Cuộc thi thiết kế Ngôi nhà mơ ước: “Văn hóa thể hiện hữu hình qua kiến trúc”

Được phát động từ tháng 4, đến nay cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà ước mơ” đã đi được nửa chặng đường và chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ kết thúc thời gian nộp bài dự thi (20/08 -18/10). Để góp phần cổ động và đồng hành cũng các các thí sinh, TCKT cùng KTS Đoàn Kỳ Thanh xin gửi đến bạn đọc những chia sẻ về cuộc thi.

Xem thêm: Những kỳ vọng của giám khảo về cuộc thi ngôi nhà mơ ước

PV: Theo ông yếu tố văn hóa Ở có vai trò gì trong cuộc thi Ngôi nhà mơ ước?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Đến với cuộc thi tôi muốn gửi tới quan điểm về sự truyển tải văn hóa Ở trong thiết kế. Xây dựng nhà ở có nhiều nét khác với các công trình khác. Sự đa dạng về văn hóa ở mỗi gia đình khiến kiến trúc sư cần đưa ra “thang thuốc” hợp lý.

Thực tế là ai cũng có giấc mơ có thể to hoặc cũng có thể rất giản dị về chốn định cư của mình. Đó cũng là một phần ý nghĩa tên gọi của cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước”. Người kiến trúc sư sẽ là người chắp cánh cho giấc mơ đó thành hiện thực. Để những giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực, không trở thành ác mộng, người kiến trúc sư cần dành thời gian quan sát thói quen sinh hoạt, tìm hiểu cấu trúc gia đình. Từ đó người thiết kế có thể đưa ra những sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng sống, tăng tính riêng tư cho từng cá nhân nhưng vẫn đảm bảo không gian, thời gian liên kết các thành viên trong gia đình.

Với vai trò giám khảo, tôi mong muốn các bài dự thi thể hiện được cả những nét riêng như lối sống, sự kết nối, kế thừa lịch sử, ký ức, phù hợp với các nhu cầu ở, hài hòa với các công trình xung quanh. Do đó tôi mong muốn người dân, người chủ nhà cùng tham gia vun đắp xây dựng ước mơ về chốn định cư, cùng với người kiến trúc sư đưa giấc mơ thành hiện thực.

PV: Cuộc thi có tên gọi lãng mạn, nhưng nội dung đề cao ý tưởng thực tế; Ông sẽ xác định các tiêu chí chấm chọn như thế nào với vai trò là Ban giám khảo của Cuộc thi?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Ngoài các yếu tố về chuyên môn, kỹ thuật, thẩm mỹ, tôi đánh giá cao các tác phẩm, sản phẩm có khả năng truyền tải yếu tố văn hóa, thể hiện được thay đổi của đời sống xã hội gia đình, những biến đổi của nhịp sống thời đại.

Bên cạnh đó, các nhu cầu cần và đủ về Ở nên được đáp ứng khéo léo, chẳng hạn như nhu cầu thư giãn. Muốn thư giãn thì thị giác cần được nghỉ ngơi vì thế xu hướng thiết kế nhà ở thường là vừa phải. Đối với nhà ở, yếu tố hài hòa, gần gũi là điều kiện cần để con người không bị lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

“Ngôi nhà mơ ước” nên hòa thuận với thiên nhiên, rất cần có sự hài hòa cùng chính chúng ta và ngôn ngữ kiến trúc cũng phải “đối thoại” được với các công trình khác.

PV: Nói như vậy thì những bài thi mang tính chất hoành tráng có đi ngược tiêu chi chấm của ông?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Với tôi thiết kế là công việc sáng tạo không có giới hạn, và tôi cũng không có giới hạn với các bài dự thi. Tuy nhiên tôi đánh giá cao tác phẩm có khả năng truyền tải yếu tố văn hóa.

Văn hóa thể hiện hữu hình qua kiến trúc. Chẳng hạn như khi xây dựng ngôi nhà có nhiều thế hệ cùng chung sống, kiến trúc sư cần đưa được giải pháp cho để hài hòa từng thành viên trong gia đình, phù hợp với sự thay đổi văn hóa hiện đại.

PV: Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các thí sinh dự thi?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Hãy truyền tải yếu tố văn hóa vào công trình thiết kế. Bên cạnh các thông tin do chủ nhà, người dân đưa ra các yếu tố về địa điểm, thiên nhiên, văn hóa tại đó chính là đầu bài giao cho người kiến trúc sư để giải bài toán thiết kế. Các kiến trúc sư trẻ nên nâng cao triết lý sống, triết lý làm việc.

PV: Để nâng cao ý nghĩa cho Cuộc thi, Ông có đề xuất gì đối với các phương án được giải?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi chưa có câu trả lời, vì đôi khi tác phẩm đoạt giải còn vượt trội hơn mong đợi của ban giám khảo.

PV: Theo ông, vai trò của KTS trong việc nâng cao chất lượng ở như thế nào, trong khi một thực tế là những ý tưởng của KTS và nhu cầu của người dân đang ở khoảng cách khá xa ?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Khoảng cách là do kiến trúc sư thiếu sự quan sát người dân và thờ ơ với sự thay đổi của văn hóa, xã hội. Người kiến trúc sư nên cụ thể hóa được mong muốn, thói quen sinh hoạt của gia chủ để thiết kế cuộc sống thoải mái hơn cho chủ nhà. Lời khuyên của tôi là cần thời gian nghiên cứu, quan tâm để hiểu rõ nhu cầu ở của người dân.

Ai cũng có ngôi nhà mơ ước của mình. Nếu ước mơ của chủ nhà có điểm chưa hợp lý thì kiến trúc sư cần tư vấn, phân tích để cùng đưa tới giải pháp. Trách nhiệm của kiến trúc sư là kế hoạch lường trước các trường hợp gia chủ đổi ý để giảm thiểu thiệt hại.

PV: Vậy theo ông “Ngôi nhà mơ ước” sẽ phụ thuộc vào kiến trúc sư hay điều gì khác?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Theo quan điểm của tôi, kiến trúc sư chỉ là “bà đỡ”. Còn địa danh, văn hóa, thổ nhưỡng… của vùng đất mới là mẹ đẻ ra các công trình. Vì thế “bà đỡ” nên hỗ trợ “mẹ đẻ” để tạo ra công trình phù hợp!

PV: Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Ông.

PV TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc