Đào tạo Phương pháp thiết kế: Hồn nơi chốn

Theo Klaus Schwab, tiến bộ kỹ thuật trong thời đại giao tiếp kỹ thuật số (Digital Communication), đã khiến cho “các công nghệ cấu kết không còn ranh giới rõ ràng giữa vật lý, kỹ thuật số, và sinh học” [1], và đang làm thay đổi quan niệm về giáo dục thiết kế kiến trúc, nhất là trong các Trường đào tạo kiến trúc ở Mỹ, như Đại học Hawaii, Đại học Virginia, hay Đại học Colombia. Thiết kế thuật toán, công cụ số phân tích hình thức, tối ưu hóa hình học các cấu trúc, chế tác và sản xuất số, và vật liệu xây dựng mới mang đến sự phức tạp cao đòi hỏi mới trong hành nghề kiến trúc. Các KTS không phải những “tài năng đơn độc” (solitary genius), mà trở thành những người cộng tác (collaborators). Và, mối bận tâm chính của họ không đơn thuần chỉ là tạo ra không gian kích thước ba chiều, hình thức hài hòa giữa nhu cầu cá nhân và các hoạt động xã hội. Thiết kế kiến trúc không tập trung vào tuyên ngôn “form follows function, home is the machine to live”, công thức của bền vững, kinh tế, thích dụng, và thẩm mỹ, hay thiết kế cho riêng đối tượng kiến trúc như ở các trường phái / học phái (School) ở Châu Âu, mà hướng về mục tiêu kiến tạo “Ở”. Hiện thực này khiến kiến trúc trở thành hồn cốt của nơi chốn xây dựng, thiết kế được đặt vào trong vấn đề môi trường sinh thái mà nhân loại đang đối mặt, ở đấy, sáng tạo kỹ thuật phục vụ cho dựng-xây, nâng cao phẩm chất môi trường của việc ở, đáp ứng nhu cầu con người mới phát triển bền vững.

Nơi chốn và địa điểm xây dựng

Nơi chốn hay thực tại này đã và đang gắn liền với mỗi chúng ta. Có mặt nơi nào đó, nghĩa là có loại hình nào đó của nơi chốn. Như thế, nơi chốn là điều kiện tất yếu, như không khí ta hít thở, mặt đất nơi ta đứng, thân thể ta có. Nơi chốn bảo bọc chúng ta cho việc đến, lại gần, đi qua, sống, gắn những thứ khác liền vào, và chết trong các nơi đấy, không thể làm được gì mà không có nơi-chốn.

Sự phối hợp các lực trong phương pháp thiết kế Hồn nơi chốn

Nơi chốn với ý niệm “ở đâu” (where) trong tự nhiên như điều kiện đầu tiên để vật hiện diện, đã được Aristotle đề xuất và xem đây là một trong mười phạm trù vật chất không thể thiếu. Điều này đã được tranh biện mãi và không dứt cho đến tận ngày nay với nhiều chủ đề. Chẳng hạn như, Heidegger đã luận với Aristotle về vật tồn tại ở một nơi chốn là dấu hiệu của “sống trong thế gian” (being-in-the-world); trong khi Irigaray cho rằng ý niệm nơi chốn của Aristotle là cần thiết đối với luân lý và sáng tạo. Giữa Aristotle và Irigaray kéo dài hơn hai thiên niên kỷ lý luận liên miên, tiêu biểu phải kể đến Lamblichus, Plitinus, Cusa và Bruno, Decartes và Locke, Newton và Leibniz, Bachelard và Foucalt, đã hình thành nên tư tưởng, nội dung giảng dạy, và lý luận về nơi chốn. Mặc dù có nhiều bận tâm, nhưng nơi chốn đã không được nhận biết, tham dự, bị “che khuất” ngay trong quan niệm – Vì nhiều người cho rằng, nơi chốn không đến mức tranh cãi, thâm nhập, hay quá khó hiểu để cần một nghiên cứu, bởi nó quá nhiều và quá rõ với con người. Hay con người đến với tồn tại thì cũng bắt đầu với cái gọi là nơi chốn, điều hiển nhiên cho việc ở trên mặt đất. Vì không thể thoát ra khỏi nơi chốn, nên không cần phải nghĩ ngợi về tính thực căn bản này bất kì chút nào. Nơi-chốn bị quên lãng chủ yếu vì ban đầu được xem như khái niệm tuyệt đối, với thuật ngữ “không-thời gian”. Từ thế kỷ 6 sau công nguyên đến thế kỷ 17, nơi chốn bị đồng hóa thành không gian, tính chất của nó là “sự thay đổi” của không gian, và dần biến cải cho việc dựng xây và những công việc khác của con người gọi là “Địa điểm” (site). Trong suốt thế kỷ 18 và 19, thì nơi chốn “điều kiện tiên quyết của mọi hiện hữu, bất cứ hình thức gì” [2], theo cụm từ đề nghị của Kant. Không gian, với tư cách hình thức của “ý thức phía bên ngoài”, bị giảm trừ thành ý niệm địa điểm, và ý niệm này biến mất gần như hoàn toàn trong thời đại của chủ nghĩa vị nhân (temporo-centrism) hay thời kì Con người sáng tạo, kể từ thế kỷ 20.

