Theo các thống kê gần đây, tại Việt Nam số lượng các trường đại học (ĐH) có đào tạo Kiến trúc sư (KTS) là gần 30 trường với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng trên 2000 sinh viên (SV) mỗi năm. So với quốc gia phát triển khác, Việt Nam đang đứng trong tốp đầu về số lượng đào tạo KTS hàng năm. Trước tình hình vượt trội về số lượng như vậy, vấn đề chất lượng luôn là điều đáng bàn.
Đào tạo ngành Kiến trúc cũng như một số ngành nghệ thuật khác với sự khác biệt chính nằm ở chỗ nhất thiết phải trang bị cho SV khả năng hiểu về cái đẹp và biết làm đẹp. Do đó, giảng dạy các môn mỹ thuật cơ bản là quan trọng và thiết thực trong đào tạo KTS tại Việt Nam. Tất cả các trường có đào tạo KTS ở nước ta đều trang bị cho SV hệ thống bài tập mỹ thuật cơ bản như một nền tảng cơ sở ngành quan trọng.
Thực trạng đào tạo KTS tại các trường đại học trong nước
Tại một số trường đại học lớn ở Việt Nam như ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc TP HCM hay ĐH Bách khoa Đà Nẵng… và cả các trường dân lập đều cho thấy thời lượng môn mỹ thuật cơ bản bao gồm cả lý thuyết và thực hành tương đối lớn thường chiếm từ 6% đến 9% tổng thời lượng, với số lượng tín chỉ tương quan (xem biểu đồ 1)
Nội dung các môn mỹ thuật cơ bản giữa các trường cũng không khác biệt nhiều, thường bao gồm các môn lý thuyết như: Lịch sử nghệ thuật, Mỹ học… và các hệ thống bài tập mỹ thuật cơ bản trang bị cho SV các kiến thức, kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp, từ đen trắng đến màu sắc, từ mặt phẳng đến không gian…
Cách đào tạo và trang bị môn mỹ thuật cơ bản như hiện nay cho thấy SV được cung cấp một nền tảng mỹ thuật khá đầy đủ và kỹ lưỡng. Điều này có thể được giải thích từ hai lý do chính:
– Một là, các trường đào tạo KTS lớn ở Việt Nam đều xuất phát từ “cái nôi” chính là trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) bắt đầu tuyển sinh vào năm 1925, trường có ngành Nghệ thuật Kiến trúc Viễn Đông. Như vậy, với nguồn gốc đào tạo KTS khởi nguồn từ một trường Mỹ thuật nên đã ảnh hưởng khá nhiều đến các môn mỹ thuật đào tạo KTS ở nước ta.
Các giảng viên môn mỹ thuật thường là những người có bằng họa sỹ, điêu khắc tại các trường chuyên về mỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp tại Việt Nam. Do đó, các giáo trình đào tạo, hệ thống bài tập của các môn mỹ thuật thường được sử dụng một phần nhỏ, phần cơ bản trong chương trình của các trường mỹ thuật.
Nhìn chung, chương trình đào tạo các môn mỹ thuật gần như có rất ít thay đổi sau hàng thập kỷ bao gồm: Hệ thống bài tập, phương pháp giảng dạy,…
– Hai là, trong chương trình phổ thông cấp III (trước Đại học) học sinh không được trang bị các môn mỹ thuật nên nhìn chung kiến thức mỹ thuật của các đối tượng đầu vào không đồng đều, đa phần bị gián đoạn, thiếu các nền tảng thẩm mỹ cơ bản, thiếu các kỹ năng vẽ tay, do đó việc củng cố trang bị lại kiến thức này trong quá trình đào tạo KTS là cần thiết.
