
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
Từ ngày 1/8/2008, thành phố Hà Nội được mở rộng theo địa giới hành chính mới, trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là bước ngoặt quan trọng, tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Để xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; định hướng tổ chức không gian kiến trúc; các giải pháp khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh (LTSS) của Thủ đô…, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành Trung ương tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2030” và “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Sau một thời gian nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, đến tháng 7/2011 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt hai Bản Quy hoạch quan trọng này.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của Thành phố, không chỉ với Thủ đô mà còn đối với cả nước – Là bức tranh tổng thể kinh tế – xã hội, hình ảnh Thủ đô trong tương lai gần và tầm nhìn xa khoảng 40 năm sau. Đó là cơ sở và tiền đề để thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết, xác định các chương trình, dự án; công trình ưu tiên nghiên cứu và đầu tư xây dựng; các nhiệm vụ, phân cấp, cơ chế chính sách huy động đầu tư xây dựng; các quy chế quản lý và tổ chức thực hiện. Đây là công trình khoa học, là sản phẩm kết tinh bởi trí tuệ và công sức của các nhà tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, là sự tổng hợp đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực tích cực của các cơ quan chủ trì với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành Trung ương,…

Hai Bản quy hoạch này thực sự là công trình được nghiên cứu công phu, khoa học; đảm bảo quy trình, quy định, phương pháp tiếp cận mới, gắn lý luận với thực tiễn. Với tầm nhìn xa trông rộng, đặc biệt là được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp cho ý kiến nhiều lần của Quốc Hội, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức Hội nghề nghiệp và các cấp, các ngành của TW và Thành phố…
Nội dung cốt lõi, mục tiêu hướng tới phải đạt được là: Xây dựng, phát triển Hà Nội giầu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại và dịch vụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; một đô thị phát triển bền vững, có hệ thống cở sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế trí thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”, đô thị phát triển năng động, có hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Trách nhiệm của chúng ta, các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị của Thành phố là phải thực hiện quyết liệt quy hoạch, đưa quy hoạch vào cuộc sống. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
– Một là: Tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai cho mọi người hiểu và thực hiện. Đây là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục; trách nhiệm chính là Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch, Sở kế hoạch và đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cùng với các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Thành phố.
– Hai là: Bắt tay ngay vào chỉ đạo và lập các quy hoạch, kế hoạch:
+ Đối với cấp thành phố, vừa qua UBND Thành phố đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015; đồng thời cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV, Thành ủy đã chỉ đạo, xây dựng chín chương trình công tác lớn để cụ thể hóa và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian kế hoạch 5 năm.
+ Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 6609/UBND-XD ngày 09/8/2011, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành trong việc: công bố quy hoạch, thông tin, tuyên truyền; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; các quy hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; rà soát, khớp nối đồ án, dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. UBND Thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ 17 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm và một quy hoạch hai bên tuyến đường quan trọng; chỉ đạo triển khai quy hoạch các đô thị vệ tinh… phân khu, quy hoạch chi tiết mới triển khai đầu tư xây dựng. Quá trình phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải làm song song với việc triển khai đầu tư xây dựng, vừa quy hoạch, vừa nghiên cứu đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, mà không phá vỡ quy hoạch lâu dài; đồng thời trong quá trình đó chúng ta cũng sẽ phải giải quyết nhiều phát sinh khó khăn vướng mắc về trình tự, thủ tục, cơ chế phải tháo gỡ như: tiếp tục triển khai các dự án sau khi đã có quy hoạch chung nhưng chưa có quy hoạch phân khu; việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật; kiểm soát các công trình cao tầng trong khu vực trung tâm…
– Ba là: Đồng thời với việc lập các quy hoạch, kế hoạch phải ban hành các cơ chế quản lý, cơ chế huy động các nguồn lực: đất đai, vốn, tài chính, nhân lực, vật lực, khoa học công nghệ…

Phía trước chúng ta là khối lượng công việc khổng lồ.
Với quyết tâm lớn, với sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị của thành phố và sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, chúng ta tin tưởng rằng Mùa xuân Nhâm Thìn 2012 – Mùa Xuân đầu tiên thực hiện Bản Qui hoạch thế kỷ của Hà Nội sẽ cho những hoa thơm trái ngọt, góp phần tạo dựng bức tranh tươi sáng của Hà Nội – Thành phố Rồng bay ngày càng giàu đẹp văn minh.