Liên kết đào tạo quốc tế trường ĐH Xây dựng

Hoạt động liên kết đào tạo quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học đang là xu thế tất yếu của công cuộc quốc tế hóa nền giáo dục. Cũng giống như các cơ sở giáo dục khác, trong hơn 10 năm qua, Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Tư vấn Quốc tế (ICCEC) và Khoa Đào tạo Quốc tế trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã phát triển rất nhiều chương trình liên kết quốc tế, từ dự bị đại học, đại học và cao học.

Những chương trình này góp phần nâng cao vị thế của Trường ĐHXD đối với các đối tác quốc tế. Tuy vậy, sự hạn chế trong nguồn ứng viên thuộc nhóm ngành kỹ thuật xây dựng, các trở ngại trong thủ tục xuất cảnh, những thay đổi về chính sách của chính phủ và đối tác hay những thách thức về năng lực ngoại ngữ là những thách thức trong việc phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Việc phát triển liên kết đa ngành, các hướng tiếp cận liên kết mới cũng như tìm được đối tác phù hợp, ổn định, sẽ là hướng tiếp theo của Trung tâm và Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHXD.

Nằm trong sự phát triển chung của xã hội, đáp ứng xu thế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, trường ĐHXD đã khẳng định rõ sứ mệnh của Nhà trường: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học  và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Để thực hiện sứ mệnh đã đề ra và chiến lược phát triển dài hạn nhằm thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục, Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Tư vấn Quốc tế (International Cooperaton Center for Education and Consultancy – ICCEC) đã được thành lập vào tháng 6/2006, cùng với việc thành lập Khoa Đào tạo Quốc tế (Faculty of International Education – FIE) năm 2016, góp phần đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo, trao đổi khoa học, công nghệ với các nước tiên tiến trên thế giới, tạo nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về năng lực và ngoại ngữ trong các ngành xây dựng cơ bản (Trường Đại học Xây dựng, 2016).

Để thúc đẩy hợp tác đào tạo quốc tế tại trường ĐHXD, bốn chiến lược dài hạn đã được Khoa ĐTQT đề xuất để có giải pháp thực hiện trong tương lai, đó là:

  • Quốc tế hoá chương trình đào tạo: Xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và được quốc tế công nhận;
  • Quốc tế hoá giảng viên: Xây dựng đội ngũ giảng viên, cộng tác viên có trình độ đạt chuẩn quốc tế để giảng dạy các chương trình đào tạo theo quốc tế;
  • Quốc tế hoá sinh viên: Sinh viên (SV) có năng lực ngoại ngữ và năng lực chuyên môn để tham gia các chương trình quốc tế, hội nhập với các SV quốc tế;
  • Quốc tế hoá môi trường đào tạo: Xây dựng cơ sở vật chất, môi trường đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.

Để thực hiện các chiến lược dài hạn đề ra, định hướng của lĩnh vực đào tạo quốc tế tại ĐHXD sẽ  phát triển theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn I (học hỏi – tiếp nhận): Củng cố nguồn lực, xây dựng các chương trình liên kết đào tạo áp dụng (nhập khẩu) các chương trình quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mời giáo viên quốc tế sang giảng dạy để giảng viên Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, tiếp nhận các nội dung giảng dạy của đối tác quốc tế để xây dựng chương trình liên kết đào tạo của Khoa được quốc tế công nhận. Nâng cao năng lực ngoại ngữ của SV thông qua các chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường;
  • Giai đoạn II (điều chỉnh – đổi mới): Ngày càng giảm sự phụ thuộc vào chương trình nhập khẩu quốc tế và giảng viên quốc tế. Xây dựng các chương trình lồng ghép chương trình đào tạo mới theo hướng CDIO của ĐHXD, nâng cao trình độ giảng viên để chủ động giảng dạy trong các chương trình liên kết. Tiếp tục đổi mới các chương trình liên kết để đáp ứng tốt nhất với yêu cầu của thị trường mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng.
  • Giai đoạn III (phát triển – hội nhập): Xây dựng được các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn của Khoa ĐTQT được quốc tế công nhận. Từ đó không chỉ thu hút sinh viên Việt Nam và hút SV quốc tế tham gia các chương trình đào tạo của Khoa, đem lại thương hiệu cho Khoa và trường.

Hiện nay, Khoa ĐTQT, trung tâm Hợp tác Đào tạo và tư vấn Quốc tế ICCEC trường ĐHXD đã triển khai các chương trình liên kết đào tạo ở các bậc khác nhau. Cụ thể:

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với bậc dự bị đại học:

1.Chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học với các trường Đại học tại CHLB Đức ( Đại học Xây dựng Weimar – Bauhaus University of Weimart, ĐH Khoa học Ứng dụng Nordhausen – Applied Science University of Nordhausen..) – những trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại CHLB Đức – được triển khai từ năm học 2008-2009 với các nhóm ngành kỹ thuật (Xây dựng, Kiến trúc, Môi trường, Công nghệ thông tin, Điện tử và Tự động hóa, Năng lượng mới và Kỹ thuật tái chế,…) và nhóm ngành khác (Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh doanh nghiệp quốc tế, Quản trị công, Dịch vụ y tế và xã hội,…). Tính đến nay trường đã và đang thực hiện được 11 khóa, với trên 130 SV đã được sang học tập tại CHLB Đức.

Buổi tổng kết và cấp chứng chỉ khóa 8 chương trình liên kết dự bị đại học với các đối tác Đức, năm học 2016-2017
Hoạt động giao lưu sinh viên Việt – Đức tại trường dự bị ĐH Nordhausen (SV khoá 6- chương trình liên kết)

2.Chương trình liên kết đào tạo dự bị đại học với các trường ĐH tại Italia được triển khai từ năm học 2014-2015 với các chuyên ngành: Xây dựng, Môi trường, Tin học, Điện tử, Cơ khí, Quản lý Xây dựng, Kiến trúc. Đã triển khai được 02 khoá với trên 20 SV tham dự.

Đón tiếp ngài Hiệu phó và trưởng khoa Kỹ thuật, ĐH UNIMORE – Italia, 2015
Ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với ĐH Palermo, Italia 2014
Ảnh sinh viên chương trình Ý khóa 1(2014-2015) tại thành phố Modena, trường ĐH Unimore

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đối với bậc đại học

Quốc tế hoá chương trình đào tạo là một trong những mục tiêu mà trường ĐHXD đang hướng tới. Bên cạnh việc đổi mới các chương trình đào tạo  theo tiếp cận CDIO ( Conceive – Design – Implement – Operation), trường đang triển khai đề án xây dựng chương trình liên kết đào tạo bậc đại học, mô hình đào tạo 2+2 với đại học Mississippi, Hoa Kỳ cho hai ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering) và Khoa học Máy tính (Computer Sciences), dự kiến năm học 2019 -2020 sẽ tuyển sinh. Trường ĐHXD là trường ĐH kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam có được chương trình liên kết đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng với đối tác Mỹ.

Ký thoả thuận hợp tác với trường ĐH Mississippi, Bang Mississippi, Hoa Kỳ

Ngoài ra, trường đang phát triển các hợp tác song phương trong liên kết đào tạo với mô hình chuyển tiếp tín chỉ (Credit transfer), trong đó các trường đối tác sẽ công nhận các tín chỉ SV đạt được tại ĐHXD trong 2-3 năm đầu tiên, sau đó nếu đủ điều kiện kiến thức, ngoại ngữ và tài chính, SV có thể tiếp tục học tập tại trường quốc tế. Hiện nay, đã triển khai được chương trình chuyển tiếp tín chỉ với ĐH Huddersfields (UK) và ĐH Victoria (Úc) với các ngành Kinh tế xây dựng, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Kiến trúc và Quy hoạch.

