THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định
- Tác giả: Liên danh Công ty TNHH Studio Milou Singapore (StudioMilou Singapore Pte.,Ltd) và Công ty TAD
- Địa điểm: Thành phố Quy Nhơn
- Diện tích đất: 24.753 m2
- Diện tích xây dựng: 8.810 m2
- Tổng diện tích sàn: 16.954 m2
- Năm thiết kế: 2014
- Năm hoàn thành: 2020
Công trình đạt Giải Vàng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2021, Thể loại tác phẩm kiến trúc xuất sắc tại VN của KTS nước ngoài.
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cong-bo-ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2021.html
Trung tâm Hội nghị Bình Định 2020 – Khai thác tối ưu yếu tố bản địa
Với giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) ở thể loại Tác phẩm kiến trúc xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài, Trung tâm Hội nghị Bình Định 2020 (Liên danh Công ty TNHH StudioMilou Singapore (studioMilou Singapore Pte.,Ltd) và Công ty TAD) được đánh giá cao bởi sự ăn nhập của công trình với bối cảnh xung quanh, khai thác tốt các yếu tố văn hoá cũng như vật liệu và nhân công địa phương. Dưới đây là ý kiến của KTS Nguyễn Thành Trung – Đại diện Công ty TNHH StudioMilou Singapore (Giám đốc Công ty StudioMilou Việt Nam) chia sẻ với TCKT. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
StudioMilou là công ty kiến trúc với thế mạnh trong các công trình văn hoá, giáo dục như bảo tàng, nhà hát, công trình công cộng, trường đại học, trụ sở hành chính/ văn phòng, công trình di sản, bảo tồn, hay các dự án khu ở cao cấp quy mô từ nhỏ tới lớn, những dự án quy hoạch, cảnh quan với dấu ấn kiến trúc đặc trưng … các công trình có bối cảnh xã hội và hiện trạng phức tạp đòi hỏi có giải pháp ứng xử nhạy cảm. StudioMilou vinh dự dành được nhiều giải thưởng cao quý trong đó có Huân chương công trạng của Tổng thống Pháp dành cho cá nhân ông Jean Francois Milou – người sáng lập công ty studioMilou.
Với bất kỳ quốc gia nào, GTKTQG luôn có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, định hình sự phát triển kiến trúc nói riêng và tư duy thẩm mỹ nói chung của quốc gia đó. Tham gia GTKTQG, chúng tôi mong muốn mang đến niềm vui và hãnh diện cho những cá nhân đã hết mình tham gia vào dự án bởi họ xứng đáng với điều đó – Những người dân địa phương trực tiếp tham gia vào công trình trên mảnh đất quê hương của họ hẳn sẽ rất vui khi công trình được giới chuyên môn ghi nhận và xa hơn là sự ghi nhận của xã hội. Qua đó, chúng tôi mong mỏi truyền tải thông điệp về cái đẹp, về thẩm mỹ sẽ từng bước thay đổi trong cộng đồng nhỏ và dần lan rộng ra theo thời gian.
Đặc biệt, Chủ đề giải thưởng năm nay: “Khai thác bản địa – Kết nối công nghệ” rất thú vị, bắt nhịp với bối cảnh xã hội cũng như mục tiêu tương lai. Một khía cạnh của chủ đề này chính là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm trong công trình mới hoàn thành giữa bối cảnh giai đoạn đầu của đại dịch. Điều đó, một cách ngẫu nhiên, gợi ý cho chúng tôi gửi tác phẩm tham gia kỳ giải thưởng năm nay.
Công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định được đặt tại một khu đất khá đặc biệt của TP Quy Nhơn, nơi đây từng là đường băng của sân bay quân sự trong thời chiến. Với đặc thù khu đất hẹp và dài thẳng theo trục Bắc Nam, chúng tôi đã lựa chọn một hình khối tổng thể đơn giản và cô đọng nhất. Mặt đứng công trình với những hàng cột ngẫu hứng theo một tỷ lệ khác lạ so với các công trình cùng thể loại và hướng mở ra về phía trung tâm TP Quy Nhơn, đón chào công chúng đến với địa điểm này.
Bao quanh công trình là các khoảng sân vườn, cây xanh cũng như công viên hiện trạng được cải tạo, hình thành nên các không gian công cộng dành cho công chúng. Điều đặc biệt trong dự án này đó là việc chính quyền địa phương đồng ý và ủng hộ việc không xây dựng bức tường rào ngăn cách giữa công trình và không gian xung quanh. Đây có thể coi là một quyết định không thường thấy trong các công trình công cộng ở nước ta. Chỉ một chi tiết nhỏ này đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của công chúng, công trình thực sự trở thành một điểm đến nơi công chúng cảm giác được sở hữu không gian, được tự do trong việc tiếp cận công trình công cộng theo đúng nghĩa của nó.
Công trình còn được thi công bởi chính những người công nhân địa phương, với các vật liệu trong nước hết sức thân thuộc và bình dị nhất. Bằng cách kết hợp này, chúng tôi mong muốn mang đến cho công chúng cảm giác ngạc nhiên thú vị từ những điều gần gũi nhất. Đó chính là sự “Khai thác Bản địa” mà chúng tôi muốn hướng đến.
Ý kiến của Hội đồng Giám khảo
Công trình đã đạt được các tiêu chí khắt khe về tiêu chuẩn, quy chuẩn hay kỳ vọng của một công trình Trung tâm Hội nghị cấp tỉnh. Cách hiện diện rất hữu cơ với bình địa cùng sự cuốn hút vi diệu đã đem đến những cảm nhận về công trình này. Công trình có vẻ ngoài bề thế và hoành tráng trong một hình hài cô đọng, thanh thoát, vẫn đủ sang trọng mà gần gũi, bình dị, dù dường như thô mộc, giản đơn. Rõ là, sáng tạo tác phẩm đã cho một bất ngờ về cảm nhận.
Sự tối giản trong xử lý, từ sắp xếp cấu trúc của mặt bằng trong một hình học cơ bản là chữ nhật, đến kết cấu công trình phổ thông đơn giản, kết hợp với sử dụng vật liệu mang hơi thở bản địa… mà vẫn tạo hiệu quả không gian tổng thể sinh động, ấn tượng. Điều ngạc nhiên nữa là, kinh phí đầu tư với giá thành rất rẻ, điều mà nhiều công trình cùng và khác loại, với độ lan tỏa về thẩm mỹ và hợp lý về thích dụng còn thua kém, vẫn luôn ao ước mà chưa bao giờ đạt được.
Tố Uyên – TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)