Nhìn lại 5 công trình Giải Vàng – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020-2021

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 đang bước vào giai đoạn nước rút (30/12/2022), với rất nhiều sự quan tâm của các KTS trên cả nước. Nhằm truyền cảm hứng cho các tác giả tham dự, TCKT xin chia sẻ 5 công trình Giải Vàng – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020-2021. Trân trọng giới thiệu!

Xem thêm:

1. Nhà Bình Dương

Nhà Bình Dương là một dự án thú vị khi chủ đầu tư đã lựa chọn xây dựng nhà ngay trong khu vực sân vườn của quán ăn. Ở khu đất này, đội ngũ kiến trúc sư đã bị ấn tượng bởi 11 cây xanh hiện hữu cùng các góc nhìn thoáng. Với niềm tin cây xanh cũng như con người, có linh hồn và cần được cộng đồng tôn trọng, đội ngũ thi công đã giữ lại toàn bộ cây và sử dụng vị trí cây xanh định hình nên hình thái của ngôi nhà.

Đồng thời với suy nghĩ về việc tôn trọng, giữ gìn cây xanh và các môi trường tự nhiên, các kiến trúc sư đã nghiên cứu và thi công các hệ thống ngầm 2 lớp lọc ở sân vườn bằng các lớp gạch rỗng, đan xen với trồng cỏ. Do đặc điểm khu vực, nước thải sinh hoạt sẽ chảy qua một con mương nằm cạnh nhà, bằng cách này, nguồn nước thải sẽ được lọc trước khi đưa ra tự nhiên. Điều này cũng thể hiện khá rõ quan điểm: Sự bền vững trong kiến trúc không chỉ từ các giải pháp cho công trình xây dựng ở phía trên mà còn ẩn phía dưới công trình: Phần hạ tầng móng, hệ thống cấp thoát nước, các lớp đất, mạch nước ngầm cùng hệ thống rễ cây….

2. Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đã được xây dựng nền móng ý tưởng từ quan điểm: Công trình giáo dục không chỉ là tập hợp những lớp học mà trong đó kiến thức, kỹ năng được trao truyền từ các thế hệ thầy cô sang các thế hệ học sinh. Bên cạnh những giờ học chính thống, bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng tích cực đến cách các bạn học sinh suy nghĩ, cảm nhận hay hành động đều được xem là có tính giáo dục.

Với ý tưởng đó, các kiến trúc sư đã không chỉ kiến tạo một ngôi trường mà còn tổ chức các không gian học tập trong và ngoài lớp học một cách đa dạng, gắn bó chặt chẽ với địa hình, chú trọng nâng cao tinh thần học tập chủ động và tính sáng tạo. Hài hòa với thiên nhiên ở cả các yếu tố ưu và nhược điểm sẽ là trải nghiệm có tính giáo dục về sự tôn trọng tự nhiên mà nhà thiết kế hướng tới các bạn học sinh học tập tại đây.

3. Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định

Công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định được đặt tại một khu đất khá đặc biệt của TP Quy Nhơn, nơi đây từng là đường băng của sân bay quân sự trong thời chiến. Với đặc thù khu đất hẹp và dài thẳng theo trục Bắc Nam, kiến trúc sư đã lựa chọn một hình khối tổng thể đơn giản và cô đọng nhất. Mặt đứng công trình với những hàng cột ngẫu hứng theo một tỷ lệ khác lạ so với các công trình cùng thể loại và hướng mở ra về phía trung tâm TP Quy Nhơn, đón chào công chúng đến với địa điểm này.

Bao quanh công trình là các khoảng sân vườn, cây xanh cũng như công viên hiện trạng được cải tạo, hình thành nên các không gian công cộng dành cho công chúng. Công trình còn được thi công bởi chính những người công nhân địa phương, với các vật liệu trong nước hết sức thân thuộc và bình dị nhất. Bằng cách kết hợp này, đội ngũ thiết kế mong muốn mang đến cho công chúng cảm giác ngạc nhiên thú vị từ những điều gần gũi nhất.

4. Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

Cấu trúc phát triển không gian đô thị Hiệp Hòa được xây dựng dựa trên sự đánh giá tổng quan các vấn đề hiện trạng, tiềm năng, cũng như các dự báo về phát triển kinh tế – xã hội của toàn khu vực:

  • Kết hợp hợp lý giữa cấu trúc tập trung và phân tán để đô thị phát triển hài hòa, cân bằng và hiệu quả.
  • Chuyển biến từ một đô thị đơn tâm sang đa trung tâm gắn với các khu vực phát triển đô thị tập trung.
  • Hệ thống trung tâm được liên kết với nhau và với các khu vực lân cận bằng kết nối giao thông và các hoạt động kinh tế đa dạng.

Phân vùng phát triển để tận dụng các tiềm năng và cơ hội của mỗi khu vực đặc trưng trong Huyện, tạo điều kiện để đô thị phát triển năng động , hiệu quả và có bản sắc về kinh tế – xã hội – cảnh quan.

5. Sojo Hotel “Sự tiên phong mang tâm hồn Việt”

Ý tưởng của công trình bắt nguồn từ ý tưởng về một không gian cho những tâm hồn Việt trẻ trung, nơi mọi người có thể tận hưởng phong cách sống hiện đại theo cảm nhận của riêng mình.

Thiết kế mặt bằng phòng điển hình Sojo là một bước đột phá về giải quyết công năng trong một không gian vừa đủ nhưng vẫn tạo được cảm giác thoáng đãng và thú vị, rất thích hợp khi Sojo được chuẩn hóa và phát triển thành chuỗi khách sạn của các đô thị lớn, diện tích nhỏ khu trung tâm.

Sự táo bạo trong chọn vật liệu thô mộc với cảm hứng từ bề mặt bê tông thô trên các diện vách, sàn bê tông mài kết hợp với gạch hoa truyền thống, gạch gốm thô sơn trắng,… được nhóm thiết kế mạnh dạn áp dụng tạo nên tổng thể trẻ trung và cá tính, lồng ghép vào phần ánh sáng thiết kế linh hoạt, nhiều yếu tố giải trí và vui nhộn cũng là điểm nhấn của công trình.

Xem thêm:

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc