TS. KTS Dương Đức Tuấn Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm: Nguyên tắc của chúng tôi là: “Tôn trọng di sản – Hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân!”

Là trung tâm đô thị lịch sử, đồng thời là trung tâm về hành chính, kinh tế, văn hóa của Thành phố, quận Hoàn Kiếm có nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ hội nhập. Song, nơi đây cũng chính là khu vực chịu nhiều áp lực trong việc quản lý kiểm soát phát triển đô thị và những nghịch lý giữa đầu tư xây dựng công trình mới và bảo tồn, phát huy di sản đô thị cũ… 

Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), phóng viên Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm – Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội về những hướng đi mới trong công tác quản lý – bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) với quan điểm: Tôn trọng di sản, tôn tạo phù hợp và hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phóng viên (P/V): Theo đánh giá của giới chuyên môn, những dự án chỉnh trang, bảo tồn kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thời gian qua được thực hiện “có nghề” hơn. Ông có thể chia sẻ với độc giả TCKT về điều này?

TS.KTS Dương Đức Tuấn: Các dự án bảo tồn, cải tạo chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều được nghiên cứu, thực hiện với các tiêu chí nhất quán. Đó là:

  • Về kiến trúc: Chỉ tác động mặt đứng công trình – Khôi phục tối đa kiến trúc gốc;
  • Các hạng mục gắn vào mặt đứng: Dỡ bỏ các mái che, mái vẩy, khôi phục hệ thống các mái hiên, sắp xếp các cục nóng điều hòa; bổ sung cây hoa trang trí…;
  • Biển hiệu, quảng cáo: Được sắp xếp, quy định cụ thể theo hướng ngăn nắp và, thẩm mỹ.

Trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, chúng tôi đã chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế, áp dụng các phương pháp tiếp cận, các quan điểm bảo tồn bài bản và khoa học như các Hiến chương ICOMOS (International Council on Monuments and Sites) – Kết hợp với việc đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu lịch sử từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm phát huy trí tuệ cộng đồng.

PV: Từ góc nhìn của một KTS làm công tác quản lý, Ông có thể cho biết quan điểm về cách ứng xử với di sản, qua những dự án thực tế mà quận và Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã thực hiện?

TS.KTS Dương Đức Tuấn: Trước hết, phải nhận thức rằng Di sản văn hóa là vô giá, là hồn mà các thế hệ trước để lại cho chúng ta ngày hôm nay, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Hiện nay, công tác bảo tồn kiến trúc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đang tồn tại nhiều vấn đề như: Làm thế nào để đánh giá đúng giá trị lịch sử, văn hóa cần được bảo tồn? Việc ứng xử làm sao cho phù hợp đối với di sản kiến trúc nhưng phải đảm bảo không kìm hãm sự phát triển là một vấn đề cần có lời giải thỏa đáng. Trong khi đó, sức ép từ sự phát triển vẫn không ngừng tăng lên, hệ quả là các công trình di sản đã biến mất và bị thay thế bằng những công trình mới, hoặc được bảo tồn không đúng cách.

Vì vậy, trong chỉ đạo thực hiện các dự án bảo tồn cũng như chỉnh trang, quận Hoàn Kiếm đã xác định: Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa chính là mục tiêu, giải pháp và là động lực để quận phát triển kinh tế theo hướng Thương mại – Du lịch – Dịch vụ một cách bền vững, từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn đối với việc trùng tu các công trình di tích, công trình kiến trúc có giá trị. Hàng năm, Quận đã dành một khoản lớn ngân sách để GPMB, di chuyển các hộ dân, kết hợp với nguồn xã hội hóa trùng tu các công trình di tích, giúp cho người dân sống trong các công trình di tích có nơi ở mới khang trang, giảm áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khôi phục bảo tồn các công trình có giá trị.

Bên cạnh đó, các giá trị phi vật thể cũng được khôi phục dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân như: Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội trung thu phố cổ gắn với chợ trung thu truyền thống Hàng Mã; chợ hoa tết Hàng Lược; hoạt động văn hóa đường phố, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt như đền thờ vua Lê, đền Bạch Mã, đình Quan Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng, đình Kim Ngân, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ đã được mở cửa đón khách tham quan, kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa… Tất cả đã tạo nên nét hấp dẫn của khu phố cổ thu hút khách du lịch, ngoài ra còn tăng cường các chức năng mới theo hướng văn minh như các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ và từ 01/9/2016 tổ chức tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm vào ngày cuối tuần với các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, có sự tham gia, giao lưu của các nước, các tỉnh thành bạn… Sự tham gia của cộng đồng đã làm sống động các khu vực, tuyến phố di sản đô thị và các điểm di tích, trở thành thiết chế văn hóa tại cơ sở, khắc phục đươc quỹ đất sinh hoạt cộng đồng vốn rất hạn chế.

PV: Những dự án chỉnh trang không gian công cộng trong Khu phố cổ, Khu phố cũ thời gian qua cho thấy sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản, tạo ra không gian – ký ức cho thành phố. Xin ông cho biết thêm về những hướng đi mới trong công tác quản lý – bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm)?

