Giới thiệu
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2024 cho thấy sự phát triển của thể loại công trình Kiến trúc cảnh quan thông qua số lượng bài dự thi. Ban tổ chức đã nhận được 08 dự án thuộc lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan. Các công trình dự thi có chủ đề đa dạng với quy mô khác nhau từ cảnh quan khu đô thị (02 dự án), công viên (01 dự án), cảnh quan trường học (02 dự án), cảnh quan bệnh viện (01 dự án), cảnh quan công trình công sở (01 dự án), và công trình điểm nhấn sự kiện (01 dự án).
Thông qua các công trình dự thi, có thể nhận thấy rõ xu hướng khai thác các giá trị sinh thái tự nhiên, tận dụng tối đa diện tích phát triển cảnh quan nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của con người, đồng thời đề cao các hoạt động tương tác của con người với môi trường thiên nhiên. Các bài dự thi cũng thể hiện sự tìm tòi trong sáng tác cũng như những giải pháp mang tính sáng tạo và khai thác triệt để các giải pháp thân thiện môi trường của các KTS cảnh quan.
Xem thêm: Kết quả Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 – 2025
Những thành công và hạn chế của các bài dự thi
Đánh giá chung
Các công trình dự thi có nhiều ý tưởng độc đáo, giải pháp thiết kế cơ bản có sự gắn kết mật thiết với chức năng hoạt động theo đặc thù cảnh quan cho từng thể loại công trình. Các giải pháp không chỉ hướng đến tối ưu hóa không gian và tiện nghi cho người sử dụng; linh hoạt và biến đổi không gian, phù hợp với đối tượng hoạt động trong từng thời gian cụ thể. Đôi khi, giải pháp đề xuất còn gắn với ý niệm của khu vực, hình tượng hóa các ngôn ngữ thể hiện của chức năng hoạt động thông qua các hình thái biểu đạt cảnh quan, thậm chí còn là những bài học có tính nhắc nhở về các giá trị di sản thông qua công trình triển lãm có quy mô nhỏ nhưng giàu giá trị nhân văn.
Nhiều công trình hướng tới tạo lập các không gian xanh, tối ưu hóa không gian dành cho thiên nhiên, nhằm tạo ra những không gian sinh thái và tạo cơ hội cho đối tượng sử dụng dễ dàng tiếp cận với tự nhiên, tăng cường tính tương tác và thúc đẩy cải thiện môi trường vi khí hậu.
Những thành công
Đối với cảnh quan khu đô thị mới, các dự án đầu tư nhiều về mảng cảnh quan, các giải pháp thiết kế cảnh quan tổng thể hài hòa nhưng vẫn đảm bảo tính khác biệt, độc đáo cho từng phân khu và gia tăng sức hấp dẫn của cho toàn dự án. Các giải pháp thiết kế nhìn chung đã tối ưu hóa không gian xanh và các khu vực công cộng để tạo nên môi trường sống trong lành, kết nối cộng đồng và gia tăng giá trị sống bền vững cho cư dân. Đồng thời, các giải pháp hạ tầng cảnh quan được áp dụng nhằm hướng tới sự tích hợp công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành; xây dựng một không gian sống thông minh, tiện lợi và thân thiện với mọi lứa tuổi. Các dự án khai thác yếu tố cảnh quan độc đáo mang tính biểu tượng, không chỉ nâng tầm giá trị dự án mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn của cộng đồng xã hội trong khu vực.
Đối với các dự án cảnh quan công viên, phân vùng công năng và tuyến giao thông hợp lý đã góp phần phá vỡ cảm giác công viên dạng tuyến ven mặt nước. Các giải pháp thiết kế cảnh quan hài hòa và tạo lập không gian xanh phù hợp với hình thái khu đất; tỷ lệ và phối hợp khối cây bóng mát hợp lý. Giải pháp kè bờ nước thân thiện và gắn kết tốt trong tổng thể dự án. Các giải pháp thiết kế đã triệt để khai thác cảnh quan hiện trạng, can thiệp tối thiểu và sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường. Phương án thiết kế chú trọng sự tương tác giữa con người với thiên nhiên.
