Bốn định hướng chiến lược bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội

 

Sau khi trải qua các cuộc chiến có sức tàn phá ở quy mô lớn, các thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều trải qua giai đoạn nhảy vọt về phát triển kinh tế và bùng nổ phát triển đô thị. Trong quá trình đó, hầu hết các đô thị phải đối mặt trước hai áp lực lớn, tuy có phần đối lập với nhau, nhưng đều cần thiết và quan trọng như nhau: Áp lực phát triển nhà cao tầng để kịp cung ứng diện tích sàn sử dụng cho nhu cầu ở, làm việc của người dân và áp lực bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử trước làn sóng xây dựng nhà cao tầng hiện đại.

Bản đồ vị trí các công trình cần bảo tồn
Bản đồ vị trí các công trình cần bảo tồn

Mỗi nước có một cách giải quyết khác nhau, một phần do tác động khách quan về nhiều mặt, một phần khác do mong muốn chủ quan của nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư, do đó hiệu quả thực hiện cũng khác nhau. Do đó, việc ứng xử sao cho phải đạo với di sản quy hoạch kiến trúc của tiền nhân, nhưng lại không làm kìm hãm đà phát triển kinh tế của các thành phố, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội và TP HCM, là điều mà các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý đô thị, các nhà chuyên môn, và người dân phải cùng bàn bạc và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Với mong muốn đóng góp cho các dự án bảo tồn gắn liền với phát triển tại Việt Nam nói chung, và cho dự án KPC Hà Nội nói riêng, bài viết này tóm lược một số kinh nghiệm quốc tế, đã chọn lọc những ý tưởng có thể áp dụng tại Việt Nam, trong việc ứng xử với công trình di sản quy hoạch kiến trúc, thông qua bốn định hướng chiến lược:

  • Thứ nhất, xác định Triết lý bảo tồn và phát triển đô thị Việt để làm nền tảng chọn giải pháp ứng xử phù hợp trong công tác bảo vệ di sản. 
  • Thứ hai, xây dựng lực lượng chuyên gia phục vụ công tác bảo vệ di sản. 
  • Thứ ba, cân bằng các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường trong công tác bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc. 
  • Cuối cùng là xác định các công trình lịch sử và khoanh vùng ảnh hưởng, kèm theo biện pháp quản lý di sản phù hợp cho từng hạng mục.

Xác định triết lý bảo tồn và phát triển đô thị Việt để làm nền tảng chọn giải pháp ứng xử phù hợp cho công tác bảo vệ di sản

Quan sát cho thấy: Việc ứng xử đối với công trình di sản tại Việt Nam thường mang tính tùy tiện, theo cảm tính, và ít khi được tư vấn tốt trước khi thực hiện, mà thường chỉ được biết tới khi sự đã rồi. Ở một thái cực, người ta có xu hướng tìm cách phá bỏ di sản để làm mới. Ở một thái cực khác, người ta lại cho rằng bảo vệ di sản là phải cố gắng giữ nguyên trạng mọi công trình được cho là công trình cổ, bất chấp việc nó có đem lại lợi ích gì cho cộng đồng hay không. Hoặc người ta bảo vệ di sản theo cách làm mới công trình di sản một cách thiếu ý thức.

Đền bà Kiệu  (ảnh: Trần Trọng Tỉnh)
Đền bà Kiệu (ảnh: Trần Trọng Tỉnh)

 

Một số lớn dự án cải tạo công trình di sản không có sự tham gia của chuyên gia về bảo vệ di sản. Nhưng ngay cả giữa những chuyên gia về bảo vệ di sản với nhau vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về giải pháp.

Ở các nước tiên tiến như Mỹ và Canada, những vấn đề khác biệt về quan điểm bảo vệ di sản đô thị thường được nghiên cứu và thảo luận công khai tại các trường đại học và các hội nghị khoa học. Sau khi phân tích tổng hợp các vấn đề, một triết lý bảo vệ di sản được hình thành, thể hiện qua một tuyên ngôn, hoặc một bộ luật về di sản, trong đó bao gồm những quan điểm chung và những điều khoản luật pháp ứng dụng trong thực tế.

Do vậy mà việc xác định Triết lý bảo tồn và phát triển đô thị Việt, để làm nền tảng cho các quan điểm và hệ thống tiêu chí để chọn giải pháp ứng xử phù hợp trong công tác bảo vệ di sản, là một vấn đề chiến lược rất quan trọng. Đó không những là cơ sở để soạn thảo các luật lệ có liên quan, mà còn là kim chỉ nam cho các nhà chuyên môn.

