“Hồ Gươm thuộc về tất cả chúng ta”

Ai cũng biết giá trị độc nhất vô nhị của không gian văn hóa, lịch sử, cảnh quan hồ Gươm. Song hiện tại, “viên ngọc” Hồ Gươm vướng rất nhiều bụi trần, tạp chất. Để ngọc hiển lộ và tỏa sáng cần những biện pháp hết sức cẩn trọng, tinh khéo, tuyệt đối tránh thô vụng – Ngọc quý dễ vỡ, thậm chí có thể biến thành sỏi cuội.

1

Có thể quan niệm tổng thể khu vực Hồ Gươm như một công viên văn hóa – lịch sử trung tâm. Hồ Gươm cùng với Ba Đình, hồ Tây, sông Hồng và công viên Thống Nhất, hợp thành mạng lưới không gian mở – xanh của vùng trung tâm Hà Nội. Tôi đề xuất ba chiến lược cơ bản:
– Chuyển đổi và tăng cường chức năng văn hóa – lịch sử cho khu vực (ưu tiên số 1); bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
– Tạo bước đột phá, mang lại hình ảnh mới cho Hồ Gươm sao cho vừa cổ xưa, huyền thoại, vừa xanh hơn, thân thiện hơn, mới mẻ hơn. Then chốt là kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn, đủ tầm phục vụ những sinh hoạt văn hóa lớn, đa dạng của Thủ đô và cả nước.
– Giải tỏa áp lực giao thông chung quanh bờ hồ và phụ cận. Thiết lập mạng đường đi bộ, tổ chức giao thông lễ hội; phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm gắn với hệ thống tàu điện ngầm tương lai.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi không gian Hồ Gươm gắn với duy trì sự thống nhất trong đa dạng về hình thái kiến trúc của khu vực. Muôn đời Hồ Gươm vẫn là trung tâm lịch sử, văn hóa, một không gian tĩnh, chứa đựng sự lắng đọng sâu xa của lịch sử và ký ức. Nó phải là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng, Hồ Gươm thuộc về tất cả chúng ta.

Giải pháp khả thi là kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn chung quanh hồ bằng việc tạo dựng trung tâm văn hóa cộng đồng, quảng trường, bảo tàng…, trên cơ sở tôn trọng hình thái kiến trúc đô thị gốc của khu vực. Bảo tồn hình thái khu phố cổ phía Bắc, nhà lô phố Pháp phía Nam, gìn giữ và chỉnh trang cấu trúc nhà trải dài theo mặt phố Lê Thái Tổ, ngôn ngữ kiến trúc công sở – hành chính của thời trước với cấu trúc kỷ hà đơn giản, trống lớn ở lõi. Riêng khu đất Điện lực, Sở Văn hóa hình thái lộn xộn, không đồng nhất, chủ trương tạo dựng trung tâm văn hóa cộng đồng kết hợp sân biểu diễn ngoài trời, phía trong ôm lấy khoảng xanh trước đền Ngọc Sơn, phía ngoài công trình chia thành các khối nhỏ nên có khả năng đối thoại với kiến trúc lô phố.

Phía bờ Tây Hồ, nên trả lại nguyên gốc công trình ANZ bank và chuyển đổi thành Bảo tàng Hồ Gươm, kết hợp với tượng – đền vua Lê thành quần thể Hồ Hoàn Kiếm linh thiêng với sự tích vua Lê trả lại gươm báu, giã từ chiến tranh, xứng đáng là biểu tượng cho Hà Nội – thành phố vì hòa bình, như danh hiệu UNESSCO trao tặng.

Với ý tưởng này, Nhà thờ Lớn sẽ gắn với Bảo tàng Hồ Gươm tạo nên trục gặp gỡ văn hóa Đông – Tây, dụng ý mở thấp thoáng ra hồ. Khu vực phố Lê Thái Tổ, chùa Bà Đá, đình – đền – chùa Vũ Thạch cải tạo lõi trong, tạo ngõ ngách dích dắc, hấp dẫn, kết nối vườn hoa Nhà Chung và chùa Vũ Thạch với hồ.

Toàn bộ ý tưởng chỉnh trang tổng thể Hồ Hoàn Kiếm tuân thủ nguyên tắc: Bảo đảm tương quan tỷ lệ hợp lý giữa các công trình, các trục không gian và những không gian mở với kích thước và cấu trúc mặt hồ.
Hình thái Hà Nội đặc trưng riêng bởi hệ thống hồ ao, sông ngòi. Tuy nhiên, chúng ta chưa chủ động phát huy giá trị yếu tố mặt nước và những không gian mở chung quanh trong việc tạo lập bản sắc đô thị. Việc kiến tạo những không gian mở quanh hồ Gươm có thể là mô hình điển hình cho quá trình nhận diện thương hiệu Hà Nội.

KTS Hoàng Thúc Hào