Trò chuyện với KTS Tạ Xuân Vạn: Kiến trúc sư và con cóc

KTS Tạ Xuân Vạn
Năm sinh: 1942
Quê quán: Thái Bình
Tốt nghiệp: Khóa 1 Đại học Kiến trúc Hà Nội (1964)
Các công trình chính: Trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, Tòa nhà Hàm Cá Mập, Trụ sở Viện Toán học, Trụ sở Viện Hóa học, Trụ sở Viện Tâm thần Trung Ương…

Lịch sử kiến trúc thế giới từng ghi nhận không ít trường hợp khi mới đề xuất ý tưởng hoặc mới xây dựng xong, công trình đã phải chịu nhiều búa rìu của dư luận, nhưng thời gian lại chứng minh những công trình đó ngày càng được nhiều người thích, thậm chí trở thành biểu tượng như Tháp Eiffel, Kim tự tháp kính Louvre… Mặc dù ở tầm vóc khiêm nhường, nhưng tòa nhà “Hàm Cá Mập” cũng là một công trình có cùng số phận như vậy.

Công trình “Hàm Cá Mập” là một trung tâm thương mại được xây dựng trên nền Nhà xe điện cũ và Bách hóa Bờ Hồ, khởi công năm 1991, hoàn thành năm 1993. Ngay sau khi hoàn thành, nó đã phải chịu sức ép công kích rất lớn từ giới chuyên môn cũng như người dân Hà Nội. Và tên gọi “Hàm Cá Mập” ra đời như một sự giễu cợt và bôi bác, mặc dù về hình thức trông nó chẳng giống “hàm cá mập” tí nào (hình như nó giống “hàm cá nhà táng” hơn). Sau gần 30 năm, tòa nhà Hàm Cá Mập nay đã trở thành một điểm nhấn kiến trúc quan trọng ở khu vực Hoàn Kiếm, một dấu hiệu nhận biết Hà Nội trong nhiều thước phim tài liệu quốc tế, một địa điểm uống cà phê và check-in ưa thích của khách du lịch. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện với người thiết kế Hàm Cá Mập – KTS Tạ Xuân Vạn, nay đã gần 80 tuổi, mắt đã mờ, sức đã yếu, nhưng vẫn tràn đầy năng lượng khi nhắc đến chuyện làm nghề kiến trúc.

Vũ Hiệp (VH): Cháu chào bác! Nhà bác khó tìm quá, cháu phải nhờ anh Quang Việt đưa đi đấy ạ. Cháu đếm có gần 20 chỗ rẽ ngõ ngách từ đường Định Công vào nhà bác – Đây có thể được xem như một cách ở ẩn tuyệt vời giữa đô thị đúng không?

Tạ Xuân Vạn (TXV): Tôi xin phép chúng ta gọi nhau là anh em, dù cậu có kém tôi hơn 40 tuổi thì vẫn sinh cùng thế kỷ. Những người sinh cùng thế kỷ thì là anh em.

VH: Vâng, vậy xin anh cho biết ý tưởng thiết kế công trình mà mọi người vẫn quen gọi là Hàm Cá Mập?

TXV: Khi tham dự cuộc thi thiết kế, công trình này có tên là Trung tâm Giao dịch Thương mại Quốc tế, tôi đã đi dạo khu phố cổ và hồ Gươm để tìm ý tưởng. Nếu đi từ hồ Gươm qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy, thì phố cổ được kết thúc bởi tháp nước Hàng Đậu, một khối trụ. Vì thế, công trình bắt đầu vào khu phố cổ cũng nên sử dụng những đường cong để “hô ứng” với tháp nước ở phía cuối. Mà những đường cong có lẽ cũng phù hợp với hình dáng hồ Gươm và hình dáng khu đất. Thế là mình cầm bút xoáy xoáy trên giấy giống như khói dâng. Phương án được chọn và chủ đầu tư cho xây dựng.

Một số hình phác họa công trình của KTS Tạ Xuân Vạn
Ảnh tư liệu: KTS Nguyễn Đức Quang

VH: Sao người ta lại không thấy nó giống khói mà lại gọi là “Hàm Cá Mập” thưa anh?