Phố Hàng Đường năm 1990 (ảnh: Internet)
Phố Hàng Đường năm 1990 (ảnh: Internet)

 

Có nhiều cách ứng xử đối với di sản, trong đó để chọn được giải pháp phù hợp, ta phải xét đến ý nghĩa của công trình trong tâm thức người dân, giá trị và tình hình thực tế của công trình di sản, nhu cầu và hiệu quả sử dụng phục vụ cho người sử dụng. Nói một cách tổng quát, có bốn cách ứng xử chính đối với việc bảo vệ công trình di sản như sau:

Bảo tồn di sản (preservation): Là định hướng giữ lại các công trình và bao cảnh vào thời điểm lịch sử của chúng, tôn trọng và giữ lại tất cả những thay đổi xảy ra trong các thời kỳ trong quá khứ, nếu có. Quần thể Acropolis bao gồm đền Parthénon tại Athens (Hy Lạp), hoặc quần thể Angkor Wat và Angkor Thom tại Campuchia, là ví dụ điển hình của định hướng bảo tồn di sản.

Cải tạo di sản (rehabilitation): Là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm cho các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình. Dự án quy hoạch kiến trúc cải tạo khu “Tân Thiên địa” – Xintiandi tại Thượng Hải, hoặc dự án cải tạo và mở rộng Bảo tàng Louvre tại Paris, là ví dụ điển hình của định hướng này. Quần thể Sagrada Família tại Barcelona là một trường hợp đặc biệt, trong đó công trình không ngừng được cải tạo và phát triển từ năm 1882, và cho đến nay dù chưa hoàn thành, vẫn được công nhận là di sản thế giới. Trong suốt quá trình đó, người cải tạo hoặc xây dựng tiếp công trình vẫn tuân thủ các ý tưởng thiết kế ban đầu, và quản lý theo một định hướng xuyên suốt, để mọi kiến trúc trong quần thể mang cùng một phong cách kiến trúc như một tổng thể duy nhất.

Phục hồi di sản (restoration): Là định hướng tái lập tình trạng ban đầu khi công trình di sản được xây dựng đầu tiên, gỡ bỏ tất cả những thay đổi điều chỉnh xảy ra trong các thời kỳ lịch sử kế tiếp. Đây là trường hợp hiếm xảy ra, nhưng đôi khi vẫn cần thiết. Dự án tái tạo công trình Skinny Building tại Pittsburgh về lại tình trạng lịch sử ban đầu là ví dụ điển hình của định hướng này.

Tái thiết di sản (reconstruction): Là định hướng tái tạo một công trình di sản, một phần của công trình di sản, hoặc một tổ hợp di sản với bao cảnh, đã bị hủy hoại theo thời gian. Quyết định phá bỏ công trình hiện đại Palast der Republik để xây dựng lại công trình theo với mặt tiền theo nguyên mẫu công trình cổ điển Berliner Stadtschloss (trước đó đã bị phá bỏ tại cùng vị trí để xây Palast der Republik) tại Berlin là ví dụ điển hình của định hướng tái thiết di sản.
Người ta cũng có thể áp dụng hai hoặc nhiều định hướng ứng xử khác nhau nói trên cho một khu vực công trình di sản. Ví dụ như giải pháp vừa phục hồi, vừa cải tạo mở rộng cho công trình bảo tàng Solomon R. Guggenheim của KTS Frank Lloyd Wright, một công trình tuy chỉ mới được xây dựng vào năm 1959 của giữa thế kỷ trước, vẫn được xếp vào di tích lịch sử quốc gia. Tổ hợp công trình này được cải tạo mở rộng thêm một tháp hình chữ nhật với phong cách kiến trúc tương tự vào năm 1992, và sau đó vào năm 2008, mặt tiền kiến trúc công trình chính đã được phục hồi lại theo nguyên mẫu chất liệu đã xây dựng vào thế kỷ trước.

