Nằm trong khuôn khổ Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, sáng ngày 16/12/2020, tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam, 40 Tăng Bạt Hổ đã diễn ra tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo”. Đây là sự kiện được tổ chức nhằm trao đổi trao đổi với các chuyên gia, cố vấn, cung cấp thông tin cho các cá nhân, nhóm và tổ chức mong muốn tham dự cuộc thi về Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tổn, quản lý di sản, văn hóa. Đặc biệt, sự kiện có sự hiện diện của Ông Đặng Kim Khôi, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam; Ông Dương Ngọc Long – Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Viện Phó Viện Kiến trúc Quốc gia Bộ Xây dựng; Ông Trương Ngọc Lân – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển các dự án nghệ thuật công cộng Phố Bích họa Phùng Hưng và Phố ven sông Phúc Tân, cùng đông đảo các đơn vị báo chí, truyền hình trung ương và Hà Nội.
Mở đầu tọa đàm, Ông Đặng Kim Khôi, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ mong muốn tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến mang tính chất gợi mở, các giải pháp cân bằng và phù hợp cho việc sử dụng không gian sau khi di dời nhà máy, từ kinh nghiệm thực tế của các nước trên thế giới đến việc áp dụng kiến trúc, công nghệ.
Tại tọa đàm, chia sẻ quan điểm về tham luận “Di sản công nghiệp – Một cách tiếp cận mới trong việc chuyển đổi các nhà máy cũ ở nội đô”, PGS.TS. KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho biết: “Trên thế giới, nhiều thành phố đã chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố của du lịch, dịch vụ và công nghệ. Các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân. Tại Hà Nội hiện vẫn còn tương đối nhiều nhà máy trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp.”
Đồng ý kiến với PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, KTS Trương Ngọc Lân, Trường Đại học Xây dựng cho biết: “Qua khảo sát sơ bộ 10 nhà máy tại Hà Nội chúng tôi thấy rằng, mỗi công trình đều chứa đựng nhiều giá trị văn hóa-lịch sử, gợi nhắc đến cho người dân một thời kỳ hoa lửa của Thủ đô Hà Nội. Nếu nhìn bình thường thì nhà máy là cũ kỹ nhưng nó lại có giá trị quan trọng trong việc khai sinh ra một nền công nghiệp nào đó, gắn liền với một đại bộ phận công nhân”.
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng di sản công nghiệp là thành phần không thể tách rời của di sản văn hóa và Hà Nội có không ít nhà máy chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử được xem như những di sản công nghiệp. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển thành phố sáng tạo sau khi được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc