta chả rách việc để ý ba cái mê tín tù mù vì còn phải tin vào chuyện đời thường: Nghệ thuật thiết kế Nhà hàng Godard “thiêng” hơn Tràng tiền Plaza. Nhất là cái nội thất gần như nguyên vẹn của nó. Nhân đây đề đạt nguyện vọng, trong Hội thảo tương tự lần tới chúng ta sẽ được nghe riêng chuyên khảo về nội thất và mỹ thuật trang trí kiến trúc Bờ Hồ. Lợi cho chuyên môn lắm!

Viết ra, nói lên câu chuyện bao đồng tôi tự trách mình quá bằng than thở. Thôi thì than tiếp cho trót! Ấy là việc băn khoăn với ý tưởng Hội thảo: “Phấn đấu Bảo tồn và phát triển Quỹ kiến trúc đô thị Bờ Hồ trở thành Thương hiệu Thủ Đô”. Ô hay, Bờ Hồ chẳng đang từng ngày từng giờ tự dâng hiến muôn người đó sao? Không vụ lợi ích kỷ thì ai chả có phận có phần. Đến với Bờ Hồ ta sẽ chạm tới những gì tốt đẹp nhất, đáng yêu nhất của một di sản kiến trúc đô thị danh giá. Ví bằng thương hiệu Vàng – Bốn – Con – Chín chắc? Không, hơn thế nhiều lắm! Thì đấy cái công trình Hà Nội Vàng dạo nào chả thúc thủ ngay tại bờ Hồ là gì…

Hoan hô các đồng chí có trách nhiệm của Thành phố và Quận nhà. Cái ngày mà các đồng chí phủ nhận thiết kế Hà Nội Vàng, cũng là ngày các đồng chí truyền đạt chỉ đạo cho những người đã, đang và sẽ thiết kế bảo tồn tôn tạo, tô điểm Bờ Hồ. Đó là: Thăng Long nghìn tuổi, Hà Nội trăm tuổi yêu quý của chúng ta chỉ chấp nhận những “Thiết kế Vàng”.

KTS Đoàn Khắc Tình