Phát triển bền vững là mục tiêu của mọi quốc gia trên thế giới trong bối cảnh bùng nổ dân số, tốc độ đô thị hoá nhanh và nguy cơ suy giảm các giá trị bản sắc văn hóa địa phương hiện nay. Trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch, các kiến trúc sư và các nhà chuyên môn ở Việt Nam và trên thế giới đã và đang nỗ lực tìm kiếm và định hình cho một xu hướng kiến trúc xanh và xây dựng cộng đồng bền vững.
Xem thêm: Hội thảo và workshop “Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững”- GASC 2017
Trước nhu cầu mang tính thời đại và yêu cầu của bối cảnh Việt Nam, trường Đại học Xây dựng (NUCE) – phối hợp cùng trường Đại học Công nghệ Delft (TU Delft Hà Lan), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) và Câu lạc bộ Kiến trúc A+G đồng tổ chức Hội thảo và Workshop Quốc tế với chủ đề “Kiến trúc xanh hướng tới Cộng đồng bền vững 2017 – GASC 2017” (tên tiếng Anh “Green Architecture fowards Sustainable Communities) tại Hà Nội từ ngày 28/03 đến ngày 31/03/2017 với mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan nói chung, trong lĩnh vực thiết kế bền vững cho công trình và đô thị nói riêng. Hội thảo có sự bảo trợ của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, UBND quận Hoàn Kiếm và sự tham gia chuyên môn của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam VGBC và các đơn vị khác. Các đơn vị tài trợ chính cho GASC 2017 là thương hiệu INAX thuộc tập đoàn LIXIL, công ty Edeec&KWT (Hội KHKT Hà Lan vì Việt Nam), DULUX Professional, Hunter Douglas cùng nhiều cá nhân, đơn vị đồng hành đến từ chính các thành viên của A+G, đến từ những người bạn của CLB, đã ủng hộ về tài chính để thực hiện các hoạt động cho chương trình.
GASC 2017 là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo và workshop hàng năm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ TU Delft, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Câu lạc bộ Kiến trúc A+G cùng các đơn vị liên quan nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012) và Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt), cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển Kiến trúc Xanh, Công trình Xanh ở Việt Nam và các nước khu vực Châu Á.
Xem thêm: Hội thảo – Workshop GASC 2017: “Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững 2017”
Hội thảo quốc tế
Hoạt động Hội thảo quốc tế chuyên ngành về “Kiến trúc xanh hướng tới cộng đồng bền vững” GASC 2017 đã diễn ra vào sáng ngày 29/3/2017 tại tầng 1, Hội trường G3, Đại học Xây dựng với các phần tham luận và chia sẻ về Kiến trúc bền vững, Kiến trúc sinh thái, Kiến trúc cộng đồng, Công trình hiệu quả năng lượng… Các diễn giả của Hội thảo đến từ các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Chủ đề các bài tham luận xoay quanh các vấn đề từ phạm vi kỹ thuật – công nghệ phù hợp cho công trình xanh, các vấn đề liên quan đến kiến thức địa phương như văn hóa, triết lý kiến trúc tới các vấn đề có quy mô toàn cầu như sự thích ứng của đô thị để trở nên hiệu quả hơn cho một cộng đồng bền vững trong bối cảnh đầy thách thức của Việt Nam và khu vực hiện nay. Đồng thời, Hội thảo cũng có sự góp mặt và trao đổi của các nhà tài trợ là những đơn vị đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng với mong muốn kết nối với mạng lưới nghiên cứu và thị trường để đưa ra các sản phẩm có ích và phù hợp với Kiến trúc xanh.
Chương trình seminar buổi chiều với chủ đề “Các yếu tố xanh trong công trình vừa và nhỏ” do CLB A+G chủ trì đã diễn ra với những bài trình bày thực tiễn của các KTS và chuyên gia hành nghề lâu năm, những phương án, những cách tiếp cận, những giải pháp công trình đem tới cho người nghe cảm hứng về một nền kiến trúc thực sự nhân văn và bền vững. Seminar đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng Kiến trúc sư quan tâm đến kiến trúc xanh cũng các giảng viên và sinh viên các trường đào tạo kiến trúc tại Hà Nội.
Workshop mang tính áp dụng cao
Song song với Hội thảo chuyên ngành và với mục đích hướng các kiến trúc sư tương lai tiếp cận xu hướng thiết kế Kiến trúc xanh – thiết kế Công trình xanh và chuyển hóa những kiến thức ban đầu của sinh viên về Kiến trúc xanh, Công trình xanh thành sản phẩm thiết kế cụ thể với các giải pháp tốt nhất Workshop quốc tế GASC 2017 được diễn ra từ ngày 28-31/3/2017 tại Đại học Xây dựng với sự tham gia của các giảng viên hướng dẫn và sinh viên từ Trường Đại học Xây dựng (NUCE) Đại học Công nghệ Delft (TU Delft Hà Lan), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) và Câu lạc bộ Kiến trúc A+G tổ chức với sự chủ trì của KTS. Hoàng Thúc Hào (Giải thưởng SIA-GETZ cho KTS nổi bật ở châu Á năm 2016) và GS. TS. Andy van den Dobbelsteen, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật và Công nghệ Kiến trúc, Khoa Kiến trúc và Môi trường Xây dựng, TU Delft.
