Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững đất nước

Chúng ta hãy bắt đầu từ lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ cách mạng Việt Nam, một nhà văn hóa lớn của nhân loại, gửi tới giới Kiến trúc: “Trong bốn điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy Kiến trúc là một việc rất quan hệ”. Có thể thấy rằng, sự phát triển mọi mặt của xã hội là để phục vụ bốn nhu cầu trên của con người, chủ nhân phát triển của xã hội đó. Kiến trúc, tất nhiên không phải là tất cả để phục vụ cho nhu cầu ở và đi (ta có thể hiểu mộc mạc: “Đi” ở đây là môi trường tương tác lao động tạo ra của cải vật chất nuôi sống, và các mặt hưởng thụ nghỉ ngơi giải trí của con người), nhưng Kiến trúc đã thực sự là hạt nhân của các hoạt động tổng thể. Kiến trúc cũng chính là một minh chứng rõ ràng nhất về thời đại – xã hội. Công trình kiến trúc nổi bật sẽ phản ánh khá rõ tình hình kinh tế – xã hội và cả văn hóa – môi trường ở mỗi quốc gia.

Kiểm tra quy hoạch chung Hà Nội năm 2030 đến năm 2050

Như vậy, vai trò và vị thế kiến trúc ở mỗi quốc gia, mọi chế độ đều có tầm quan trọng đặc biệt, là một phần định lượng khá rõ rệt, làm thước đo phản ánh sự thành công hay thất bại trong xây dựng quốc gia – chế độ đó. Kiến trúc từ xưa đến nay luôn là một công cụ hữu hiệu để biểu hiện quyền lực của hệ thống lãnh đạo điều hành. Bài viết này xin đề cập đến vai trò của kiến trúc với 3 dạng: Vai trò loại hình vật thể; vai trò loại hình phi vật thể (Hoạt động đào tạo – Nghiên cứu, Lý luận – Phê bình, Phản biện – Giám định, Chính sách – Pháp lý); vai trò người làm kiến trúc (bao hàm cả người không phải là KTS). Phạm vi đề cập cũng chỉ xin khoanh gọn trong nền Kiến trúc Việt Nam phát triển cùng đất nước giai đoạn gần 80 năm giành được độc lập, và từ ngày Đoàn KTS Việt Nam được thành lập.

Một góc phối cảnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Vai trò vật thể kiến trúc

Khi loài người bắt đầu rời khỏi hang đá, tập hợp nhau lại để hình thành xã hội quần cư, kiến trúc đã tự nhiên được hình thành, đầu tiên với việc tạo nơi trú ngụ tránh mưa nắng – Đó chính là những ngôi nhà để ở, phát triển qua nhiều giai đoạn, biến đổi hình thái, liên tục được gọt giũa để ngày càng thích dụng như chúng ta nhìn thấy hôm nay. Việc quần cư này cũng dần tạo thành những quy hoạch, từ sắp xếp ngẫu nhiên, rồi dần dần có chủ ý, như vậy, do đặc tính phát triển tự nhiên xã hội, quy hoạch xuất phát hình thành sau kiến trúc, nhưng quay lại định hình sắp xếp kiến trúc thành trật tự và khối lượng. Với thời đại ngày nay, quy hoạch đã trở thành bước đi trước.

Với sự phát triển như vây, chính “Vật thể kiến trúc” dần dần đa dạng, phục vụ yêu cầu, đòi hỏi tiện nghi ngày càng cao của con người. Vì vậy, hàng loạt loại hình công trình được hình thành đáp ứng những công năng khác nhau. Các thể loại đó được đặt trong những quy hoạch có sự tính toán chuyên môn ngày càng căn bản. Đến bước tiếp theo, chi tiết sâu hơn, là những thiết kế nội ngoại thất nâng tầm tiện nghi và phù hợp các yêu cầu khác biệt. Có thể nói rằng không có vật thể kiến trúc chứa đựng và tạo môi trường tương tác thì xã hội loài người không thể tồn tại phát triển được. Tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều nằm trong quy luật, tiến bước trong sự ràng buộc đó.

Ở nước ta, ngay từ thời kỳ trước độc lập (1945) các cấp lãnh đạo đã thấy rõ điều đó. Chính vì vậy, tại bức thư gửi Đại hội thành lập tổ chức kiến trúc đầu tiên, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã nêu “Kiến trúc là một việc rất quan hệ”, “Tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công… đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình hợp với tương lai, thể hiện thích hợp với tinh thần đời sống mới”, luôn chú trọng tạo điều kiện cho phát triển từ giai đoạn cách mạng còn trứng nước. Những không gian hội nghị, sắp xếp chỗ ở, hoạt động đoàn thể đã được tạo ra ở những vùng chiến khu, góp phần cho thành công của giai đoạn này và những sự kiện ở đó một cách hữu hiệu. Các công trình kiến trúc ở Thủ đô Hà Nội hay ở mọi vùng miền quốc gia thời kỳ đầu độc lập, tiến hành xây dựng và phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, dù do Pháp để lại, hay do ta thiết kế bổ sung sau này đều đóng vai trò trở thành các không gian phục vụ mọi hoạt động điều hành, lao động sản xuất, nghỉ ngơi giải trí trong đó cho các tầng lớp, bao gồm cả lãnh đạo và nhân dân. Với những nhu cầu mới phục vụ cho yêu cầu phát triển, thì các vật thể kiến trúc là một trong những cơ sở đầu tiên phải tạo dựng, ở mọi thời điểm, mọi thời kỳ.

Quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung tại các vùng miền – Sự góp phần đột phá về thiết kế xây dựng để phát triển tốt nền đại công nghiệp

Những thành phố cũ và mới, để đóng góp được hiệu quả trong công cuộc phát triển từng giai đoạn của đất nước, việc đầu tiên đều là phải lập quy hoạch kiến trúc và thiết kế xây dựng – chính là tạo ra “vật thể kiến trúc”. Ở nước ta, ngay từ thời kỳ những năm 50 của thế kỷ 20, các quy hoạch những thành phố lớn, nhất là Hà Nội, Hải Phòng… được đặt ra và thực hiện xuyên suốt quá trình, liên tục kể cả thời đạn bom khói lửa. Chính việc làm bài bản đó đã góp phần vững chắc cho mọi chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tiến tới thắng lợi huy hoàng của cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, hội nhập đại đồng. Việc quy hoạch xây dựng từ đô thị đến nông thôn được tiến hành ở nước ta trong suốt thời gian đó, cùng những nhiệm vụ tiếp tục liên hoàn, bài bản cho đến nay và mai sau, càng cho thấy công việc hiện hữu bắt buộc đầu tiên sau đề ra đường lối chính là bắt tay vào quy hoạch làm nền tảng xây dựng.

Hiện nay, khi hệ thống quy hoạch quốc gia được triển khai, thì thực chất nền tảng quan trọng (thể hiện được bằng định lượng thành công hay thất bại rõ rệt nhất, làm trụ cột cho các nhánh quy hoạch chuyên ngành khác tích hợp phát triển) là quy hoạch về kiến trúc xây dựng. Địa phương nào làm tốt điều này, cộng với việc tích hợp (kết hợp, lồng ghép và tương tác) đầy đủ, thì quy hoạch ở đó có cơ hội tạo thành sản phẩm chất lượng, vững chắc và bền vững. Vai trò kiến trúc về khía cạnh quy hoạch thêm một cơ sở vững chắc nữa để có thể khẳng định.

Một số thành tựu cụ thể mà kiến trúc về mặt quy hoạch, đã mang lại cho thời kỳ mới từ sau khi đất nước Việt Nam giành được độc lập: Hơn 800 đô thị các loại trong toàn quốc đã được quy hoạch xây dựng bài bản, giảm được nguy cơ lãng phí đất đai, tài nguyên. Đồng thời tạo lập được một “trật tự, khối lượng” cho các đô thị hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng tốt các nhu cầu dân sinh của con người. Theo đó, mọi nguy cơ đe dọa sức khỏe, đe dọa tương lai cũng dần được kiểm soát chặt chẽ, khai thác mọi nguồn lực ngày càng hiệu quả, góp phần cho phát triển kinh tế xã hội vững chắc, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên toàn cầu. Những quy hoạch khu vực bài bản ở mỗi thành phố, và việc xây dựng hệ thống hạ tầng theo quy hoạch ở đó, đã tạo nên sức hút cao cho những chương trình đầu tư chiến lược quốc gia, và thu hút đầu tư quốc tế yên tâm triển khai, gặt hái nhiều thành công…

Cùng với quy hoạch, vai trò vô cùng quan trọng về mặt vật thể là các công trình kiến trúc được thiết kế xây dựng trên đó. Hầu hết hoạt động của con người hàng ngày đều diễn ra trong các không gian kiến trúc, từ không gian sản xuất, không gian cư trú, không gian giải trí, không gian chăm sóc và phục hồi sức khỏe. Các “vật thể kiến trúc” được tạo ra là để phục vụ nhu cầu và đáp ứng tốt các nội dung này. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, môi trường văn hóa – kinh tế – xã hội cũng đóng vai trò chính là cái nền cho vật thể kiến trúc tạo lập, vận hành, phát huy hiệu quả. Do đó có thể nói một cách biện chứng, kiến trúc vừa góp phần phát triển, vừa là một bộ phận hợp thành không thể thiếu của môi trường tổng thể văn hóa – kinh tế – xã hội. Với tinh thần như vậy, kiến trúc thực sự mang sứ mệnh quan trọng, gắn kết, tạo điều kiện và tương tác với mọi hoạt động con người trong xã hội. Với mô hình hiện hữu, Việt Nam cũng là một xã hội biểu hiện điển hình phương thức đó.

Các đóng góp cụ thể về mặt “vật thể kiến trúc”: Trước hết có thể thấy rất rõ việc tạo ra không gian để cư trú các cấp độ khác nhau cho con người. Nhờ sự vận hành và phát triển của kiến trúc, ngày nay khắp đất nước từ thành thị đến nông thôn, tình hình nhà ở về mọi mặt, so với nửa thế kỷ trước đây đã được cải thiện và tiến bộ cơ bản. Các khu ở tổ hợp thấp và cao tầng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người về nghỉ ngơi, giải trí, bảo vệ và phục hồi, phát triển sức khỏe. Đáp ứng tốt dần lên yêu cầu về bảo vệ con người trước thiên tai địch họa. Đặc biệt là với kiến trúc nhà ở ngày càng đạt chất lượng cao, đã tạo ra một đời sống tinh thần văn hóa thăng hoa… Nhà ở là dạng vật thể đặc biệt, nên ngoài đóng góp cho phát triển tiến bộ chung của xã hội, còn thể hiện tính ưu việt, tạo niềm tin được củng cố vững chắc của chế độ luôn lo cho dân và vì dân.

