Trùng tu “Bia Quốc Học”: Cần phải tôn trọng lịch sử

Những ngày đầu năm 2017, dư luận và báo chí xôn xao về công trình ở Huế được gọi là “Bia Quốc học” đang được trùng tu sắp tới giai đoạn hoàn thiện. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc trùng tu công trình này, tựu trung ở vấn đề không tôn trọng nguyên gốc di tích, màu sắc mới làm mất vẻ cổ kính sẵn có, khiến công trình cổ mà như mới…

“Đài chiến sỹ trận vong” đang được trùng tu đầu năm 2017

Đài chiến sỹ trận vong – một kiến trúc có lịch sử rõ ràng

Công trình này nguyên bản là một kiến trúc tưởng niệm, có tên là “Đài chiến sỹ trận vong”, được xây dựng để tưởng niệm những binh sỹ người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ đã tham chiến và tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Do vị trí công trình toạ lạc trước cổng trường Quốc học (phía bên kia đường Lê Lợi, sát bờ sông Hương) nên người dân Huế lâu nay vẫn quen gọi là “Bia Quốc học” hay “Bình phong trường Quốc học”. Thực chất công trình này không liên quan gì đến Trường Quốc học. Về bình phong của Trường Quốc học thì đã có tấm “Bình phong long mã” được xây dựng từ năm 1896 từ khi thành lập trường và hiện nay vẫn tồn tại.

Lễ khánh thành công trình 9/1920

“Đài chiến sỹ trận vong” (tên tiếng Pháp là “Monument aux Morts”) được Toà Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920. Đây là một kiến trúc tưởng niệm, cũng là bia ký ghi khắc nội dung liên quan tới công trình. Công trình được triển khai rất nghiêm cẩn và công phu, với việc thành lập một uỷ ban phụ trách việc thực hiện, lựa chọn địa điểm và hình thức xây đài. Uỷ ban đặc trách này gồm 3 quan chức người Pháp và một quan chức của Nam triều là cụ Nguyễn Đình Hòe là tham tri của Viện Cơ mật. Ban đầu, người ta đưa ra 10 địa điểm xây dựng để lựa chọn, sau cùng đã chọn địa điểm như hiện tại bởi không gian phù hợp cho kiến trúc tưởng niệm, với ý muốn gây sự chú ý cho các học sinh của trường Quốc học và trường Đồng Khánh cạnh đó về “sự đoàn kết chiến đấu của người Việt và người Pháp để viết nên những trang sử vẻ vang chung”. Về hình thức kiến trúc của đài, có người đề nghị làm một tấm bia lớn và xây bia đình (nhà bia có mái). Song cụ Nguyễn Đình Hoè phản đối vì hình thức đó chỉ dành cho các vị hoàng đế của Việt Nam. Cụ đề xuất xây đài theo lối kiến trúc bình phong của địa phương. Ý kiến này đã được chấp thuận.

Kim khánh” khắc tên ở mặt trước

Tháng 4/1920, Uỷ ban phụ trách đã mở một cuộc thi thiết kế “Đài chiến sỹ trận vong”, với các tiêu chí được đưa ra là phải phù hợp với cảnh quan chung và có phong cách kiến trúc truyền thống của Huế. Sau một tháng có 4 đồ án gửi đến dự thi. Sau khi xét duyệt kỹ lưỡng, Uỷ ban đã chọn đồ án của hoạ sỹ – thầy giáo Tôn Thất Sa (đang dạy hội hoạ ở trường Bá Công Huế) để thi công.

Công việc xây dựng kéo dài 4 tháng với kinh phí gần 10.000 đồng do ngân sách Toà Khâm sứ đài thọ.

Công trình “Đài chiến sỹ trận vong” được khánh thành long trọng vào ngày 23/9/1920, với sự hiện diện của vua Khải Định, toàn quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp của Chính phủ bảo hộ và Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và nhiều người Pháp ở Huế.

“Đài chiến sỹ trận vong” là một kiến trúc có dạng bình phong hình cuốn thư được lồng vào giữa một cửa tam quan. Kiến trúc chính được đặt trên một tầng nền đài rộng có lan can bao quanh và lối lên 4 phía. Lan can được xây kiểu bổ trụ chắp hình hoa sen và viền gạch gốm men trang trí. Phía trước nền đài hai bên có hai trụ biểu cao khoảng 10m nhấn mạnh không gian tưởng niệm.

Đài được xây bằng bê tông cốt thép và gạch, có 2 tầng đặt trên 1 bệ gồm 7 bậc. Tầng dưới kiểu tam quan, tầng trên thu lại ở giữa như một gác nhỏ. Hai tầng có 12 mái, lớp ngói ống tráng men màu. Các trang trí khá tinh xảo, kết hợp cả tô đắp, khảm sành sứ, vẽ hoa văn màu với nội dung, hình thức đậm phong cách cung đình huế như hình rồng, sen, chữ thọ, chữ vạn…, đề tài ngũ phúc, tứ thời…

Ở mặt trước đài là một “kim khánh” bằng đá đề tên và chức vụ trang trọng của 31 tử sỹ người Pháp; ở mặt sau ghi khắc tên họ và quê quán 78 tử sỹ người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ (cho tới trước thời điểm trùng tu hiện tại vẫn có thể đọc được một số tên).

