Báo cáo thử nghiệm dự án Kế thừa và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống Việt Nam

IMG_0841

Trong các ngày 24 – 27/7, Tạp chí Kiến trúc đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm gặp gỡ, giới thiệu và kết nối các nhóm nghiên cứu tham gia dự án House Vision Vietnam 2015. Ngày 25/7/2015, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc đã tổ chức Buổi Báo cáo thử nghiệm dự án Kế thừa và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống Việt Nam của nhóm nghiên cứu PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi – Trường ĐH Xây dựng và Nhóm KTS Hoàng Thúc Hào và các cộng sự – Công ty Kiến trúc 1+1>2. Đây là dự án nghiên cứu thực nghiệm thuộc Dự án House Vision Vietnam 2015 và báo cáo thực nghiệm đầu tiên, công bố các nghiên cứu nền của nhóm nghiên cứu. Tham dự buổi báo cáo có PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; đại diện Tạp chí Kiến trúc và Đại diện tổ chức House Vision Nhật Bản, đông đảo các KTS tham gia dự án House Vision Việt Nam: TS. Trần Bá Việt – Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng, TS.KTS Nguyễn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn TK & XD – Viện KH CN Xây dựng; KTS Nguyễn Hoàng Phương – Đại diện Greener Group; KTS Đoàn Thanh Hà – Đại diện H& P Architects; TS.KS Nguyễn Công Giang – Trưởng Đại diện Công ty Nikken Sekkei Civil Enginering… KTS Lê Lương Ngọc – Đại diện Công ty V Architects..

IMG_0830

IMG_0827

Báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu nhận diện các giá trị kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng do PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi đã khoanh vùng phạm vi nghiên cứu là một hình tham giác, kéo dài từ đỉnh đầu tỉnh Vĩnh Phúc đến Thành phố Hải Phòng và đỉnh cuối là tỉnh Ninh Bình. Dựa trên những nghiên cứu về tổ chức khuôn viên nhà ở, tổ chức không gian ở, sử dụng vật liệu tre, gỗ và xử lý vi khí hậu thân thiện với môi trường… Đề án đã lựa chọn, khẳng định các giá trị cần được quan tâm, kế thừa, phát huy của các loại nhà ở nông thôn truyền thống trong xây dựng phát triển nhà ở tương lai, vì đó là loại hình “kiến trúc xanh”, “kiến trúc tự nhiên”, “kiến trúc bền vững”. PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi chia sẻ: “Với đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là xu thế đô thị hóa nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đời sống của người nông dân đang thay đổi nhanh chóng, vì thế, các vấn đề về kiến trúc nông thôn, sự biến đổi về Nhà ở và nhu cầu ở của người dân… rất cần được nghiên cứu, đánh giá. Hy vọng rằng, những nỗ lực làm việc của nhóm sẽ là cơ sở tốt để các Chủ đầu tư, các nhà làm quy hoạch, thiết kế tham khảo và ứng dụng trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới”.