“Vật thể kiến trúc” phục vụ lao động sản xuất: Đóng vai trò cần thiết mang tính cách mạng, đóng góp hữu hiệu cho việc tạo ra không gian lắp đặt trang thiết bị, môi trường lao động tiện nghi để làm ra sản phẩm tốt, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp quan trọng cho việc tạo ra nền văn hóa mới tiến bộ, phục vụ con người với nhu cầu ngày càng cao. Từ những loại hình công xưởng lộ thiên hoàn toàn, phụ thuộc mưa nắng, không đặt ra được việc chủ động đảm bảo an toàn về sức khỏe cho con người. Nhất là vật chất của cải tạo ra ở đó ít ỏi và bấp bênh. Khi chuyển vào hệ thống công xưởng kiến trúc nhân tạo với hệ thống che chắn thỏa mãn mọi yêu cầu của thiết bị, dây chuyền và con người vận hành, thì đã tạo ra bước đại nhảy vọt về lượng vật chất. Cùng với đó, sức khỏe của cộng đồng được bảo đảm tốt nhất, tinh thần con người được yên ổn nhất, tiện nghi và mức sống con người được kiểm soát tốt nhất. Chính nhờ sự nhảy vọt này, Việt Nam đã có những tăng trưởng kinh tế thần kỳ, sánh vai khu vực và thế giới. Có thể thấy Kiến trúc dạng vật thể này đã ngày càng mọc lên quy mô khắp đất nước, trở thành những khu công nghiệp ngút mắt ở mọi thành phố, các khu cảng thị rộng mở ở các đô thị và khu kinh tế biển…

“Vật thể kiến trúc” phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, chăm sóc sức khỏe: Đó chính là nền tảng để cụ thể hóa sự ưu việt của chế độ xã hội. Nhất là khi yêu cầu văn hóa trở thành vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những khu vui chơi giải trí được tạo ra ngày càng hấp dẫn, tiện nghi và cuốn hút ở khắp mọi miền đất nước, chính là những căn cốt phục hồi sức khỏe cho mỗi thành viên xã hội, gắn kết đoàn tụ cộng đồng để xây dựng chế độ ngày càng tốt đẹp bền vững. Đó cũng là nơi cuốn hút du lịch, dịch vụ trong nước và quốc tế, góp phần tạo ra hiệu quả đích thực về kinh tế trong sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa đất nước. Chỉ riêng khu Bà Nà từ khi được xây dựng cơ bản, đã làm tăng lượng khách đến Đà Nẵng tăng gấp 3 là một ví dụ. Hệ thống kiến trúc bệnh viện Việt Nam từ chỗ nghèo nàn lạc hậu vô cùng thiếu tiện nghi hồi giữa thế kỷ trước, đến nay đã trở thành hệ thống công trình khám chữa bệnh phủ rộng, toàn diện ngang các cường quốc trên thế giới. Nói đến chăm sóc sức khỏe tốt, tất nhiên điều kiện đủ là phải có các nhà chuyên môn trình độ, cùng hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến. Nhưng nếu không có điều kiện cần là “vật thể kiến trúc” để triển khai hệ thống và tạo tiện nghi, đáp ứng điều kiện thì liệu công tác này có tiến hành được không? Chắc chắn là không rồi. Và nữa, chất lượng ngày càng cao của “vật thể kiến trúc” sẽ đóng góp không kém phần quan trọng. Điều này có thể thấy ở việc tạo đẳng cấp của hệ thống y tế Vinmec và các bệnh viện được tư vấn quốc tế năng lực cao thiết kế ở các thành phố lớn Việt Nam. Vai trò của vật thể kiến trúc ở đây khi chuyển từ lượng thành chất, lại càng thuyết phục về vai trò vị trí trong phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội của đất nước.

Chúng tôi muốn đề cập một hiện tượng cụ thể về vai trò của “vật thể kiến trúc” ở nước ta gần đây, đó là hệ thống trường học và nhà cộng đồng khi được thiết kế xây dựng đúng thời điểm, đúng mong muốn. Với hệ thống trường học, những năm đầu độc lập, ở nước ta chủ yếu sử dụng các công trình sẵn có, nhất là các đình chùa để bố trí trường học các cấp, nên chất lượng đào tạo có rất nhiều ảnh hưởng, nhất là chuẩn quốc tế. Sau đó những năm nửa cuối thế kỷ 20, chính phủ đã cho xây dựng hàng loạt trường học với dạng kiến trúc tự do, chưa được nghiên cứu định hình trên cơ sở khoa học thấu đáo. “vật thể kiến trúc” trường học dạng này cơ bản đã đáp ứng được về số lượng cần có của một giai đoạn thời cơ chế bao cấp. Ở đó chất lượng cũng đã từng bước được nâng cao. Nhưng về khía cạnh văn hóa kiến trúc trường học còn là một nội dung chưa được đặt ra và giải quyết bài bản, nên chưa tạo được nhiều động lực tinh thần cho việc dạy và học. Từ ngày đất nước đổi mới cơ chế, các kiến trúc trường học đã có bước tiến đột phá đặc biệt: Các dạng trường chuẩn quốc tế về công năng, hình thái kiến trúc khai thác tốt yếu tố bản địa và hiện đại, tất cả đã tạo nên một sắc thái văn hóa mới mẻ, đầy hiệu quả cho việc dạy và học, từ các trường công đến trường tư. Không những vậy, việc tạo được thể trạng trường học tiệm cận tiên tiến thế giới, đã góp phần nhất định cho việc lan tỏa và thu hút nền giáo dục Việt Nam đối với quốc tế, làm cho sự kết giao quốc tế có bước phát triển mới. Với nhà cộng đồng, sự hiện diện của các nhà cộng đồng khắp vùng Tây Nguyên từ những năm sau 1975 rõ ràng là đã góp phần đáng kể cho hình ảnh Việt Nam thống nhất “quan sơn muôn dặm một nhà”, làm cho vùng đồng bào dân tộc thấy hiện hữu ánh sáng và niềm tin vào chế độ mới, sẵn sàng hơn trong chung tay đoàn kết xây dựng đất nước, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Những ngôi nhà cộng đồng phía miền núi vùng miền Bắc gần đây càng vậy, dù quy mô nhỏ, nhưng khi nó xuất hiện, cái lớn nhất mà “vật thể kiến trúc” này mang lại, chính là sự ấm áp, nhân văn. Đó là những bông hoa kết nối cộng đồng làng bản đồng bào thiểu số, dưới ánh sáng của Đảng lãnh đạo, sự tốt đẹp bằng xương bằng thịt của chế độ, và còn là thực thể nâng giá trị văn hóa của chính vùng bản, trong sự tiến hóa đồng hành với đất nước và thế giới.