Với hệ thống các môn học mỹ thuật khá đầy đủ như vậy, SV các trường đào tạo kiến trúc ở Việt Nam được trang bị:
– Kỹ năng vẽ tay, thực hành, tăng khả năng quan sát, cảm thụ thẩm mỹ. SV sẽ có những kiến thức nền về mỹ thuật nắm chắc về tỷ lệ, hình khối, bố cục, màu sắc…
– Các môn lý thuyết mỹ thuật cung cấp kiến thức lý luận, lịch sử các phong cách, các trường phái mỹ thuật cũng như các tác giả tiêu biểu.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài đào tạo (đối với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là khoảng 55 năm) hệ thống các môn mỹ thuật gần như không thay đổi nhiều. Học phần hình họa thường là vẽ tĩnh vật, tượng, người với các chất liệu từ chì, mực nho, màu nước và có thể là sơn dầu. Các học phần trang trí với các nội dung như: Đối xứng, đăng đối, đường diềm trong hình tròn, vuông, chữ nhật…và một số học phần mỹ thuật khác như: Ký họa, điêu khắc. Với nội dung các môn học mỹ thuật như vậy, thì việc phục vụ trực tiếp cho đồ án kiến trúc còn khoảng cách nhất định. Các môn học mỹ thuật với các chủ đề tĩnh vật, tượng, người thường mang tính vẽ lại mẫu, tả thực, thường khó phát huy tính sáng tạo của SV. Các môn trang trí có phần gợi tính tìm tòi cách điệu, bố cục màu sắc nhưng thường đóng khung trong những quy tắc cơ bản. Với cách học như vậy, SV khó chuyển hóa liên hệ sáng tạo với tạo hình kiến trúc.
Trong khi đó, việc thi tuyển sinh đầu vào tại một số trường, trong đó đi đầu là ĐHKT Hà Nội, ngoài môn thi truyền thống là vẽ đầu tượng bằng chì đen đã bổ sung thêm môn Mỹ thuật 2 là bố cục đen trắng nhằm đánh giá tư duy sáng tạo của thí sinh như một yêu cầu quan trọng ở đầu vào (đến năm học 2016-2017 điểm thi môn mỹ thuật 2 đã được nhân hệ số 2).
Kinh nghiệm đào tạo KTS trên thế giới dưới góc độ trang bị các kiến thức mỹ thuật
Thông qua khảo sát một số trường đào tạo KTS tại các nước phát triển trên thế giới như Anh, Úc, Singapore…, hầu như đều có mô hình giống nhau. Ngoài một số trường tại Trung Quốc thì chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới đều được cải tiến và không còn môn học mỹ thuật riêng. Các môn học liên quan đến phát triển thụ cảm thẩm mỹ và mỹ thuật thường được kèm trong các môn về cơ sở của năm thứ nhất. Ngoài ra, SV có thể tự phát triển về khả năng về mỹ thuật trong quá trình làm các đồ án.
Nhìn chung các môn học cơ sở ngành có liên quan đến mỹ thuật đều là các môn tự chọn.
– Không theo các giáo trình cố định, thường gần với môn cơ sở tạo hình tại Việt Nam;
– Các môn học có liên quan đến mỹ thuật (ví dụ: visual communication) thường có tiêu chí bổ sung sung trực tiếp đến khả năng tạo hình kiến trúc, cụ thể: Bố cục, cảm thụ…
– Cho phép SV sử dụng nhiều cách truyền tải khác nhau: Nhiếp ảnh, phim, vẽ ký họa, vẽ bóng đổ, vẽ phong cảnh, tranh, điêu khắc, mô hình, đồ họa máy tính (digital design)… Như vậy, SV sẽ phát huy được thế mạnh của mình và môn học không bị đóng khung gò ép, tăng cảm hứng cá nhân và sự sáng tạo
– Đối với vẽ ghi và vẽ phong cảnh, các sinh viên thường được trình bày theo lối tự do, thiên về cảm xúc và cảm nhận mang tính cá nhân;
– Các trường kiến trúc trên thế giới có xu hướng sử dụng các giáo viên là KTS cho đào tạo các môn mỹ thuật. Điều này giúp các môn mỹ thuật gắn chắt với các môn chuyên ngành. Điều này phù hợp với các nước phát triển, đang có nhu cầu cắt giảm chi phí đào tạo để tăng tính cạnh tranh của các trường. Đồng thời giảm bớt thời gian làm bài tập các môn mỹ thuật, sinh viên có nhiều thời gian vào các môn chuyên ngành hơn;
– Bổ trợ trực tiếp đến tư duy sáng tạo, tạo hình kiến trúc và quy hoạch của sinh viên;
– Chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy không cố định, thay đổi liên tục hàng năm, hoặc một vài năm. Sự thay đổi cập nhật như vậy sẽ giúp chương trình đào tạo thích ứng với đòi hỏi của sự phát triển không ngừng của xã hội;
– Đề cao tính sáng tạo. Các môn mỹ thuật của các trường nước ngoài luôn hướng đến sự sáng tạo làm tiêu chí. SV được tự do thể hiện sự tưởng tượng, cá tính của cá nhân, thể hiện cái mới, thậm chí là đột phá.
