Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao thoa các xu hướng trong thiết kế kiến trúc và quy hoạch trở thành một thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đô thị hóa là yếu tố chính ảnh hưởng đến hệ thống sinh thái, di sản đô thị. Đà Lạt cũng không ngoại lệ, với tiêu biểu đặc biệt cả về điều kiện tự nhiên – văn hóa, hệ thống các không gian lịch sử – văn hóa mang đậm dấu ấn Pháp – Việt, khu trung tâm Đà Lạt hiện nay đang phải đối mặt với các vấn đề đô thị hóa và bảo tồn di sản. Bài viết này làm rõ giá trị của khu vực trung tâm Đà Lạt dưới góc nhìn di sản đô thị, từ đó đưa ra các kiến nghị quy hoạch phát triển và bảo tồn phù hợp.
Đô thị hoá và di sản
Đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực lên các giá trị di sản đô thị. Từ thế kỉ 19, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bảo tồn di sản đô thị là một mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững.
Theo UNESCO và Luật Văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa, kiến trúc và di sản tự nhiên của đô thị vừa mang cả hai giá trị vật thể và phi vật thể. Di sản đô thị là cầu nối giữa quá khứ – tương lai, giao thoa giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa. Các di sản này định hình đô thị theo cả cách trực tiếp và gián tiếp thông qua việc phản ánh các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế.
Di sản đô thị mang bản sắc và ký ức nơi chốn, phản ánh sự phát triển của xã hội đó. Trong quá trình phát triển, cộng đồng thừa hưởng tài nguyên từ thời kỳ trước với những lợi ích to lớn (Lichfield 2009). Đó là lý do tại sao trong các chiến lược phát triển, bảo tồn rất quan trọng. Việc bảo tồn cần xem xét trong bối cảnh quần thể đô thị, sự trải nghiệm người dân và đánh giá chúng trong mối liên hệ với cấu trúc đô thị tương lai cũng như giá trị mà chúng đóng góp cho địa phương (Bandarin and Van Oers 2012).
Quy hoạch phát triển đô thị và khai thác di sản
Bảo tồn các tài nguyên di sản trong đô thị không chỉ để nâng cao chất lượng sống cộng đồng mà còn đóng góp vào sự phát triển phát triển kinh tế – xã hội chung của cả vùng.
Để quy hoạch đô thị di sản cần phải đạt được những mục đích như sau: (1) Bảo vệ tài nguyên di sản đặc trưng của đô thị; (2) Khuyến khích bảo vệ, phục hồi, bảo trì và tận dụng những công trình, cấu trúc, khu vực hoặc địa điểm trong vùng có giá trị hoặc là có lợi ích cho cộng đồng; (3) Khuyến khích phát triển mới, tái phát triển các công trình công cộng và hài hòa với tài nguyên di sản của thành phố; (4) Nâng cao nhận thức công cộng và trân trọng những tài nguyên di sản đô thị.
Để đưa ra các hướng dẫn giúp bảo vệ di sản đô thị, cần phải nhận định các thuộc tính của di sản đô thị. Thông qua các nghiên cứu trước đây về bảo tồn di sản đô thị, các thuộc tính dùng để nhận diện được miêu tả như sau:
(i) Tiêu chí nhận định vùng đô thị di sản
- Tiêu chí 1: Sự liên kết của khu vực với sự kiện lịch sử quan trọng với cộng đồng;
- Tiêu chí 2: Sự hiện diện của các thuộc tính được coi là quan trọng đối với cộng đồng;
- Tiêu chí 3: Sự hiện diện của các thuộc tính đại diện cho thiết kế hoặc phương pháp xây dựng có giá trị di sản văn hóa hoặc lợi ích cho cộng đồng;
- Tiêu chí 4: Sự hiện diện của các thuộc tính đại diện cho một khía cạnh nào đó của sự phát triển của thành phố đáng được duy trì;
- Tiêu chí 5: Sự hiện diện của các yếu tố vật lý, môi trường hoặc thẩm mỹ, riêng lẻ có ý nghĩa đối với cộng đồng.