TXV: Đó là một câu chuyện buồn. Năm 1993, công trình đã thi công thô gần xong. Lúc ấy tôi phải đi công tác một thời gian ở Vinh. Lúc về Hà Nội, thấy công trình của mình bị bọc kín bằng vải dứa, nhiều chỗ bị đập nham nhở để cơi rộng ra. Tôi đã ngồi khóc, uất ức vì không hiểu tại sao người ta lại có cách đối xử dã man như vậy với tác phẩm kiến trúc, với tác giả thiết kế như thế.

VH: Anh đã khóc… thật sự?

TXV: Tôi khóc thật sự. Sau này, tôi mới biết rằng chủ đầu tư đã yêu cầu một KTS khác thay đổi thiết kế để thỏa mãn sự tham lam của họ. Cái đường cong mà tôi thiết kế, nó rất đẹp và không quá phô trương ra ngoài quảng trường như khi bị chỉnh sửa sau này. Trong quá trình thiết kế, KTS Trương Tùng đã góp ý với tôi là “phải nhường chỗ cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhiều hơn” và tôi đã đồng ý tiếp thu. Ấy vậy người ta lại táo tợn mở rộng công trình mà không hề hỏi ý kiến tác giả của nó. Tôi viết đơn kiện lên thành phố nhưng các anh bảo rằng: “Cứ yên tâm, biết đâu sau này nó lại đẹp thì sao!?” Thôi thì cố “yên tâm” vậy. Nhưng sau đó sự việc còn diễn biến kinh khủng hơn khi người ta tự ý sơn màu đen sì cho công trình. Thảm họa dư luận chính ở thời điểm này. Có lẽ vì thế mà cái tên “Hàm Cá Mập” ra đời.

VH: Anh có biết ai đã đặt tên “Hàm Cá Mập” cho công trình không?

TXV: Tôi có nghe phong phanh hình như là một nhà phê bình mỹ thuật.

VH: Một nhà “phê bình mỹ thuật”?

TXV: Một nhà phê bình kiến trúc không thể nào nghĩ ra một cái tên như vậy.

VH: Khi tác phẩm của mình bị công chúng “ném đá”, anh có buồn không?

TXV: Vui chứ. Tôi tin vào cảm nhận của mình. Tôi chỉ buồn khi bị chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế. Họ thấy dư luận chê bôi nhiều quá nên lại mời mình đến giải quyết bãi chiến trường. Tôi nghĩ thôi đời mình cũng chỉ đến thế thôi, buồn lắm, nhưng cố nhẫn nhịn để hoàn thành. Tôi cũng không yêu cầu phá đi để sửa lại giống như thiết kế ban đầu, chỉ điều chỉnh cho gọn vào một chút và sơn lại màu trắng, như chúng ta thấy hôm nay. Ngày hoàn thành, tôi có nói với chủ đầu tư rằng mình chỉ mong muốn công trình này sẽ là một kỷ niệm đẹp đối với Hà Nội, và hi vọng người ta sau này cố gắng giữ gìn hình ảnh công trình cho tốt, đừng phơi quần lót, bít tất ngoài ban công.

Và cũng để ghi nhớ những kỉ niệm buồn vui của chính mình với công trình này, tôi đã ra phố Hàng Giấy mua bốn con cóc bằng gốm, cho gắn ba con vào nóc cột ở thế ngước lên trời, còn một con mang về nhà. Con cóc là cậu ông Trời mà chẳng kiện được ai. Nó cứ ngước cổ lên trời kêu thế thôi.

Ở Hà Nội, chỉ có hai chỗ có con cóc. Thứ nhất là Đài phun nước Con Cóc ở vườn hoa Diên Hồng, trước Bắc Bộ Phủ, mang từ Tây sang. Thứ hai là ở tòa nhà này, một con cóc “Việt-nam-sờ-ki” hoàn toàn.

VH: Cách dùng con cóc ở đây phải chăng có cùng nguyên lý với cách sử dụng con thạch sùng ở Đài tiếng nói Việt Nam, công trình trước đó của anh?

