Hành lang xanh sông Nhuệ – Cơ hội và thách thức trọng sự phát triển của Quận Nam Từ Liêm

Thiên nhiên đã tạo nên một dấu ấn cảnh quan quan trọng trong quận Nam Từ Liêm, đó chính là dòng sông Nhuệ. Với chiều dài hơn 8km, dòng sông Nhuệ như một dải lụa mềm mại, nối từ sông Hồng, qua quận Bắc Từ Liêm, ôm lấy cả một dải đất phía Tây đô thị cũ, qua quận Hà Đông, Thanh Trì đổ xuống phía Nam Hà Nội, đến Hà Nam và nối với sông Đáy, sông Châu Giang, sông Hồng.

Khi còn là con sông thuộc huyện Từ Liêm, vùng đất ngoại thành Hà Nội hơn 15 năm trước, con sông Nhuệ hiền hòa, dù lấy nước từ sông Hồng đỏ phù sa nhưng trên dòng chảy nó được lắng lại, nước trong xanh, chảy qua các làng mạc, hai bên bờ là những lũy tre xanh ngắt, bờ đất mềm, đồng ruộng, vườn rau, hoa của các làng, Đại Mỗ, Mễ Trì…, cảnh quan rất nên thơ.

Việc phát triển Hà Nội mở rộng ra phía Tây đã tạo ra một cơ hội để đưa các con sông lọt vào nội đô, góp phần tạo nên bản sắc cho một đô thị sông, hồ rất đặc trưng của Hà Nội. Trong đó sông Nhuệ đã mang lại cho quận Từ Liêm một cơ hội để xây dựng một quận mới có cảnh quan đặc trưng của dòng sông và hành lang xanh trong đô thị.

Những cơ hội mà dòng sông Nhuệ mang lại

Sông Nhuệ và Hành lang xanh ven sông đã được quy hoạch với các dải xanh ven sông rộng, cả lòng sông có chiều rộng từ 100 – 200m, hai bên bờ có kết nối với rất nhiều công viên, khu cây xanh, khu thể thao. Có thể kể đến như Công viên Văn hóa lễ hội; Khu liên hợp thể thao quốc gia; Khu cây xanh khu nhà ở Đại Mỗ; Trung tâm thể thao quân đội; Khu cây xanh Đài PTTH Hà Nội; Khu công viên Đại Mỗ.

Với một chiều dài không lớn, một không gian sông được kết nối với nhiều không gian mở như vậy chắc chắn sẽ tạo nên một cảnh quan không gian xanh rất ấn tượng.

Các không gian xanh ven sông và các không gian mở kề cận, cộng lại hàng trăm ha cũng sẽ là cơ hội để tạo lập con sông Nhuệ thành dòng sông có cảnh quan sinh thái, cơ hội để tạo lập sự đa dạng sinh học cho đô thị.

Sông Nhuệ cũng chảy qua các làng cũ như Đại Mỗ, Trung Văn, Tây Mỗ nhiều đình chùa, miếu hai bên, cũng rất có tiềm năng để tạo lập một không gian có cảnh quan văn hóa. Sẽ có những lễ hội được tổ chức, đua thuyền truyền thống trên sông, những hình ảnh ngôi chùa thấp thoáng bên những cây Đa, bụi tre, cây Gạo hoa đỏ, những bậc thềm dẫn xuống sông nơi có con đò chờ khách. Từ hai bờ Đông – Tây nhìn sang thực sự sẽ là những cảnh quan văn hóa rất giá trị.

Với các khoảng xanh được quy hoạch rộng, liên tục, ít bị chia cắt bời giao thông đô thi, sông Nhuệ hoàn toàn có thể được quy hoạch và thiết kế đô thị để thành một tuyến xanh hấp dẫn thu hút các hoạt động của người dân. Có rất nhiều không gian công cộng, nhiều hoạt động có thể tổ chức được ở nơi đây như đi dạo, vui chơi, chạy bộ, thể thao. Một con sông sống động, thực sự hòa nhập với cuộc sống của đô thị.

So sánh với dòng sông nội thành lớn hiện nay là sông Tô Lịch thì sông Nhuệ có cơ hội vượt trội về khả năng thu hút hoạt động của dân cư vì quy hoạch quỹ đất 2 bên lớn, sông không bị sát ngay đường giao thông như sông Tô Lịch.

Sông Nhuệ cũng không bị tách khỏi các không gian chung, sẽ có 3 trục đường chính hướng Đông – Tây của thành phố là đường Tân Mỹ, phố Hàm Nghi, đường Trần Hữu Dực là những tuyến đường lớn, tạo liên kết về giao thông và cảnh quan từ các khu dân cư đông đúc phía trong vanh đai 2 và 3 tới bờ sông.

