Duy trì, bảo vệ những làng nghề trong quá trình đô thị hóa tại Quận Nam Từ Liêm

Làng nghề là một loại di sản không gian sống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đô thị hóa, đôi khi ngay trong lòng đô thị vẫn tồn tại một số làng cổ được hình thành từ lâu đời, hoặc một số làng nghề truyền thống phát triển nhằm phục vụ cho nhu cầu của đô thị. Các làng cổ, làng nghề truyền thống hiện còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống minh chứng cho phong tục tập quán, lối sống hay công nghệ sản xuất và sản phẩm đặc sắc của một vùng trong một giai đoạn lịch sử nhất định… Sự tồn tại của chúng là hiện thân của di sản đô thị và tạo nên một nét độc đáo trong cấu trúc đô thị Việt Nam với cái nhìn nhân văn: Làng trong phố.

Một vài nét khái quát về thực trạng làng nghề quận Nam Từ Liêm.

Không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống cũng như các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói chung, quận Nam Từ Liêm nói riêng đã minh chứng cho sự phát triển trường tồn của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng nghề truyền thống đã ghi dấu, không thể phai mờ trong cấu trúc tổng thể của đô thị Hà Nội hiện đại đang không ngừng phát triển.

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay, thành phố có 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. (Cổng GTĐT TP).

Nam Từ Liêm là vùng đất nằm trong vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ phù sa được bồi đắp bởi lưu vực sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Từ bao đời nay người dân nơi đây đã có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo tiêu biểu cho vùng trồng lúa nước nên một phần sản phẩm từ nông nghiệp của vùng đất này đã trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Hà thành xưa và trao đổi với các vùng lân cận khác.

Theo Báo cáo “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND Thành phố trên địa bàn quận Nam Từ Liêm” của UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận hiện có các làng nghề truyền thống: (i) Làng nghề sản xuất bún tại phường Phú Đô đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2009 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể Bún Phú Đô năm 2010; (ii) Làng nghề sản xuất cốm tại phường Mễ Trì được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” tháng 12/2016. Đặc biệt, ngày 29/01/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số đó, Hà Nội có 2 di sản được công nhận, gồm: Lễ hội làng Triều Khúc và nghề cốm Mễ Trì.

Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn quận vẫn tồn tại một số nghề như (i) Nghề sản xuất dây đai kiện tại phường Trung Văn; (ii) nghề cơ khí, rèn tại phường Phương Canh; (iii) nghề gò hàn tôn tại phường Tây Mỗ. Tuy nhiên, do hiện nay không đáp ứng được cơ chế của nền kinh tế nên một số các nghề này đã dần bị mai một, chỉ còn lại rất ít một số hộ gia đình có hoạt động sản xuất tự phát.

Làng nghề Bún Phú Đô hiện có khoảng 170 cơ sở sản xuất và 280 hộ kinh doanh quy mô hộ gia đình, với số lượng lao động phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh là: 1.420 người. Nghề làm Bún có từ lâu đời, nên các lao động trực tiếp tham gia sản xuất bún đều có kinh nghiệm, tay nghề cao. Số năm kinh nghiệm cao nhất lên tới 45 năm. Mức thu nhập bình quân của 01 hộ sản xuất/tháng đạt khoảng: 30 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân của người lao động đạt 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Sơ đồ vị trí quận Nam Từ Liêm

Làng cốm Mễ Trì, gồm Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ làm nghề cốm truyền thống. Hiện làng cốm Mễ Trì có đến 302/4.221 hộ đang sản xuất và kinh doanh cốm truyền thống. Thu nhập bình quân đầu người của người làm nghề khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

Xưa, hai làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ  có chung ngôi đình ở đầu phía Bắc đầm Đại. Đình thờ Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền là hai trong số 80 người con theo Lạc Long Quân đi ra biển cả. Về sau, đình bị đổ nát nên hai làng dựng đình riêng. Đình Mễ Trì Hạ thờ Lý Lữ – tướng của Lê Đại Hành, đình Mễ Trì Thượng phụ thờ Diêm Lý Phật Tử. Năm 1992, đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (Sở Văn hóa Thể thao, Hà Nội).