TXV: Đúng vậy. Ở Đài tiếng nói Việt Nam, Vạn đã cho gắn hai con thạch sùng lên trần sảnh chính. Bởi vì cái tặc lưỡi của thạch sùng là cách truyền tin nhanh nhất của tự nhiên. Ở một công trình khác là Viện Toán học, Vạn cũng đã đề xuất với chủ đầu tư là đặt hai tượng Phỗng trước cửa chính, nhưng không được chấp thuận. Mình nghĩ là ở một công trình phục vụ những người nghiên cứu hàm số, công thức, phương trình… thì cái “ngô nghê” của Phỗng sẽ làm cho đầu óc thư thái, bớt căng thẳng hơn. Có phải ai cũng hiểu đâu.

VH: Sự hóm hỉnh của anh có gì đó rất gần gũi với tâm thức, tinh thần dân gian Việt Nam. Ngày nay, chúng ta hành nghề kiến trúc để mong viết được những trường ca, những tiểu thuyết chứ mấy ai tìm về truyện dân gian đâu. Kiến trúc truyền thống có những cách sử dụng linh vật rất hay, rất đắt, nhưng kiến trúc hiện đại dường như đã bỏ qua cái phẩm tính quý giá đó. Em nghĩ, có lẽ anh đã làm sống lại một “mã gien” quý của kiến trúc Việt Nam.

TXV: Cám ơn em. Cả đời tôi chưa bao giờ đặt chân ra ngoài biên giới Việt Nam, nên chỉ biết những cái nôm na kiểu “An-nam-mít-toòng” thế thôi. Như thế hay hoặc dở, mình cũng chẳng biết nữa.

VH: Trở lại với Hàm Cá Mập. Các đồng nghiệp thân thiết có đánh giá gì về công trình này của anh không?

TXV: Khi công trình bị chủ đầu tư đập phá “cải tiến”, một người bạn kỹ sư kết cấu cùng ngồi uống bia có nói với Vạn rằng: “Có gì mà phải buồn, đến kim tự tháp Ai Cập vĩ đại thế mà còn bị đập thì công trình này của mày có đáng gì”. Câu nói đó đã vực dậy tinh thần của tôi rất nhiều. Nhiều người bạn của tôi khi chụp ảnh phố phường Hà Nội đã chụp Hàm Cá Mập ở nhiều góc độ và ở nhiều thời điểm khác nhau, rồi gửi ảnh cho mình. Có lần anh bạn Diêu Công Tuấn xem ti-vi thấy người ta quay công trình này và Hồ Gươm, anh ấy chụp màn hình ti-vi rồi gửi ảnh từ Sài Gòn ra cho Vạn. Diêu Tuấn còn nói với mình một câu rất cảm động: “Công trình ai khen ai chê thì cũng biết vậy, nhưng quan trọng là phải biết người chê là ai, người khen là ai”. Rồi khi truyền hình quay cảnh người dân mặc áo cờ đỏ sao vàng mừng Đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng lợi bên cạnh Hồ Gươm và Hàm Cá Mập, người thân và bạn bè nói lại, mình hạnh phúc vô cùng. Cái mong ước rằng công trình này trở thành một kỷ niệm đẹp của Hà Nội, đối với mình coi như đã đạt được.

VH: Anh còn điều gì nhắn nhủ về Hàm Cá Mập nữa không?

TXV: Ở các công trình khác do mình thiết kế, tôi thường sử dụng đường thẳng và mảng phẳng, chỉ có Hàm Cá Mập là bắt buộc phải sử dụng đường cong. Nếu như sau này người ta cải tạo hoặc xây mới Hàm Cá Mập, thì tôi chỉ mong các KTS tương lai hãy giữ lại “đét-xanh” của nó, cái đường cong đó là thích hợp nhất đối với địa điểm này, không có đường nét nào khác có thể thay thế được.

VH: Và phải giữ cả mấy con cóc nữa chứ ạ!?

TXV: (cười lớn) Tất nhiên rồi!

Vũ Hiệp (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)