Đối với các đồ án cảnh quan công trình trụ sở làm việc, các giải pháp thiết kế cảnh quan đã loại bỏ hàng rào, tạo cảm giác gắn kết hợp lý không gian lân cận. Giải pháp thiết kế chú trọng tới các chi tiết cấu tạo cảnh quan. Dự án triệt để khai thác cảnh quan trên mái, tạo những mảng xanh thân thiện và có ý nghĩa trong cải thiện vi khí hậu, kết hợp với giải pháp thiết kế vườn giật cấp khu vực đất dốc và xử lý kè sinh thái ven hồ phù hợp với không gian. Các giải pháp hướng đến sự đa dạng hình thái không gian và tăng khả năng tiếp cận cảnh quan thiên nhiên cho cộng đồng.
Đối với công trình cảnh quan bệnh viện, dự án có cách tiếp cận hợp lý, cố gắng bảo tồn tối đa cây bóng mát hiện trạng và bổ sung trồng mới cây bóng mát theo hướng tối ưu. Đồng thời, các giải pháp hướng đến tận dụng tối đa không gian để tăng cường diện tích xanh, hình thành lá phổi xanh lớn không chỉ cho bệnh viện mà còn cho khu vực lân cận. Dự án có giải pháp phân chia không gian hợp lý vừa đảm bảo chức năng hoạt động cho nhân viên bệnh viện với tính chất đặc thù, nhưng đồng thời bố trí hợp lý các không gian thư giãn cho bệnh nhân trong bệnh viện cũng như nhân dân khu vực lân cận. Các không gian bệnh viện trở thành không gian vui chơi giải trí cho các nhóm đối tượng khác nhau. Ngôn ngữ thiết kế cổng chào ấn tượng và mang đậm ý nghĩa nhân văn.
Đối với cảnh quan trường học, các dự án có giải pháp phân chia không gian hợp lý, gắn kết với hiện trạng các công trình đã có. Ngôn ngữ thiết kế cổng chào mang tính mở, không có hàng rào ngăn cách, tạo tính kết nối thân thiện với cộng đồng dân cư khu vực.
Công trình điểm nhấn cho sự kiện tuy có quy mô nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn nhưng ẩn chứa một thông điệp sâu sắc về giá trị di sản của đô thị. Chính vì vậy, khi được ẩn đi bởi một công trình khác, chúng sẽ tạo ra sự hoài niệm sâu sắc về vật chất và tinh thần. Chưa kể các thủ pháp khai thác vật liệu gương-thép tạo sự đối lập về chất cảm giữa bên trong và bên ngoài công trình, đồng thời giúp cho khối lập phương với hình thái đối lập có khả năng tự hòa mình vào thiên nhiên thông qua việc phản chiếu cảnh quan xung quanh. Hơn nữa, không gian “đóng” của công trình giúp người tham quan cảm nhận rõ nét hơn, không chỉ công trình hiện trạng mà còn các tác phẩm được trưng bày bên trong công trình.
Một số hạn chế
Mặc dù các công trình dự thi đã tạo được những thành công nhất định, mỗi đồ án vẫn còn một số vấn đề cần được bàn luận thêm. Các đồ án thiết kế cảnh quan đều cố gắng khai thác các giá trị sinh thái, thông qua việc tập trung khai thác cây xanh bóng mát, nhưng chưa khai thác các yếu tố cây xanh ở các tầng khác nhằm tạo môi trường sinh thái cảnh quan hoàn chỉnh và góp phần tăng tính đa dạng sinh học cho không gian kiến trúc cảnh quan. Đồng thời, ý tưởng khai thác cảnh quan theo mùa, dựa trên các đặc điểm sinh trưởng phát triển của các loài cây xanh chưa được thể hiện rõ – Nhất là trong các đồ án thiết kế công viên, giải pháp thiết kế cây xanh chưa có chủ đề rõ ràng, thiếu sắc độ nói chung và sự đa dạng về màu sắc cho các không gian vui chơi trẻ em trong giải pháp tổ hợp các thành phần loài cây xanh hay khai thác các vật liệu cảnh quan khác.