Nơi chốn, con người, và kiến trúc

Nơi chốn không bao giờ hiện ra cho thấy toàn bộ, vì sự náu mình kỹ càng, như Heidegger đã nói, “… tồn tại phần nào không bị che giấu” [3]. Ở thế kỷ 21, việc mang ra đặc tính bị hé lộ của nơi chốn, có ý nghĩa lớn lao trong sáng tạo kiến trúc con người trong việc xây-ở. Nơi chốn được hiểu là không gian ba chiều kích thước trống không, bao gồm địa hình, cảnh quan, và toàn bộ cảnh thế. Căn phòng hay kiến trúc, với tư cách là khối tích, được định vị trong cõi không gian của nơi chốn. Kant cho rằng đặc tính nơi chốn chính là “tổ chức của vùng miền”. Mối quan hệ lẫn nhau có ý thức về các thành phần “mốc ranh giới” (node), “đường dẫn” (path),“khu vực cảnh quan” (district) cấu thành một hình ảnh “nơi chốn”, theo Kevin Lynch. Hệ thống này dựa vào hoặc xuất phát từ nơi chốn tự nhiên được cho ra trước, và kiến trúc tập hợp các thuộc tính của nơi chốn, thuộc về nơi chốn, và mang chúng đến gần gũi hơn với con người.

Mối quan hệ giữa đặc tính tự nhiên của các thành phần nơi chốn và con người phát triển suốt thời kì ấu thơ. Chẳng hạn như, theo Norberg-Schulz, một đứa trẻ lớn lên trong các không gian xanh nâu vàng trắng, đi bộ, nô đùa trên bãi cát vàng đất đá hay bãi rêu phong, dưới bầu trời trong xanh đầy mây, cầm nắm và nâng lên những vật mềm cứng xù xì, lắng nghe âm thanh – những âm thanh của làn gió thổi qua những chiếc là của từng nhành cây, và học được hiểm nguy từ sự nóng và lạnh,… Như thế, đứa bé sẽ thấu hiểu được môi trường nơi chốn, và phát triển giản đồ giác quan, làm tiền đề minh định tất cả kinh nghiệm vật/ người trong tương lai [4]. Giản đồ này bao gồm những cấu trúc chung nơi chốn, làm nền tảng tri giác về mặt văn hóa, địa phương, gọi là tính-người-nội-tại. Vậy nên đặc tính của nơi chốn dính dáng đến kinh nghiệm người thiết kế với các thành phần cấu tạo có tính chất rõ ràng, có định hướng nơi chốn môi trường. Theo đó, hoạt động sáng tạo cơ bản của kiến trúc được hiểu là lời mời gọi tính chất của các thành phần có đặc tính mạnh mẽ trong cấu trúc không gian – nơi chốn tự nhiên. Theo cách hiểu thiết kế này, chúng ta sẽ bảo vệ được Đất và công trình, thuộc về một tổng thể toàn diện trong mối quan hệ con người, kiến trúc, Đất, và Trời. Đến lượt mình, kiến trúc, hồn của nơi chốn, tập hợp các thuộc tính thuộc về nơi chốn, và mang chúng đến gần gũi với con người.

Lực sáng tạo, hồn nơi chốn, và phương pháp thiết kế

Thiết kế kiến trúc là một quá trình sáng tạo, trong đó mơ ước, tưởng tượng, và hiện thực cùng tồn tại. Mơ ước gắn liền với những kí ức về nơi chốn ấu thơ và nguyên thủy, đóng vai trò như chất xúc tác hay động lực của tưởng tượng tâm trí. Đây là lực nơi chốn thúc giục sáng tạo của người thiết kế sản sinh ra hiện thực công trình. Nói một cách khác, lực nơi chốn kích thích trí tưởng tượng, dẫn đường cho thiết kế Kiến trúc gắn liền với nơi chốn xây dựng, bằng các đặc tính thành phần. Kiến trúc như thế được xem là “lớn lên từ mặt đất” [5]. Các đặc tính mạnh mẽ của các thành phần cấu thành và cấu trúc nơi chốn được quy về dưới dạng lực, bao gồm lực môi trường (ám chỉ các thành phần trên mặt đất tác động và để dấu ấn vào kiến trúc), lực bầu trời (gồm lực thời tiết và trọng lực), và lực con người (lực xã hội, lực công năng sử dụng). Cả ba lực tương tác với nhau trong sự cân bằng với lực thẩm mỹ hoặc lực tâm lý con người. Tùy theo điều kiện của bối cảnh, các lực có các tổ hợp khác nhau và tạo ra kiến trúc khác nhau.