Xây dựng lực lượng chuyên gia phục vụ công tác bảo vệ di sản

Bên cạnh các văn bản pháp lý, chỉ có các chuyên gia về di sản mới có thể đủ tri thức và kinh nghiệm để tư vấn cho chính quyền và người dân nên chọn cách ứng xử theo định hướng nào. Người chủ hoặc người quản lý các công trình di sản cần được cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị, định hướng ứng xử cần tuân thủ, thông tin liên lạc của các cơ quan và chuyên gia đa ngành có thể tư vấn chi tiết cho họ khi có sự cố hoặc nhu cầu sửa chữa cải tạo. Như thế, thì chúng ta có thể tránh được những “chuyện đã rồi” trong cách ứng xử sai lầm, đánh đồng bảo vệ di sản với việc làm mới công trình di sản, như đã từng xảy ra tại Thành nhà Mạc, chùa Trăm gian,…

Hoạt động buôn bán ở phố cổ. Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức
Hoạt động buôn bán ở phố cổ. Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

 

Với nhu cầu cấp bách và số lượng công trình di sản quy hoạch kiến trúc quá lớn, chúng ta đang đứng trước thực tế cần phải có nhiều chuyên gia nghiên cứu nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau của di sản lịch sử, chứ không chỉ riêng chuyên ngành kiến trúc (ví dụ chuyên gia về văn hóa di sản đời Lý Trần, chuyên gia về chính sách quản lý di sản, nhà nghiên cứu di sản, chuyên gia về văn hóa xã hội học di sản, chuyên gia Việt Nam học về di sản, chuyên gia khảo cổ, …). Do đó, chúng ta cần phải hướng đến hai giải pháp: Thứ nhất là mời bổ sung các chuyên gia tư vấn quốc tế ở ngành mà ta không có chuyên gia, cùng tham gia các chương trình bảo vệ di sản trong nước, cũng như tham gia giảng dạy. Thứ hai là phải lưu tâm phát triển đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, để sau này họ sẽ đóng vai trò đào tạo tiếp các chuyên gia bảo vệ di sản lịch sử theo hướng đa ngành.

Tại các nước, ngành học về bảo tồn di sản rất phong phú đa dạng, tương ứng với nhu cầu quốc gia, cũng như thế mạnh về vị trí và nhân lực tại địa phương của trường. Ở Canada, ngành học về bảo tồn di sản được phát triển khá đa dạng theo nhiều hướng khác nhau tại nhiều đại học hàng đầu, trong đó định hướng phát triển được chọn thường gắn liền với việc nghiên cứu các công trình di sản gần trường đại học hoặc thông qua quan hệ quốc tế của các giảng viên chính của trường. Ví dụ như :

  • Đại học Victoria có chương trình chuyên về quản lý tài nguyên văn hóa, với các chuyên ngành về bảo tàng, bảo tồn, và quản lý văn hóa.
  • Đại học Carleton có chương trình chuyên về bảo tồn di sản, với các chuyên ngành về cách tiếp cận đa ngành trong lý thuyết và thực hành bảo tồn, chính sách và luật bảo tồn, phương pháp thu thập tư liệu và nghiên cứu, chiến lược bảo tồn, bảo tồn kiến trúc, và bảo tồn bền vững, 
  • Đại học Willowbank có chương trình chuyên về bảo tồn di sản, phương pháp thu thập tư liệu và nghiên cứu, và nghiên cứu kinh nghiệm bảo tồn tại Châu Âu và Ý.
  • Đại học Laval có chương trình chuyên về bảo tồn kiến trúc và bao cảnh, bảo tồn các loại công trình đặc biệt, chiến lược và giải pháp thiết kế cho công trình di sản, phương pháp trùng tu di sản. 
  • Đại học Montréal có chương trình chuyên về bảo tồn công trình tôn giáo, di sản thế giới, lịch sử và lý thuyết bảo vệ công trình di sản, đánh giá công trình di sản, kinh tế học di sản, và định hướng khuyến khích người dân tham gia bảo vệ di sản.
  • Đại học Québec ở Montréal có chương trình chuyên về công trình di sản thời cận đại, kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu di sản.
Khu phố cổ Montréal
Khu phố cổ Montréal

 

Hệ thống kết nối đi bộ ngầm và nổi được cải tạo để kết nối các công trình mới tại khu phố Quốc tế  với  Khu phố cổ Montréal và khu trung tâm Tp Montreal
Hệ thống kết nối đi bộ ngầm và nổi được cải tạo để kết nối các công trình mới tại khu phố Quốc tế với Khu phố cổ Montréal và khu trung tâm Tp Montreal

 

Dự án phát triển Taipingqiao
Dự án phát triển Taipingqiao

Do đó, trước mắt, trong khi việc đào tạo các ngành học liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn di sản tại nước ta còn non yếu, chúng ta cần gửi nhiều nghiên cứu sinh du học nước ngoài để học hỏi về các cách tiếp cận đa ngành trong công tác bảo tồn di sản. Đây sẽ là lực lượng giảng viên và chuyên gia nòng cốt cho việc phát triển chuyên ngành đào tạo về bảo tồn di sản trong nước theo kế hoạch dài hạn.

