Nhắc đến các cây cầu có mái thì hầu hết mọi người chỉ nhớ tới 03 cây cầu là cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu chùa Hội An (Quảng Nam) và cầu Kim Sơn, Phát Diệm (Ninh Bình). Có thể vì 3 cây cầu này gắn với các địa danh du lịch có nhiều du khách tới thăm, giao thông lại dễ tiếp cận, cũng có thể là chỉ có 3 cây cầu này được in trên bộ tem từ cách đây trên 60 năm.Với đặc tính làng mạc, đô thị kề bên sông nước nên Việt Nam có rất nhiều cầu bắc qua sông, kênh mương,… trong đó có những cây cầu cổ có mái, gắn kết với đời sống, sinh hoạt của dân cư địa phương. Qua thời gian, nhiều cây cầu có mái che đã bị phá bỏ như cầu Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội), Bắc Giang, Xa Lam (Vinh)…

Qua tìm hiểu và được sự giúp đỡ, chỉ dẫn của người dân địa phương chúng tôi đã đến và chụp ảnh, lưu giữ được hình ảnh của 12 cây cầu cổ có mái che, chủ yếu từ Hội An (Quảng Nam) ra đến phía Bắc (Hà Nội). Tỉnh, thành phố có nhiều cầu nhất đó là Nam Định với 05 cầu: 02 cầu trong chùa Cổ Lễ, cầu ngói chợ Lương – Hải Anh, Hải Hậu, cầu ngói chợ Thượng – Thượng Nông, Bình Minh, cầu Lợp, thôn Kênh, Trực Nghĩa, Hà Nội có 04 cầu đều nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ: 02 cầu Nhật Tiên Kiều, Nguyệt Tiên Kiều trong chùa Thày (Quốc Oai), cầu Bình Vọng, làng Vòng – Thường Tín và cầu Khum – Thạch Xá, Thạch Thất. Các tỉnh khác có 01 cầu như Ninh Bình với cầu Kim Sơn – Phát Diệm, Huế với cầu Thanh Toàn và Quảng Nam có cầu Chùa (Lai Viễn kiều).
Các cây cầu có mái che được xây dựng cách đây hàng trăm năm, cầu ở Hội An do người Nhật dựng. Cầu được xây dựng đơn chiếc, riêng lẻ, sử dụng chức năng giao thông là chủ yếu nhưng cũng có nơi cầu được xây dựng theo bộ 2 chiếc như: 2 cây cầu vòm tại chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Định) và 2 cây cầu tại chùa Thày, Quốc Oai, Hà Nội,
Chức năng của các cây cầu đa phần là giao thông, là gạch nối hai bờ sông hoặc ao hồ, lạch nước như 2 cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên (chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai) bắc qua hồ nước; cầu Khum (hay còn gọi là cầu Mới, xã Thạch Xá – huyện Thạch Thất) bắc qua ao hoặc qua ao và lạch chạy uốn cong trước hệ thống Đình – Chùa làng như cầu Bình Vọng – làng Vòng, Thường Tín.

Một số cầu kết hợp tổ chức không gian tâm linh trên cầu như chùa trên cầu Hội An, đền trên cầu Thạch Xá (tương truyền rất thiêng, giúp phân biệt kẻ gian, người ngay), hoặc là nơi thờ người có công trong việc xây dựng cầu như cầu Thanh Toàn – Huế.

Có cầu nguyên gốc là cổng làng như cầu Khum, đến năm 1974, khi dân làng mở đắp thêm đường đất thì người dân mới không đi qua cầu như thói quen lối cổng vào làng nữa. Có cầu giờ chỉ là nơi nghỉ, dạo chơi vì đã có cầu mới xây dựng ngay bên cạnh như cầu chùa Lương – Hải Anh, Nam Định. Một số cầu được bố trí cạnh các chợ như cầu chợ Thượng, chợ Lương (Nam Định), cầu Thanh Toàn (Huế).

Cấu trúc chung của các cây cầu này bao gồm: Trụ cầu bằng cột gỗ là chủ yếu nhưng có nơi là đá (cầu chùa Thượng) hoặc bằng đá ong (cầu Khum). Hệ thống cột, dàn vì kèo chia cầu thành các gian, mái che phía trên bằng gỗ (nhưng cũng có cầu lại có vòm mái dạng thánh đường ở phía trên như 02 cây cầu trong chùa Cổ Lễ). Sàn cầu bằng vật liệu đá xanh (hai cây cầu ở chùa Thày, cầu Lợp Nam Trực – Nam Định) hoặc bằng gỗ (chùa cầu Hội An, Kim Sơn…). Dạng cầu (trừ hai cầu vòm ở chùa Cổ Lễ theo kiểu Thượng gia Hạ kiều (nghĩa là trên là nhà, dưới là cầu).


