Bảo tồn các di sản đô thị, nông thôn theo hướng bảo tồn thích ứng

Luật Di sản Văn hóa (số 28/2001/QH10 của Quốc hội) đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”.

Luật Kiến trúc (số 40/ 2019/QH14) đã có các nội dung quy định công tác bảo tồn, kế thừa các giá trị văn hóa trong hoạt động kiến trúc.

Việc gìn giữ các di sản văn hóa là mục tiêu không còn bàn cãi. Tuy nhiên, cách gìn giữ bảo tồn di sản như thế nào lại là vấn đề vẫn luôn có sự khác biệt về quan điểm, nhất là với các di sản kiến trúc.

Bản thân di sản kiến trúc tồn tại trong xã hội đương đại đã chứa đựng những xung đột tự thân. Khi công trình kiến trúc được ra đời, mục tiêu của nó là phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hay nhu cầu tinh thần, tâm linh của xã hội của thời kỳ đó. Sau hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm, bối cảnh xã hội và cả quan niệm về tôn giáo, tâm linh cũng thay đổi, công trình kiến trúc di sản đó đương nhiên không còn hoàn toàn phù hợp về chức năng với mục tiêu sử dụng của xã hội đương đại, đó chính là xung đột tự thân. Thời gian cũng thường hủy hoại kiến trúc, muốn tu bổ, tôn tạo như nguyên gốc đòi hỏi nguồn kinh phí để thực hiện không hề nhỏ. Hai điều này luôn là vấn đề khó của công tác bảo tồn di sản.

Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động
Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động

Trên thế giới có nhiều cách thức bảo tồn, có thể tổng kết lại 4 nhóm sau (1):

  • Cách 1: Bảo tồn nguyên trạng: Đề cao tính gốc, xác thực (authenticity) ngay cả khi phương án kinh phí cho bảo tồn tốn kém, không khả thi hay chấp nhận di sản chỉ phù hợp với thời đại quá khứ của nó và lạc lõng với bối cảnh đương đại;
  • Cách 2: Bảo tồn trên cơ sở kế thừa: Bảo tồn và kế thừa những giá trị gốc cốt lõi nhất nhưng cần đảm bảo di sản có thể phù hợp với xã hội đương đại (adaptivity and appropriate), có thể loại bỏ những gì không phù hợp với xã hội mới;
  • Cách 3: Bảo tồn gắn liền với phát triển, khai thác: Đề cao việc làm thế nào để di sản sống và phát huy được tác dụng trong bối cảnh đương đại và tương tác nhiều với cộng đồng, chứ không quá quan trọng việc bảo tồn nguyên gốc hay giữ gìn, kế thừa giá trị cốt lõi. Khai thác để làm du lịch là đại diện cho cách tiếp cận này;
  • Cách 4: Kết hợp các cách trên theo hoàn cảnh thực tiễn và quan điểm: Có thể kết hợp giữa các nhóm 1 và 2 hoặc giữa 1 và 3. Tùy theo loại hình di sản và điều kiện phát huy giá trị. Đây cũng chính là cách theo xu hướng bảo tồn thích ứng mà một số trường hợp bảo tồn của quốc tế đã áp dụng. Hoặc còn có tên gọi: Tái sử dụng thích ứng (Adaptive reuse) (2), (3).

Cả 4 cách này đều là cách làm đúng, sự khác biệt chính là mục tiêu mong muốn đạt được và trong điều kiện, bối cảnh phù hợp.

Nếu muốn gìn giữ một di tích để đời sau hiểu đúng về một công trình kiến trúc, nghệ thuật nguyên bản tại thời điểm nó ra đời thì cách 1 là đúng đắn nhất, nguyên tắc đảm bảo tính xác thực và nguyên gốc phải đặt lên hàng đầu.

Cách 2 và 3 là cách thức để trả lời cho câu hỏi: Bảo tồn di sản để làm gì? – Bảo tồn chỉ để hiểu về quá khứ hay phải để di sản cất lên tiếng nói và di sản phải có vai trò với đời sống đương đại mới là quan trọng? Liệu có thể phát huy vai trò của di sản mà không phải tốn kém phục hồi như nguyên gốc không?

Những người ủng hộ cách 1 luôn có sự phản bác với những người làm theo cách 2 và 3. Ví dụ khi bảo tồn công trình kiến trúc cổng làng truyền thống – Theo cách 1 bảo tồn là phải giữ nguyên cổng tại vị trí cũ như nguyên gốc, nếu xây dựng đường ô tô vào làng nhất quyết phải làm đường mới ở lối khác, cho dù có phải đền bù giải phóng mặt bằng rất tốn kém, cho dù phải chờ đợi lâu về kinh phí. Cách 2 sẽ ủng hộ giải pháp có thể dịch chuyển cổng lên trước để mở đường ô tô vòng vào làng mà không phải phá dỡ nhà. Cách 3 không những ủng hộ cách 2 mà còn đề nghị xây thêm quán nước cạnh cổng để phục vụ khách du lịch.

Vấn đề này đang là thực tiễn đòi hỏi công tác lý luận phải làm sáng tỏ, tránh những sự tranh cãi không những không thúc đẩy được công tác bảo tồn mà còn có khi làm cản trở hoạt động đó.

Một thực tế ở nước ta là hiện nay Nhà nước mới chỉ công nhận được một số nhỏ các di sản là di tích và được quản lý theo luật Di sản văn hóa. Hiện còn rất nhiều các di sản khác, do quy mô nhỏ, phân tán ví dụ như các di sản trong các làng truyền thống chưa được đưa vào danh mục bảo tồn. Một phần cũng vì nguồn ngân sách hạn chế, không thể có kinh phí của nhà nước để tu bổ tôn tạo tất cả các di sản đó. Ngoài ra, bên cạnh các di tích là công trình tôn giáo tín ngưỡng, còn nhiều các di sản đang “sống” trong cộng đồng như phố cổ Hà Nội, các làng cổ, nhà cổ với số lượng rất nhiều đòi hỏi phải có biện pháp bảo tồn phù hợp, không chỉ bảo tồn cứng như với các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng.

Quan điểm bài viết đưa ra là không có một cách bảo tồn, một phương pháp duy nhất cho mọi trường hợp, mà phải bảo tồn theo phương pháp “bảo tồn thích ứng”, kết hợp các cách trên theo mục tiêu và hoàn cảnh thực tiễn.

Khái niệm về “bảo tồn thích ứng”

Bảo tồn thích ứng (adaptation) là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại.

Khái niệm thích ứng được hiểu là sự thích hợp, sự phù hợp, không phải chỉ tại thời điểm bảo tồn mà còn thích hợp ở các giai đoạn khác nhau của đời sống xã hội.

Phương pháp này áp dụng cả nhóm di sản đã được công nhận là di tích và nhóm di sản chưa được công nhận là di tích. Đặc biệt quan tâm áp dụng cho các di sản không phải là di tích và đang tồn tại “sống” trong cộng đồng.

Giếng làng Hương Ngải trước và sau cải tạo, chỉnh trang
Giếng làng Hương Ngải trước và sau cải tạo, chỉnh trang

Các luận điểm chủ yếu

a.Nhận diện đúng giá trị của di sản, cả các giá trị gốc và các giá trị mới hình thành trong quá trình tồn tại của di sản, giá trị đương đại. Coi trọng giá trị tích hợp cả vật thể và phi vật thể, giá trị vai trò của di sản trong cuộc sống đương đại;

b.Bảo tồn tối đa các giá trị gốc còn lại, kế thừa, chuyển tiếp các giá trị, lựa chọn và thiết lập các giá trị mới bổ sung để di sản sống được trong bối cảnh đương đại. Việc lựa chọn các giải pháp chuyển tiếp hay bổ sung giá trị tùy thuộc vào đặc điểm của di tích, được cân nhắc trên góc độ chuyên môn và ý kiến của cộng đồng;