Theo Sở Văn hóa Thể thao, Hà Nội, về giá trị vật thể, cốm là một nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm vật chất mà nghề cốm đã tạo ra cho người dân địa phương cũng như xã hội là đã tạo ra một món ăn độc đáo, hấp dẫn không chỉ đối với người dân Thủ đô mà còn với bạn quốc tế. Về giá trị phi vật thể, cốm là một sản phẩm văn hóa mang đậm nét văn hóa của người Việt…Cốm Mễ Trì là sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo từ việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, quy trình, công cụ chế biến để tạo ra nó.

Cốm là một trong những món quà ngon, đặc sản của mùa thu Hà Nội. Mỗi độ thu về, cả làng Mễ Trì lại rộn ràng tiếng chày và đượm hương cốm mới. Chỉ cần đi tới đầu làng đã thấy hương cốm tỏa ra thơm phức, ngào ngạt (Lê Phú/Báo Tin Tức). Sắc hương của cốm đã làm cho mùa thu Hà Nội thêm đậm đà, quyến rũ.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội thì công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội. Qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục…Việc xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất nằm rải rác, không tập trung, sản xuất xen lẫn với sinh hoạt. Điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng.

Một số giái pháp bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể tại các làng nghề trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Về quan điểm

Ngày nay, truyền thống và hiện đại được coi là một trong những nguồn lực chính thúc đẩy sự phát triển xã hội và là nhân tố góp phần tạo nên hệ giá trị mới trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dưới góc độ qui hoạch, xây dựng đô thị càng thấy rõ tầm quan trọng việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống như là sức mạnh để phát triển vững chắc trong quá trình đô thị hóa và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Việc kết hợp cải tạo với xây dựng mới đô thị, coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống có gía trị và danh lam thắng cảnh của đô thị, đồng thời phát triển nền kiến trúc mới hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa kiến trúc truyền thống là quan điểm tích cực có tính thời đại của Việt Nam trong vấn đề phát triển đô thị, kiến trúc và văn hóa dân tộc.

Theo nhiều nghiên cứu, đô thị được coi là thành tựu văn hóa lớn lao của nhân loại vì nó là không gian văn hóa rộng lớn, hoàn chỉnh mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản đô thị, trong đó có làng nghề truyền thống trong cấu trúc đô thị phát triển cần phải dựa trên quan điểm lấy văn hóa làm nền tảng, thể hiện được tính kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời kết hợp được với các qui hoạch chuyên ngành đô thị khác.

Qui hoạch bảo tồn di sản là một phần thông dụng của qui hoạch đô thị. Bởi di sản là một bộ phận không thể tách rời khỏi cấu trúc một đô thị hiện tồn và sẽ tiếp tục phát triển. Do vậy, qui hoạch bảo tồn di sản phải là một quá trình đi cùng với qui hoạch cải tạo, xây dựng đô thị. Đó cũng chính là việc thực hiện triệt để quan điểm hội nhập tích cực di sản đô thị vào cuộc sống hiện đại ở mọi cấp bậc của công tác qui hoạch đô thị như nhiều nước trên thế giới đã làm. Nhất là phải lồng ghép chúng vào quá trình nghiên cứu lập các đồ án qui hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời phải coi công tác bảo tồn di sản là một bộ phận của chính sách phát triển kinh tế – xã hội và nằm trong kế hoạch cải tạo và phát triển của đô thị nói chung, quận và thành phố nói riêng.