Khu di sản Xintiandi
Khu di sản Xintiandi

Về dài hạn, ta nên phát triển các cơ sở nghiên cứu đào tạo chuyên gia gần khu vực có nhiều di sản để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và các sinh viên đi thực địa dễ dàng, ví dụ như tại Hà Nội, tại Huế, tại TP HCM hoặc Long An.

Cân bằng các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường trong công tác bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc

Người ta thường lầm tưởng là bảo tồn không đem lại lợi ích kinh tế, nhưng kinh nghiệm thực tế tại các nước cho thấy, ngoài ý nghĩa văn hóa xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch thương mại thường rất cao khi có chiến lược bảo tồn đúng đắn. Các dự án bảo vệ di sản sẽ khả thi hơn, thu hút được sự ủng hộ của nhà đầu tư và người dân địa phương khi kèm theo các giải pháp đa ngành và đa chiều, hướng đến sự cân bằng các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường trong công tác bảo vệ di sản quy hoạch kiến trúc.

Các nhà đầu tư thiên về “tư duy mét vuông” không phải băn khoăn về câu hỏi lợi nhuận có kém đi so với việc phá bỏ công trình cổ để xây nhà cao tầng, nếu như họ đi thăm và học được bài học thành công của các đô thị lịch sử như Thượng Hải, Montréal, Paris, và Roma. Các khu trung tâm lịch sử nổi tiếng này thường được tổ chức như những khu vực dịch vụ và giao tiếp xã hội đa chức năng hấp dẫn nhất của thành phố. Các công trình và bao cảnh lịch sử được bảo tồn, nhưng nội dung sinh hoạt của khu vực được tổ chức lại rất phong phú, từ quán café, nhà hàng, cửa hàng các loại, cho đến các bảo tàng, nhà triển lãm, sân khấu nhỏ, khu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời, chợ đêm, festival, … Tổng thu nhập từ doanh số bán hàng và cung ứng dịch vụ các loại, sự gia tăng giá trị địa ốc và giá trị văn hóa du lịch, tỷ lệ thuận với sự gia tăng thuế tiêu thụ, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất, … của những nơi này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của thành phố và cả nước.

Ngoài ra, để khuyến khích người dân cùng tham gia cần có chủ trương để người dân cũng có thể được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt khi bảo tồn hoặc cải tạo theo các quy định hướng dẫn trong chu vi trung tâm lịch sử. Ở Mỹ, từ 10% đến 20% chi phí bỏ ra cho việc cải tạo duy tu, nếu theo đúng quy định trong khu vực bảo tồn lịch sử, thì có thể được tính khấu trừ vào thuế thu nhập của chủ đầu tư, theo Chương trình ưu đãi thuế Liên bang trong Bảo tồn Lịch sử.

Xác định các công trình lịch sử và khoanh vùng ảnh hưởng, kèm theo biện pháp quản lý di sản phù hợp cho từng hạng mục

Tại Việt Nam, các công trình di sản thường được xử lý riêng biệt, do đó ít phát huy được tác dụng. Tại nước ngoài, các công trình di sản được thống kê thành cụm, những nhóm công trình được tổ hợp lại thành khu lịch sử với ranh giới cụ thể, những dự án phát triển có liên quan đến các công trình di sản thì buộc phải đưa ra được các giải pháp cụ thể về ứng xử với di sản và khu vực lân cận trong hồ sơ xin phép đầu tư.

 

Nhờ vậy, các công trình và cụm công trình di sản được bảo vệ tốt, kết hợp hài hòa với các dự án mới ở khu vực lân cận, tạo nên các khu vực có bản sắc, đồng thời đem lại lợi ích phát triển kinh tế cho thành phố và người dân. Dưới đây là một số dự án đã thực hiện thành công, có tính chất tương đồng, có thể dùng tham khảo cho việc nghiên cứu các dự án bảo vệ di sản gắn liền với phát triển tại Việt Nam nói chung, KPC Hà Nội nói riêng.