Mô hình ở tiếp biến hiện đại phù hợp thời đại phát triển – Vai trò của Kiến trúc được phát huy kịp thời

Mỗi vật thể kiến trúc chỉ như một hạt bụi so với vạn vật nhân gian. Thế mà nhiều hạt bụi đó gom năm 60 thế kỷ 20, khi người Việt đang quen ngôi nhà ngụ cư riêng từng hộ gia đình với vườn hoa trái sum xuê, thỏa mãn với mô hình “ở” gần như duy nhất đó. Thì sự phát triển xã hội nảy ra vấn đề, hoạt động sản xuất của con người cần chuyển sang lề lối công nghiệp, với những dây chuyền tập trung hàng ngàn người trong một diện tích hẹp. Từ đó phát sinh nhu cầu ăn ở cũng cho số người đó, trong một phạm vi gần nơi sản xuất (để đáp ứng được thời gian và sức lực). Dẫn đến cần có một mô hình “ở” biến đổi có thể đáp ứng được. Với nhu cầu đó, nghiên cứu ngành đã cho ra đời việc áp dụng mẫu tiểu khu với nhà ở, với dạng nhà cơ bản tập trung cao tầng. Sự kịp thời đáp ứng của mô hình “ở” này thời kỳ đó đã góp phần tạo nên một cuộc đổi mới mang tính cách mạng. Về nhu cầu “đi” tức là vận hành lao động để kiếm sống, nghỉ ngơi giải trí để nâng cao đời sống tinh thần, tác dụng của nghiên cứu về kiến trúc cũng góp phần không nhỏ. Đơn cử đó là mô hình khu công nghiệp tập trung. Thời kỳ đầu khi bước vào nền sản xuất công nghiệp, các nhà máy tuy đã chọn được các mô hình kiến trúc tiến bộ theo xu hướng tây hóa, nhưng vẫn xây dựng phân tán nhỏ lẻ. Việc xây dựng này rất khó phát triển sản xuất đồng bộ, tận dụng và tiết kiệm hạ tầng, khó kiểm soát ô nhiễm môi trường… với nhu cầu phát triển công nghiệp thành nền đại quy mô, Kiến trúc đã kịp thời nghiên cứu mô hình khu công nghiệp tập trung, tạo được những bước tiến đột phá hiệu quả trong phát triển nền công nghiệp, góp phần tăng trưởng bền vững với năng suất cao… Những nghiên cứu kiến trúc còn đạt hiệu quả trong khắc phục bất cập, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong thời đại mới, tiếp biến, làm mới và ứng dụng thành tựu lại cùng nhau sẽ góp phần không nhỏ cho sự nảy nở sinh sôi từ sinh của con người, xã hội. Mà mục tiêu của quá trình đó đích sau cùng chính là sự phát triển Văn hóa – kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng.

Như vậy, có thể nhận định rằng: Về mặt vật thể, Kiến trúc chính là đã tạo ra một trong những yếu tố quan trọng ở nền tảng cơ sở vật chất, để phục vụ và thỏa mãn nhu cầu đa dạng của con người và xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững. Ở Việt Nam, từ ngày các Vua Hùng dựng nước cho đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới phát triển của đất nước, điều đó càng được thể hiện và khẳng định chắc chắn. Vật thể kiến trúc này càng chất lượng, càng giàu tính văn hóa, càng tiến bộ, thì con người và đất nước càng thêm nhiều cơ hội phát triển rạng rỡ về tinh thần và vật chất.