Tiếp sau kết quả nghiên cứu của PGS. TS.KTS Nguyễn Đình Thi, KTS Hoàng Thúc Hào đã báo cáo nghiên cứu thực nghiệm Kế thừa và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống Việt Nam qua một số công trình do KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự thiết kế, xây dựng. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, chúng ta cần thức nhận lại những điều vốn được cho là hiển nhiên trong thiết kế và quy hoạch Nhà ở, đó là: Đặc trưng kiến trúc truyền thống vốn được nhìn nhận là không gian mở, thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên, cây xanh. Nhưng thực tế, trong kiến trúc truyền thống, những không gian đóng lại quy định những không gian mở. KTS Hoàng Thúc Hào dẫn chứng mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) do KTS Nguyễn Luận nghiên cứu: Nhà ở là một đơn vị cân bằng sinh thái; Đồng thời, kế thừa, khẳng định những giá trị của nhà ở truyền thống nông thôn tại vùng đồng bằng sông Hồng trong nghiên cứu của PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi làm cơ sở cho những thiết kế công trình của mình. Một số công trình được KTS Hoàng Thúc Hào giới thiệu và phân tích như: Nhà Chính Tây, Biệt thự Ware House Villa, biệt thự Đại Lải, Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Cải tạo nhà văn hóa nông thôn, Nhà nông thôn kết hợp Home stay (Hà Giang), ngôi nhà mặt trời…đã cho thấy nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo trong ứng dụng kiến trúc truyền thống vào các công trình hiện đại. Đó có thể là ý tưởng hướng tới một biệt thự nhiệt đới với mái dốc lớn, tấm chắn nắng che phủ hầu hết các khu vực chính của công trình để vừa giải quyết bức xạ mặt trời không chiếu thẳng vào các không gian sử dụng, vừa giúp công trình đạt tỉ lệ cân đối, mới lạ (Nhà chính Tây). Hay ý tưởng xây dựng một công trình thân thiện, phù hợp với điều kiện tự nhiên- các giải pháp kiến trúc nội ngoại thất xóa bỏ mọi ngăn cách giữa không gian trong nhà với thiên nhiên bên ngoài. Hệ thống giàn cây leo trở thành một không gian đa năng, xanh mát được dựng bằng các cây cau thẳng đứng cùng mái dừa rộng đã tạo nên một hệ bóng đổ kép điều hòa không khí. Ngoài ra, hình thức mái còn giúp tránh gió đọng, nước đọng và thu được nước mưa trong những ngày gió bão (Nhà Cộng đồng Cẩm Thanh). Hay ý tưởng xây những bức tường đất trong xây mới và cải tạo một số các nhà ở của người dân vùng cao…

IMG_0858

Có thể nói, những nghiên cứu cơ bản về Nhà ở nông thôn truyền thống tại Vùng đồng bằng sông Hồng cùng Báo cáo thử nghiệm Kế thừa và Phát huy các giá trị kiến trúc Nhà ở nông thôn truyền thống trong xây dựng thực nghiệm nhà ở tại Việt Nam là những tiền đề quan trọng để Nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, đánh giá giá trị của kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống Việt Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền duyên hải… Kết quả làm việc của nhóm nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho nhóm thiết kế, từ đó, đề xuất các mô hình nhà ở trong tương lai, trong mối gắn kết với các công nghệ và vật liệu mới.

Nội dung báo cáo của PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi và KTS Hoàng Thúc Hào đã thu hút sự quan tâm của đông đảo KTS nhằm đóng góp thêm các ý tưởng vào dự án. KTS Nguyễn Hoàng Phương – đại diện Greener Group chia sẻ các hoạt động nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng trong nhà ở mà nhóm đang thực hiện; nhóm KTS Đoàn Thanh Hà – đại diện công ty H&P chia sẻ ý tưởng về Nhà nổi tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long… Các KTS đều mong muốn thông qua House Vision sẽ tạo nên cầu nối để gắn kết các ý tưởng của từng nhóm KTS thành một Chương trình lớn về Nhà ở, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà ở Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, TS. Trần Bá Việt – Phó Viện trưởng Viện KH CN XD khẳng định: “Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viện KH CN XD đã và đang thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu về các công nghệ mới, vật liệu mới. Viện sẵn sàng kết hợp với nhóm nghiên cứu nhằm hoàn thiện các ý tưởng của KTS, để các mô hình nhà ở tương lai do các nhóm KTS đề xuất không chỉ đảm bảo được các vấn đề về bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn đạt các yêu cầu về tiện dụng và sử dụng lâu dài”.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, PGS. TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định: “Ý tưởng của các Nhóm nghiên cứu và thiết kế đều dựa trên những nghiên cứu cẩn trọng về nhu cầu và những tồn tại trong thiết kế xây dựng Nhà ở hiện nay. Buổi báo cáo Tháng 7 mới là những định hình sơ phác ban đầu, trên cơ sở đó các KTS sẽ tiếp tục phối kết hợp với các Nhóm Chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực nhà ở tiếp tục các nghiên cứu chi tiết… Từ đó, tin tưởng rằng, sau 1 năm thực hiện, kết quả nghiên cứu sẽ rất sâu sắc, gắn các vấn đề lý thuyết với thực tiễn cuộc sống để mang tới những thông điệp và những định hướng tốt đẹp về nhà ở Việt Nam trong tương lai”.

IMG_0873

 

Tổng hợp: Thanh Hương – Tapchikientruc