(ii) Các tiêu chí ý nghĩa về kiến trúc: Là công trình/ Tác phẩm
- Tiêu chí 1: Của KTS, người thiết kế nổi tiếng;
- Tiêu chí 2: Điển hình nổi nét của một phong cách kiến trúc hoặc thời kỳ;
- Tiêu chí 3: Điển hình mang tính kỹ thuật quan trọng hoặc phương pháp xây dựng;
- Tiêu chí 4: Có chất lượng nổi nét hoặc giải pháp về vật liệu, không gian và chi tiết;
- Tiêu chí 5: Đại diện cho một thời kỳ cụ thể;
- Tiêu chí 6: Duy nhất hoặc một trong số ít còn lại trong thành phố của một thời kỳ hoặc phong cách thiết kế cụ thể.
(iii) Tiêu chí ý nghĩa về lịch sử
- Tiêu chí 1: Có liên quan với sự quan trọng của một người hay một nhóm người địa phương.
- Tiêu chí 2: Có liên quan đến một sự kiện hoặc sự biến động quan trọng của địa phương;
- Tiêu chí 3: Có liên quan đến một vài khía cạnh quan trọng của lịch sử hoặc sự phát triển của cộng đồng;
- Tiêu chí 4: Là công trình đầu tiên của một KTS hoặc nhà kỹ nghệ quan trọng.
(iiii) Tiêu chí quan trọng về bối cảnh
- Tiêu chí 1: Hình thành nên một phần trọng yếu của một tuyến đường;
- Tiêu chí 2: Có vai trò tạo nên hoặc kết thúc một góc nhìn đẹp;
- Tiêu chí 3: Là yếu tố thiết yếu được bố trí theo các nguyên tắc quy hoạch của thời kỳ đó;
- Tiêu chí 4: Hình thành nên phần trọng yếu của góc nhìn với đường chân trời đặc trưng;
- Tiêu chí 5: Vị trí quan trọng, trong đó thiết kế liên quan đến cảnh quan được đề cao.
Khu trung tâm Đà Lạt
Tính di sản của khu trung tâm Đà Lạt có thể xác định rõ qua kiến trúc, địa hình, cảnh quan, và con người. Khu trung tâm là minh chứng cho quá trình phát triển của cộng đồng người Đà Lạt. Ngay từ những buổi đầu, Đà Lạt được định hướng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng. KTS Hébrard thực hiện quy hoạch TP vào năm 1923 với các mục tiêu tập trung bảo vệ thiên nhiên thông qua mở rộng mặt nước, thiết lập không gian xanh, khu bảo tồn rừng và xây dựng với mật độ thấp (Hình 1).
Từ đó, Đà Lạt dần hình thành từ khu trung tâm, chú trọng phát triển hệ thống sinh thái (Hình 2). Với mong muốn xây dựng TP “kiểu mẫu Châu Âu”, khu vực quảng trường chợ (Place du Marché) xây dựng tương tự như các nút quảng trường Châu Âu. Xung quanh khu vực này là các cửa hiệu Việt, Pháp, Hoa và Ấn. Khu chợ trung tâm trở thành một nơi giao lưu kết nối cộng đồng, giao thương.
Từ năm 1945, những chuyển biến xã hội – kinh tế – chính trị và quá trình đô thị hóa, dấu ấn Việt trở nên mạnh mẽ hơn với các công trình kiến trúc Tân Kỳ, điển hình là khu chợ mới được xây dựng năm 1958 (nay là Chợ Đà Lạt) (Hình 3).
Ngôi chợ mới do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế. Sau đó, KTS Ngô Viết Thụ bổ sung thiết kế một cầu thang lớn nối từ khu Hòa bình vào tầng lầu của chợ (Hình 4). Ở thời điểm này các công trình vẫn hài hòa với khối công trình cũ và địa hình (Hình 5).
Dinh tỉnh trưởng do người Pháp xây dựng trước năm 1910 cũng được xem là di sản đô thị. Hiện nay, Dinh đang xuống cấp trầm trọng (Hình 6) và sử dụng không đúng mục đích (Hình 7). Đây là công trình kiến trúc Pháp hai tầng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên bao quanh, khu vực này còn giữ lại mảng rừng thông duy nhất ở vùng trung tâm.
Như có thể thấy trong bảng 1, trung tâm TP Đà Lạt hàm chứa nhiều giá trị đáp ứng các tiêu chí vùng di sản, công trình kiến trúc, bối cảnh, con người và lịch sử. Nơi đây lưu giữ những ký ức, dấu ấn quan trọng cho cộng đồng người Đà Lạt. Do đó cách ứng xử với khu vực này cần bảo tồn để phát triển hơn là hiện đại hóa một cách máy móc và vô hồn.
