Kiến trúc sư trẻ, nguồn lực của tương lai

Đã vài năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc kinh tế sau năm 2000, giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã cảm nhận một cách từ từ về sức ép và sự thách thức của thời kỳ hội nhập. Quá trình quốc tế hóa hoạt động kiến trúc ngay trên sân nhà đã khiến chúng ta tốn nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để suy ngẫm, hiến kế nhằm tìm ra giải pháp cho sự tồn tại trong quá trình cạnh tranh. Trong câu chuyện này, lực lượng chính và kỳ vọng nhất của nền kiến trúc nước nhà chính là đội ngũ KTS trẻ Việt Nam, họ hiện đang làm gì, đang nghĩ gì và chuẩn bị ra sao cho trận chiến lớn trong tương lại gần? Chiến thắng để có được bản sắc, có được tiếng nói riêng của kiến trúc Việt Nam, hay tự lui dần về các công trình tỉnh nhỏ, các công trình ngân sách, để rồi ngao ngán về sự trì trệ và giá thiết kế thấp, thanh toán nhiều năm, cố thủ trong sự kiếm cơm đơn giản cho tồn tại nghề nghiệp qua ngày? 
Dũng khí nào cho KTS trẻ Việt Nam? Xin được khái quát một số hiện tượng và xu thế trong giới KTS trẻ Việt Nam, mối quan hệ giữa Hội KTS Việt Nam và KTS trẻ, từ đó cố gắng chỉ ra một vài gương sáng và những con đường khả dĩ nhất có thể đi đến thành công.
Sự manh mún lực lượng và bế tắc trong hướng phát triển nghề nghiệp
Tôi đã từng e ngại về việc thiếu những đơn vị tư vấn thiết kế mạnh, có khả năng đột phá để phát triển trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Câu chuyện kiếm ăn từng năm vẫn là hiện trạng phổ biến đối với hầu hết các tổ chức tư vấn kiến trúc. Mà trong đó đa phần ổn định với thị phần có được do mối quan hệ nhiều năm tháng gây dựng nên. Chúng ta cũng chỉ biết trông chờ nguồn vốn tư nhân ngày càng mạnh mẽ hơn và chủ đầu tư ngày càng biết giá trị của kiến trúc sư hơn. Nói cách khác, còn quá ít công ty, tập đoàn đầu tư bất động sản tư nhân biết tôn trọng văn hóa và giá trị của KTS. 
Câu chuyện thứ 1 : Tôi ra trường đã 13 năm và có cơ hội quan sát những bạn bè cùng lứa hiện xoay sở ra sao đối với việc làm nghề? Kết quả khảo sát một cách chủ quan cho thấy đáng suy ngẫm. Chúng tôi chưa phải đã đi hết con đường của sự sáng tác, kiến trúc sư dưới 40 tuổi được xem là trẻ theo thông lệ quốc tế, nhưng ở ta thì sao? 80-85% không còn trực tiếp thiết kế, hầu hết làm quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh tại các công ty tư nhân, giảng dạy đại học, thầu xây dựng, buôn bất động sản, làm nội thất và bỏ nghề, không còn mài dũa tư duy sáng tác nữa. Số còn lại 15-20% hành nghề kiến trúc thì thật chật vật, vất vả. Nhìn lên trên từ ông trưởng văn phòng thiết kế 30-35 tuổi đến ông giám đốc thiết kế 50 – 60 tuổi (còn rất hiếm) đều đang lụi hụi tổ chức thiết kế khá đơn độc với một dàn KTS trẻ độ 25 -28 tuổi, khoảng chênh thế hệ là quá lớn và rất chật vật để nói chuyện với nhau thông suốt.
Câu chuyện thứ 2: Từ câu chuyện thứ 1 dẫn đến là chẳng công ty thiết kế nào có đủ hai KTS có kinh nghiệm. Còn các KTS trẻ thì chỉ làm việc tạm bợ sau 5 năm có chứng chỉ hành nghề là bỏ đi mở doanh nghiệp riêng cho mình. Kịch bản cứ như thế dẫn đến khi họp lớp 10 năm sau, khoảng 30 đứa gặp lại, thì đã thấy lấp ló 20 cardvisit giám đốc cả. Lấy chỉ số hội viên KTS tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM thì số công ty có chức năng tư vấn thiết kế xây dựng luôn lớn hơn rất nhiều số KTS đang có tại địa bàn và thậm chí gấp đôi, gấp ba số có chứng chỉ hành nghề thực sự. Thật đáng buồn khi nhiều công ty sau khi ký được hợp đồng thì đôn đáo chạy các nơi thuê vẽ lại, thuê vẽ phối cảnh để báo cáo, phê duyệt, thuê bổ kỹ thuật, khai triển, thuê làm dự toán. Giá ký hợp đồng đã thấp, đã bị cắt xén nhiều, lại đi thuê mấy nấc…nên đến anh KTS trẻ triển khai thì giá rẻ mạt không chịu nổi. Thế nhưng anh KTS trẻ ấy, ngồi ở nhà, ăn cơm mẹ nấu, giờ giấc lè phè, lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày vẫn khai triển xong hồ sơ, chẳng cần biết tác phong công nghiệp hóa là gì, vậy mà, lại rất hài lòng, thu nhập có khi còn khá hơn làm ở một văn phòng thiết kế chuyên nghiệp 8 tiếng/ngày. Hiện đang tồn tại hàng ngàn KTS và nhóm KTS như thế tại hai thành phố lớn. Trong số đó có nhiều bạn rất giỏi từ thời sinh viên, nhưng sớm hài lòng với cách làm việc này, dẫn đến sự phí phạm nhân tài ở bình diện lớn, và sự hài lòng với miếng cơm manh áo thường nhật đã giết chết những cơ hội vươn lên trở thành KTS lớn từ những văn phòng nhỏ biết tuân thủ các thang bậc trưởng thành.