TS.KTS Dương Đức Tuấn: Với các dự án bảo tồn hay chỉnh trang các tuyến phố, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp quý báu của của cộng đồng, của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Các hình thức đóng góp vô cùng phong phú và đa dạng, như: Ảnh sưu tầm, ảnh chụp tư liệu, các tài liệu ghi chép, đóng góp ý kiến trực tiếp hay gián tiếp thông qua các triển lãm lấy ý kiến tại các cuộc họp thông tin về dự án từ bước sơ bộ đến kỹ thuật, tiếp cận trao đổi, thống nhất kế hoạch và đôn đốc các đơn vị, tổ chức trên địa bàn cùng tham gia thực hiện theo kế hoạch chung của dự án…

Mặt khác, dự án bảo tồn hay chỉnh trang nào cũng ảnh hưởng, tác động đến người dân và các đối tượng liên quan. Dự án cải tạo chỉnh trang các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một ví dụ, để được 23 cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến các doanh nghiệp đồng lòng hưởng ứng là cả một quá trình, không chỉ là công việc của ngày một, ngày hai. Đặc biệt là việc cải tạo mặt đứng công trình, bắc giàn giáo ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân. Nhiều hạng mục của công trình bắt buộc phải thay đổi như lùi tường tầng 3 của các công trình phố Hàng Khay, phá bỏ các không gian lấn chiếm ban công ở phố Đinh Tiên Hoàng để trả lại kiến trúc gốc, hay như dự án xây dựng phố Sách 19-12 tác động đến giao thông buôn bán của chợ 19-12… Đó là những khó khăn, thách thức mà nếu như không có sự đồng thuận của cộng đồng thì chắc chắn không thể thực hiện nhanh, hiệu quả với thời hạn rốt ráo do Thành phố giao. Đó là nhờ chính quyền Quận, Phường đã thực sự coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân trách nhiệm và tự hào khi được sống ở trung tâm – bộ mặt của Thủ đô, hiểu nghĩa vụ và cùng tham gia thực hiện các dự án bảo tồn các giá trị di sản. Sự thành công của các dự án này cùng với đánh giá, góp ý từ các nhà chuyên môn. sự ủng hộ và đồng thuận của cộng đồng dân cư tạo tiền đề để triển khai các dự án kế tiếp.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm trong thời gian tới là tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn chỉnh trang các công trình. Áp dụng các hình thức tuyên truyền với phương pháp đơn giản, dễ hiểu để tiếp cận được mọi tầng lớp dân cư. Tổ chức các workshop chuyên đề để huy động được kiến thức và kinh nghiệm từ các trường đại học chuyên ngành, khích lệ các trí thức trẻ nghiên cứu sáng tạo đóng góp ý tưởng cho các đồ án. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng các đề án hoạt động phù hợp, nâng cao hiệu quả nhằm phát huy giá trị các di sản đặc trưng trên địa bàn quận, góp phần phát triển kinh tế, dịch vụ thương mại theo hướng văn minh tiêu biểu. Quảng bá hình ảnh khu Phố cổ, khu phố cũ đến du khách trong nước và quốc tế…Tất cả cùng hướng tới xây dựng một Hoàn Kiếm văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

PV: Được biết ông rất quan tâm đến công tác đào tạo KTS trong lĩnh vực bảo tồn di sản, xin ông cho biết ý kiến về việc nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này ?

TS. KTS Dương Đức Tuấn: Trong những năm qua, phải khẳng định rằng: Đội ngũ KTS đã có những đóng góp tích cực trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc đào tạo KTS chuyên ngành bảo tồn tại Việt Nam chưa được quan tâm hoặc nói cách khác, chất lượng chuyên sâu chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Cùng với việc xây dựng các kế hoạch dài hạn đối với các dự án quy hoạch, thiết kế đô thị, trùng tu các công trình di tích, công trình kiến trúc có giá trị, quận Hoàn Kiếm cũng chú trọng xây dựng đội ngũ KTS bảo tồn có chuyên môn sâu, lành nghề. Trong thời gian qua, TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã tiến hành hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế để tiếp cận xu thế bảo tồn di sản và phát triển bền vững trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh hợp tác về bảo tồn với các trường đào tạo chuyên ngành trong nước và quốc tế: ĐH Kiến trúc Hà Nội; ĐH Xây dựng; Viện kiến trúc Quốc gia; Viện Quy hoạch Quốc gia và Viện Bảo tồn di tích Quốc gia; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Pháp (vùng Ile de France, thành phố Toulouse), Nhật Bản (Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Tokyo), Hàn Quốc, Australia, Italy… Việc trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, đưa ra giải pháp trong lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị đã giúp cho đội ngũ cán bộ chuyên gia của Việt Nam thêm hiểu biết và tiếp cận với kinh nghiệm, kĩ thuật bảo tồn của quốc tế.

Nhìn chung, để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phát huy hiệu quả thì cần đổi mới và nâng cao chất lượng chuyên sâu và cần được bắt đầu từ công tác đào tạo. Trong quá trình đào tạo, nhà trường cần kết hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đang quản lý di sản để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, củng cố lý luận, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành.

Với chức năng của đơn vị quản lý Nhà nước, những năm qua Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã và vẫn luôn sẵn sàng liên kết, phối hợp và hỗ trợ với các trường, các nhóm sinh viên để góp phần hoàn thiện quá trình đào tạo này.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện!

 Bích Vượng (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)