Cơ hội và thách thức từ thực tiễn
Để phát triển đô thị bền vững cần ưu tiên khai thác các giá trị địa phương. Mặc dù cảnh quan Đà Lạt do con người thiết kế nhưng mọi quy hoạch định hướng đều dựa trên tự nhiên (Hình 8). Hệ thống sinh thái ở Đà Lạt chính là giải pháp cho sự thích ứng của khu vực trước vấn đề biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếng nói cộng đồng đã góp phần tạo nên nguyên tắc riêng trong việc bảo vệ các giá trị di sản riêng này (Hình 9).
Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa, trong 10 năm trở lại đây sự phát triển tự do quanh Khu Trung tâm Hòa Bình không kiểm soát gần như làm mất tính nguyên bản các không gian đô thị (Hình 10). Tỉ lệ bê tông hóa ngày càng cao, nhiều công trình hiện đại mới nhưng lại lạc lõng với những hình dung về một “TP trong rừng” như trước đây.
Việc sử dụng các bảng hiệu, áp phích lộn xộn cũng là nguyên nhân gây mất mỹ quan khu vực (Sự thay đổi trước và sau: Hình 11, Hình 12)
Phía đồi Dinh Tỉnh Trưởng, mảng xanh xung quanh công trình đang dần bị ăn mòn bởi các nhà ống cao tầng. (Hình 13).
Nhiệm vụ quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt đặt ra cần làm rõ sự tồn tại của các di sản trong cấu trúc đô thị tương lai và sự đóng góp của chúng cho địa phương theo các nguyên tắc của mục tiêu bảo tồn.
Đề xuất quy hoạch
Tinh thần của địa điểm được hình thành qua các yếu tố di sản. Nếu chúng được xem trọng và có giải pháp phù hợp thì sẽ trở thành giá trị mới trong cuộc sống hiện đại. Do đó trong chiến lược phát triển, bảo tồn di sản là mục tiêu ưu tiên cho lợi ích của người dân. Từ bài học của các đô thị di sản trên thế giới, Đà Lạt cần có những hướng đi khác, cân bằng các biện pháp hạn chế và khuyến khích phát triển trong quy hoạch, thiết kế.
Dựa trên các nguyên tắc bảo tồn, việc quy hoạch nên xác định các trục, vùng cảnh quan với trọng tâm chính là các công trình di sản, các không gian đặc trưng. Đề xuất giải pháp giới hạn về tầng cao, mật độ cũng như chức năng để tránh ô nhiễm về mặt thị giác. Đồng thời, để đảm bảo, các hệ thống di sản đô thị cần được công nhận, có kế hoạch bảo tồn phù hợp (Hình 14).
Đối với các di sản kiến trúc, việc thiết kế mới khu vực xung quanh di sản cần đưa ra những hướng dẫn chi tiết theo vùng với quy định về mật độ, tầng cao, diện tích xanh hóa cụ thể (Hình 15).
Kết luận
Muốn biết tương lai của một TP, ta hãy nhìn vào cách nó đang được đối xử. Phát triển đô thị cần phải xem xét các giá trị di sản, sinh thái, các giá trị lịch sử, con người, và kiến trúc theo nhiều khía cạnh và cấp bậc.
Về quản lý, cần có các văn bản công nhận di sản và hệ thống các công trình, khu vực cần hạn chế can thiệp đặc biệt là du lịch vì sự phát triển ồ ạt du lịch ở Đà Lạt cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các công trình dịch vụ hiện đại đến mức xa lạ với bối cảnh xung quanh.
Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong công tác bảo tồn di sản đô thị. Việc kết nối cộng đồng tạo điều kiện cho con người đối thoại với không gian, từ đó bày tỏ nguyện vọng của họ với các giá trị của đô thị.
Đỗ Duy Thịnh, Nguyễn Thị Minh Diệu
Bộ môn Kiến Trúc, Khoa Kỹ Thuật và Công Nghệ
Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2020)
Tài liệu Tham khảo
- Bandarin, F. and R. Van Oers (2012). The historic urban landscape: managing heritage in an urban century, John Wiley & Sons.
- Lichfield, N. (2009). “Economics in urban conservation.” Cambridge Books.
- Quốc Hội (2011). Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành (2011), Nxb. Chính trị Quốc gia.
- UNESCO (2019). Operational Guidelines for the Implementation of the World Heritage Convention – Criteria for selection.