Thiếu công cụ cạnh tranh : Thiếu định hướng, thiếu sự tập trung các đội nhóm mạnh và thiếu sự dũng cảm tạo mũi đột phá 
Từ những câu chuyện ví dụ ở trên, có thể tóm lược lại một số điểm yếu của các KTS trẻ Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập : 
1.Sự phát triển nghề nghiệp thiếu định hướng rõ ràng, chưa hình thành đủ các đơn vị chuyên nghiệp lớn dẫn đường để các bạn theo học nghề trong những năm đầu, dẫn đến sự chọn lựa chuyên môn sâu của hầu hết KTS trẻ mang tính ngẫu nhiên, chủ yếu do quan hệ và các phạm vi hoạt động trong khả năng vốn có. Rất ít văn phòng KTS trẻ mạnh dạn đầu tư thế mạnh và đam mê riêng của mình. Sự tự chủ trong định hướng là yếu tố then chốt trong việc tồn tại của một văn phòng thiết kế, biết gạt bỏ những khó khăn để kiên định giữ vững tinh thần nghề nghiệp của mình. Ở bình diện quốc gia, các văn phòng thiết kế trẻ tạo được phong cách và sự ổn định chuyên môn không nhiều. Các ví dụ như văn phòng KTS Võ Trọng Nghĩa, Đương Đại, 1+1>2 là rất đáng trân trọng về định hướng sâu mang phong cách riêng.
2. Hội KTS Việt Nam chưa đánh giá được hết năng lực sáng tác của đội ngũ KTS trẻ. Bởi tỷ lệ KTS trẻ hưởng ứng tham dự Giải thưởng Kiến trúc quốc gia còn rất ít, quanh đi quẩn lại qua 2 kỳ giải thưởng gần đây 2006, 2008 cũng chỉ một số gương mặt tham dự. Đa phần KTS trẻ vẫn còn e ngại và chưa hồ hởi hưởng ứng xem đây là cơ hội quảng bá, là cơ hội khẳng định mình. Chất lượng giải thưởng kiến trúc của các tác giả trẻ nhìn chung là tốt, tuy nhiên vẫn chưa thật sự nổi trội để mang tính dẫn dắt, hay thuyết phục các đồng nghiệp cùng trang lứa ganh đua.
3. Các KTS trẻ sớm thành danh cũng không tránh khỏi phiên bản đơn thương độc mã một mình một chủ văn phòng, và thiếu người cộng sự giỏi để cùng làm những công trình lớn. Tại các quốc gia phát triển về kiến trúc trên thế giới vẫn tồn tại 3 cấp độ mô hình văn phòng thiết kế : Thứ nhất là các công ty thiết kế đa quốc gia với nhiều văn phòng đặt tại các thành phố lớn; với số Partner lên đến hàng chục, hàng trăm người; loại thứ 2 là các công ty với số sáng lập viên là Principal trung bình từ 3-5 người, loại này rất phổ biến; loại cuối cùng mới là các văn phòng kiến trúc sư độc lập chủ yếu một Founder và thêm 1-2 Partner cộng sự giỏi. Hiện nay ở Việt Nam hầu như chỉ có loại mô hình thứ 3, nghĩa là một chủ nhưng không có trợ thủ cộng sự giỏi. Không có mái nhà lớn, KTS tự mình mỗi người xây một ngôi nhà con con để tự ra ở riêng.
4. Cuối cùng, vì những lẽ trên nên cũng chẳng ai xông pha, đột phá gì, cố bảo vệ cái xưởng thiết kế bé bé của mình! KTS trẻ không đột phá thì ai đột phá, tương lai của nền kiến trúc Việt Nam dự báo sẽ thiếu tính cạnh tranh trầm trọng bởi thiếu những lá cờ đầu!