Trong các trường hợp có xung đột về bảo tồn và phát triển cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo tồn được các giá trị tích hợp, mục tiêu phát huy được vai trò của di sản trong cuộc sống đương đại. Nguyên tắc đó là cơ sở xuyên suốt để lựa chọn giải pháp bảo tồn.

c. Bảo tồn và phát triển phải tạo lập được cơ chế của sự tham gia chủ động của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tu bổ và quản lý di sản tại các khu vực có di sản “sống”. Cộng đồng phải được hướng dẫn về cách thức bảo tồn và có sự hỗ trợ chuyên môn đầy đủ trong quá trình thực hiện bảo tồn;

d. Bảo tồn đi cùng với phát triển du lịch là cách bảo tồn có hiệu quả. Du lịch truyền bá được những giá trị văn hóa của di sản đến du khách. Du lịch tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn. Di sản tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn thúc đẩy du lịch phát triển;

e. Việc bảo tồn di sản không chỉ dựa vào các cơ chế quy định trong luật Di sản văn hóa hiện hành mà còn dựa vào các cơ chế khác như lập và quản lý Quy hoạch xây dựng nông thôn, các hoạt động khai thác du lịch… để thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị.

Về nhận diện giá trị: Là công việc quan trọng bởi có nhận diện đúng giá trị mới có thể có giải pháp bảo tồn đúng, tránh việc bảo tồn được giá trị này lại làm mất đi giá trị khác. Quan điểm nhìn nhận giá trị của phương pháp này là quan điểm nhìn nhận giá trị tích hợp của 3 nhóm giá trị (4):

Nhóm 1: Giá trị tự thân của công trình, khu vực di sản: Là giá trị gốc, bao gồm các giá trị như:

  • Giá trị kiến trúc, nghệ thuật: Những giá trị kiến trúc, nghệ thuật nổi bật, tiêu biểu cho một phong cách, loại hình kiến trúc, trang trí hay điêu khắc, tiêu biểu cho một giai đoạn, có tính toàn vẹn còn được giữ gìn…;
  • Giá trị lịch sử: Giá trị về niên đại, thể hiện sự hiếm có của di sản còn lại qua thời gian, thể hiện sự tiêu biểu của hiện vật với một giai đoạn lịch sử, công trình hay không gian là chứng tích cho những sự kiện lịch sử. Giá trị này vừa là giá trị gốc, cũng vừa là giá trị bổ sung theo thời gian;
  • Giá trị phương thức xây dựng truyền thống, tri thức bản địa: Giá trị văn hóa của phương thức xây dựng, kỹ thuật xây dựng, các kinh nghiệm bản địa đặc sắc, rất đáng để các thế hệ sau học tập.
  • Giá trị văn hóa phi vật thể trong công trình: Các giá trị văn hóa về tín ngưỡng, phong tục tập quán truyền thống, nghệ thuật biểu diễn… tồn tại đi kèm với công trình kiến trúc, không gian;
Giếng Đồng Bương ở làng Ước Lễ được thả hoa Súng
Giếng Đồng Bương ở làng Ước Lễ được thả hoa Súng

Nhóm 2: Giá trị kế thừa, chuyển tiếp trong bối cảnh đương đại. Giá trị này nếu nhìn về thời gian coi là gốc của di sản thì nó chưa hình thành, mà nó được hình thành dần từ quá khứ cho đến ngày hôm nay;