Vai trò phi vật thể kiến trúc

Như phần trên đã nói, bài viết đề nghị quy ước phi vật thể kiến trúc sẽ bao gồm: Đào tạo – Nghiên cứu kiến trúc; Lý luận – Phê bình kiến trúc; phản biện – Giám định kiến trúc; Luật pháp – Quy định kiến trúc. Sau đây xin luận vào từng khía cạnh.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về kiến trúc: Có thể thấy rõ các nghiên cứu về kiến trúc (kể cả trong nước và quốc tế) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kiến trúc, từ đó cũng đóng vai trò liên đới trong phát triển môi trường – văn hóa – kinh tế – xã hội. Trước hết, xuất phát từ nhu cầu thiết yếu trong việc đáp ứng “ở” và “đi” của con người. Những chương trình nghiên cứu về lĩnh vực này của kiến trúc đã góp phần tạo ra những mô hình tối ưu để đáp ứng cho từng giai đoạn. Những ngành tiên tiến trên thế giới, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước hòa nhập mà không hòa tan…

Việc đào tạo KTS và người hoạt động kiến trúc: Tạo nên nguồn lực tri thức chuyên sâu, chất lượng về lĩnh vực để làm hạt nhân nền tảng và động lực phát triển cho ngành có hiệu quả cao, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Bởi vì, mọi xã hội phát triển, thì nguồn lực quan trọng bậc nhất luôn luôn là nguồn nhân lực. Kết quả chuẩn đến mức nào của đào tạo KTS sẽ có tác dụng trực tiếp, lâu dài đến nền kiến trúc nước nhà, góp nên thành quả hoặc hệ luy không nhỏ cho phát triển mọi mặt của xã hội nhất là môi trường – văn hóa và kinh tế. Điều này có thể thấy khá cụ thể, cho đến nay, do việc đào tạo KTS ở nước ta còn nhiều bất cập, nên tỷ lệ sau tốt nghiệp đáp ứng được làm nghề, nhất là sáng tạo kiến trúc cho các công trình lớn của quốc gia còn rất thấp, dẫn đến KTS việt Nam vẫn bị lép vế ngay trên chính quê hương mình. Đào tạo kiến trúc cho những người không làm kiến trúc, tuy có tác dụng vô hình, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội từ những quyết sách đến tổ chức các khâu thực hiện.

Các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình, phản biện kiến trúc – vai trò phi vật thể về kiến trúc đã được thể hiện bám sát thực tiễn cuộc sống và hồn cốt văn hóa dân tộc

Lý luận – phê bình kiến trúc: Cùng với sáng tạo kiến trúc – Đây chính là hai nội dung quan trọng của một vấn đề thống nhất. Những sản phẩm kiến trúc không có lý luận phê bình vào cuộc khác nào như một thực thể khó xác định rõ hồn cốt. Từ đó sức lan tỏa xã hội có thể bị đa chiều, lệch lạc không đúng hướng, dẫn đến hiệu suất tác dụng với phát triển kinh tế – xã hội không rõ ràng. Vì trong đời sống, việc giới thiệu và phân tích mọi lĩnh vực để tìm hướng đi tốt nhất là điều rất quan trọng, góp phần cho sự thành công và phát triển bền vững. Ở nước ta, dù lĩnh vực này chưa mạnh, nhưng cũng đã có những tác dụng khá rõ rệt, đóng góp cho sự phát triển xã hội, đặc biệt là về mặt văn hóa. Lý luận – phê bình về bản sắc đích thực của kiến trúc dân tộc chẳng hạn, phần nào đã ngăn chặn được những công trình kiến trúc lai căng, cóp nhặt mô thức lạc, cũ. Ở mảng công trình nhà nước, có thể thấy điều này rõ ràng, chính là do có tầm phân tích sâu sắc và chuẩn hướng, nên các công trình tầm Quốc gia như: Nhà quốc hội, Trung tâm Hội nghị… vừa qua, khi mọc lên đã xứng tầm thời đại. Ý gợi hướng của lãnh tụ Hồ Chí Minh cho ngôi nhà thôn quê “giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền” (nói cách nào đó thì đây chính là một dạng lý luận – phê bình!) khi được thực hiện đúng tâm, đúng tầm, đúng trách nhiệm đã làm cho bản sắc vùng miền trở nên lung linh, gánh nặng làm nhà của người dân giảm xuống, tiện nghi sống ngày càng cải thiện, gìn giữ môi trường trong phát triển bền vững. Vậy là lý luận – phê bình về kiến trúc cũng đã vô hình trung đóng góp thiết thực cho sự phát triển Văn hóa – Kinh tế – Xã hội và cả môi trường đất nước.

Phản biện – giám định: Nếu nghĩ một cách khái lược, có thể cho rằng phản biện – giám định cũng là bao hàm trong lý luận – phê bình. Nhưng hiểu sâu vào bản chất và gắn liền với thực tiễn phát triển, đây là hai vấn đề có thể tách bạch để phát huy hiệu quả riêng. Khác với lý luận – phê bình (là dẫn hướng tiền đề và tổng hợp từng giai đoạn kiến trúc phát triển thành những nhận định đánh giá dựa trên luận cứ), phản biện – giám định gắn liền với “hơi thở cuộc sống”, gắn liền với từng chương trình cụ thể, có tác dụng phản ứng tức thì, để kịp xem xét cho việc tiến triển, hoặc ngăn chặn những chương trình bất cập. Vì vậy, sự phát triển của kiến trúc về mặt phản biện – giám định là hết sức cần thiết và đóng góp quan trọng cho từng thời điểm. Điều đó thể hiện trong từng khâu thực hiện chương trình kiến trúc, từ chủ trương quy hoạch phát triển, triển khai và hoàn thành sản phẩm chuyên ngành, góp phần cho phát triển Văn hóa – Kinh tế – Xã hội. Phạm vi của phản biện có thể phủ rộng toàn khắp mọi lĩnh vực chuyên ngành và cả những ngành liên đới. Trong thời gian qua, từ sự phản biện kịp thời về kiến trúc, nhiều chương trình đã được chuyển hướng đúng hơn, tạm dừng hoặc hủy bỏ như Thủy cung Thăng Long, đại lộ thần đạo Ba Vì, cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội); hay quy hoach xây dựng Thủ Thiêm của TP HCM, các chương trình quy hoạch đô thị toàn lãnh thổ Việt Nam… Nông thôn nước ta hiện nay phát triển khá hỗn loạn về mặt kiến trúc cũng một phần do sự quan tâm về nghiên cứu – lý luận – phản biện còn yếu.