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đây là đài liệt sỹ đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.

Xem thêm: Vài suy nghĩ về việc trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn hiện nay

Trùng tu – Cần phải tôn trọng lịch sử!

1. Bậc cấp bị lún gãy
2. Phần mái bị hư hỏng, vết nứt thân bia tầng 2

Tuy “Đài chiến sỹ trận vong” là một sản phẩm của thực dân Pháp; song nhờ giá trị nhân văn và cách thức tổ chức đàng hoàng, chuẩn bị kỹ lưỡng; trân trọng những giá trị cảnh quan và kiến trúc truyền thống, các tác giả đã để lại cho xứ Huế một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị bền vững.

Nhưng, không biết tự khi nào, người ta đã lãng quên hay cố tình lãng quên cái tên và lịch sử của một công trình – tới nay đã ngót trăm năm, làm đẹp cho miền sông Hương núi Ngự, là điểm nhấn đô thị của thành phố Huế; mà gọi thành “Bia Quốc học”. Cái tên mới lưu truyền trong dân gian đã đành, nhưng cũng có rất nhiều sách vở, tài liệu, văn bản hành chính cũng gọi công trình này là “Bia Quốc học”. Mới đây nhất, dự án trùng tu công trình cũng mang tên “Trùng tu và cải tạo Bia Quốc học, công viên Lý Tự Trọng”. Trùng tu – bảo tồn là một ngành khoa học, trong đó có khoa học lịch sử. Sự thay đổi đó đã thể hiện một cách thiếu khoa học của công tác bảo tồn, trùng tu: không tôn trọng lịch sử.

Và cũng không biết tự khi nào, hai mặt trước sau của bia đã bị phá huỷ, trát, quét vôi đè lên những hàng chữ ghi khắc nội dung; sau đó lúc kẻ khẩu hiệu, khi thì để trống, để người ta băn khoăn tự hỏi: bia này là bia gì? Và không gian tưởng niệm nguyên thuỷ nhiều khi lại trở thành không gian lễ hội vui chơi múa hát; mặt Bia lại trở thành nơi trình chiếu, hiển thị thông tin sự kiện. Cũng cần nói thêm rằng công trình này chưa được công nhận là di tích lịch sử.

3. Mặt bên hướng đông 7/2016

Theo KTS Phùng Phu – Nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, “Đài chiến sỹ trận vong” được trùng tu gần đây nhất là năm 1992. Khi đó ông và nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã nghiên cứu rất kỹ để phục dựng nội dung văn bia. Song khi triển khai thực hiện, vì một số lý do, cuối cùng chỉ trùng tu phần kiến trúc, không khôi phục nội dung văn bia. Và tấm bia không chữ tồn tại đến này hôm nay, xuống cấp cho tới dự án trùng tu hiện tại.

Có thể thông cảm điều này trong những năm tháng qua, bởi sự biến động của thời cuộc và chính trị. Nhưng tới thời điểm bây giờ, cần phải sòng phẳng, trả lại những giá trị chân của lịch sử. TS Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế – người theo dõi rất sát dự án trùng tu hiện tại cho rằng: Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong là công trình mang tính thiêng, cần phải được ứng xử với tinh thần nhân văn và hoà hợp – “Không thể quan niệm đó là sản phẩm thời thực dân phong kiến, lại chưa được công nhận là di tích về mặt hành chính, mà ứng xử tùy tiện!”.

4. Lan can bậc cấp bến thuyền đất bồi lấp

Còn theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – Nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên – Huế, cho rằng đây là một công trình kiến trúc – nghệ thuật đặc sắc về sự tiếp biến văn hóa Pháp của người Việt thời kỳ đầu thế kỷ 20. Việc chưa công nhận di tích là sự chậm trễ của cơ quan chức năng. Nhưng dù chưa được công nhận thì giá trị về kiến trúc – mỹ thuật hiển hiện trên công trình cho thấy nó cần phải được bảo tồn. “Theo tôi, cách tốt nhất là trùng tu đúng nguyên trạng ban đầu. Đó là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong do người Pháp xây dựng vào năm 1920. Đừng vì e ngại công trình này của Pháp xây dựng nhằm tưởng niệm lính Pháp mà né tránh hoặc phủ nhận. Thời gian gần 100 năm đủ để chúng ta nhìn nhận thực chất và trả công trình này về lại giá trị lịch sử của nó!”.

Cho đến thời điểm tác giả viết bài này, vẫn còn những tranh luận trên nhiều báo và mạng xã hội về cách thức bảo tồn, trùng tu; về việc có đảm bảo nguyên gốc di tích hay không? Đó là một câu chuyện khác không kể ở đây. Bài viết này muốn nhấn mạnh một điều rằng: trùng tu một công trình lịch sử, điều đầu tiên cần làm là phải tôn trọng lịch sử.

Xem thêm: Bảo tồn kiến trúc bằng hình ảnh – Vấn đề cần làm ngay

Bài ảnh và tư liệu: Hà Thành

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02 – 2017)