Về vấn đề Hệ giá trị văn học nghệ thuật dân tộc và hiện đại Việt Nam & vận trù vào lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc (Phần 2)

Chúng ta điều hiểu rằng cùng với khoa học, nghệ thuật là dấu vết rõ rệt nhất mà loài người để lại trên hành trình tiến hóa sinh học, tiến hóa xã hội, kiến trúc không là ngoại lệ. Đối với Việt Nam, một dân tộc “có một đặc tính rất mạnh là khả năng di truyền văn hóa nghệ thuật, không khoa trương nhưng rất bền bỉ. Dù từng là thuộc địa nghìn năm của Trung Hoa, gần trăm năm của Pháp, vốn là những nền văn minh lớn của nhân loại, có khả năng đồng hóa kẻ khác rất mạnh, nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn giữ vững và phát triển những tính chất nghệ thuật đặc trưng rất riêng của mình”1. Có một điều rất thú vị là người Pháp cũng đã phát hiện ra điều đó, nên khi thống trị Việt Nam, họ đã thay đổi chính sách áp đặt bằng chủ trương dung hòa 2 nền văn hóa. Chính vậy, nói riêng về nghệ thuật kiến trúc thời đó đã tạo ra phong cách kiến trúc Đông Dương rất riêng mới độc đáo. Từ đó chúng ta thấy rõ Hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam được đúc kết từ nghìn năm bền vững và có sức mạnh đến chừng nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh – một nhà văn hóa lớn chính là người hiểu sâu sắc, tinh tế về điều này, từ đó người dẫn hướng thật chuẩn mực và rõ ràng.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Bắc (Thái Nguyên) vừa mang dáng dấp hiện đại
vừa chứa đựng sắc thái kiến trúc truyền thống

Trong phần này của bài viết, chúng tôi xin được làm rõ : với lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc, hệ giá trị tổng phổ dĩ nhiên vẫn là hệ giá trị văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, kiến trúc là một nghệ thuật mà ở đó “sản phẩm sẽ có cụ thể là những công trình xây dựng. Thể hiện suy nghĩ và quan hệ giữa cá nhân và xã hội, con người và thiên nhiên, tự do và trật tự. Kiến trúc tốt là một thành tựu nghệ thuật văn hóa xuất sắc. Là kết quả của sự nỗ lực về tinh thần vật chất để đáp ứng nhu cầu về an toàn và tự do, thoải mái và hiệu quả, về tự quyết và thích ứng”2. “Kiến trúc xây dựng bền vững cũng có nghĩa là lịch sử bản địa được giữ lại một cách tinh tế trong ngôi nhà, đó là tâm linh truyền thống hay tình cảm sâu nặng tiếp tục tồn tại ở đây” 3. Như vậy hệ giá trị Việt Nam về mặt kiến trúc được thể hiện ở trong môi cảnh này chính là “quan hệ” tương tác toàn diện của đời sống. Với sự tinh anh sáng suốt của mình, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã nói về những điều này rất cô đọng. Trong thư gửi đến hội nghị thành lập đoàn Kiến trúc sư (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay) tháng 4/1948 Bác nói: “trong 4 điều quan trọng nhất cho dân sinh: Ở và đi là 2 vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ” 4. Với giới kiến trúc suốt hơn 70 năm qua, trong nghiên cứu, thực hành nghề của mình, cho thấy rõ ràng 1 điều : Vận dụng đúng ý này của Người thì thành công, không vận dụng đúng ý này thì thất bại. Do đó, có những công trình khi thiết kế xây dựng xong đã được người dân phấn chấn đón nhận và sử dụng chúng gắn kết, gần gụi, mật thiết không tách rời, không giới hạn khoảng cách mà có khi hình hài những tác phẩm này không phải là mô phỏng nguyên truyền thống vốn có như họ nghĩ. Như các công trình từ tổ hợp gió – nước, tre nứa và vật liệu địa phương kết hợp đầy sáng tạo theo bản ngã Việt của một KTS đã được trong, ngoài nước đón nhận, đạt hàng loạt giải thưởng liên tiếp các cuộc thi khu vực châu Á và thế giới. Đưa Việt Nam thành một địa chỉ thường xuyên được nhắc trên bản đồ kiến trúc toàn cầu. Các nhà cộng đồng miền núi phía Bắc của 1 KTS đã được giải thưởng lớn quốc tế; các công trình trường học bản sắc và hiện đại mọc lên khắp 3 miền nam bắc của rất nhiều KTS trẻ; các công trình làm mới thành phố di sản Huế của một KTS người Huế; các ngôi nhà đánh thức kiến trúc nông thôn, các khu vui chơi thiếu nhi, hoạt động công cộng ở các vùng miền… của nhiều KTS các thế hệ. Rõ ràng trong kiến trúc, chúng ta càng cố gắng uyên thâm cao siêu nhưng xa rời mối quan hệ tương tác, thì tác phẩm mà chúng ta tạo ra càng xa lạ với người dân – người sử dụng những công trình đó. Sớm muộn gì công trình sẽ trở thành những cái gai phải nhổ đi cho xã hội trở lại thanh bình bền vững. Tính “nơi chốn” đã được Bác nhuyễn ý vào trong lời chỉ dẫn. Đó chính là phần hồn của bản sắc đậm đà và gắn kết với người Việt chặt chẽ dung dị nhất.