Sự hỗ trợ của Hội : Mới chỉ dừng ở mức tinh thần, Hội vẫn giao lưu bề rộng, chưa tạo dẫn đường đi nghề nghiệp một cách quyết đoán
Trong những năm qua, Hội KTS Việt Nam và các Hội tỉnh thành đã có nhiều nỗ lực trong việc phong phú hóa các hoạt động phục vụ hội viên cả nước từ những hoạt động chuyên môn đến việc phát động các phong trào – các câu lạc bộ thu hút KTS. Tần suất hoạt động nhiều, đôi lúc khá cẳng thẳng cho những người lãnh đạo hội. Đối tượng hướng đến khá đa dạng : Những người làm nghề, giới quản lý – đào tạo- nghiên cứu, giới KTS cao tuổi, KTS trẻ, sinh viên, nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy thiếu trọng tâm về các định hướng lớn. Trong khi đó, các mục tiêu lớn như thành lập Kiến trúc sư đoàn, hay gần đây là Luật Kiến trúc sư đã bàn qua là 3 nhiệm kỳ (15 năm) nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa thành hiện thực. 
Hy vọng nhiệm kỳ tới, Hội sẽ đi sâu vào phát triển nghề nghiệp, bảo vệ và dẫn dắt giới KTS Việt Nam đi tìm bản sắc, tìm tiếng nói với giá trị riêng của mình. 
Phong trào KTS trẻ Việt Nam đã thể hiện qua 3 kỳ hội trại, nay cũng đã thành hình và tạo thế, cần cụ thể hóa hơn nữa các chương trình hành động, kết nối trực tiếp với sự lãnh đạo của Hội KTS Việt Nam, tạo nên một sức mạnh tổng thể từ phong trào, từ lực lượng thực tiễn đến vai trò dẫn dắt, định hướng và bảo hộ có uy tín của Hội. Nói một cách khác, Hội quan tâm và đầu tư cho hoạt động của KTS trẻ, nghĩa là làm đúng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ phát triển nền kiến trúc nước nhà trong tương lai.
Chuyện xây dựng tầm nhìn và chiến lược hành động của giới rõ ràng là chuyện của người lớn. Hội KTS Việt Nam cần thể hiện vai trò này một cách sâu sắc. Tương lai của các KTS Việt Nam thể hiện bản lĩnh ra sao? Tiếng nói của giới KTS Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới ở thứ hạng nào phụ thuộc vào sự dẫn dắt của Hội KTS Việt Nam hôm nay.
Tổ hợp Công nghiệp và thương mại Đại Nhật – Thiết kế của KTS trẻ Nguyễn Việt Hồng 
Để thực hiện sứ mệnh nặng nề đó, Hội cần rà soát lại và chấn hưng tất cả nguồn lực của mình, trong đó cần nắm rõ hơn hết những gương mặt KTS trẻ, những phong trào tích cực để tạo nguồn lực lâu dài cho cuộc “trường chinh” này. Tôi đã nhiều lần rút tỉa các kinh nghiệm và có thể khái quát lại một số điểm mạnh và yếu của KTS trẻ Việt Nam như sau.
Điểm mạnh : Lòng yêu nghề kỹ năng về công nghệ, sự sáng dạ trong cảm thụ và chuyển thể các xu hướng thiết kế đương đại.
Điểm yếu : Phương pháp luận (phương pháp tiếp cận các vấn đề xã hội trong quá trình nhận thức và thực hiện nghề!), khả năng làm việc tập thể, thiếu các môi trường chuyên nghiệp để cọ xát học hỏi (dẫn đến tự mò mẫm rất nhiều trên con đường lập thân), chưa xây dựng được bản sắc thẩm mỹ mang phong cách riêng trong thiết kế.
Điểm thiếu : Thiếu sự dẫn dắt về tư tưởng, các định hướng sáng tác (vai trò của Hội) thiếu sự đàm luận khoa học (thiếu một nền lý luận phê bình kiến trúc tích cực) thiếu sự giao lưu giữa các tổ chức hành nghề để trao đổi, đề xuất, xây dựng cơ chế bảo về quyền lợi của giới KTS hành nghề (vai trò của Kiến trúc sư đoàn). 
Mong muốn ở nhiệm kỳ này, Hội KTS Việt Nam mạnh dạn dựng cờ kêu gọi “Phục hưng tinh thần của kiến trúc Việt”, xây dựng bản sản kiến trúc quốc gia trong thời đại mới, nhận vai trò dẫn đường về tinh thần cũng như xây dựng các chương trình hành động thực tiễn thúc đẩy các giới KTS trong các lĩnh vực hành nghề, nghiên cứu, đào tạo và quản lý cùng tham dự; lấy đội ngũ KTS trẻ làm nòng cốt trong các cuộc thi tuyển kiến trúc, trong các cuộc vận động sáng tác. Có nuôi dưỡng mới có thể có đội tuyển đẳng cấp trong tương lai.
Ths.KTS. Nguyễn Thu Phong