Sau khi xác định tổ hợp lực, thực hiện qui trình thiết kế hồn nơi chốn theo từng bước cụ thể sau:

  • Xác định nơi chốn;
  • Quyết định các hạng mục công năng cho công trình;
  • Xác định lực con người cho việc lựa chọn hình thức chứa đựng công năng;
  • Chọn một khối tích hình học ban đầu phù hợp với các lực;
  • Xác định lực nơi chốn bằng các thành phần, cấu trúc, và đặc tính bối cảnh cây dựng;
  • Biến dạng khối hình học dưới tác động của các lực thuộc về nơi chốn;
  • Thành lập các không gian trung gian giữa khối hình hình học và nơi chốn môi trường xung quanh;
  • Xác lập công trình đã thiết kế, từ hình thức, công năng, cấu trúc, và thẩm mỹ hài hòa với nơi chốn. Kiến trúc được tạo ra hòa nhập vào, giống như một trong những thành phần được sinh ra từ nơi ấy, được đúc kết từ sự thích ứng vừa vặn với môi trường xây dựng.
Minh họa qui trình thiết kế hồn dưới tác động của lực con người, lực môi trường, lực thời tiết, và trọng lực

Kết luận

Cách tiếp cận các đặc tính thành phần của bối cảnh xây dựng ở dạng lực để khai mở kiến trúc mang lại thể thống nhất hình thức và công năng hòa nhập vào nơi chốn. Qui trình thiết kế hồn nơi chốn truyền cảm hứng, khơi nguồn sáng tạo cũng như nắm bắt bản chất và ý nghĩa của vị trí xây dựng cho KTS, sinh viên kiến trúc, trong việc thiết kế và xây dựng công trình. Dù vậy, cách thức này vẫn chưa hoàn thiện, vì vẫn chưa đề cập đến sự phức tạp của sử liệu nơi chốn và thói quen người học chọn lựa thể loại hình thức ban đầu trước khi lực nơi chốn tác động để phản ánh đặc tính môi trường và cấu trúc tự nhiên.

Kiến trúc hòa nhập vào nơi chốn là một thể thống nhất giữa hình thức, công năng, và nghĩa, trải qua tiến trình chuyển biến hình thức dưới tác động của lực con người, Đất, và Trời. Trong bối cảnh thành tựu cao của kỹ thuật công nghệ số vẫn còn đang tiếp tục, và các nhu cầu kiến trúc từ đơn giản đến phức tạp thích ứng với nơi chốn, thì phương pháp thiết kế này giúp người thiết kế phác thảo và triển khai hồ sơ Kiến trúc nhanh chóng, với trợ giúp của các phần mềm vẽ CAD chuyên ngành thông dụng và nâng cao.

TÀI LỆU TRÍCH DẪN
[1] https://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html
[2] Casey, Edward. The Fate of Place: A Philosophical History. USA: University of California Press, 1997.
[3] Heidegger, Martin. “Building Dwelling Thinking” in Poetry, Language, Thought, Trans. and Int. Albert Hofstadter. New York: Harper & Row, 1871.
[4] Norberg-Schulz, Chiristian. Genius Loci, Towards a Phenomenology of Architecture. New York: Rizzoli,1991.
[5] Tran, Duc. The continuing of Organicism: An Enviro-organic Form Integrating the Built Environment. D.Arch Project, School of Architecture, Univ. of Hawaii, 2017.TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Leach, Neil, ed. Rethinking Architecture: A reader in cultural theory. London: Taylor & Francis e-Library, 2005.
2. Leyton, Michael. Shape as Memory: A geometric theory of architecture. Germany: Birkhäuser – Publishers for Architecture, 2006.
3. Lucan, Jacques. Composition, Non-Composition: Architecture and Theory in the Nineteenth and Twentieth Centuries. Italy: EPFL Press, 2012.
4. Read, Herbert. The Origins of Form in Art. New York: Horizon Press, 1965.
5. Tran, Duc. Truy Tầm Về Tính Sử Của Nơi Chốn: Phương Cách Khơi Nguồn Sáng Tạo Cho Sinh Viên Kiến Trúc. Tiểu luận, 2018.

TS.KTS Trần Minh Đức – Trường Đại học Kiến trúc TP HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)