Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Viễn thông thụ động tỉnh Long An đến năm 2020

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm bảo đảm cho việc phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ cảnh quan môi trường, đặc biệt là tại các đô thị, khu cụm công nghiệp,…

Sơ đồ hạ tầng viễn thông
Sơ đồ hạ tầng viễn thông

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải bảo đảm:

– Phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch của các ngành trên địa bàn tỉnh.

– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giữa các ngành đồng thời đáp ứng yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

– Phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và quy mô phát triển hạ tầng, đồng thời xác định thời gian thực hiện quy hoạch.

Hiện nay với xu hướng phát triển chung của viễn thông là hội tụ công nghệ, tích hợp đa dịch vụ (mạng điện thoại công cộng (PSTN) và mạng số liệu phát triển hội tụ về mạng thế hệ mới NGN)…Mạng di động thế hệ thứ ba (3G) đã được phát triển rộng trong nước cũng như ở Long An, nhiều khả năng mạng di động thế hệ thứ tư (4G) sẽ sớm được triển khai. Internet băng rộng cố định, di động sẽ phát triển bùng nổ theo hướng đa dịch vụ. Công nghệ chuyển mạch thay đổi công nghệ, chuyển mạch kênh (TDM) dần dần được thay thế bởi chuyển mạch gói (IP) để hội tụ về mạng NGN. Thị trường viễn thông có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ được nâng lên ở mức cao. Dịch vụ viễn thông sẽ được phát triển mạnh ở nhóm các dịch vụ giá trị gia tăng.

Bưu điện trung tâm tỉnh Long An
Bưu điện trung tâm tỉnh Long An

Qui hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Long An đến năm 2020 sẽ tập trung vào các nội dung:

– Về quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia: Do đặc thù về mục tiêu, yêu cầu và nội dung của quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên cần có mạng viễn thông dành riêng cho các cơ quan của đảng và nhà nước từ TW đến địa phương. Nội dung này sẽ được bổ sung hàng năm khi có yêu cầu.

– Về quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng: Điểm cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ sẽ được quy hoạch phát triển tại các khu vực đô thị, nhà ga, bến xe, khu kinh tế cửa khẩu, cửa khẩu, trung tâm thương mại. Loại hình phát triển là các điểm giao dịch của các doanh nghiệp viễn thông để thực hiện nội dung tư vấn giới thiệu dịch vụ, ký kết hợp đồng, thu cước, dịch vụ sau bán hàng,… Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ sẽ phát triển tại các khu vực công cộng: Khu du lịch, khu tập trung đông dân cư, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học,… Loại hình phát triển: Máy mua thẻ tự động, điểm truy nhập Internet công cộng không dây.

– Về quy hoạch cột ăng ten: Sẽ ngưng cho phát triển cột ăng ten cồng kềnh (A2) tại các đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2020; các khu di tích, danh lam thắng cảnh, khu du lịch… đồng thời từng bước chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh sang cột ăng ten không cồng kềnh (A1). Thời gian bắt đầu thực hiện chuyển đổi từ năm 2016, phân kỳ cụ thể từng tuyến đường, khu vực cụ thể, có sắp xếp thứ tự ưu tiên.

– Về quy hoạch cột treo cáp sẽ quy hoạch các tuyến đường, khu vực sử dụng cột treo cáp chung với các ngành khác (C2); xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt (C1).

– Về quy hoạch công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẽ quy hoạch cụ thể các khu vực, tuyến đường xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung (N2); khu vực, tuyến đường xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt (N1); khu vực, tuyến đường và lộ trình thực ngầm hóa cáp viễn thông. Trước mắt sẽ thí điểm ngầm hóa một số tuyến trục, đường phố chính của thành phố Tân An trong năm 2015. Từ năm 2016, phân kỳ cụ thể từng tuyến đường, khu vực cụ thể theo thứ tự ưu tiên.

– Các doanh nghiệp khi lập quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của mình cần căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cụ thể.

– Trong quá trình nâng cấp, cải tạo, thay thế, lắp đặt mới áp dụng, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại để thực hiện chuyển đổi từ cột ăng ten cồng kềnh (A2) sang cột ăng ten không cồng kềnh (A1) (tại từng khu vực, tuyến đường quy hoạch áp dụng đối với các doanh nghiệp) nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng.

Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại Long An phát triển khá nhanh với hệ thống Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng đã phát triển rộng khắp tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố; đặc biệt nhóm doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế đã triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại một số xã. Cột ăng ten phục vụ phát triển mạng viễn thông, đặc biệt là viễn thông di động trên địa bàn tỉnh được phát triển mạnh, đa dạng hình thức đầu tư như: doanh nghiệp viễn thông tự đầu tư, xã hội hóa. Ngoài việc treo cáp viễn thông ghép với các trụ của ngành điện, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã đầu tư cột treo cáp viễn thông riêng biệt rất nhiều, rộng khắp đến tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Theo Quyết định số 45/2012/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh Long An, công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của các cơ quan đảng, nhà nước. Hiện tại, mạng truyền số liệu chuyên dùng này đang được vận hành, khai thác cùng với mạng viễn thông công cộng rất tốt.
Phát triển nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Long An cũng còn một số điểm yếu: Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng chỉ tập trung tại các thị trường phát triển, chưa được triển khai đầy đủ tại các huyện (kể cả nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế), tại các thị trường, khu vực tìềm năng; việc dùng chung cột ăng ten giữa các doanh nghiệp viễn thông rất hạn chế dẫn đến lãng phí nguồn lực, hiệu quả đầu tư không cao, ảnh hưởng đến mỹ quan; chưa có hạ tầng kỹ thuật ngầm dùng chung, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt chỉ phục vụ nhu cầu phát triển mạng lưới nội bộ doanh nghiệp, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật ngầm không đáp ứng nhu cầu phát triển, thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến quỹ không gian lòng đất, treo cáp viễn thông khá lộn xộn, chưa đảm bảo an toàn, mất mỹ quan.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở chuyên ngành, địa phương và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động hoàn thiện theo qui hoạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Lê Văn Bích
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An

( Bài đăng trên tạp chí kiến trúc số 06 -2015 )