1. Dự án phát triển Taipingqiao và khu di sản Xintiandi: Dự án rộng 52 ha bao gồm khu cao tầng mới và khu di sản Xintiandi với các chức năng đa dạng như ở, dịch vụ thương mại, văn hóa.

Xintiandi là một KPC đi bộ cao cấp của Thượng Hải, với các công trình lịch sử được cải tạo và mở rộng thêm. Khu thấp tầng Xintiandi đem lại động lực phát triển tốt cho khu cao tầng lân cận, là một bằng chứng sống về thành công trong bảo tồn, trả lời cho các thảo luận trái chiều trước đó về việc nên giữ lại hay đập phá toàn bộ khu vực này để xây nhà cao tầng.
Xintiandi, với hệ số sử dụng đất gần bằng 2 (khoảng 60.000 m2 sàn xây dựng trên một diện tích khoảng 30.000 m2), có nhiều chức năng phục vụ cho du lịch văn hóa lịch sử, như nhà cổ bảo tồn, khách sạn, phố đồ cổ, thương mại, ăn uống, tuyến đường di sản, văn hóa phẩm, bảo tàng, giải trí, sinh hoạt ngoài trời,… và trở thành một trong những điểm đến du lịch di sản thu hút khách du lịch quốc tế quan trọng nhất của thành phố.

2. Dự án cải tạo và phát triển KPC Montréal và khu phố Quốc tế: KPC Montréal là khu vực trung tâm lâu đời nhất của thành phố vào thời kỳ đầu phát triển.

Đầu thập niên 1960, khu vực này đang đứng trước mối đe dọa bị phá hoại một phần, hoặc thậm chí hoàn toàn, trước các áp lực lớn cho việc phát triển trung tâm, bao gồm các đề xuất tương tự như chúng ta thường thấy tại các đô thị Việt hiện nay: Phá mặt tiền nhà để mở đường rộng ra, phá bỏ khu vực dọc bờ sông để xây dựng thêm đường cao tốc mới, … Các nhà lãnh đạo trong Sở Quy hoạch Kiến trúc đã thuyết phục các quan chức thành phố ngừng các dự án trên để bảo vệ KPC, và chọn một địa điểm mới gần đó để xây dựng trung tâm mới cao tầng cho Montréal.

Năm 1964, Bộ văn hóa Québec công nhận khu phố cổ trung tâm Montréal, với diện tích khoảng 0,71 km2, là một quận lịch sử, kèm theo các chính sách bảo tồn và phát triển riêng biệt.
Năm 2004, dự án khu phố quốc tế được thực hiện nhằm kết nối khu trung tâm hiện hữu của Montreal với khu phố cổ, tăng mật độ sử dụng đất, đồng thời gắn liền với công tác bảo vệ các di sản trong khu vực và không gian bao quanh. Các tuyến đi bộ ngầm được cải tạo mở rộng, các công trình có tầng cao chuyển tiếp cao dần về phía khu trung tâm, các tuyến đi bộ được tổ chức lại tiện lợi hơn với cảnh quan đẹp giúp dễ dàng đi đến khu phố cổ thông qua giao thông công cộng. Khu vực ranh giới phố cổ được tổ chức thêm các bãi xe và nhà xe ngầm hoặc nổi với khoảng cách đi bộ phù hợp… Do đó, dù không cần mở rộng đường (đa số đường trong khu phố cổ chỉ đủ cho 2 làn xe) vẫn đảm bảo cho hàng triệu người lưu thông dễ dàng trong các dịp lễ hội. Ngày nay, khu vực này là một khu du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng thế giới.

Để việc bảo vệ di sản được hiệu quả nhất, danh sách các công trình và khu vực cần được bảo vệ di sản cần được kèm theo với các nghiên cứu cụ thể cho cách ứng xử với từng hạng mục công trình, với danh sách đăng ký các cơ quan hoặc chuyên gia về di sản mà người quản lý phải liên hệ để được tư vấn ý kiến khi có nhu cầu trùng tu, cải tạo, hoặc mở rộng. Các bộ luật về tiêu chuẩn và các hướng dẫn thực hiện trong công tác bảo vệ di sản phải được các chuyên gia đa ngành cùng nhau soạn thảo.

