Đại học Văn Lang một mô hình đại học tiên tiến trong lòng đô thị

Trong thời điểm bùng về nổ phát triển đô thị, tấc đất là tấc vàng, các nhà đầu tư đều tính toán lợi nhuận trên từng mét vuông văn phòng, nhà ở thì việc dành hẳn 5 hecta đất trống trong vùng đô thị đông đúc, chỉ cách Trung tâm thành phố 7km để xây dựng một quần thể đại học hoàn chỉnh và hiện đại, với mật độ xây dựng chỉ chiếm 40% và lấy quy hoạch cảnh quan làm trọng tâm của cả dự án là một điều táo bạo và gần như không tưởng. 

croquis-OL02

Chính vì vậy, với quy mô gần 100 000 m2 sàn, 18-20 ngành học và đáp ứng nhu cầu học tập của 15000 sinh viên vào năm 2017-2018, Đại học Văn Lang hoàn toàn xứng tầm trở thành một trường đại học đa ngành tiên tiến hàng đầu sánh vai các nước trong khu vực và quốc tế. 

Với vị trí đặc biệt, nằm tại khu vực trung tâm đô thị nhưng lại có dòng kênh bao quanh toàn bộ mặt tiền phía Đông và Nam của khuôn viên Đại học đô thị giữa hai quận Gò Vấp và Bình Thạnh, phương án thiết kế quy hoạch của văn phòng kiến trúc DE-SO (Pháp) đã tập trung ngay vào những lợi thế về địa điểm và quang cảnh thiên nhiên để cảnh quan của toàn bộ đoạn kênh quanh khu đất hòa nhập thành một phần không thể tách rời của dự án trường Đại học, khiến cho thiên nhiên trở thành nền tảng mấu chốt cho ngôi trường đại học có môi trường giáo dục điển hình trong tương lai. 

Điều này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của đô thị đang ngày càng lấn át và xóa nhòa những yếu tố thiên nhiên đậm tính bản sắc của địa phương như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sông ngòi của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long….

Khoảng xanh quý giá mà phương án thiết kế đề xuất như một không gian công cộng giữa khu vực dân cư dày đặc chính là mảnh đất phì nhiêu nuôi dưỡng tri thức cho các thế hệ sinh viên tương lai của Đại học VĂN LANG. Trong lòng không gian xanh này mọc lên các khối công trình, công năng tiên tiến, hiện đại của một quần thể Đại học hoàn chỉnh với tổng diện tích tương đương một toà nhà 30-40 tầng, nhưng được phân bổ khéo léo thành các cụm công trình đan xen, các điểm nhấn khác nhau tùy thuộc công năng, góc nhìn…Với nhiều lối tiếp cận đa dạng và hợp lý, phương án thiết kế đã kiến tạo nên một mô hình “công viên – đại học” vừa cởi mở, thân thiện vừa đa năng, hiện đại. 

Ý tưởng táo bạo dồn phần lớn mật độ xây dựng về phía tây, nơi sẽ có tuyến đường đô thị trên cao, để kết nối với các công trình công năng mang tính hành chính. Các công trình công cộng sôi động được bố trí về phía đông. Còn tiếp cận dọc dòng kênh là các công trình mang tính xã hội, văn hóa. Các gian trưng bày, giao lưu đời sống sinh viên, các khu nghiên cứu; các vườn thực nghiệm về sinh học, môi trường được bố trí dàn trải một cách hợp lý tạo nên các không gian học tập, nghiên cứu, và tập luyện, thư giãn… 
Việc tổ chức bố trí nhiều lối tiếp cận khác nhau cho toàn bộ khuôn viên có thể giúp ích cho phân kỳ xây dựng tùy theo từng khu vực chức năng, từng giai đoạn phát triển của dự án xây dựng trường cũng như quá trình phát triển quy hoạch chung của toàn bộ khu vực. Lối vào chính ngay từ giai đoạn một đã mở ra trục chủ đạo của quy hoạch cảnh quan được xác định từ hướng nam, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của khu vực quận Bình Thạnh, kết nối dễ dàng với trục đường mới Phạm Văn Đồng. Điều này cho phép tạo một điểm nhấn đặc biệt tại vị trí tiêu điểm của hai khúc cong nhẹ nhàng của dòng kênh và cây cầu trong tương lai – nơi sẽ trở thành điểm nhấn ấn tượng để chiêm ngưỡng cảnh quan tổng thể của Trường Đại học mới. 
Bản thân cây cầu sẽ trở thành một yếu tố kết nối vô cùng quan trọng toàn bộ dự án. Hình ảnh cây cầu hiện đại với con kênh xanh mát gắn liền với ngôi trường Đại học Văn Lang sẽ trở thành biểu tượng được lưu giữ cho nhiều thế hệ sinh viên Văn Lang.

Kỳ vọng của Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn Lang và hàng nghìn sinh viên đồng thời cũng là những ý tưởng tốt đẹp của các KTS đến với dự án, đó là kiến tạo một môi trường đào tạo tối ưu cho nhiều thế hệ tương lai nối tiếp, để cái tên VĂN LANG trở thành niềm tự hào xứng đáng với truyền thuyết Văn Lang đã nằm trong tâm khảm với mọi người dân đất Việt.