  • Giá trị cảnh quan: Các tổ hợp cây xanh, mặt nước, địa hình, bầu trời. Các yếu tố này thường xuyên thay đổi, tuy có được dựa trên một số yếu tố chính như cây cổ thụ, bờ sông, bến nước…nhưng vẻ đẹp của nó là sự kết tinh qua thời gian, đặc trưng của sự phát triển sinh học của cây, của sự thay đổi tự nhiên khí hậu, thời tiết tác động đến địa hình, không có các giá trị gốc tuyệt đối. Những rễ cây trùm lên một kiến trúc cổ, tạo thêm cho chất cổ kính của công trình, nếu nhìn về giá trị cảnh quan thì nó là giá trị mới được bổ sung;
  • Giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực: Giá trị này không hẳn là giá trị lịch sử bởi có thể nó được tái hiện, tái tạo hoặc phục dựng phần vỏ để giữ phần hồn. Một chiếc cổng làng xây mới, không đặt ở vị trí cũ, không có chút nào giống với mẫu cũ vẫn mang giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc làng Việt vì nó đã chuyển hóa thành giá trị biểu tượng về tính riêng của làng trong đời sống đương đại. Một bụi Tre nếu được trồng lại ở cạnh cổng làng, dù không chính xác ở vị trí trước đây vẫn tạo nên giá trị về hình ảnh cổng làng – lũy tre, về một cộng đồng có tính tự quản cao.
  • Giá trị văn hóa xã hội đương đại: Khi một công trình cũ nằm trong một khu vực dân cư hiện tại nó đều phải có sự chuyển biến để có một giá trị nhất định trong đời sống đương đại, nếu không trước sau cũng bị phá bỏ. Cổng làng, giếng làng, cầu đá, nhà cổ, cổng nhà, tường rào cũ…trong làng truyền thống là những ví dụ điển hình về sự mong manh trong giá trị văn hóa xã hội đương đại. Vì vậy đánh giá giá trị của chúng cũng phải đặt trong câu hỏi liệu chúng có giá trị gì trong đời sống đương đại, chúng có khả năng tiếp nhận, dung nạp thêm các chức năng mới, phù hợp với cuộc sống đương đại không. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, nhà thờ họ thường được gìn gìn tốt do giá trị tâm linh tín ngưỡng với cộng đồng vẫn còn, dễ bảo tồn hơn là nhà cổ hay giếng làng.

Nhóm 3: Giá trị tích hợp nâng cao

Sự tích hợp giá trị của nhóm 1 và nhóm 2 không phải là phép cộng. Giá trị di sản khi tích hợp các giá trị nó được nhân giá trị lên gấp bội. Vì vậy rất cần nhìn nhận giá trị một cách đầy đủ, hệ thống.

Nhóm 1 thiên về giá trị tự thân của di sản, khả năng bảo tồn, nhóm 2 thiên về giá trị đương đại, khả năng phát huy giá trị. Nếu tích hợp đầy đủ thì ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị đã có cơ sở để cùng tồn tại. Nếu di sản chỉ có giá trị nhóm 1 thì chưa có gì chắc chắn để có thể bảo tồn thành công.

Nhìn nhận đầy đủ nhóm giá trị giúp cho việc định hướng gìn giữ phát huy giá trị có tính khả thi vì có thể giá trị này không cao, bù lại đã có các giá trị khác. Các giải pháp bảo tồn, tu bổ cũng cần nhìn tới mục tiêu tích hợp này, tránh những mục tiêu đơn lẻ, việc đầu tư kém hiệu quả.

Phối hợp các quan điểm nhận diện giá trị: Việc nhận diện giá trị cần coi trọng cả quan điểm của nhà chuyên môn và quan điểm của cộng đồng.

  • Nhận diện giá trị của nhà chuyên môn về di sản: Với các công trình là di tích và công trình đã được kiểm kê việc đề xuất để công nhận di tích đã được thực hiện bởi các nhà chuyên môn, qua các hội đồng đánh giá, đã được ghi trong hồ sơ công nhận di tích nên đã có tính khoa học, cần tuân thủ đúng trong quá trình tu bổ, tôn tạo và quản lý bảo tồn.
  • Nhận diện giá trị của nhà tư vấn quy hoạch: Các KTS tư vấn thiết kế, quy hoạch là người có trách nhiệm nhận diện giá trị của công trình không phải là di tích để có cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn theo hướng thích ứng trong đồ án quy hoạch. Trường hợp cần thiết nên mời các chuyên gia bảo tồn về di sản tham gia để có sự đánh giá đúng giá trị.
  • Sự phối hợp của chính quyền địa phương và cộng đồng: Việc nhận diện giá trị của di sản, cách thức sử dụng khai thác di sản phải có ý kiến của chính quyền và cộng đồng vì trong nhiều trường hợp cộng đồng dân cư là người tạo ra và gìn giữ di sản.

Tính giá trị khác biệt theo địa điểm: Lưu ý về thước đo giá trị di sản không giống nhau giữa các làng, đặc biệt là giá trị phí vật thể gắn với di sản vật thể.

Ví dụ như với các nhà chuyên môn, có thể giá trị một cổng của làng này cũng được đánh giá giá trị tương đương với cổng của một làng khác nếu xét trên khía cạnh kiến trúc, nghệ thuật. Tuy nhiên, không đồng nghĩa là giá trị văn hóa, tâm linh của 2 cổng làng đó cũng như nhau trên góc độ đánh giá của cộng đồng 2 làng.

Một di sản được nhận diện, đánh giá giá trị đúng là phải tập hợp được đầy đủ các quan điểm trên. Trường hợp có xung đột trong nhận diện giá trị phải có sự trao đổi kỹ giữa các bên tham gia để thống nhất trước khi thực hiện công tác bảo tồn.

Nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị

  • Bảo tồn tối đa các giá trị gốc còn lại: Việc gìn giữ những giá trị gốc của di sản là nguyên tắc hàng đầu bởi những giá trị đó nếu mất đi sẽ không thể lấy lại. Vì vậy cần cố gắng giữ những yếu tố gốc là cơ sở để hình thành những giá trị văn hóa, tinh thần của di sản. Yếu tố gốc cũng là những tài liệu sống cho việc truyền bá đến thế hệ sau những di sản văn hóa của thế hệ cha ông để lại;
  • Bảo tồn kế thừa, chuyển tiếp các giá trị: Gồm các dạng kế thừa, chuyển tiếp sau:
    • Bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa hình thành qua các giai đoạn: Một di tích như đình, chùa có thể trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Mỗi một giai đoạn có thể được trùng tu, tôn tạo tạo nên những giá trị mới. Ví dụ như một ngôi chùa có thể có dấu ấn đời Lê, đời Nguyễn, các giá trị kiến trúc, nghệ thuật từ nhiều giai đoạn là sự bổ sung, kế thừa cho các giá trị;
    • Bảo tồn các giá trị mới xuất hiện: Giá trị cảnh quan của di tích hình thành qua thời gian, giá trị sinh thái, giá trị về công nghệ xây dựng hiếm so với hiện nay;
    • Bảo tồn các giá trị chuyển tiếp do chức năng của công trình có thể thay đổi qua các giai đoạn lịch sử. Ví dụ cổng làng sau năm 1954 đã không có ý nghĩa bảo vệ cho làng, dần nó đã trở thành công trình có ý nghĩa biểu tượng, giá trị gắn kết tinh thần của cộng đồng truyền thống. Việc bảo tồn công trình đã mang một ý nghĩa giá trị khác, đó là bảo tồn vì tính biểu tượng, giá trị tinh thần của công trình.
  • Bảo tồn bổ sung các giá trị: Thiết lập bổ sung giá trị mới để di sản sống được trong bối cảnh đương đại. Chú trọng bổ sung, tích hợp các giá trị phi vật thể. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng:
    • Tạo nên sức sống cho di tích, khi di tích sống sẽ có điều kiện để huy động nguồn lực xã hội bảo tồn, giảm trông chờ vào nhà nước;
    • Di sản có chức năng mới không xung đột với gìn giữ giá trị gốc là giải pháp tốt để phát huy giá trị di sản;

Tuy nhiên đây cũng là nguyên tắc dễ gây là sự ngộ nhận như phá bỏ cái cũ, làm lại hoàn toàn công trình mới hoặc cách làm lệch lạc, bảo tồn chắp vá tùy tiện… vì vậy cần lưu ý các điểm sau:

  • Việc bổ sung giá trị chủ yếu là các giá trị sử dụng, tinh thần để không làm thay đổi hình thái, diện mạo vật thể của di sản gốc. Ví dụ giếng làng có thể thành không gian giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, không phá hoặc lấp đi;
  • Việc lựa chọn các giải pháp chuyển tiếp hay bổ sung giá trị tùy thuộc vào đặc điểm của di tích, được cân nhắc trên góc độ chuyên môn và có ý kiến của cộng đồng;
  • Trong các trường hợp có xung đột về bảo tồn và phát triển cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo tồn được các giá trị tích hợp, mục tiêu là phát huy được vai trò của di sản trong cuộc sống đương đại. Nguyên tắc đó là cơ sở xuyên suốt để lựa chọn giải pháp bảo tồn.

Bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng

Với những khu vực di sản đô thị, nông thôn có cộng đồng sinh sống, bảo tồn thích ứng phải tạo lập được cơ chế của sự tham gia chủ động của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tu bổ và quản lý di sản. Cộng đồng phải được hướng dẫn về cách thức bảo tồn và có sự hỗ trợ chuyên môn đầy đủ trong quá trình thực hiện bảo tồn.

  • Xây dựng cơ chế: Xây dựng cơ chế mà người dân được tham gia nhiều nhất trong các hoạt động về bảo tồn và quản lý di sản. Chính quyền – cộng đồng – doanh nghiệp đầu tư được phân vai rõ ràng.
  • Hướng dẫn thực hiện: Phương pháp bảo tồn thích ứng phải được phổ biến, hướng dẫn đến cộng đồng, đặc biệt là cách nhận diện đúng giá trị, cách lựa chọn giá trị mới và cách thức thực hiện bảo tồn, quản lý di sản. Tránh sự thiếu hiếu biết dẫn đến tu bổ tùy tiện, pha tạp văn hóa khác hay làm mất đi ý nghĩa chính của di sản. Ví dụ như việc xây lại cổng làng với quy mô đồ sộ và đặt phía ngoài đường liên hệ, thành cổng chào là không đúng với giá trị tinh thần và ý nghĩa của cổng vốn luôn gắn liền với khu vực cư trú của cộng đồng.
  • Vận động sự tham gia của cộng đồng và xã hội: Vận động cộng đồng người dân làng, doanh nghiệp và mối quan hệ khác như dòng họ, đồng hương…đóng góp ý kiến, kinh phí và giám sát thực hiện, quản lý di sản.
  • Sử dụng công nghệ thông tin, trang web: Thông qua truyền thông để tạo các hệ thống thông tin, tổ chức hoạt động phổ biến về di sản, tạo sự thay đổi trong nhận thức về bảo tồn di sản.

Một vấn đề cũng cần được xem xét đó là việc cần thiết phải công nhận các di sản trong các làng xã truyền thống, do cộng đồng dân cư tạo nên và gìn giữ. Cần công nhận cấp “Di sản văn hóa cộng đồng” (Community Heritage) để khuyến khích cộng đồng và địa phương gìn giữ di sản, không chỉ có 3 cấp công nhận là Di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh và cấp quốc tế (UNESCO công nhận) như hiện nay.

Bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động du lịch

Đây là cách mà bảo tồn thích ứng hướng tới bởi du lịch là cách phát huy giá trị di sản tốt nhất và cũng mang lại nguồn lợi để hỗ trợ cho việc tu bổ tôn tạo di sản. Nguyên tắc để bảo tồn và khai thác du lịch là:

  • Lựa chọn những loại hình di sản có thể tham gia vào việc tạo lập các sản phẩm du lịch, từ đó có định hướng bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị. Ví dụ giá trị cảnh quan cũng cần được coi trọng như giá trị kiến trúc, khảo cổ vì cảnh quan dễ tạo nên sản phẩm du lịch, cho du khách cảm thụ, dễ tạo ấn tượng đẹp về điểm đến du lịch.

Ví dụ ngôi nhà cổ xây bằng gạch đất, gạch đá ong ở Đường Lâm có giá trị về phương thức xây dựng truyền thống. Nhưng với trào lưu chụp ảnh lưu niệm hiện nay, giá trị cảnh quan, màu sắc, chất cảm của các vật liệu đó đã trở thành giá trị chính, được rất nhiều khác du lịch tìm đến đến để chụp ảnh nghệ thuật, ảnh cưới. Vì vậy khi bảo tồn phải chú ý đến tu bổ để gìn giữ giá trị này;

  • Đối với du lịch, giá trị tích hợp của di sản rất quan trọng. Ví dụ như với du khách thăm quan nhà cổ, một ngôi nhà cổ tuổi đời chỉ hơn 100 năm nhưng có đầy đủ đồ đạc, vật dụng toát nên câu chuyện đời sống văn hóa phong phú của hộ gia đình sẽ được du khách đánh giá cao hơn là nhà cổ dù đã 200-300 năm nhưng không thể hiện các đặc trưng đời sống của ngôi nhà;
  • Thúc đẩy việc tái hiện lại các không gian, cảnh quan lịch sử, hoạt động văn hóa thay vì bảo tồn dạng bảo tàng bày hiện vật trong nhà. Ví dụ như tại làng truyền thống, du khách sẽ rất có ấn tượng nếu có thể tái hiện cảnh ngày mùa với xe bò, cây rơm và con đường làng ngập màu vàng rơm hơn là chỉ nhìn thấy trong ảnh trưng bày.

Vận dụng kết hợp các chính sách, pháp luật hiện hành

Việc bảo tồn di sản không chỉ dựa vào các cơ chế quy định trong Luật Di sản Văn hóa hiện hành mà còn dựa vào các cơ chế khác như Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc trong việc lập và quản lý Quy hoạch xây dựng nông thôn, các hoạt động khai thác du lịch…để thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị.

Trong công tác quy hoạch xây dựng, các quy định về sử dụng đất, định hướng kiến trúc cảnh quan rất có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn. Tác động lớn đến định hướng bảo tồn các di tích và di sản mang tính khu vực.

Một số ví dụ về phương pháp bảo tồn thích ứng tại các làng truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng

Nguyên tắc và giải pháp bảo tồn các giếng làng

* Nguyên tắc:

Giếng làng có 2 giá trị cơ bản là cung cấp nước sạch và gắn kết cộng đồng, cả 2 giá trị hiện đã bị suy giảm rõ rệt.

Giải pháp bảo tồn thích ứng ở đây là vừa bảo tồn các giá trị gốc vừa tìm cho giếng làng một giá trị mới, đó là giá trị giáo dục về bảo vệ môi trường nước, giá trị tạo bản sắc, dấu ấn cảnh quan của làng xã cũng là một giá trị có thể phát huy.

Tiến hành bảo tồn, tôn tạo tổ hợp cảnh quan ao làng, giếng làng với cây xanh xung quanh để tạo không gian sinh hoạt cho cộng đồng. Có thể thả sen vào giếng làng cũ như một giải pháp biến đổi chức năng theo hướng tạo giá trị cảnh quan mới cho giếng làng.

Việc bảo tồn tĩnh đang được thực hiện chỉ đơn giản là rào lại, đậy nắp giếng không phải là giải pháp bảo tồn tích cực, không giữ được giá trị sử dụng và giá trị tinh thần, nước bị tù đọng do không sử dụng, giá trị tinh thần, ý nghĩa xã hội và cả giá trị tâm linh về phong thủy của nguồn nước cũng suy giảm.

* Một số giải pháp cụ thể:

  • Bơm nước giếng để rửa, tưới cây thường xuyên (Các giếng miệng hẹp, giếng ở gần khu trung tâm, gần chợ…)
  • Tạo lập không gian giao tiếp, với các giếng có không gian xung quanh rộng: Cải tạo cảnh quan, trồng hoa, cây xanh, giàn cây leo…bố trí ghế nghỉ để tạo không gian giao tiếp cho cộng đồng.
  • Thả sen, súng ở giếng nước có kích thước miệng giếng lớn. Biến giếng thành yếu tố tạo cảnh quan.

Nguyên tắc và giải pháp bảo tồn cổng làng truyền thống

*Nguyên tắc: Cổng làng hiện đã mất đi giá trị bảo vệ nhưng có nhiều giá trị mới được hình thành, đó chính là tính biểu tượng về tinh thần gắn kết của cộng đồng, thể hiện sự tự hào của cộng đồng với làng xóm, nó cũng là một thành tố mới tạo bản sắc và dấu ấn nơi chốn.

Nhìn nhận trên khía cạnh này thì với các cổng cũ đã hoàn toàn bị phá bỏ, không thể khôi phục lại vị trí cũ và được người dân xây lại ở vị trí mới (theo ranh giới làng mở rộng), có kiến trúc mới cũng có thể coi là một biện pháp bảo tồn thích ứng tích cực vì đã gìn giữ được giá trị tinh thần của di sản.

Trong trường hợp vẫn còn cổng cũ, hoặc chỉ còn 1 phần nếu cản trở lối vào làng do kích thước nhỏ không phù hợp với phương tiện xe (trường hợp xung đột chức năng cũ và chức năng đương đại) thì có thể tính tới 2 giải pháp: Giữ nguyên vị trí và mở lối đi sang bên (trường hợp có thể mở được).

Trường hợp không thể mở lối khác vào làng thì có thể chấp nhận chuyển dịch cổng sang ngay bên cạnh, giữa nguyên được hình thái kiến trúc cũ. Lúc này cổng có vai trò như một hình ảnh biểu tượng, dấu ấn lịch sử của làng xóm. Không phá cổng cũ xây cổng mới.

Bổ sung khóm tre cạnh các cổng như một yếu tố tạo dấu ấn cảnh quan đặc trưng của làng truyền thống (các cổng còn có không gian trống)

* Các giải pháp bảo tồn với các dạng di sản cổng khác nhau:

  • Bảo tồn nguyên gốc, tu bổ, tôn tạo thường xuyên: Với các cổng được đánh giá có giá trị kiến trúc, nghệ thuật cao.
  • Bảo tồn và bổ sung các cảnh quan tạo bản sắc làng: Bổ sung khóm, lũy tre, đường lát gạch.
  • Bảo tồn kiến trúc cổng, mở rộng không gian xung quanh cho ô tô đi, tạo lối đi bộ, lát nền gạch. Cổng trở thành điểm nhấn không gian vào làng, mang ý nghĩa dấu ấn nơi chốn.

Kết luận

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là công việc quan trọng và đòi hỏi có lý luận vững chắc để có thể thực hiện đúng. Các lý luận tốt sẽ định hướng cho cách làm tốt. Rất cần những nghiên cứu và sự chia sẻ rộng rãi hơn để phương pháp bảo tồn thích ứng có thể được vận dụng vào thực tiễn, qua đó cũng đúc rút những kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả để từ đó củng cố và hoàn chỉnh lại lý luận.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường
Trường ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 11-2020)


Tài liệu tham khảo

  1. Tô Kiên (2019). Phát triển và cải tạo đô thị gắn với bảo tồn di sản: Kinh nghiệm quốc tế và Nhật Bản. Tạp chí Quy hoạch đô thị. Số 35-36. 2019;
  2. H Hasnain1 and F Mohseni1. Creative ideation and adaptive reuse: a solution to sustainable urban heritage conservation. IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. Volum 126. Conference;
  3. Cherchi P F 2015. Adaptive Reuse of Abondoned Monumental Buildings as a Strategy for Urban Liveability Athens. Journal of Architecture 1 253-70
  4. Phạm Hùng Cường (2018). Nhận diện giá trị Di sản trong công tác bảo tồn. Tạp chí Kiến trúc – Số 10-2018