Hướng phát triển tương lai cho việc bảo tồn và phát triển khu phố cổ tại Hà Nội

Đối với KPC Hà Nội, có thể nói: Trừ một số công trình cần được bảo tồn nguyên trạng, đa số trường hợp đều có thể cho phép cải tạo và mở rộng theo nhu cầu sử dụng thực tế – Nếu được thực hiện với định hướng đúng đắn, với thiết kế và phong cách phù hợp với bao cảnh lịch sử và bản sắc của các tuyến đường.

Trong vài chục năm qua, công tác nghiên cứu di sản, và tuyên truyền vận động mọi người dân tham gia giúp giữ gìn giá trị di sản cho khu 36 phố lịch sử đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, điều cần làm nhất hiện nay mà chúng ta vẫn chưa thực hiện được tốt, là có một quy hoạch kiến trúc tổng thể toàn diện, bao gồm các công việc cần thực hiện sau:

  • Nghiên cứu phố cổ với ranh giới vùng ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong khu vực phố phường, mà phải rộng hơn, bao gồm không gian đi bộ kết nối với các không gian lịch sử lân cận (khu phố Pháp, khu trung tâm Ba Đình, …), và không gian cho các hạ tầng phục vụ cho khu phố cổ (khu bãi xe ngoại vi, hệ thống các trạm giao thông công cộng kết nối với khu trung tâm, …) 
  • Xây dựng một triết lý bảo tồn và phát triển khu vực nhất quán, qua tham khảo các nghiên cứu và hội thảo, để làm nền tảng cho các định hướng phát triển và chính sách trong suốt quá trình. Thiếu một triết lý nhất quán và được sự đồng thuận chung, chúng ta sẽ luôn phải thường xuyên đối phó cục bộ với những tình huống nhỏ lẻ gây tác hại chung đến công tác bảo tồn và phát triển. 
  • Xác định rõ các loại công trình di sản, kèm theo định hướng ứng xử cho từng công trình hoặc cụm công trình, cho không gian bao quanh, và cho các công trình cải tạo hoặc xây mới lân cận
  • Đưa ra quy hoạch chi tiết cho toàn khu vực, với các hướng dẫn thiết kế đô thị gắn liền với bảo tồn và phát triển điển hình cho các tuyến phố. 
  • Đưa ra các giải pháp thực hiện bảo tồn và phát triển khả thi, có tiến độ theo phân kỳ, phù hợp với khả năng huy động vốn thực tế. 

THAM KHẢO
-Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội. 2015. Tài liệu Hội nghị 20 Năm Công tác Bảo tồn Phố cổ Hà Nội (Ngày 25/4/2015).
-Hebard, Ernest. 1932. “Urbanism en Indochine.” (Quy hoạch Đông Dương) L’Urbanism aux Colonies et PaysTropicaux. Jean Roger, ed. La- Charite-sur-Loire: Delayance.
-Lynch, Kevin. 1960. The Image of the City (Hình ảnh Đô thị). The MIT Press.
-National Trust for Canada. 2015. Conservation Program in Canada (Các chương trình đại học về bảo tồn tại Canada).
-Ngo Viet Nam Son. 1999. Redevelopment Strategy of Hanoi’s Ba-Muoi-Sau Pho-Phuong – a Ten-Century Housing Quarter in Vietnam (Chiến lược Cải tạo và Phát triển Hà Nội Khu Dân Cư Ba Mươi Sáu Phố Phường tại Việt Nam). In “Preservation of The Vernacular Environment” (Editors: Gail Dubrow and Neil Graham). University of Washington.
-Ngô Viết Nam Sơn. 2012. Kinh nghiệm Quốc tế trong Ứng xử về Quy hoạch Kiến trúc và Quản lý Công trình Di sản. Tham luận tại Hội thảo “Di sản Kiến trúc đô thị thành phố Hồ chí Minh” 12/2012. Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ chí Minh.
-Nguyễn Văn Uẩn. 1995. Hà Nội Nửa đầu Thế kỷ 20 (Tập 1-3). Nhà Xuất bản Hà Nội.
-SOM. 1998. Shanghai Taipingqiao & Xintiandi Specific Plan (Dự án Quy hoạch Chi tiết khu Taipingqiao & Xintiandi tại Thượng Hải).
-Ville de Montreal. 2006. Projet D’amenagement du Quartier International et du Vieux Montreal (Đồ án quy hoạch Khu phố Quốc tế và Khu phố Cổ Montreal).

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn 
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc, Số 08-2015)