Các chương trình liên kết đào tạo đối với bậc thạc sĩ

1.Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa trường ĐHCD và trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) – chuyên ngành Xây dựng công trình và Quản lý dự án. Trường NTU là trường đại học danh tiếng đứng thứ 72 trên TG (theo QS Global World Ranking), và là 1trong 10 trường ĐH khối kỹ thuật tốt nhất châu Á. Chương trình thạc sĩ liên kết được triển khai từ năm 2008, đến nay đã tuyển sinh được 11 khóa với tổng số 113 học viên tham gia

Học viên khóa 1 cùng GS.TS. L.J.Leu, trưởng khoa Xây dựng trong Lễ tốt nghiệp tại trường NTU, Đài Loan

2.Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Trường ĐHXD và trường Quản lý HEC thuộc Đại học Tổng hợp Liege (Vương quốc Bỉ) – chuyên ngành Quản lý Công nghiệp – chương trình được triển khai từ năm 2010, đến nay đã tuyển sinh được 6 khóa với số lượng 67 SV.

Học viên khóa 5 của chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ NUCE-HEC Liege nhận Chứng chỉ Thạc sĩ Quản lý Công nghiệp bậc 1 năm của trường Đại học Liege

3.Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa trường Đại học Xây dựng và trường Đại học Khoa học Ứng dụng Leipzig (CHLB Đức) – chuyên ngành Xây dựng công trình bắt đầu thực hiện từ năm học 2017-2018 chương trình đã tuyển sinh khóa 2 (2018-2020).

Điểm đặc biệt là bắt đầu từ năm học 2018-2019, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc thạc sĩ tại ĐHXD đã thu hút được các SV quốc tế tham dự đến từ Mozambique, Nhật Bản. Điều này đã phần nào khẳng định chất lượng và uy tín quốc tế của trường.

Ngoài ra, Trường ĐHXD luôn đẩy mạnh thực hiện các Chương trình Summer School và các khóa học ngắn hạn với các SV nước ngoài đến học tập tại Việt Nam và SV Việt Nam (trường ĐHXD) đi học ngắn hạn ở các trường đối tác quốc tế.

Các thách thức trong bối cảnh hội nhập

– Xu thế chọn ngành học của SV Việt Nam. Xu thế hội nhập quốc tế trong các năm gần đây ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn ngành học của SV Việt Nam nói chung và học viên tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế nói riêng. Trong 5 năm trở lại đây (2010-2015), Lê Thị Thanh Mai (2015) cho rằng: “Nhóm ngành kinh doanh luôn là sự lựa chọn cao nhất trong năm năm qua, trong đó cả nước có đến 90 trường ĐH có tuyển sinh một/nhiều ngành thuộc nhóm ngành này (quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, marketing, bất động sản, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, thương mại điện tử)”. Lê Văn (2017) cho rằng, trong năm 2017 những ngành có nhiều khả năng tự khởi nghiệp như quản trị kinh doanh, luật, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin… vẫn là những ngành học thu hút được nhiều thí sinh đăng ký. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, liên kết đào tạo quốc tế trong nhóm ngành kỹ thuật xây dựng gặp không ít thách thức vì là một trong số ít các nhóm ngành rất kén người học và xu thế tỷ lệ học viên theo học là không cao.

Chính vì vậy, Trường ĐHXD đang nghiên cứu để xây dựng thêm các ngành mới hấp dẫn SV và đáp ứng nhu cầu thị trường như ngành Công nghệ Máy tính – Computer Sciences, ngành Thiết kế nội thất – Interior design, Kiến trúc công nghệ – Architecture &Techology…Đây là những ngày nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong thời đại công nghệ cao và có khả năng liên kết với các đối tác quốc tế.