Nhiệm vụ thiết kế của Worskhop quốc tế GASC 2017 là Thiết kế cải tạo – xây mới Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 9 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trở thành công trình Kiến trúc xanh và được bảo tồn bền vững cho những giá trị xã hội và lịch sử của cụm công trình. Với quy mô khu đất nghiên cứu có diện tích 1400 m2, hai mặt trước và sau tiếp giáp với các phố Hai Bà Trưng và Phạm Sư Mạnh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố sau khi được cải tạo – xây mới sẽ là công trình Kiến trúc xanh điển hình của thành phố Hà Nội, là địa điểm tham quan và tổ chức các chuyên đề giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng xanh đảm bảo đạt yêu cầu “Tiêu chí Kiến trúc xanh” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành. Các sinh viên đến từ Đại học Xây dựng (NUCE), trường Đại học Công nghệ Delft (TU Delft) và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU), được chia làm 8 nhóm. Mỗi nhóm sẽ có 02 sinh viên của NUCE, 02 sinh viên của HAU và 01 sinh viên của TU Delft cùng làm việc tập trung trong 4 ngày từ 28-31/3/2017. Việc phối hợp sinh viên của ba trường đại học trong một nhóm sẽ mang đến cho các em kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế và tăng cường trao đổi kiến thức về kiến trúc bản địa, kiến trúc khí hậu cũng như về công nghệ xây dựng giữa châu Á và châu Âu.
Lễ tổng kết và triển lãm
Vào buổi chiều ngày 31/3/2017, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam số 40 Tăng Bạt Hổ đã diễn ra buổi báo cáo kết quả thiết kế của Workshop quốc tế. Tám nhóm sinh viên đã lần lượt trình bày những ý tưởng thiết kế cốt yếu trong các phương án cải tạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 9 phố Hai Bà Trưng nhằm hướng đến sự bền vững đa dạng trong nhiều khía cạnh về kinh tế, xã hội, nhân văn và công nghệ.
Những phương án cải tạo mà các nhóm sinh viên đề xuất đã thể hiện sự sáng tạo, tìm tòi và đáp ứng được cơ bản những yêu cầu trong nhiệm vụ thiết kế, và được các thành viên ban giám khảo đánh giá cao. Hầu hết, các phương án cải tạo đều hạn chế phá dỡ hoàn toàn khối nhà B để xây mới, mà thay vào đó là cải tạo, chỉnh trang và mở rộng quy mô bằng cách tạo thêm các không gian được làm từ kết cấu thép lắp ghép có khối lượng nhẹ. Ngoài ra, các phương án đều sử dụng khoảng sân ở tầng trệt làm không gian công cộng để tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục có khả năng kết nối cộng đồng cao. Hơn nữa, để đáp ứng được các tiêu chí thiết kế xanh đã nêu trong nhiệm vụ, các nhóm sinh viên đã tích cực nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường và vi khí hậu cho công trình.
Những tiêu chí đánh giá các phương án của ban giám khảo đưa ra bao gồm:
- Sự phù hợp về hình thái kiến trúc giữa công trình mới (khối nhà B) với công trình cũ (khối nhà A) và giữa tổng thể công trình với khu vực trung tâm thành phố mang đậm nét kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc.
- Hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên (đất, nước, không khí, vật liệu) và năng lượng để nâng cao chất lượng môi trường và vi khí hậu
- Khả năng kết nối cộng đồng
Sau khi nghe các nhóm sinh viên trình bày ý tưởng, ban giám khảo đã làm việc và thống nhất trao giải Nhất cho phương án cải tạo của nhóm sinh viên Nguyễn Bình Minh, Đào Duy Tùng (ĐHXD), Hồ Thủy Tiên, Phạm Thị Việt Mỹ (ĐHKT) và Layla van Ellen (ĐH Kỹ thuật Delft). Giải pháp cải tạo khối nhà B mà nhóm sinh viên này đưa ra là tạo thêm một lớp mái dốc để cách nhiệt, phù hợp về hình thái kiến trúc với khối nhà A (mang phong cách kiến trúc Pháp) và phù hợp với hình thái không gian của khu vực phố cổ, phố Pháp tại trung tâm Hà Nội, và đã hoàn toàn thuyết phục được Ban giám khảo. Hơn thế nữa, thông qua những giải pháp thiết kế bền vững và tính toán sơ bộ ban đầu về lượng điện năng tiêu thụ, nhóm sinh viên này đã khẳng định hiệu quả về sử dụng tài nguyên, năng lượng của phương án cải tạo.
Các phương án đạt giải Nhì và Ba đều là những phương án được Ban giám khảo đánh giá cao, và thỏa mãn được một phần yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế cũng như các tiêu chí mà BGK đặt ra.
Vào tối ngày 31.03, buổi lễ Tổng kết chương trình GASC 2017 đã chính thức diễn ra tại trụ sở Hội KTS Việt Nam với sự tham gia của các KTS hàng đầu đến từ cả nước và quốc tế. Hội đồng Ban giám khảo với các thành viên đến từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Công nghệ Delft đã đạt được sự đồng thuận và nhất trí cao trong quan điểm và kết quả đánh giá các nhóm sinh viên. BTC công bố kết quả với cơ cấu gồm: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì và 02 giải Ba.
Sau đó, vào hai ngày cuối tuần 1/4 và 2/4/2017, tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm sẽ diễn ra Triển lãm kết quả của Workshop GASC 2017 với sự hỗ trợ của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm lan tỏa thông điệp của sự kiện cũng như gia tăng sự kết nối của Kiến trúc xanh tới nhận thức và tham gia của cộng đồng. Những gian triển lãm của GASC luôn được bao quanh đông đảo bởi người dân thủ đô tham gia phố đi bộ vào ngày cuối tuần này.
Ngô Hoàng Ngọc Dũng
© Tạp chí kiến trúc