Ngoài ra, các giải pháp thiết kế hướng đến sinh thái nhưng thiếu kết nối chặt chẽ với không gian mặt nước trong các đồ án thiết kế công viên và cảnh quan đô thị. Một số đồ án còn sử dụng nhiều phong cách ngoại lai dạng sao chép nguyên bản nên thiếu tính sáng tạo và mất đi bản sắc của từng khu vực theo điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa vùng miền. Các đồ án nếu đầu tư nghiên cứu và bổ sung thêm yếu tố cây bụi, cây trồng thảm, nhất là khu vực ven bờ nước thì cảnh quan sẽ ấn tượng hơn, tính sinh thái và tự nhiên sẽ được khai thác triệt để hơn.
Đối với công trình trụ sở làm việc, giải pháp chọn loài cây bụi chưa được chú trọng để tăng tính hấp dẫn cho các không gian và tăng tính đa dạng sinh học cho khu vực thiết kế. Mật độ bê tông nhiều, trong khi mật độ cây xanh bóng mát còn hạn chế nên khó cải thiện hiệu quả điều kiện vi khí hậu. Ngôn ngữ thiết kế đa dạng và chưa có tính liên kết giữa các không gian chính trong khu vực dự án, hình thức còn nặng tính đăng đối và đơn điệu, chưa khai thác triệt để không gian kiến trúc cảnh quan.
Đối với công trình bệnh viện, mật độ bê tông vẫn còn lớn. Mặc dù đề cập đến gia tăng mật độ cây xanh cho cảnh quan bệnh viện, về tổng thể công trình thiếu cây bóng mát, kịch bản về cảnh quan cây xanh chưa rõ ràng. Đồ án mới tập trung đề cập về cây bóng mát, thiếu các tầng cây bụi, trồng thảm để có các kịch bản vừa phù hợp cho bệnh nhân với những yêu cầu đặc thù về không gian, vừa khai thác không gian công cộng cho cộng đồng dân cư khu vực lân cận.
Đối với cảnh quan trường học, các đồ án chưa có giải pháp thiết kế cảnh quan rõ ràng. Thậm chí, có đồ án còn có sự giao thoa giữa đồ án quy hoạch xây dựng với đồ án thiết kế cảnh quan. Ngôn ngữ thiết kế chưa có tính thống nhất, thậm chí có công trình còn mang tính tả thực, chuyển hóa dưới dạng sao chép. Các giải pháp thiết kế cảnh quan cứng (hardscape) và cảnh quan mềm (softscape) chưa được nghiên cứu cụ thể và phù hợp với chức năng của từng khu vực.
Thay lời kết
Số lượng bài dự thi trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan còn hạn chế cả về số lượng và thể loại công trình so với các thể loại công trình dự thi khác, còn vắng bóng các thể loại công trình Quy hoạch Cảnh quan, Bảo tồn Cảnh quan; các nhóm dự án thiết kế cảnh quan cho các công trình nhà ở, công trình công nghiệp và công trình tôn giáo tín ngưỡng… cũng chưa được gửi tham dự giải thưởng. Qua đó, cho thấy, tiềm năng còn nhiều cho các thể loại công trình cảnh quan có thể tham gia giải thưởng.
Xu hướng sinh thái và tạo lập không gian tương tác cộng đồng là xu hướng chủ đạo trong các đồ án dự thi Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2024. Các công trình dự thi cố gắng khai thác triệt để hiệu quả và tận dụng tối đa vai trò của cây xanh trong cải thiện vi khí hậu và tạo môi trường hoạt động cho con người. Tuy nhiên, mật độ bê tông vẫn còn là yếu tố chiếm tỷ lệ lớn trong không gian, kể cả những công trình không có nhu cầu lớn.
Thiết kế cảnh quan cần chú trọng sự hài hòa giữa hai yếu tố cảnh quan cứng (hardscape) và cảnh quan mềm (softscape). Các giải pháp thiết kế cần tập trung hướng đến những vật liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, cần khai thác hiệu quả yếu tố cây xanh trong thiết kế cảnh quan ở các tầng khác nhau: cây bóng mát, cây bụi, cây trồng thảm, cây dây leo, thậm chí cả cây thủy sinh để tạo lập những hệ sinh thái hoàn chỉnh và góp phần đa dạng sinh học và là cơ hội tạo lập các sinh cảnh sống cho các loài sinh vật ngoài tự nhiên.
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn*
*Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam
Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
Tài liệu tham khảo
Hội KTS Việt Nam (2024), Tập hợp các tác phẩm dự thi Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024