Hai bên lối đi của hầu hết các cầu đều được tổ chức bậu ghế nghỉ chân (cầu Kim Sơn và hai cầu trong chùa Cổ Lễ không có), khách bộ hành có thể ngả lưng hay ngồi tựa thoáng mắt ngắm cảnh quan sông, hồ nước với gió thổi qua mặt nước hiu hiu mát. Đa phần mái cầu lợp ngói, trong đó có cầu ngói Thanh Toàn được lợp ngói hoàng và thanh lưu ly (cầu chùa Cổ Lễ đổ bê tông và cầu Lợp – Nam Trực lợp mái bằng rạ).
Hầu hết cầu thoáng hai mặt nhìn ra sông nước nhưng cũng có cầu kín một mặt (cầu chùa Hội An) hoặc là tường bao có trổ các ô lỗ thoáng như hai cây cầu trong chùa Cổ Lễ.
Kiến trúc và trang trí cầu: Đây là đặc trưng đặc biệt và thú vị nhất của những cây cầu cổ có mái: Mộc mạc, đơn giản nhất là cầu Lợp (Trực Nghĩa, Nam Định), còn đa phần thì đều được thiết kế trang trí cầu kỳ như cầu Thanh Toàn, cầu chùa Hội An và đặc biệt là cầu Bình Vọng, làng Vòng (Thường Tín – Hà Nội) được thiết kế tỉ mỉ với các dầm cầu là đầu Rồng. Các cầu được chia làm các gian.
Cầu Khum ở làng Yên, Thạch Xá có chút khác biệt: Phần Thượng gia của cầu dài trên 12m, chia làm 5 gian, 2 dĩ, gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Chiều ngang các vì kèo không bằng nhau, gian giữa rộng khoảng 5,5m, các gian biên thu hẹp dần ra 2 đầu nhà. Hai đầu chỉ rộng khoảng 4m. Gian giữa cao, thấp dần ra 2 đầu hồi. Nhìn từ xa, cầu giống như một chiếc thuyền nan úp nên được gọi là cầu Khum. Nhà Thượng gia được làm bằng gỗ tứ thiết, có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân. Các vì liên kết bằng kèo suốt, có câu nối 2 ngọn kèo, xà nách nối cột cái với cột con. Hai bên sườn gian giữa bịt kín làm ban thờ Quan Thần linh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ. Dưới Thượng gia là Hạ kiều có 3 cống được cuốn bằng đá ong, đẽo múi cam, rất chắc khỏe. Hai đầu hồi Thượng gia xây bít đốc, có 4 cột trụ, giữa cuốn cửa tò vò. Phía trên có ô lõm, gờ chỉ, đắp vẽ hoa lá, triện rút, đầu trụ lồng đèn, tạo tác rất tinh xảo. Ô lõm và mặt trụ có các chữ đại tự và khắc chìm câu đối cổ.
Mặc dù tại nhiều nơi, cầu còn bị phá bỏ để đáp ứng nhu cầu giao thông và tăng trưởng kinh tế mới. Tuy nhiên, nếu áp dụng giải pháp xây dựng cầu mới bên cạnh cầu cổ có mái như đã thực hiện tại cầu chùa Lương – Hải Anh thì vừa giữ được cầu cũ giá trị mà vẫn lại đáp ứng được đủ mọi loại hình phương tiện xe tải, ô tô các loại, xe khách, xe máy khi sử dụng cầu mới bê tông cốt thép.
Nhìn chung, các cây cầu có mái với những đường nét cong uốn trên mặt nước, đã tạo nên những cảnh quan đẹp, duyên dáng, làm tôn lên vẻ đẹp thơ mộng của các vùng làng quê hay đô thị mà chúng đã hiện diện, trở thành dấu ấn, giá trị về văn hoá, kiến trúc, lịch sử đáng được gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh. Các cây cầu cổ có mái Việt Nam không chỉ còn là chức năng giao thông, nghỉ chân hay tín ngưỡng, chúng được lưu giữ trong tâm trí mọi người về hình ảnh của kiến trúc sông nước Việt, lung linh và được nhân đôi khi cầu soi bóng mặt nước, ghi dấu điểm nhấn về địa danh cho cả một khu vực, tạo nên hồn nơi chốn, cốt cách và văn hoá làng, đô thị Việt cổ.
Hiện nay, mới chỉ có một số cây cầu được Nhà nước quan tâm, xếp hạng di tích riêng lẻ hoặc trong cả quần thể khu vực như cầu chùa Hội An, cầu Khánh Toàn, các cầu chùa Thượng, chùa Lương, chùa Thày, chùa Cổ Lễ… Vì thế, công việc cần làm ngay lúc này là lập hồ sơ xếp hạng di sản kiến trúc đối với tất cả các cây cầu cổ có mái che còn lại. Có như vậy thì mới triển khai ngay được việc bảo tồn, tôn tạo, ổn định cấu trúc công trình vốn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập hay sẵn sàng bị dỡ bỏ. Cũng cần tiến hành đồng thời việc xây dựng hệ thống danh mục các cây cầu cổ để tạo nên một chuỗi sản phẩm du lịch mới, giá trị và đặc sắc, thu hút khách du lịch cũng như các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong và ngoài nước.
Các cây cầu cổ có mái là những di sản kiến trúc có giá trị của làng quê, đô thị, là hình ảnh gợi nhớ về một vùng miền riêng biệt – Dấu ấn nơi chốn, địa danh – Ký ức của quê hương. Rồi đây, khi những miền ký ức được khơi lại sống động thì cả 12 cây cầu cổ có mái sẽ được hiển hiện trên 12 trang lịch năm mới hoặc trong cả bộ tem, chứ ko chỉ còn là vẻn vẹn 3 cầu chùa như trong suy nghĩ quen thuộc của mọi người nữa.
KTS Nguyễn Phú Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2015)