Sống an toàn – Sống khoẻ: Hai tiêu chí sống cơ bản trong nhà ở tại Việt Nam hiện nay

Đô thị hoá mang đến những thay đổi lớn về chất lượng cuộc sống tại Việt Nam. Điều này cũng kéo theo tốc độ phát triển về nhà ở tăng cao, với hình thức, chức năng và quy mô đa dạng. Giờ đây, nhà ở không còn chỉ là nơi che mưa nắng, mà là nơi chốn an bình sau những vất vả mệt mỏi ngoài xã hội. Không gian sống phải đạt đến sự thoải mái, thân thiện, trong đó 6 yếu tố: An toàn – Khoẻ – Tiện nghi – Thông minh – Bền vững – Thăng hoa là các tiêu chí cần đáp ứng. Các tiêu chí này cũng tương ứng với từng mức độ sống của người dân. Dễ dàng nhận thấy, Sống an toàn và Sống khoẻ là 2 tiêu chí cơ bản nhất trong thiết kế nhà ở.

Song song với sự phát triển nhanh chóng về số lượng nhà ở là câu hỏi về chất lượng không gian “Sống” trong thời đại mới (Ảnh: Internet)

Bàn về “Sống an toàn”, đây có lẽ là yếu tố đã được đặc biệt chú ý trong thiết kế, xây dựng và vận hành nhà ở đô thị. Điều này đã được quy định rõ nét trong các quy định về thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, cụ thể như: Thiết kế kiến trúc, thiết kế hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, sử dụng vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, với sự phong phú về loại hình nhà ở và sự ứng dụng các công nghệ, kĩ thuật, trang thiết bị hiện đại trong kiến trúc – xây dựng thì một thực trạng là các hệ thống tiêu chuẩn thiết kế nói chung đang chưa đáp ứng được các yêu cầu mới, thậm chí còn chung chung dẫn đến việc tạo nên những “kẽ hở” trong quản lý, vận hành các công trình xây dựng. Ví dụ, theo tiêu chuẩn TCVN 323 đã quy định rõ cho phép thiết kế ban công và lô gia trong căn hộ chung cư, các quy định về kích thước và chiều cao tổng thể nhưng thiếu cụ thể về tỉ lệ trên tổng diện tích sàn, dẫn đến khó kiểm soát khi có quá đông người hoạt động trong một khung giờ.

Bên cạnh đó, việc ra đời các mô hình kiến trúc mới như mô hình nhà ở chung cư hỗn hợp chưa có trong các quy chuẩn thiết kế, nên phần lớn KTS phải tự “vận dụng” từ các nguồn khác nhau như phần nhà ở thiết kế theo bộ tiêu chuẩn nhà ở cao tầng, phần trung tâm thương mại lấy theo tiêu chuẩn thiết kế chợ, phần văn phòng lại lấy theo tiêu chuẩn thiết kế nhà văn phòng hiện hành… Điều này làm phát sinh xung đột về những phần không gian dùng chung như sảnh, thang máy, thang bộ, hành lang… đặc biệt là nảy sinh các vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

Đô thị hóa kéo theo tốc độ nhà ở tăng cao (Ảnh: Internet)

Trong lĩnh vực nhà ở, “An toàn” đang bị coi nhẹ khi chủ nhà chạy theo các thiết kế chú trọng hình thức bên ngoài, hay chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận đầu tư thiếu các nghiên cứu thiết kế đảm bảo về hệ số an toàn và “tính xã hội” – lối sống, tâm lý tập quán của người sử dụng ở các lứa tuổi, trình độ nghề nghiệp. Điều này thể hiện ở việc thiết kế quá nhiều căn hộ trên 1 tầng nhà (ở một dự án tại Hà Nội lên tới 40 căn hộ trên 1 tầng) dẫn đến nguy hiểm khi có sự cố và mất tiện nghi do quá đông người cùng sinh sống, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, vật liệu sử dụng cũng cần cân nhắc đến độ bền và khả năng chống chịu trước những tác động bên ngoài, như những căn hộ sử dụng kính, cần đảm bảo tính chịu lực khi xảy ra bão, sấm chớp…

Có thể nói, yếu tố an toàn trong thiết kế, xây dựng công trình chính là yếu tố then chốt mang lại chất lượng Sống an toàn về thể chất lẫn tâm lý, bảo vệ tính mạng con người, tạo cảm giác bình yên. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, các tiêu chí về sống an toàn được mở rộng hơn, thiết kế kiến trúc còn cần bảo vệ con người khỏi sự lây lan dịch bệnh.

Chất lượng không gian sống còn thể hiện ở sự đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho các thành viên trong gia đình. Dịch bệnh vừa qua giống như một tấm gương phản chiếu giúp ta nhìn lại các vấn đề còn tồn tại trong không gian sống. Thiếu không gian thư giãn, không gian xanh trong mỗi ngôi nhà có thể gây cảm giác chán chường, lo âu, stress khi ở nhà quá lâu, gia tăng các bệnh về tâm lý. Ngôi nhà đối với nhiều người không chỉ để ở mà còn là nơi chữa lành và hồi phục. Tuy nhiên khi không gian sống ẩm mốc, thiếu ánh sáng, lưu thông không khí có thể dẫn đến nhiều nguy cơ lây bệnh, nếu không thay đổi có thể khiến bệnh tình thêm trầm trọng hơn.

Ánh sáng tự nhiên trong công trình là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ (Ảnh: Aline Architect)

Xây dựng được không gian Sống an toàn – Sống khoẻ rất cần đến sự đầu tư nghiên cứu, sáng tạo của KTS, kĩ sư, các nhà nghiên cứu và quản lý ngành kiến trúc, xây dựng, cùng kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của xã hội, hướng đến một tương lai sống tối ưu cho người Việt. Với mong muốn kiến tạo một nền tảng chung giữa những người hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc – Xây dựng, cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong xây dựng nhà ở tại Việt Nam, Công ty LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam và kết hợp với Kienviet Media đã tổ chức chuỗi hoạt động Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 – 2022 lấy chủ đề “Tương lai không gian sống Việt Nam”. Đây là chuỗi hoạt động kết nối được khởi xướng từ năm 2016 và đã nhận được nhiều sự quan tâm trong cộng đồng kiến trúc.

Chia sẻ về chủ đề của ALP năm nay, ông Nguyễn Tristan Chinh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh toàn quốc, công ty LIXIL Việt Nam bày tỏ: “Thực trạng Kiến trúc – Thiết kế tại Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người sử dụng. Đó là những vấn đề cấp thiết đã và đang tác động đến chất lượng sống, đòi hỏi những giải pháp chuyên môn toàn diện. Do đó, chương trình ALP 2021 – 2022 với chủ đề “Tương lai không gian sống Việt Nam” đặt trọng tâm tìm kiếm “chìa khóa” cho không gian sống tương lai tại Việt Nam: từng bước giải quyết các vấn đề trong thực trạng thiết kế kiến trúc, xây dựng hiện nay như không gian an toàn, không gian công cộng, không gian xanh,…; sáng tạo giải pháp kiến trúc, công nghệ hướng đến tương lai không gian sống tối ưu cho người Việt.”

Chuỗi hoạt động Architecture Leader Perspective của LIXIL Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghề

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)