Chính sách và quy định pháp lý: Song hành với phát triển kiến trúc ở mọi quốc gia, chính sách và quy định pháp lý về chuyên ngành trực diện và liên quan dĩ nhiên là đóng góp vô cùng quan trọng. Độ kịp thời của đường lối, chính sách và quy định pháp lý ở mỗi quốc gia về lĩnh vực kiến trúc góp phần rất cơ bản cho ngành kiến trúc, làm bệ đỡ cho sự phát triển bền vững. Có thể thấy hệ lụy trái chiều về mặt kịp thời của chính sách ở việc dồn ứ khủng hoảng, mất cân đối nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản hiện nay. Hầu như rất ít thành phố ở Việt Nam phát triển đến thời điểm hiện nay đạt được tốc độ, quy mô, khối lượng như kế hoạch đề ra trong quy hoạch. Trong khi đó, thì hầu hết dân số tại thành phố lớn đến nay lại vượt xa dự báo khi duyệt quy hoạch, làm cho việc kiểm soát tăng trưởng trở nên khó khăn và tạo ra nhiều nguy cơ, hệ lụy. Chính sách phát triển kiến trúc, và sự xác định đúng tầm quan trọng ở nước ta đã có nhiều chú trọng, ban hành kịp thời theo yêu cầu phát triển rất cơ bản. Nhưng bên cạnh đó, sự bất cập cũng còn tồn tại. Tất cả cho thấy rằng, chính sách và quy định pháp lý về kiến trúc có vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, nhất là ở những nước đang phát triển như nước ta. Với giai đoạn sắp tới, khi hệ thống quy hoạch toàn quốc gia cho đến từng địa phương được thực hiện đồng loạt, Nghị quyết 06-NQ/TW về xây dựng và phát triển đô thị bền vững được triển khai rộng khắp thì nội dung này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Vai trò nhân lực kiến trúc

Trước hết, chúng ta nói đến vai trò của người KTS trong lĩnh vực tham gia sáng tác tạo ra những tác phẩm “vật thể kiến trúc”. Có thể nói, họ chính là lực lượng đóng vai trò hạt nhân, trực tiếp trong tạo lập sự đóng góp sản phẩm kiến trúc cho phát triển Môi trường – Văn hóa – Kinh tế – Xã hội. Bắt đầu từ khâu mơ hồ khó xác định nhất là quy hoạch kiến trúc. Rõ ràng, việc đề xuất vạch hướng ý đồ tổng quan từ đầu cho đến hoàn thành chi tiết của một đồ án quy hoạch kiến trúc thành hay bại là do KTS trực tiếp định hình. Có thể thấy trong thực tế, những người hoặc nhóm KTS tài năng đề xuất ý tưởng ban đầu và hoàn chỉnh phương án cuối cùng để làm nên những quy hoạch đô thị vượt trội về mặt, thích ứng, tiện nghi thẩm mỹ và cả tầm nhìn cho tương lai. Mọi định hướng, đóng góp từ hệ thống quản lý và chuyên ngành rất quan trọng, vì đó chính là phát hiện, bổ sung, hoàn thiện và cho phép quy hoạch đó được ra đời, thực thi, nhưng họ không thể làm thay phần chuyên môn, vì đó là linh hồn của tác phẩm, phần việc người KTS phải trực tiếp thực hiện. Có thể thấy hình ảnh rõ nét nhất của việc này, chính là các quy hoạch đô thị phát triển đến hàng trăm năm nay vẫn không bị lạc hậu, và luôn chứa đựng bản sắc văn hóa bản địa đầy thi vị ở nước ta, do những KTS bậc thầy người Pháp thực hiện. Quy hoạch những thành phố mới của đất nước ta hiện nay rõ ràng đang ở một tầm khác, đầy biến động và nhiều bất trắc. Nguyên nhân có thể thấy cốt lõi nhất ở đó là do tầm chưa đủ đáp ứng của người trực tiếp thiết kế – các KTS làm quy hoạch. Điều này không thể đổ lỗi cho hệ thống quản lý và ý kiến người ngoại đạo.

Các công trình Kiến trúc được KTS VN và Pháp thiết kế sử dụng làm các chức năng quan trọng bậc nhất trong quá trình cách mạng – Vai trò của Kiến trúc sư luôn hiện diện

Sáng tạo ra tác phẩm “vật thể kiến trúc” ở thể loại công trình cũng ở trạng thái tương tự. Ở đây, vai trò của người KTS được xác định cụ thể rõ rệt hơn. Dù “kiến trúc là tấm gương trung thực nhất phản ánh thời đại” nói chung, nhưng mỗi sự ghép mảnh vào bức tranh phản ánh đó thì muôn sắc thái, tất cả phụ thuộc cơ bản vào chính người chủ thể sáng tạo ra sản phẩm đó – KTS chủ trì và cộng sự. Nếu họ thực sự tài năng và được xác định đúng vai trò, có vị trí chính đáng trong sự tạo lập sản phẩm, thì sản phẩm đó sẽ trở thành những viên ngọc quý, đóng góp cho sự phát triển xã hội. Dĩ nhiên, khi vai trò của họ không được xác lập đúng vị trí, quyền năng, hoặc trình độ không đáp ứng, đều có thể dẫn đến tác phẩm tạo ra có thể đi ngược lại đóng góp, làm nguy hại cho phát triển văn hóa xã hội.

