Hiện nay, trên thế giới tồn tại hai phương thức xây dựng, liên quan đến việc lựa chọn vật liệu, công nghệ xây dựng tiết kiệm năng lượng, thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường. Đó là phương thức xây dựng khô và phương thức xây dựng ướt, trong đó, việc lựa chọn phương thức xây dựng “khô” hay “ướt” là hết sức quan trọng nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho chất lượng công trình.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay, phương thức xây dựng “ướt” truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Đại đa số các công trình xây dựng dựa trên việc sử dụng bê tông và xi măng, gạch, các tấm sàn bê tông, dầm bê tông cốt thép đổ tại chỗ … tiêu tốn rất nhiều chi phí cho việc sản xuất và vận chuyển vật liệu. Những vật liệu xây dựng thường phải sử dụng rất nhiều nước trong các giai đoạn sản xuất đòi hỏi nhiều máy móc xây dựng cỡ lớn, và đặc biệt một đội ngũ công nhân khổng lồ trên công trường.
Đối với phương thức xây dựng “khô”, các công trình thường được sử dụng gỗ hoặc thép cho hệ khung, các tấm pano bằng thạch cao được sản xuất tại các nhà máy tiền chế được sử dụng làm tường bao hoặc vách ngăn. Theo tính toán, việc sử dụng phương thức xây dựng “khô” có thể khiến cho công trình có khối lượng nhẹ hơn so với phương thức xây dựng “ướt” tới 5 lần. Điều này chứng minh phương thức xây dựng “khô” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều trong các khâu sản xuất và vận chuyển vật liệu, tiết kiệm nhân công, thời gian thi công ngắn. Và đặc biệt xâm hại ít hơn rất nhiều vào môi trường tự nhiên so với phương thức xây dựng “ướt”.
Xây dựng theo phương thức “khô” là một phương thức rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Nó mới được áp dụng và phát triển khá nhanh tại các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật… Phương thức xây dựng “khô” có thể được hiểu là công nghệ xây dựng không sử dụng nước, đã được áp dụng khá nhiều trong xây dựng các công trình nhà ở tư nhân, các khu chung cư và các nhà máy…
Ba loại vật liệu thường sử dụng trong phương thức xây dựng “khô”:
Gỗ, thép, và tấm thạch cao là các vật liệu được sử dụng phổ biến trong phương thức xây dựng «khô», bởi đó là những vật liệu có nhiều ưu điểm trong việc áp dụng vào các công trình xây dựng.
- Gỗ : Trong hầu hết các công trình xây dựng sử dụng phương thức xây dựng «khô», gỗ được dùng rất phổ biến, gỗ được sử dụng vào các hệ khung hoặc dưới dạng các tấm pano trong việc tạo ra các vách ngăn, thậm chí là mặt đứng. Gỗ có một lợi thế rất lớn là đạt hiệu quả gấp 12 lần cách âm và cách nhiệt so với bê tông, điều này đồng nghĩa với việc giảm bề dày các tấm tường ngăn và vách chịu lực so với việc sử dụng gạch và bê tông và làm cho công trình không bị mất đi diện tích sử dụng vào các hệ tường vách. Hơn nữa gỗ là một vật liệu có thể tái tạo được, thích ứng với xu thế xây dựng sinh thái và phát triển bền vững.
- Thép : Công trình xây dựng theo phương thức “khô” cũng có thể sử dụng hệ khung bằng thép. Đây là loại vật liệu có thể tái tạo được, thậm chí sau nhiều lần tái tạo vẫn không làm mất đi các tính chất nguyên bản của nó. Hơn nữa quy trình sản xuất vật liệu và các cấu kiện bằng thép tuân thủ và tôn trọng các vấn đề bảo vệ môi trường hơn nhiều quy trình sản xuất bê tông. Thép không những đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các hệ khung mà còn góp phần hoàn thiện trang trí các mặt đứng, hoặc các hệ mái, ban công…
- Tấm thạch cao: Với các tấm thạch cao được sản xuất trước thì việc phải chờ đợi bê tông, gạch vữa kết dính sẽ không còn tồn tại trong các công trường xây dựng. Các tấm thạch cao kết hợp với hệ khung bằng gỗ hoặc thép, cùng với vật liệu cách nhiệt, cách âm, cách nhiệt tạo ra tính chất bền vững cho công trình xây dựng. Các tấm này cắt, ghép rất dễ dàng và thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian thi công.
Những thuận lợi của phương thức xây dựng «khô»:
Thời gian xây dựng tại công trường được rút ngắn tối đa:
Việc bỏ đi giai đoạn đợi khô và kết dính của bê tông, làm giảm thiểu các rủi ro xảy ra trong quản lý thi công xây dựng theo phương thức ướt. Hơn nữa, các cấu kiện bằng gỗ, thép có thể sản xuất trước tại các nhà máy làm giảm thiểu thời gian thi công tại công trường; Các khâu chuẩn bị công trường được đơn giản hoá một cách tối đa (không sử dụng nước) điều này đồng nghĩa với việc các khâu hoàn thiện cũng được tiến hành một cách nhanh chóng.
Phương thức xây dựng kinh tế:
Việc sản xuất trước các cấu kiện xây dựng đã làm giảm thời gian xây dựng, điều này đã tạo ra các phương án tiết kiệm kinh tế quan trọng không chỉ trong việc sử dụng và vận chuyển vật liệu mà còn trong việc giảm thiểu một khối lượng khổng lồ công nhân tại công trường. Hơn nữa, xây dựng theo phương thức «khô» không cần đến các hệ thống máy móc cồng kềnh, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các công trình được xây dựng trong thành phố hoặc các công trình cao tầng.
Vật liệu xây dựng chất lượng cao, bền vững:
Vật liệu khô có thể sử dụng một cách đa dạng và linh hoạt, dễ dàng kết hợp hài hoà màu sắc giữa các vật liệu khác nhau. Gỗ và thép kết hợp các vật liệu khác như kính, inox tạo ra những công trình có tính thẩm mỹ cao. Hơn nữa chúng cho phép tạo ra các không gian linh hoạt và dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện và hoàn cảnh, đặc biệt rất hiệu quả trong việc cách nhiệt và âm thanh cho công trình.
Ít ảnh hưởng đến môi trường :
Các cấu kiện được lắp ráp trước đã làm giảm tiếng ồn, bụi và ô nhiễm trên công trường xây dựng. Trên công trường là một việc làm sinh thái, thân thiện với môi trường; công trường được làm sạch rất nhanh chóng sau khi xây dựng xong. Việc sử dụng phương thức xây dựng «khô» tạo ra một lượng khí thải CO2 ít hơn rất nhiều so với phương thức xây dựng “ướt”. Đặc biệt là với việc sử dụng gỗ, đây là vật liệu xây dựng duy nhất không tạo ra CO2. Cách tiếp cận này là hoàn toàn phù hợp với các quy định luật bảo vệ môi trường thế giới.
Xem thêm: Phú Thọ: Ưu tiên phát triển vật liệu xây không nung
KTS Nguyễn Việt Huy
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2014