– Sự hạn chế về nguồn ứng viên khối ngành kỹ thuật xây dựng: Mặc dù Trường ĐHXD là một trong các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam và có khả năng thu hút nguồn sinh viên kỹ thuật rất cao; tuy nhiên, do hầu hết nguồn ứng viên các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc thạc sĩ của nhà trường đều tốt nghiệp khối kỹ thuật xây dựng, nên nói chung nguồn ứng viên có số lượng tương đối ít hơn so với các nguồn sinh viên thuộc các chuyên ngành khác như kinh tế, xã hội.

– Năng lực ngoại ngữ: Đối với SV và học viên tham gia các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, khả năng ngoại ngữ chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của các em. Hầu hết các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc thạc sĩ hiện nay của nhà trường đều giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể khẳng định rằng đây là một thách thức tương đối lớn trong công tác tuyển sinh và cũng đặt ra các yêu cầu về nâng cao năng lực ngoại ngữ của SV khối ngành kỹ thuật.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn làm việc trong môi trường quốc tế, để cải thiện tình trạng này, với vai trò là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế, trước hết chúng ta nên đầu tư chú trọng hơn nữa đối với việc đào tạo ngoại ngữ cho SV trước khi các em tham gia các chương trình liên kết; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa mang tính chất quốc tế như thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ, tổ chức các cuộc thi về ngoại ngữ; xem xét nâng cao tỷ lệ giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy trong các chương trình liên kết … (Trường ĐHXD, 2016).

KẾT LUẬN

Liên kết đào tạo quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học đang là xu thế tất yếu nhằm tạo ra cơ hội học tập trong môi trường quốc tế và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện đại hóa và quốc tế hóa nền giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển khá phong phú về các chương trình liên kết của các trường đại học trong hơn 10 năm trở lại đây, cùng với những khó khăn đã được đúc rút ở trên, thực sự là những thách thức đối với những người làm chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở Trường ĐHXD. Để đảm bảo được chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường được hiệu quả trong việc quản lý để các chương trình phát triển bền vững, đảm bảo tính tự chủ, từng nhà trường, cơ sở, đơn vị… hoạt động trong lĩnh vực này, Trung tâm và Khoa ĐTQT luôn luôn nhìn nhận, phân tích, đánh giá những tiềm năng cũng như hạn chế của mình để xây dựng các chính sách, chiến lược phù hợp trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Nhà nước và Bộ chủ quản để tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động liên kết đào tạo quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo của nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của Trường ĐHXD trong khu  vực và trên trường quốc tế.

*Tạ Quỳnh Hoa1, Đặng Thị Thanh Huyền1

1Khoa Đào tạo Quốc tế – Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Tư vấn Quốc tế – trường Đại học Xây dựng

© tạp chí kiến trúc

–––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  1. Trường Đại học Xây dựng (2016), “Giới thiệu về Khoa Đào tạo Quốc tế”, Trang thông tin điện tử trường Đại học Xây dựng, truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2017, từ cơ sử dữ liệu Trang thông tin điện tử trường Đại học Xây dựng.
  2. Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Tư vấn Quốc tế (2014), Đề án hoạt động tư vấn du học. Hà Nội.
  3. Lê Thị Thanh Mai (2015), “Chọn ngành học theo xu thế hội nhập”, Tuổi trẻ online, truy cấp lần cuối ngày 12 tháng 10 năm 2017, từ http://tuoitre.vn/chon-nganh-hoc-theo-xu-the-hoi-nhap-700164.htm.
  4. Lê Văn (2017), “7 ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất kỳ tuyển sinh đại học 2017”, Vietnamnet, truy cập lần cuối ngày 12 tháng 10 năm 2017, từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/7-nganh-duoc-thi-sinh-lua-chon-nhieu-nhat-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-2017-381027.html.
  5. Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Tư vấn Quốc tế (2016), Báo cáo tổng kết hoạt động liên kết đào tạo quốc tế (Giai đoạn 2010-2016), Hà Nội.