Các công trình kiến trúc quan trọng quốc gia – Sự đóng góp kịp thời về sáng tạo của KTS trong nước và quốc tế

Nhưng, tích cực hay tiêu cực thì vai trò KTS vẫn luôn hiện diện với một mức độ quan trọng, không thể chối bỏ trong con đường phát triển đi tới của xã hội. Chính KTS là đối tác đầu tiên và cơ bản về chuyên môn, tạo nên những vật thể kiến trúc hiện hữu, có tác động tinh thần và cả hiệu quả vật chất trong xây dựng, phát triển xã hội nói chung, đến từng con người nói riêng. Mức độ kịp thời và chất lượng văn hóa bản sắc được ghi nhận ở công trình Lễ đài Ba Đình khi Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, Nhà sàn lãnh tụ, Hội trường Ba đình… của các KTS tiền bối. Việc thiết kế thành công những công trình đó đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công sự kiện, tôn vinh cuộc đời vĩ nhân, tạo sức lan tỏa vì mục tiêu sâu xa… và từ đó đã đóng góp cả phần thực thể và cả tinh thần cho sự phát triển kinh tế xã hội của thời kỳ đó một cách mạnh mẽ.

Các thế hệ KTS thời kỳ 1 XHCN – những sáng tạo gắn liền với mỗi chặng đường đất nước phát triển

Tấm gương của KTS Huỳnh Tấn Phát – Chủ tịch đầu tiên của Hội KTS Việt Nam thống nhất – một hình ảnh sống động về đóng góp của KTS về cả nghề và nghiệp trong phát triển Văn hóa – Kinh tế – Xã hội của đất nước. Về nghề, đây là một người thực sự tài năng có cả tâm và tầm, “Từ thời còn trai trẻ, trong tâm khảm ông đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng, muốn đem hết tài năng và trí lực để làm đẹp cuộc đời, làm đẹp cho quê hương đất nước”. Tốt nghiệp thủ khoa trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1938, ông tự đứng mở văn phòng thiết kế tư nhân đầu tiên để thể hiện tính độc lập tự cường của người Việt, từ đó nhiều biệt thự có giá trị bản sắc kiến trúc cao đã ra đời, đến hôm nay vẫn không hề lạc hậu. Vào hoạt động cách mạng, ông vẫn chắt lọc thời gian làm nghề, sáng tác những công trình giàu sáng tạo như thư viện Sài Gòn (cùng KTS Nguyễn Hữu Thiện), được đánh giá là một trong những công trình chất lượng kỹ mỹ thuật cao nhất ở thành phố thời bấy giờ; Kỳ đài cho cách mạng mùa thu 1945 ở Nam bộ, mang đến ấn tượng tốt đẹp và minh bạch về Việt Minh cho nhân dân thời kỳ đó… Khi đảm nhiệm trọng trách nhà nước ông đã tham gia sáng tác và chỉ đạo trực tiếp nhiều công trình lớn của đất nước như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, Quy hoạch đô thị Hà Nội, TP HCM, Phan Thiết, Nha Trang… đặc biệt tư tưởng (dù chưa kịp thực hiện) về bảo tồn và phát triển các đô thị Nam Bộ theo hướng “thuận thiên”. Về nghiệp, một con người dám từ bỏ đời sống phù hoa đầy sán lạn về phát triển nghề để đi làm cách mạng. Vì ở con đường đó ông đã đoán định được mới là mảnh đất để ông cống hiến được tài năng, sức lực cho đất nước đích thực và vì cộng đồng nhân dân chân chính. Điều đó cũng chính là bản ngã của nghề, mà rất nhiều KTS Việt Nam cùng thời với ông theo đuổi, các KTS Việt Nam các thế hệ kế tiếp về sau này lựa chọn không hề cấn cá. Điều đó cho thấy một sự đóng góp không nhỏ, đầy tâm can, trí tuệ của lực lượng KTS Việt Nam cho sự nghiệp đất nước.

Vì sự phát triển của mọi tầng lớp cộng đồng và xã hội tốt đẹp – các KTS luôn thể hiện hết mình tâm huyết sáng tạo

Những KTS thế hệ sau này đã luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước với những sự đóng góp kịp thời, có ý nghĩa cho nền kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển rực rỡ, đóng góp một phần trong vai trò nền tảng khoa học nghệ thuật cho xã hội vươn tới một cách bền vững. Do phạm vi bài viết có hạn, xin đơn cử một số KTS đã có những cống hiến rõ rệt:

Lê Văn Lân – KTS được đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa thế hệ thứ nhất;

Nguyễn Tiến Thuận – KTS được đào tạo kiến trúc tại môi trường độc lập tự chủ Việt Nam thế hệ đầu tiên: Với những công trình quan trọng như nhiều trụ sở từ cấp Chính phủ đến tỉnh thành, hệ thống công trình công cộng mang ý nghĩa cộng đồng và phục vụ dân sinh kịp thời sâu sắc, tại miền Bắc với quan điểm thiết kế đột phá hiện đại đã góp phần cải thiện cái nhìn cơ bản của người làm nghề, các nhà quản lý và cả cộng đồng về một nền kiến trúc Việt Nam mới cần có tiếng nói riêng đĩnh đạc, hiện đại với những bông hoa bản sắc.

