Có lần tôi hỏi Hoàng Phúc Thắng sao viết ca khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm” hay thế, Hoàng Phúc Thắng đã mỉm cười nói với tôi rằng bao nét lãng mạn của vẻ đẹp Hồ Gươm và quanh Hồ Gươm, các nhạc sĩ khác đã diễn tả hết, chỉ còn lịch sử và kiến trúc của nó là chưa ai nói tới. Vậy là mình nghĩ đến việc viết về điều đó, lấy tên là “Truyền thuyết Hồ Gươm”.
Thật vậy, những kiến trúc trong quần thể di tích Hồ Gươm tuy nhỏ nhắn, nhưng vẫn chứa chất những giai điệu mà cha ông đã gửi vào trong từng đường nét. Những giai điệu ấy hình như đã “nhập” vào Hoàng Phúc Thắng để rồi chàng KTS kiêm nhạc sĩ đã dựng nó lên giữa cuộc đời, để nó thêm lần bất tử giữa trời xanh và nước hồ xanh như cái tên Lục Thủy từ xa xưa.
Điều tinh tế ở đây, bằng cặp mắt của nhà kiến trúc, Hoàng Phúc Thắng đã đặt tất cả những di tích ấy giữa một không gian thiên nhiên độc đáo: “Truyền rằng nơi đây Hồ Gươm nước biếc xanh vì trời xanh/Truyền rằng nơi đây vua Lê đã trả lại gươm báu để giã từ chiến tranh”
Một không gian im lặng đã được Hoàng Phúc Thắng phục dựng lên sự linh thiêng của nó bằng giai điệu như những đợt sóng trào của lịch sử, của tư tưởng. Trên từng đợt sóng trào đó, với giai điệu của lời truyền, lời sấm, Tháp Bút được tưởng tượng là “Cây bút đá” với sứ mạng tiếp tục của tư tưởng nhân văn thấm đẫm: “Truyền rằng nơi đây đêm đêm cây bút đá vẫn viết lên trời cao những khát vọng ngàn đời của người dân Hà Nội.”
Sức mạnh kiến trúc của Tháp Bút đã khơi dậy cảm xúc của KTS kiêm nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng để viết ra giai điệu như chính nó vốn có.
Sức mạnh kiến trúc của Cầu Thê Húc nhỏ nhắn, với màu đỏ rực dưới nền trời xanh và trên nền nước xanh đã làm thăng hoa tưởng tượng trong sáng tạo giai điệu âm nhạc của Hoàng Phúc Thắng. Anh đột ngột lật ngược chiều ngang thành chiều dọc để tìm ra giai điệu vốn có của cây cầu phù hợp với thiên chức của nó: “Truyền rằng cầu Thê Húc rực đỏ nối đất với trời cho rùa thiêng mỉm cười xua tan bao nếp nhăn cuộc đời”.
Sau khi đẩy lên cao trào đầy kịch tính với hình tượng Hồ Gươm như giọt nước mắt, hình tượng của bi kịch đời đời cha ông chống xâm lăng với biết bao hy sinh, giai điệu Hoàng Phúc Thắng “khúc khuỷu” trở lại để tạc nên Tháp Rùa, giống như một nhân chứng từng ngày “thì thầm kể chuyện Hồ Gươm”.
Sức mạnh kiến trúc ở đây chính là vẻ đẹp mà ai đó đã thổi vào Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa khiến ai chiêm ngưỡng cũng đều bị chinh phục. Đó là sức mạnh kiến trúc mà bao đời cha ông đã để lại cho hôm nay qua đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ, tháp… Tôi rất mong được đọc những lời ngợi ca các tác phẩm kiến trúc có giá trị nhân văn trong thời đại hôm nay, cũng như những lời phê phán những tác phẩm kiến trúc chưa đẹp, lười nhác tìm kiếm sáng tạo, để thế hệ mai sau biết đường mà tránh. Cũng giống như những lời khen chê trong các loại hình nghệ thuật khác. mà có lẽ lời khen chê hay nhất là do chính người sáng tạo ra tác phẩm ấy tự nhận biết. Ca từ Hoàng Phúc Thắng trong “Truyền thuyết Hồ Gươm” chính là lời ngợi ca vẻ đẹp kiến trúc của Tháp Bút, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa vừa sâu sắc, vừa sang trọng, vừa lịch lãm.
Tôi vừa có may mắn được dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của kiến trúc sư – nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng. Thật không ngờ luận văn tốt nghiệp của Hoàng Phúc Thắng đạt loại ưu lại là bản kiến trúc về một trại chăn nuôi. Vẻ đẹp ở mọi nơi cũng như sự thô thiển, tẻ nhạt và vô hồn. Hoàng Phúc Thắng thật xứng đáng được nhớ đến như một KTS có tâm, có tài. Và anh đã ra đi thanh thản.
Nguyễn Thụy Kha
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)