Hạ Long – Thành phố di sản xưa và nay

Ngày 27/4/2012, Vịnh Hạ Long đã chính thức đón nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do công chúng trong nước và quốc tế bình chọn theo tổ chức New7wonders. Trước đó, vịnh Hạ Long đã lần lượt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới về yếu tố thẩm mỹ (ngày 17/12/1994), về giá trị địa chất địa mạo (ngày 2/12/2000). Đây là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam không chỉ ở Quảng Ninh, Hải Phòng mà trên khắp thế giới.
Hạ Long 1940-1949
Tuy nhiên, không nhiều người hiểu hết sự khác biệt của vịnh Hạ Long so với các địa danh khác trong số 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới được công nhận vừa qua – Đó chính là một Kỳ quan thiên nhiên nhưng đã và đang thực sự gắn bó mật thiết với cuộc sống thường ngày của con người. Trong hơn 7000 bức ảnh của bộ sưu tập ảnh cổ về Việt Nam từ năm 1860-1954 mang tên “Báu vật ký ức” (hiện đang do KTS Đoàn Bắc nắm giữ và biên tập), có gần 200 bức ảnh phản ánh chân thực về cảnh vật, con người và cuộc sống ở vịnh Hạ Long từ năm 1885-1950. Những bức ảnh cổ này hầu hết là do các nhà nhiếp ảnh nước ngoài thực hiện bằng tình cảm và sự rung động của chính họ trước vẻ đẹp kỳ thú của nơi đây. Qua những bức ảnh này cùng các tư liệu có liên quan mà KTS Đoàn Bắc đã công bố cho chúng ta hiểu rõ hơn các ý nghĩa của vịnh Hạ Long trong cả quá khứ, lẫn hiện tại và tương lai.
1902/1905 – Pierre Dieulefils (1862-1937)
 
1910-1912 – Pierre Dufresne
 
1938-1939 – Claude Berruyer (1915-2009)
 
1889-1894 – Louis Sadoul (1860-1915)
 
1910-1912 – Pierre Dieulefils (1862-1937)
Hiện nay, nhiều tư liệu ở Việt Nam đều cho rằng vịnh Hạ Long được đưa vào bản đồ hàng hải thế giới từ cuối những năm 1890 tới đầu những năm 1900. Nhưng các bức ảnh quý hiếm về vịnh Hạ Long hoang sơ từ năm 1885 do họa sỹ người Pháp là Louis Dumoulin (1860-1924) thực hiện trong hải trình nổi tiếng của ông xuyên qua 3 đại dương đã chứng minh cụ thể hơn về thời gian này. Các bức ảnh về vịnh Hạ Long trong giai đoạn 1889-1894 của bác sỹ quân y người Pháp là Louis Sadoul (1860-1915) lại cho chúng ta thấy cuộc sống bình dị nhưng sống động của người dân Việt Nam ở nơi đây. Nhiều tư liệu khác như hồi ký, lý lịch quân nhân (dạng như passport bây giờ), ảnh chụp và đặc biệt cả chiếc máy cổ liên quan đến các bức ảnh về Việt Nam này vẫn đang được lưu giữ đặc biệt ở thư viện riêng của dòng họ Sadoul tại Paris (Pháp)… đã cung cấp không chỉ cái nhìn toàn diện về cuộc sống khung cảnh Vịnh Hạ Long mà còn đánh dấu sự xuất hiện của Vịnh Hạ Long với du khách thế giới.
Hạ Long mới (ảnh Bùi Hồng Thắng)
 
Những năm nửa đầu thế kỷ XX, vịnh Hạ Long đã có chuyển mình theo dòng chảy của lịch sử với đầy ắp các sự kiện bi hùng. Những bức ảnh do các nhà nhiếp ảnh Việt Nam và Pháp do ông Pierre Dieulefils (1862-1937) chỉ đạo đã ghi lại rất nhiều khoảng khắc đáng nhớ đó. Hình ảnh những con tàu to lớn của châu Âu hiện diện và bị đắm ở đây (do địa hình cực kỳ phức tạp) đã chứng minh vị thế của vịnh Hạ Long trên bản đồ hàng hải thế giới. Ngày nay, khung cảnh vịnh Hạ Long luôn đầy ắp các đội tàu du lịch lớn nhỏ, khi đối chứng với những hình ảnh xưa cũ kia sẽ mang lại cho du khách Việt Nam và quốc tế những cảm xúc thật khó tả.
Tuy nhiên, vẫn còn những sự thay đổi khác đang làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, lu mờ các giá trị văn hóa và lịch sử truyền thống. Vịnh Hạ Long từ xưa đã không chỉ có đá và nước mà còn có cả cuộc sống lam lũ của người dân chài, những thợ mỏ. Cho đến nay, khi vịnh Hạ Long lung linh các danh hiệu tầm thế giới thì cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn còn lam lũ lắm. Nhiều đứa trẻ làng chài vẫn chưa được đến trường đầy đủ, vẫn phải mưu sinh hàng ngày cùng cha mẹ…
Cuộc sống hiện đại hôm nay, chỉ cần vào mạng internet chúng ta sẽ gặp vô vàn các bức ảnh màu tuyệt đẹp về vịnh Hạ Long. Nhưng những bức ảnh xưa cũ và các câu chuyện chân thực về lịch sử, cuộc sống ở nơi đây vẫn rất đáng để chúng ta suy nghĩ khi hướng đến tương lai. Trách nhiệm của chúng ta là góp sức để vịnh Hạ Long luôn là một Kỳ quan thiên nhiên thế giới với đầy áp giá trị của văn hóa và cuộc sống…
KTS Đoàn Bắc