Các quan điểm trong giảng dạy Mỹ thuật tại các trường đào tạo KTS ở Việt Nam
Theo TS KTS Nguyễn Trí Thành, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc – trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Các môn mỹ thuật nên hướng tới mỹ thuật ứng dụng, gắn với các yêu cầu sáng tạo cần thiết của nghề Kiến trúc. Cần làm tươi mới các môn học mỹ thuật cơ bản thông qua hệ thống bài tập nhằm khơi gợi và khích lệ tinh thần học tập và phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân”. Qua thực tế đào tạo trong nước và các kinh nghiệm quốc tế có thể đưa ra các quan điểm mới trong giảng dạy mỹ thuật gắn với đào tạo KTS như sau:
– Khai thác thế mạnh của đội ngũ giảng viên bộ môn Mỹ thuật cơ bản, trong môi trường gồm những thạc sỹ họa sỹ, nhà điêu khắc với bề dày kinh nghiệm giảng dạy và khả năng sáng tác đa dạng. Mỗi giảng viên là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành hẹp về mỹ thuật. Tăng cường sự gắn kết giữa các giảng viên Mỹ thuật với các giờ học đồ án chuyên ngành đề các giảng viên, họa sĩ nắm bắt tốt hơn về chuyên ngành kiến trúc cũng như những nhu cầu của sinh viên;
– Đổi mới hệ thống môn học mỹ thuật cơ bản thông qua điều chỉnh hệ thống bài tập nhằm phát triển tư duy sáng tạo cảm thụ nghệ thuật cũng như các kỹ năng thể hiện mỹ thuật;
– Tăng cường khả năng ứng dụng của các môn Mỹ thuật cơ bản vào hệ thống đồ án chuyên ngành qua đó khơi gợi cảm hứng và khả năng phát triển năng khiếu mỹ thuật của từng cá nhân người học;
– Thiết kế môn học theo các mô đun có tính tích hợp và mở để tăng cường khả năng liên thông các ngành đào tạo nghệ thuật khác trong trường;
– Hướng tới xây dựng phong cách nghệ thuật đặc trưng của các cơ sở đào tạo.
– Cấu trúc và trình tự các môn học được thiết kế trên cơ sở:
+ Dành 25% thời lượng cho việc đánh giá tổng quát chất lượng mỹ thuật cơ bản của đầu vào và bổ sung bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật cơ bản qua các bài tập dạng truyền thống;
+ 50% thời lượng sẽ giành cho 2 học phần mỹ thuật cơ bản với các bài tập được điều chỉnh và thiết kế mới nhằm phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật;
+ 25% các môn mỹ thuật dạng tự chọn nhằm phát triển sở trường và cá tính nghệ thuật đối với từng sinh viên.
Như vậy hệ thống môn học và bài tập mỹ thuật được thiết kế theo hướng tăng dần tính ứng dụng đối với chuyên ngành Kiến trúc, phù hợp với trình độ sinh viên các năm.
————————————————————————————
Tài liệu tham khảo:
1. 45 năm thành lập và phát triển trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (2014).
2. Bộ môn Mỹ thuật cơ bản, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (2014), Đề cương chi tiết các học phần mỹ thuật.
3. Khoa kiến trúc (2006), Hệ thống bài tập và đồ án kiến trúc.
TS.KTS. Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01 – 2017)