KTS Nguyễn Văn Tất và KTS Nguyễn Trường Lưu ở môi trường đào tạo Việt Nam đã có sự kết nối quốc tế từ Âu – Mỹ đã mang đến những đề xuất giá trị bằng xương bằng thịt cho kiến trúc miền Nam sau năm 1975 được phát triển mạnh mẽ và không ngừng đổi mới. Họ đã đưa những mô hình hành chính công quyền cởi mở đến gần với nhân dân, những cách tổ chức hoạt động vui chơi giải trí đầy tính nhân ái đoàn kết, những công trình tưởng niệm kháng chiến kiến quốc đầy tâm can, uy dũng trang trọng, giàu tính tự hào và sẻ chia Việt Nam… có những công trình đã trải qua mấy chục năm nhưng vẫn trường tồn với ý nghĩa nhân hòa, nhân ái, nguyên vẹn chỗ đứng trong lòng nhân dân và dân tộc.

Thế hệ hôm nay với các KTS trẻ Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Xuân Minh, Đoàn Thanh Hà… đã lao lực và dành tâm huyết làm nên những bông hoa nhà cộng đồng ở vùng hẻo lánh xa xôi, để đồng bào luôn thấy có ánh sáng dẫn đường đưa lối của Đảng đến với họ, những mô hình trường học mà quốc tế cũng phải ngả mũ vì tính khoa học trong sử dụng và hấp dẫn trong bản sắc, những công trình văn hóa “mới” mà đóng góp không nhỏ cho phát triển tinh hoa nghề truyền thống Việt Nam, những công trình kiến trúc khang trang tiện nghi gắn với vật liệu và khí hậu bản địa và giá thành rất chắt chiu cho điều kiện khó khăn vùng miền, những ngôi nhà ở đầy nhân ái ở các vùng quê nghèo vì đã thể hiện được đúng lời căn dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh… Chỉ với những ví dụ sơ lược và ít ỏi như vậy, cũng đã phần nào điểm xuyết sự đóng góp của người KTS đất Việt với sự nghiệp văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước. Sự đóng góp của các KTS bè bạn quốc tế đầy tâm huyết và tầm nhìn xa với Việt Nam cũng là mảng màu đầy sắc thái góp hoàn mỹ cho bức tranh vai trò vị trí của Kiến trúc trong xây dựng và phát triển bền vững Môi trường – Văn hóa – Kinh tế – Xã hội của quốc gia.

Với những người làm kiến trúc không phải trong nghề kiến trúc, vai trò đóng góp từ họ khi làm kiến trúc cho sự nghiệp phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội cũng thật lớn lao. Từ các nhà lãnh đạo chỉ đạo cho chương trình kiến trúc được triển khai đúng – kịp – thành công; từ hệ thống vận hành quản lý điều phối cho dòng chảy kiến trúc được thông mạch; từ sự phối kết liên ngành để kiến trúc không bị đơn độc cô lập sẽ dẫn đến đổ vỡ hoặc không phát huy được trong hệ thống… Tất cả những sự đóng góp về kiến trúc đó là những mảng màu rực rỡ trong bức tranh Kiến trúc được tạo dựng, phát triển vì sự nghiệp chung phát triển bền vững của đất nước.

Lời tạm kết!

Nói về vai trò của kiến trúc trong sự phát triển bền vững mỗi đất nước là một điều không hề dễ dàng. Với đất nước ta, một xứ sở giàu bản sắc văn hóa truyền thống, nơi một Đảng chưa kịp giành độc lập đã cho ra đời một luận cương riêng về văn hóa với khẳng định những nguyên tắc phát triển mang tính thời đại; nơi mà văn hóa ngay từ đầu đã được người đứng đầu quốc gia khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và đường lối lãnh đạo đã chỉ lối: “Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển xã hội”, “Văn hóa phải đặt ngang tầm chính trị, kinh tế”… thì Kiến trúc – một lĩnh vực quan trọng của văn hóa, do nhu cầu phát triển đòi hỏi, đã luôn đóng vai trò cần thiết và quan trọng, luôn đã đang và cần tiếp tục đặt ở một vị trí xứng tầm. Kiến trúc còn là một ngành khoa học kỹ thuật không thể thiếu trong nền tảng hạ tầng phát triển của mọi xã hội. Từ đó có thể thấy, phát triển kiến trúc trên con đường xây dựng đi lên của đất nước theo con đường đã chọn lại càng có đặc thù và vai trò vị trí rất quan trọng. Hội KTS Việt Nam, là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, là mái nhà chung của giới KTS Việt Nam luôn ý thức rõ điều đó. Với nguyên tắc cơ bản dân tộc – đại chúng – khoa học như nền tảng của Đảng đã vạch ra ngay từ ngày đầu ở Đề cương Văn hóa, với những điều thấm thía trong lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ ngày phôi thai nền kiến trúc cách mạng, sứ mệnh và vai trò của kiến trúc và KTS đã được xác định chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó trên con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước đi đến nhiều thành công hơn nữa trong phát triển, hội nhập bền vững – Mặc dù biết rằng mọi con đường tới vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
(Bài viết được lấy từ Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội kiến trúc sư Việt Nam: Vai trò Kiến trúc với phát triển bền vững văn hoá – kinh tế – xã hội)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)