Hội trường Ba Đình – Thiết kế nghiên cứu nhuần nhuyễn về dẫn hướng Hệ giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xin nhấn mạnh một điều rất cần học tập về cách dẫn dắt, giải quyết vấn đề, đó là nghe những lời căn dặn về kiến trúc trên của Hồ Chí Minh, mọi đối tượng kể cả công, nông, binh bình thường cũng hiểu rõ ràng thấu đáo và có thể phối kết cùng thực hiện dù đây là một ngành nghề kỹ thuật có tính chất chuyên sâu. Những người KTS thì càng nghiền ngẫm, càng thấm thía, kết thành cảm hứng bùng nổ, bứt phá, sáng tạo.

Cũng tại bức thư trên Người căn dặn: “Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch chương trình đúng với đời sống mới. Tôi lại mong hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị mà cao ráo, sáng sủa mà rẻ tiền”5. Những ý này của Bác thực tế là những dẫn hướng sáng rõ về chuyên môn ngành, mặt tinh thần là gắn chặt và phát huy linh diệu tính dân tộc truyền thống, trở thành kim chỉ nam cho khởi phát. Thực tế nghiên cứu đầy đủ những lời dạy này, ta thấy đó là cụ thể hóa nội dung “hệ giá trị” mà Người đã dẫn hướng chung cho văn học nghệ thuật như đã phân tích ở phần 1. Rõ ràng kiến trúc cần thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm nhưng phải có động lực giải pháp hướng tới tương lai, vì tương lai. Ý này, về khía cạnh tư duy rõ ràng đã làm bệ phóng cho những ý tưởng kiến trúc bay bổng một cách hiện thực và không bao giờ xa thực tế. Nếu những ngôi nhà thôn quê đều “cao ráo, giản dị, sáng sủa” thì chắc sự nguy hại của thiên tai sẽ được giảm thiểu, giá thành sẽ phù hợp với đa số người dân, tiêu tốn năng lượng sẽ không nhiều và sức khỏe người dân được bảo vệ tốt hơn. Đặc biệt là vấn đề “đậm đà bản sắc” không làm cho chúng ta phải loay hoay suốt hơn nửa thế kỷ vẫn chưa định hình được.

