Cần đổi mới phương pháp quy hoạch ở nước ta

Sự tiến hóa về phương pháp quy hoạch
Từ sau thế chiến thứ 2 (1945) tới nay, thế giới đã trải qua nhiều thời kỳ: Thời kỳ “sốt xây dựng” sau chiến tranh từ 1945 tới cuối thập niên 1950; Thời kỳ có ý thức về môi trường bắt đầu từ thập niên 1960-1970… Nhưng cho tới Hội nghị Thượng đỉnh trái đất được triệu tập tại Brasil,1992 với chủ đề “Môi trường và phát triển” mới đề ra vấn đề “Phát triển bền vững”; Thời kỳ biến đổi khí hậu từ Nghị định thư Tokyo,1997 cho tới nay.


Đi đôi với những thời kỳ nêu trên, phương pháp quy hoạch cũng có những tiến hóa tương ứng:
 1. Quy hoạch tổng thể (Master Planning) còn được gọi là quy hoạch hiện đại hoặc quy hoạch chức năng do Le Corbusier đề xuất vào năm 1933, trong thời kỳ công nghiệp. Đây là cơ sở cho hệ thống pháp lý để kiểm tra sự phát triển, được thịnh hành sau thế chiến thứ 2 cho tới cuối thập niên 1960, tuy nhiên quy hoạch chức năng rất cứng nhắc và thiếu linh hoạt.
2. Quy hoạch cơ cấu (Structure Planning) do nước Anh đề xuất vào cuối thập niên 1950 để khắc phục những khiếm khuyết của quy hoạch tổng thể, uyển chuyển hơn, có sự tham gia công chúng, được phối hợp liên ngành. Nó xác định chiều hướng phát triển song không quá đi vào chi tiết, mà là cơ sở cho quy hoạch chi tiết, tuy nhiên không có chỗ để bàn tới khía cạnh phi không gian như phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, được thịnh hành ở các nước thuộc khối liên hiệp Anh cho tới cuối thập niên 1970.
3. Quy hoạch chiến lược (Strategic Planning): khắc phục các khiếm khuyết của quy hoạch cơ cấu, bắt đầu từ thập niên 1980 trên cơ sở học tập xây dựng chiến lược của các Tập đoàn và tổng công ty của Mỹ trong cạnh tranh toàn cầu để xây dựng các chiến lược về kinh tế, xã hội và môi trường, đưa vào quy hoạch không gian vật chất (physical planning). Tuy nhiên, sự phối hợp đa ngành không đầy đủ, chưa có sự tham gia của cộng đồng, chưa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững rõ ràng, thịnh hành tới cuối thập niên 1980
4. Quy hoạch chiến lược hợp nhất (Integrated Strategic Planning): phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với quy hoạch chiến lược vì cần có sự tham gia đa ngành, của cộng đồng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, được hình thành từ đầu thập niên 1990 để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ có ý thức về môi trường, hậu công nghiệp – thông tin và lập trình – toàn cầu hóa. Quy hoạch chiến lược là sự hợp nhất giữa các quy hoạch kinh tế, xã hội, môi trường và không gian vật chất, để tìm ra một tiếng nói chung, đảm bảo tính bền vững.
Quy hoạch chiến lược hợp nhất bao gồm các quy hoạch: kinh tế, xã hội, bảo vệ môi  trường, cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị để tìm tiếng nói chung đảm bảo yêu cầu công bằng, sống tốt và tính bền vững.