Sông nhuệ và Những thách thức hiện hữu của sông Nhuệ

Thách thức lớn nhất và hiện hữu nhất là chất lượng nước, nước là sự sống của dòng sông, là khởi nguồn cho tất cả ý tưởng về thiết kế đô thị, tạo lập cảnh quan, sinh thái và tổ chức các hoạt động. Mặc dù hiện nay sông Nhuệ được bơm nước vào từ sông Hồng, có ưu thế hơn sông Tô Lịch hoàn toàn không có nguồn nước tự nhiên, sông Nhuệ cũng vẫn đang bị ô nhiễm do nước thải từ các khu vực dân cư và đô thị hai bên. Việc các lo ngại sông Nhuệ sẽ trở thành dòng sông Tô Lịch thứ hai, “dòng sông chết” là không phải không có cơ sở.

Giải pháp tất yếu và quận Nam Từ Liêm có thể từng bước làm được là tách đường gom nước thải và nước mưa, không để nước thải chảy vào sông, hoặc nước thải phải được xử lý cục bộ có chất lượng đảm bảo.
Tuy nhiên, thách thức là việc làm sạch con sông Nhuệ không thể chỉ làm phần trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Từ địa bàn quận còn cách cửa lấy nước từ sông Hồng khoảng 6,5km, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Như vậy, nước sông Nhuệ phải được làm sạch đồng bộ trên cả tuyến, đặc biệt quan trọng là đoạn giáp sông Hồng.

Thách thức lớn nữa là vấn đề hiện trạng dân cư 2 bên sông. Mặc dù các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, chức năng đất ven sông đã được xác định dành cho không gian xanh nhưng nếu không quyết liệt thì hàng trăm (có thể đến hàng ngàn) hộ dân vẫn sẽ nằm sát bờ sông, tiếp tục xây dựng, gây ô nhiễm môi trường và làm khó khăn cho công tác giải tỏa. Công tác quản lý quy hoạch và thúc đẩy phát triển tạo các quỹ không gian xanh theo quy hoạch là rất quan trọng.

Thách thức về vốn, nguồn lực để đầu tư cũng là lớn. Vốn để nạo vét, xây kè bờ, tách cống nước thải, di dân, tạo quỹ đất cho các dự án phát triển sẽ là nguồn vốn khổng lồ mà Quận và Thành phố không thể huy động thực hiện nay trong thời gian ngắn.

Quận Nam Từ Liêm còn có cơ hội để tạo sự phát triển đồng bộ các dự án 2 bên sông và dự án hành lang xanh sông Nhuệ, chúng có mối quan hệ khăng khít về giá trị, lợi ích, hiệu quả đầu tư. Nếu chất lượng nước sông được cải thiện thì việc quy hoạch, thiết lập và thu hút các dự án khai thác cảnh quan, dịch vụ, thể thao, vui chơi giải trí sẽ rất khả thi. Giá trị đất được nâng cao, giá trị sử dụng của con sông được nâng cao khi chất lượng nước được cải thiện – đó chính là nguồn lực, là nguồn vốn gián tiếp để quận kêu gọi đầu tư trước vào việc cải tạo hạ tầng, đặc biệt là cải tạo môi trường nước.

Bài học đầu tư phát triển đô thị phải đi liền với phát triển các không gian mở và chất lượng môi trường đã rất hiện hữu qua các dự án khu đô thị đã thành công như Ecopark, Vinhome…đã minh chứng cho sự thành công về tạo lập chất lượng môi trường sống sẽ là cơ sở cho sự thành công của cả dự án.

Bài học về việc cải tạo sông Tô Lịch chỉ chú trọng việc cải tạo hạ tầng mà không đi kèm với các dự án khai thác không gian cảnh quan, dịch vụ dẫn đến tạo gánh nặng về tài chính đầu tư của thành phố sẽ cần được rút kinh nghiệm cho việc đầu tư cải tại sông Nhuệ.

Chìa khóa ở đây là tính đồng bộ và sự đột phá trong tư duy về vai trò của tạo lập cảnh quan như một giải pháp kinh tế đầu tư. Thậm chí có thể suy nghĩ đến việc thiết lập một đoạn khoảng 1km sông nhân tạo, nước đầy ắp và trong xanh bên trên dòng sông hiện hữu, tạo ra một sự hấp dẫn lớn của giá trị cảnh quan sông Nhuệ, đạt đến tầm có thể khai thác thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch.

Nếu trước đây phương pháp phát triển đô thị hợp lý cho rằng Hạ tầng cần đi trước một bước thì đối với trường hợp Hành lang xanh sông Nhuệ, phương châm phát triển phải là: Hạ tầng – Môi trường – Khung cảnh quan đi trước, có như vậy sẽ đạt được thành công.

Quận Nam Từ Liêm cần coi dự án phát triển Hành lang xanh sông Nhuệ là dự án trọng điểm ưu tiên bởi đây chính là trục cảnh quan quan trọng nhất, tạo nên linh hồn, bản sắc của không gian đô thị trên địa bàn quận.

Hành lang xanh sông Nhuệ sẽ là một hình ảnh đẹp, mẫu mực về cảnh quan và sức sống của các dòng sông trong Hà Nội, điều đó phụ thuộc vào các nỗ lực vượt qua thách thức của các cấp chính quyền, quận, thành phố và cộng đồng dân cư từ ngay hôm nay.

PGS.TS. Phạm Hùng Cường
Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)