Thư viện tổng hợp TP HCM – Yếu tố bản địa đã dung hòa mối quan hệ tổng thể
Bảo tàng Hùng Vương, – Thành công trong gợi hình nơi chốn

Nhân nội dung này, chúng tôi xin đề cập đến suy nghĩ mang tính triết lý rất nghề nghiệp của một KTS thế hệ đầu Việt Nam nhưng được đào tạo trong môi trường “Pháp học” về những mái nhà thôn quê Việt Nam truyền thống – Bác Nguyễn Cao Luyện : “Chúng ta yêu quý nếp nhà cổ truyền không phải vì cái mộc mạc, thô sơ của nó, mà chúng ta yêu quý những giá trị tinh tế do trí tuệ kiến trúc của dân tộc Việt Nam đã sáng tạo tài tình ở ngay trong điều kiện mộc mạc thô sơ của một xã hội nông nghiệp xưa cũ. Qua những nếp nhà khung tre vách đất ấy chúng ta nhận thức ra các sáng tạo nghệ thuật nảy sinh từ tâm tính con người”6 mới càng thấy sự uyên thâm về văn hóa sâu đến mức nào của một người ngoài nghề – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà hàng Vedna – Cấu trúc và vật liệu truyền thống tiếp biến hài hòa hiện đại
Am House (một trong 7 ngôi nhà Việt lọt vào tốp 100 công trình đẹp nhất 2020 của Archdaily 2020)

Thực hiện theo những dẫn hướng đó của Hồ Chủ tịch và bằng tài năng, sáng tạo đậm hồn cốt Việt của người làm nghề, KTS Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu để đời ngay trong kháng chiến, để lại hình ảnh trường tồn cùng lịch sử dân tộc: Lễ đài Ba Đình, Hội trường Ba Đình, nhà sàn Bác Hồ, quy hoạch xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội từ những năm 50 của thế kỷ trước…. Một ý chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm là các chương trình trên đều rất “tiết kiệm túi tiền” cho nhân dân, nhưng rất thành công về khía cạnh nghệ thuật kiến trúc. Thấm nhuần theo những lời dạy thiết thực đó, giới KTS trẻ Việt Nam đến hiện nay đã đạt rất nhiều thành công trong “đưa vai trò của kiến trúc xã hội vào tâm điểm trong bối cảnh phải đối mặt với việc đô thị hóa nhanh chóng và sự biến đổi khí hậu. Với xử lý các vấn đề xã hội và môi trường đã phát triển những giải pháp độc đáo. Làm việc sáng tạo trong khung văn hóa với nguồn tài nguyên địa phương có hạn, sản sinh ra những giải pháp ngôn ngữ thiết kế phóng khoáng, tiết kiệm hơn, phong phú hơn.”7 như lời đánh giá của một Việt kiều sau 30 năm rời xa đất nước.

Nhà cộng đồng Chiềng Yên – Kiến trúc mới gắn kết đặc tính vùng miền

Bài viết “Tết trồng cây” của Bác Hồ (Báo Nhân dân số ra ngày 28/11/1959) khởi đầu cho một “mỹ tục” truyền dần đến ngày nay với một lợi ích vô cùng to lớn phù hợp với mục tiêu “bảo vệ môi trường” mà cả nhân loại đang theo đuổi, cũng là mục tiêu “kiến trúc bền vững” của ngành nghệ thuật kiến trúc đang thức tỉnh và theo đuổi hiện giờ .

Bài “Nông dân phải thực hiện làm nhà” (Báo Nhân dân số ra ngày 30/5/1959) Bác đưa ra cách tính toán: “Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già trẻ gái trai) phải trồng ít nhất 5 cây (cây xoan hay các thứ cây làm kèo cột) và mỗi gia đình trồng bụi tre. Làm như vậy thì trong 4 hoặc 5 năm nữa sẽ có đủ tre gỗ để làm nhà và nông thôn trước ta sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi”. Ý của Bác chắt lọc từ truyền thống và định hướng này thật đáng ngạc nhiên với ngành nghệ thuật kiến trúc. Vì hiện nay xây dựng “kiến trúc xanh”, đang là xu hướng mạnh mẽ, được đánh giá cao nhất trong phát triển kiến trúc toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mà một trong những tiêu chí lõi của kiến trúc xanh là sử dụng tối đa vật liệu tự nhiên, gia chủ tự gây dựng, không gây ô nhiễm, phá hoại môi trường và có khả năng tái chế, tự tiêu hủy. Trong các ngành VHNT hiện nay, có thể khẳng định kiến trúc là một trong ít ngành hội nhập được sâu rộng nhất ở khu vực và thế giới với nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế hàng năm. Trong số đó có đến gần 90% công trình đạt giải thưởng là hướng tới hoặc thực hành kiến trúc xanh.

Cũng xin nói một điều sau cùng của bài, không riêng gì nghệ thuật kiến trúc, đối với các ngành nghệ thuật khác, dẫn hướng của lãnh tụ Hồ Chí Minh với văn phong ngắn gọn, súc tích, giản dị, gần gũi, đại chúng cũng đã trở thành các yếu tố cốt lõi của hệ giá trị, làm kim chỉ nam cho VHNT Việt Nam phát triển vững chãi, quyện hòa dòng chảy hội nhập dù thế giới hiện đại đến đâu. Khi có điều kiện tác giả bài viết xin được góp phần phân tích làm rõ những nội dung đối với những ngành VHNT khác.

Sân chơi trẻ em từ nguyên liệu phế thải, – KTSChu Kim Đức
Trường mầm non The sun Hower – Kiến trúc hiện đại hòa bình với không gian truyền thống

Hệ giá trị nói chung, Hệ giá trị Văn hóa & Nghệ thuật (HGTVHNT) nói riêng là phạm trù có nội hàm chuẩn cho từng chế độ chính trị gắn chặt với mỗi quốc gia dân tộc, có chuyển động linh hoạt trên nền tảng cốt lõi bất biến, theo từng giai đoạn phát triển kinh tế ở mỗi thời kỳ của quốc gia đó. Việc làm rõ nội hàm này ở nước ta đã được các nhà khoa học chuyên ngành, các chuyên gia chuyên sâu dày công nghiên cứu, đưa ra nhiều luận điểm khẳng định khoa học và biện luận. Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu nội dung này ít ra cũng đã kéo dài non nửa thế kỷ, nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Với cách nhìn mang tính riêng, dưới góc độ KTS, chúng tôi xin góp một quan niệm về vấn đề này. Với tinh thần mong muốn xây dựng được một HGT đích thực, làm nền tảng cho phát triển VHNT, trong sự phát triển bền vững chung của đất nước đi trên con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với ngành nghệ thuật kiến trúc, cũng như các ngành nghệ thuật khác khi HGTVHNT được xác định rõ chính là nền tảng cho sự phát triển tiên tiến, đậm đã bản sắc bền vững. Việc nghiên cứu vận dụng sáng tạo những lời chỉ hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hướng đi mà chúng tôi cho rằng đúng đắn, sáng rõ, làm kim chỉ nam cho vấn đề này. Văn học nghệ thuật dưới sự soi chiếu của dòng tư tưởng của Bác không chỉ mang đến sự sáng tạo “tiên tiến, bản sắc” cho các ngành nghệ thuật, cảm thụ thẩm mỹ đúng cho cộng đồng mà còn là một cách khai mở tư duy, khai phóng nghệ thuật, tiến tới chân lý Chân-Thiện-Mỹ.

Nhà nổi chống lũ giá rẻ (25 triệu/chiếc) của anh Lê Trọng Hiếu quận Hoàng Mai.

Phan Đăng Sơn/ Chủ tịch Hội KTS VIệt Nam – Tổng biên tập TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2021)


Tài liệu tham khảo:

  • 1.Vũ Hiệp : Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, Nxb Mỹ thuật 2019, tr18
  • 2,3. ARCH +: Kiến trúc Việt Nam những người tiên phong thầm lặng, Goeth-Institut-Hanoi, tr01
  • 4,5. Thư Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập đoàn Kiến trúc sư tháng 4/1948
  • 6. Nguyễn Cao Luyện: Từ những mái nhà tranh cổ truyền, Nxb Kim Đồng (tái bản 2017)
  • 7. Anh-Linh Ngo, lời dẫn trong Kiến trúc Việt nam, những người tiên phong thầm lặng, tr3.