Bản đồ minh họa quy hoạch Thủ Thiêm của WBE năm 1972

Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh các bản quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Mỗi quy hoạch lại có nhiều chiến lược, mỗi chiến lược lại có nhiều dự án, chương trình, mỗi dự án, chương trình  có thể có nhu cầu về không gian – Đó chính là đầu vào của quy hoạch đô thị đã được điều chỉnh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quy hoạch chiến lược hợp nhất không thay thế được các bản quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị. Nói cách khác, quy hoạch chiến lược như một cái dù bao trùm lên các loại quy hoạch nêu trên. Do vậy, cần giao cho một đơn vị đứng ra làm đầu mối hợp nhất các bản quy hoạch nêu trên cả ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố.
Quy hoạch chiến lược là sự hợp tác về mặt tổ chức giữa Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp theo phương pháp quy hoạch có sự tham gia liên ngành. Điều đó là sức mạnh để huy động các nguồn lực và phối hợp hành động trên diện rộng, là công cụ quản lý của chính quyền, cho nên sẽ thay đổi từ quan niệm “lập quy hoạch thành phố” sang “thành phố lập quy hoạch”.
Quy hoạch chiến lược hợp nhất so với quy hoạch truyền thống có những điểm mới sau đây:
– Mang tính chiến lược thay vì toàn diện
– Linh hoạt (hay “động”) thay vì cứng nhắc
– Mang tính hành động thay vì lý thuyết
– Tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm
– Có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và các bên liên quan thay vì ý chí chính trị và quan điểm chuyên gia thuần túy
– Tầm nhìn dài hạn thay vì nhiệm kỳ
– Tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương
– Đóng vai trò điều phối và hợp nhất liên ngành trong hoạch định chính sách phát triển và quản lý đô thị thông qua khuyến khích các cơ quan quản lý phối hợp quy hoạch ngành theo không gian
– Kiến tạo hình thức đô thị hóa mới và hình thái đô thị theo hướng thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng không gian sống.

Do vậy cần đổi mới phương pháp quy hoạch ở nước ta để đảm bảo phát triển bền vững trong cơ chế thị trường và toàn cầu hóa.
Quy hoạch đô thị Việt Nam đang ở thời kỳ nào?
Ở nước ta, về quy hoạch đô thị từ sau 1954 tới nay (theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009) vẫn sử dụng theo phương pháp quy hoạch của Liên Xô cũ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quy hoạch chức năng do Le Corbusier đề xướng từ 1933 vào thời kỳ công nghiệp. Đó là quy hoạch phân khu chức năng kiểu hình học cứng nhắc, thiếu linh hoạt không thích ứng với cơ chế thị trường, với nhiều dự án của các nhà đầu tư tư nhân, trong đó sự điều tiết của Nhà nước rất hạn chế.
Nói chung, cách nhìn trong quy hoạch ở nước ta là tạo ra một cơ cấu ổn định trong tương lai theo kế hoạch. Trong khi đó, công cụ quy hoạch trong cơ chế thị trường cần được xem như những công cụ điều tiết và điều chỉnh trong một thực tế kinh tế – xã hội năng động và linh hoạt.
Thời kỳ hiện nay là thời kỳ hậu công nghiệp – thông tin và lập trình – toàn cầu hóa thì không thể sử dụng mãi phương pháp quy hoạch đô thị hiện đại mà chuyển sang sử dụng phương pháp quy hoạch đô thị hậu hiện đại .
Quy hoạch đô thị hậu hiện đại ngày nay thì ngoài việc phân khu chức năng linh hoạt, hợp lý còn được quyết định nhiều hơn bởi các đại lượng như vị trí địa hình, sự liên hệ giữa cảnh quan và nước, các di sản kiến trúc cần bảo tồn…
Cần linh hoạt hợp nhất giữa khu ở, khu làm việc và dịch vụ công cộng để tránh giao thông con lắc, giảm ách tắc giao thông tạo ra một cơ cấu đô thị hợp lý, nhất là trong quy hoặch tái tạo hoặc tái đô thị hóa các khu đô thị cũ. Một thành phố sinh động phải là một bản liên hợp.
Quy hoạch đô thị hậu hiện đại chứa đựng nhu cầu về không gian của các bản quy hoạch: kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng trong sự hợp nhất hài hòa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng trong cơ chế thị trường và toàn cầu hóa còn cần chú ý một số vần đề sau đây:
– Quy hoạch đô thị nước ta cần có một sản phẩm duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và quy hoạch xây dựng chi tiết, trong đó có phần SDĐ. Hiện nay, tồn  tại 2 loại quy hoạch có giá trị như nhau là quy hoạch SDĐ (do ngành Tài nguyên – Môi trường lập) và quy hoạch xây dựng chi tiết (do ngành Xây Dựng lập). Trong quá trình triển khai thực hiện, giữa 2 loại quy hoạch này thường có những điểm khác nhau, gây khó khăn trong việc lựa chọn loại quy hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ và nhiều  khi gây ra những khiếu nại của dân.
– Cần kết hợp giữa quy hoạch theo quy chế và quy hoạch theo dự án, cần đưa khái niệm dự án vào trong các quy định, giúp điều chỉnh quy hoạch, và là công cụ để kiểm soát đất đai.
– Cần có những quy định cứng đối với những mảng không thể xâm phạm, song cũng cần có những quy định mềm  đối với những mảng gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội.
– Thời hạn điều chỉnh quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch chi tiết được phê duyệt là qúa dài. Dự báo thì không bao giờ trở thành hiện thực hoàn toàn, cho dù đó là dự báo của những nhà quy hoạch giỏi nhất.
Công tác quy hoạch nên đưa ra những mục tiêu mang tính định hướng dựa trên cơ sở dự báo, các biện pháp điều chỉnh sẽ dựa trên điều kiện thực tế cụ thể.
Nên điều chỉnh quy hoạch chi tiết hàng năm và phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện
Suy nghĩ công tác quy hoạch như một hệ thống luôn điều chỉnh sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong văn hóa trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.
Quy hoạch đô thị cũng cần tính đến các yếu tố vừa cơ bản  và vừa mới phát sinh như:
– Phát triển mở rộng không gian thành vùng đô thị mở rộng: Hiện nay ở nước ta mới chỉ có quy hoạch vùng đô thị mở rộng của Thủ đô Hà Nội và TP. HCM song chưa có cơ chế vận hành.