Về giải pháp

Bảo tồn làng nghề truyền thống, một loại hình di sản trong cấu trúc đô thị Hà Nội nói chung, quận Nam Từ Liêm nói riêng trước hết cần phải:

+ Bảo tồn cấu trúc đặc trưng và các thành phần cơ bản có giá trị của làng nghề truyền thống. Bảo vệ “khung xương” – mạng giao thông cơ bản và các đặc điểm tự nhiên (cảnh quan tự nhiên, ao, hồ, sông,….) cũng như các công trình kiến trúc có giá trị (đình, đền, chùa, di tích LSVH, nhà ở) – cơ sở tạo dựng cấu trúc của làng.

+ Tôn trọng sự tồn tại hài hòa giữa cấu trúc làng truyền thống với cấu trúc đô thị mới theo quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ; sự tồn tại song song giữa truyền thống và hiện đại, giữa mới và cũ, giữa lịch sử và sự phát triển; sự tồn tại song song, hài hòa, nhuần nhị giữa văn hóa đô thị cổ truyền và văn hóa đô thị hiện đạị; giữ nét đẹp đặc trưng “Làng trong Phố” của Thủ đô Hà Nội;

+ Bảo tồn các hạng mục di sản kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… Duy trì, phát triển có hiệu quả những sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của Hà Nội xưa (Như bún, cốm…) ;

+ Bảo tồn một số công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, kết hợp đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến hiện đại phù hợp hoặc tương thích với đặc điểm sản xuất trong các làng nghề (qui trình, công cụ sản xuất bún, cốm…)

+ Cần khoanh định ngay ranh giới làng để bảo vệ, tiến hành lập qui hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo xu hướng phát triển chung (tránh tình trạng bị mai một như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng hoa Ngọc Hà v.v… );

+ Trong trường hợp, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa mà không gian làng bị biến dạng, thì cần có giải pháp giữ lại, hoặc phục hồi một khoảng không gian truyền thống để lưu giữ, giới thiệu những sản phẩm tinh xảo và công nghệ truyền thống (coi như lưu giữ phần “hồn” của giá trị gốc) để phục vụ công tác nghiên cứu và khách thăm quan du lịch trong môi trường phát triển mới (Riêng khu vực sản xuất có thể bố trí ở khu mới)

+ Hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống các công trình thu gom rác, nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường…

+ Xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quận phù hợp sự phát triển chung của Hà Nội.

Thay cho lời kết

Trong quá trình mở rộng, phát triển Thủ đô Hà Nội, Nam Từ Liêm là quận được thành phố chú trọng qui hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ, kiến trúc cảnh quan đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển mới của Thủ đô. Để đảm bảo tính hiện đại và bản sắc trong quá trình đô thị hóa thì công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Các làng nghề truyền thống cũng như các di sản văn hóa khác được bảo tồn, phát huy giá trị sẽ góp phần tôn vinh thêm các nét đặc trưng của quận Nam Từ Liêm trong môi trường phát triển mới của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Tài liệu tham khảo

– Dương Bá Phượng (2001)/Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, NXB KHXH, Hà Nội.

– Ngyuễn Văn Than (1996)/“Xu hướng phát triển và qui hoạch cải tạo các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng”, Tạp chí Xây dựng, (346), tr. 23 – 27.

– Đào Ngọc Nghiêm (2002)/“Qui hoạch phát triển Thủ đô và bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội”, Hội thảo Quốc gia về giữ gìn và phát huy di sản Thăng Long – Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa, Hà Nội.

Trương Văn Quảng (2003)/Luận án tiến sĩ “Mô hình định hướng và giải pháp qui hoạch bảo tồn di sản đô thị tại việt nam – ứng dụng vào Hà Nội”

Lí lịch di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia/Sở Văn hóa Thể thao, Hà Nội;

Từ Liêm – Di tích và lễ hội/Nhà xuất bản Dân Trí

Làng Cốm Mễ Trì – Hương sắc mùa thu Hà Nội/Lê Phú/Báo Tin Tức

Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia/Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

TS.KTS. Trương Văn Quảng, VUPDA
© Tạp chí kiến trúc


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương