Toàn cầu hoá Kiến trúc là một quá trình học hỏi lẫn nhau

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng

Trong một bài tham luận hội thảo, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã nhấn mạnh: “Những KTS bậc thầy thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Họ hướng đến Việt Nam do đây là một thị trường đầy tiềm năng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều công trình lớn mọc lên.”

Trên thực tế, nhiều công ty quốc tế lớn nhất trên thế giới đã tìm đến thị trường Việt Nam như: Norman Foster, Renzo Piano, Gensler, Aedas, Nikken Sekkei, Perkins Eastman, Perkins & Will, DP Architects, HOK, gmp…

Gmp đã có những tiếp xúc với Việt Nam từ những năm 1995 đến năm 1998, nhưng phải đợi đến năm 2002, theo lời mời của đơn vị tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới (BQLDA), gmp mới bén duyên và giành giải Nhất cuộc thi tuyển kiến trúc quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Chính phủ tổ chức.

Trụ sở Bộ Công An

Nhưng không dễ để công ty tư vấn nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Công trình đầu tiên do gmp thiết kế bắt đầu thi công từ năm 2004 là Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ngay từ những ngày đầu tham gia vào thị trường thiết kế còn nhiều khác biệt so với thế giới, gmp đã đồng hành với các chuyên gia và tư vấn địa phương (local partner) để nắm bắt các quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam. Trong các công trình về sau này, ngoài quy định phải có đối tác địa phương, thì chúng tôi cũng luôn cố gắng đưa các đối tác vào sớm nhất có thể trong giai đoạn thiết kế. Quy chuẩn và tiêu chuẩn thay đổi theo năm tháng, việc nắm bắt rõ các điều chỉnh với tư vấn nước ngoài rất khó khăn, bởi các văn bản này hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Thêm vào đó, công nghệ thi công thực tế khác hẳn so với những gì chúng tôi đã thực hiện ở nước ngoài, “chưa chắc” việc thi công được thực hiện đúng bản vẽ, do vậy việc chuẩn hóa và chi tiết hóa các bản vẽ để thi công là sự đóng góp to lớn của các đối tác địa phương.

Mặt khác, bản vẽ thi công ở Đức thường rất đơn giản (do các thợ thi công nắm rõ kỹ thuật tối thiểu để thực hiện xây hoặc đổ bê tông), ngược lại, ở Việt Nam, KTS phải chi tiết hóa từ mác vữa, vật liệu và kích thước chi tiết. Làm nghề kiến trúc ở Việt Nam, các KTS thực sự phải có sự hiểu biết sâu rộng hơn, vượt ra khỏi công việc thiết kế.

Toàn cầu hoá là một quá trình học hỏi lẫn nhau

Nhiều người cũng đặt câu hỏi: KTS Việt Nam đã học hỏi được những gì qua sự hợp tác với các công ty tư vấn kiến trúc nước ngoài? – Về việc này thì các đối tác địa phương của chúng tôi sẽ có câu trả lời tốt hơn. Trong công việc, gmp luôn chia sẻ kinh nghiệm dữ liệu trong tổ chức thực hiện, truyền đạt lại cho các đối tác như VNCC, CDC… thông qua các cuộc họp với chuyên gia và các đối tác nước ngoài, một số đối tác sau này cũng đã hợp tác trực tiếp với họ trong các dự án khác. Phần lớn các dự án đều có kết cấu khẩu độ lớn và độ phức tạp cao, đòi hỏi thiết kế kiến trúc đặc thù với chất lượng cao nhất như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Trụ sở Bộ Công an hay Nhà Quốc hội… – Đó là những kết cấu mà bản thân các KTS hay KS giỏi của chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để tìm ra giải pháp. Rất nhiều phương án được cân nhắc trong quá trình thiết kế và thi công, tất cả việc triển khai này sẽ không thành công nếu như thiếu vắng những đối tác địa phương mạnh và uy tín.

Về phía gmp, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia, chủ đầu tư (BQLDA) và đối tác địa phương. Là tư vấn nước ngoài, chúng tôi luôn tham vấn ý kiến của các chuyên gia và đối tác để hoàn thiện hơn nữa những yếu tố kiến trúc địa phương, các chi tiết lịch sử văn hóa của dân tộc được tái hiện trong nội thất, họa tiết và hoa văn truyền thống trên đá, thảm hay trên mặt dựng…

Sự tham gia của các đối tác địa phương là không thể thiếu được, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, khi có công trình ở nước ngoài, gmp luôn mong muốn tiếp cận được đối tác uy tín để triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, có những rào cản nhất định trong quan hệ đối tác, đầu tiên chính là ngoại ngữ. KTS Việt Nam muốn làm đối tác với các công ty đa quốc gia thì việc đầu tiên là phải có kỹ năng này. Những năm gần đây, một lượng lớn các du học sinh đã quay lại hành nghề tại Việt Nam, do vậy điều này trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên các KTS trong nước cũng nên trang bị cho mình kỹ năng này

Rào cản quan trọng hơn nữa là sự thiếu vắng các kỹ sư chuyên ngành như: Kỹ sư trang âm, ánh sáng, kết cấu mặt dựng hay vật lý công trình gần như là không có hoặc không đảm bảo yêu cầu. Hiện các công ty tư vấn Việt Nam đều hoạt động đa lĩnh vực thiết kế, công việc này được thực hiện bởi các KTS và các chuyên gia, do vậy khi cần những đơn vị chuyên nghiệp, Gmp vẫn phải đưa các đối tác này tại Đức về để triển khai thực hiện.

Làm thế nào để cùng hợp tác theo quan điểm “win-win”?

Trong các cuộc thảo luận về nghề, cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập, KTS Việt Nam luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao các công trình lớn đều do KTS nước ngoài thiết kế? Đây là đề tài sâu rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh, nhưng một trong những nguyên nhân các tổ chức tư vấn địa phương lép vế trước các tư vấn nước ngoài phải kể đến thị trường chưa hoặc đang bước đầu hình thành các tư vấn chuyên ngành về như kỹ sư ánh sáng hay kết cấu mặt dựng, do vậy chưa thể đáp ứng được yêu cầu thiết kế của những công trình đặc thù có độ phức tạp cao.

Sân vận động, cầu dây văng, sân bay, trung tâm triển lãm hay trung tâm hội nghị là những công trình tầm cỡ quốc tế và khu vực, sự đòi hỏi về kiến trúc là 1 phần quan trọng, các KTS Việt Nam không thua kém trong khâu sáng tác, nhưng đi sâu vào chuyên môn, thì không thể tìm được đơn vị nào trong nước để thực hiện.

Thường thì khi thi tuyển phương án kiến trúc, KTS phải hợp tác với các kỹ sư chuyên ngành để lên phương án, tìm giải pháp… Là đơn vị uy tín, chúng tôi có thể mời các đối tác uy tín hàng đầu thế giới tham gia cuộc thi để dành cơ hội hợp tác sau này, nếu là đơn vị trúng tuyển. Một cuộc thi rất tốn kém, việc hỗ trợ kinh phí tham gia không tương xứng dẫn đến việc chỉ công ty nào hôi tụ đủ năng lực và tiềm lực kinh tế mới có thể tham gia sân chơi này. Để rút ngắn khoảng cách giữa tư vấn nước ngoài và tư vấn địa phương, việc kết hợp với nhau tham gia các cuộc thi cũng là giải pháp tốt để học hỏi kinh nghiệm và từng bước lớn mạnh.

Win-win (hai bên cùng thắng) là phương pháp giải quyết vấn đề làm sao cho tất cả các bên đều đạt được điều mình mong muốn. Phương pháp này đã được chúng tôi áp dụng khi vào thị trường mới. Với hơn 17 năm kinh nghiệm, chúng tôi khẳng định sự phát triển bền vững và tương lại rộng mở tại Việt Nam. Kiến trúc không phải ngành nghề để chia sẻ hay chuyển giao công nghệ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin (Mạng lưới vạn vật kết nối – IOT), các KTS có thể dễ dàng cập nhật các thông tin mới, nhưng duy nhất chỉ có “kinh nghiệm” là thứ mà các đối tác cần cùng nhau trao đổi và phát triển. gmp luôn sẵn sàng truyền tải kinh nghiệm của mình đến các đồng nghiệp và rất mong nhận lại những điều đó từ các đối tác – Để cùng nhau phát triển bền vững.

Gerkan, Marg und Partner (tiếng Đức: Architekten von Gerkan, Marg und Partner; tiếng Anh: Gerkan, Marg and Partners, tiếng Việt: Công ty kiến trúc von Gerkan, Marg và các cộng sự); viết tắt gmp, là văn phòng kiến trúc có trụ sở chính tại Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức với nhiều chi nhánh trên toàn cầu. gmp là một trong những công ty kiến trúc thành công nhất tại Đức, đồng thời tạo ra nhiều dấu ấn trong nền kiến trúc đương đại của thế giới, đặc biệt với các công trình kiến trúc hiện đại.

Công ty gmp mở văn phòng kiến trúc tại Hà Nội vào năm 2004 với 5 KTS sau khi thắng giải Cuộc thi thiết kế kiến trúc Tòa nhà Quốc hội Việt Nam vào năm 2003.

Đến năm 2020, gmp mới thực hiện được 5 công trình tại Việt Nam nhưng đều là những công trình có quy mô rất lớn với kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất và những công nghệ tiên tiến nhất lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Công ty gmp đã nhận hai giải thưởng kiến trúc cao nhất ở Việt Nam (do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thông tin trao tặng) là: Giải Nhất – Giải thưởng Kiến trúc 2006 cho công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam và Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014 cho công trình Tòa nhà Quốc hội Việt Nam.

Bảo tàng Hà Nội

ThS. KTS Trần Công Đức – Giám đốc gmp – Asia Pacific LLC
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)