– Phát triển mở rộng thời gian xuyên suốt quá khứ – hiện tại – tương lai.
Một mặt chúng ta cần nghiên cứu dưới góc độ lịch sử. Một mặt cần dự đoán về tương lai, cho dù những dự đoán này không được chính xác lắm nhưng nhận thức có thể không ngừng phát triển, điều quan trọng là biết thu nhận những nhận thức và quan điểm đúng đắn dù cho chúng còn phiến diện. Vì vậy, chúng ta cần dựa vào tương quan và quy mô rộng lớn giữa không gian và thời gian, xuất phát từ những thay đổi và phát triển của quan niệm không gian và thời gian trong văn hóa, kinh tế và xã hội đô thị để quan sát sự vật.
– Về xã hội, Quy hoạch vì tính hài hòa xã hội, cần sử dụng phương pháp quy hoạch có sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm cả tư nhân, các ngành, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Điều quan trọng là cần liên kết những ảnh hưởng lẫn nhau của các nhóm kinh tế xã hội khác nhau, tăng cường hợp tác giữa các thành viên trong xã hội. Quy hoạch đô thị cần dựa trên sự nhất trí tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng trong cộng đồng.
– Về biến đổi khí hậu, (BĐKH) Quy hoạch thích ứng với BĐKH trên cơ sở kết hợp giữa quy hoạch từ trên xuống với quy hoạch từ dưới lên, với diều kiện phải đáp ứng cho phép tạo nên “hệ thống học thích ứng” là kết hợp 2 quan niệm trái ngược.
Do vậy cần sửa đổi Luật quy hoạch Đô thị năm 2009 cho phù hợp với cơ chế thị trường và toàn cầu hóa.

Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị Phát triển Hạ tầng