Trường ĐH kiến trúc Hà Nội – những thách thức trong thời kỳ hội nhập

TS Nguyễn Công Giang Phó Trưởng Bộ môn Công trình ngầm - ĐH Kiến trúc Hà Nội Cố vấn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd
TS Nguyễn Công Giang
Phó Trưởng Bộ môn Công trình ngầm – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Cố vấn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd
Năm 2005, tôi chính thức được làm giảng viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Khi đó là Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường. Trong số các trường đại học được thành lập vào thập kỷ 60, bao gồm cả ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ địa chất… thì ĐH Kiến trúc Hà Nội là một trường lớn, có bề dày lịch sử, được vun đắp bởi các thế hệ giáo sư, đào tạo nhiều KTS đầu ngành cho đất nước. Thời đó, nếu “định giá thương hiệu” như người ta vẫn làm với các thương hiệu lớn như bây giờ, thì giá trị thương hiệu “sinh viên ĐH kiến trúc Hà Nội” quả thật không phải là nhỏ.

Đến thời điểm hiện tại, năm 2014, ĐH Kiến trúc Hà Nội sắp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. Qua 10 năm của đầu thế kỷ 21, ĐH Kiến trúc Hà Nội vẫn là cái đích đến của rất nhiều thanh niên đam mê ngành kiến trúc, thể hiện ở số lượng tuyển sinh và điểm tuyển sinh ở các năm, nhưng bản thân tôi tự thấy, cái khao khát đó có vẻ kém mãnh liệt hơn những năm 1970. Nói cách khác, thương hiệu “Đại học Kiến trúc Hà Nội” đã không còn tuyệt đối như những năm trước. Một trong những lý do là vào thời kỳ mở cửa, Bộ Giáo dục Đào tạo đã cho phép các trường dân lập được mở các ngành kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, là những chuyên ngành vốn là thế mạnh của ĐH Kiến trúc Hà Nội. Hơn nữa, với tiềm năng kinh tế mạnh, các trường dân lập đã mời một số giảng viên vốn công tác tại ĐH Kiến trúc Hà Nội tham gia giảng dạy. Ngoài ra, chương trình dạy và học tại các trường công lập cũng được nghiên cứu hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sinh viên. Đứng trước thách thức này, tôi cho rằng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cần thay đổi trên nhiều khía cạnh để giữ vững thương hiệu trong quá trình hội nhập.

– Giải pháp đầu tiên, ĐH Kiến trúc Hà Nội cần đẩy mạnh hòa nhập quốc tế bằng việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nghĩa với các trường đại học cùng chuyên ngành của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nghiên cứu phát triển như Mỹ, Nhật, Pháp, Ý,… để trao đổi kinh nghiệm, học thuật, tài liệu khoa học, tiếp cận các chương trình giảng dạy tiên tiến của thế giới, hướng tới đào tạo sinh viên đạt chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, việc hợp tác sẽ tạo môi trường cho sinh viên học ngoại ngữ, nâng khả năng đọc các tài liệu tiếng nước ngoài, tạo điều kiện tham dự các hội thảo quốc tế chuyên ngành. Ngay cả các giảng viên trong trường cũng cần đẩy mạnh trình độ ngoại ngữ để tăng cường khả năng đọc, nghiên cứu…

Ngoài ra, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước. Đây chính là những khách hàng sau này sẽ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Căn cứ các nhu cầu của doanh nghiệp, Trường có thể thiết kế các chương trình giảng dạy có tính thực tiễn cao.
– Giải pháp thứ 2, cần tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường và gia đình các sinh viên. Mối quan hệ này sẽ giúp gia đình gắn bó với các hoạt động học tập của con tại Nhà trường, từ đó, có thể theo dõi, giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, sinh viên của Kiến trúc Hà Nội đến từ mọi miền trong cả nước, hơn nữa, sinh viên là người trưởng thành (trên 18 tuổi), nên việc hình thành mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình cần phải rất khéo léo. Ví dụ, vào các buổi lễ quan trọng của trường như lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp, nhà trường có thể tổ chức mời cha mẹ sinh viên là thủ khoa đến tham dự. Việc đó sẽ đem lại niềm vinh dự cho phụ huynh được thăm trường, có hình dung về mái trường nơi con em mình theo học.
– Giải pháp thứ 3, cần xây dựng Ban vận động với chức năng chuyên vận động các tổ chức trong nước, quốc tế tài trợ học bổng cho sinh viên. Có thể là các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc, nhưng cũng có thể là các học bổng cho các hoạt động nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.

Chúng ta tin tưởng rằng, chú trọng tới sinh viên và coi sự phát triển của sinh viên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động sẽ tạo động lực để Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội giữ vững và khẳng định thương hiệu của mình trong sự nghiệp đào tạo.

TS Nguyễn Công Giang
Phó Trưởng Bộ môn Công trình ngầm – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Cố vấn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd