Giải pháp kiến trúc nâng cao giá trị sử dụng của cộng đồng tại công viên di tích lịch sử gò Đống Đa

Thông qua phương pháp khảo sát thực trạng, tổng hợp và phân tích dữ liệu kết hợp với một số phương pháp nghiên cứu khác, bài báo đề xuất giải pháp tổ chức không gian của công viên gò Đống Đa để thích ứng với các nhu cầu của cộng đồng trong bối cảnh thời đại mới. Các giải pháp đồng thời hướng đến nâng cao giá trị sử dụng của công viên di tích với cộng đồng xung quanh, liên kết và phát huy vai trò tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh Công viên.

Công viên di tích lịch sử-văn hóa gò Đống Đa là nơi mang giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, khoa học, xã hội với cộng đồng khu vực đó nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Tuy nhiên, do chưa được thực sự quan tâm đúng mức và không tạo dựng không gian để cộng động tham gia, dẫn đến di tích Quốc gia đặc biệt này không phát huy được các giá trị vốn có và hiệu quả khai thác sử dụng thấp.

Đặt vấn đề

Công viên di tích gò Đống Đa – nơi ghi dấu chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 của trận đánh lịch sử do vua Quang Trung chỉ huy. Công viên là nơi lưu giữ bài học vẻ vang chống ngoại xâm cho các thế hệ sau và cũng là không gian cảnh quan, cây xanh của đô thị.

Tuy nhiên khu công viên lại chưa phát huy hiệu quả sử dụng trong cộng đồng một cách tích cực nhất. Ngoài việc phục vụ Lễ hội gò Đống Đa vào mồng 5 tháng Giêng thì gần như công viên bị đóng kín bởi các bức tường ngăn cách với khu dân cư xung quanh. Trong khi chính dân cư liền kề với công viên thì lại thiếu các không gian sinh hoạt, đặc biệt không có các không gian sáng tạo cho các đối tượng thanh thiếu niên.

Bởi vậy rất cần một nghiên cứu khoa học để có giải pháp tổ chức lại không gian kiến trúc để phát huy giá trị công viên di tích lịch sử gò Đống Đa một cách hợp lý nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cộng đồng xung quanh.

Thực trạng công viên di tích lịch sử gò Đống Đa

Mặc dù có nhiều Lễ kỷ niệm, sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại đây, nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, song hiện trạng công viên có nhiều hạng mục đã bị xuống cấp; nhà trưng bày quá nhỏ, đóng kín, giải pháp trưng bày cũ kỹ; cơ sở vật chất, công trình phụ trợ còn khiêm tốn; công viên bị biệt lập, thiếu kết nối với các không gian, di tích xung quanh, chưa tương xứng với một khu di tích lớn của quốc gia….

Các bức tường dưới sự tác động của khí hậu trở nên rêu mốc
Các bức tường dưới sự tác động của khí hậu trở nên rêu mốc
Bên dưới một số góc khoảng tường trở thành khu vực tập kết rác
Bên dưới một số góc khoảng tường trở thành khu vực tập kết rác

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong và đỗ xe trái phép bên ngoài. Sân Lễ hội rộng nhưng trống trải, ít hoạt động, đơn điệu, chưa tạo hấp dẫn cho người tham quan và cộng đồng dân cư, thậm chí đá lát sân vào mùa nóng còn gây hiệu ứng bức xạ nhiệt ra môi trường xung quanh.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong và đỗ xe trái phép bên ngoài.
Sân Lễ hội rộng nhưng trống trải, ít hoạt động, đơn điệu, chưa tạo hấp dẫn cho người tham quan và cộng đồng dân cư, thậm chí đá lát sân vào mùa nóng còn gây hiệu ứng bức xạ nhiệt ra môi trường xung quanh.
Các hoạt động sử dụng và những vấn đề tồn đọng tại khu di tích.
Các hoạt động sử dụng và những vấn đề tồn đọng tại khu di tích.

Xây dựng nguyên tắc tổ chức không gian kiến trúc

Từ các phân tích cơ sở khoa học, việc tổ chức không gian kiến trúc tại công viên di tích lịch sử gò Đống Đa cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Nguyên tắc số 1: Không gian mở, nhưng không xâm phạm di tích.
  • Nguyên tắc số 2: Phát huy truyền thống ý nghĩa văn hoá lịch sử.
  • Nguyên tắc số 3: Phát huy giá trị sử dụng/sinh hoạt trong công đồng.
  • Nguyên tắc số 4: Linh hoạt các giải pháp, cơ động khi cần thiết.
  • Sơ đồ hình thành các nguyên tắc tổ chức không gian.
    Sơ đồ hình thành các nguyên tắc tổ chức không gian.

Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc

Giải pháp quy hoạch tổng thể: Đề xuất mở rộng không gian kết nối công viên gò Đống Đa với những không gian lân cận như công viên Trần Quang Diệu, hồ Vuông và Không gian kiến trúc phía sau hồ cũ (nay được sử dụng làm Học Viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

Sơ đồ tổng mặt bằng kết nối công viên gò Đống Đa với không gian xung quanh.

Sơ đồ tổng mặt bằng kết nối công viên gò Đống Đa với không gian xung quanh.

Sử dụng cấu trúc modul thuận tiện tháo lắp, cấu trúc linh hoạt để đung cho những chức năng khác nhau: Modul đề xuất vật liệu là các thanh thép rỗng (có thể dùng thép tái chế) dài 50cm hoặc 100cm, kết hợp ván, hộp gỗ tái sử dụng, nhẹ và rẻ có thể tháo rời hoặc ghép vào nhau tạo sự đa dạng trong các mục đích sử dụng.

Sử dụng cấu trúc modul kích thước phù hợp dễ dàng tháo lắp, linh hoạt cấu trúc để sử dụng vào những chức năng khác nhau.
Sử dụng cấu trúc modul kích thước phù hợp dễ dàng tháo lắp, linh hoạt cấu trúc để sử dụng vào những chức năng khác nhau.

Trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng hàng ngày, các module được tổ hợp để hướng đến việc tạo không gian thư giãn cho việc nghỉ ngơi sau luyện tập thể thao, tạo không gian thích hợp để làm việc, nghiên cứu hay sân chơi sáng tạo, thân thiện cho trẻ nhỏ. Hình thức lắp ghép đa dạng để mọi người có thể lựa chọn sử dụng phù hợp với nhu cầu bản thân và cũng để tạo các kiến trúc tiện ích cho công viên thêm sinh động. Các module còn có thể dễ dàng lắp dựng thành những không gian triển lãm ngoài trời, học thuật lưu động, hoặc tổ chức theo những sự kiện nổi bật, tăng sự hấp dẫn của công viên, nâng cao truyền thông, giáo dục, phát huy giá trị lịch sử văn hóa.

Mẫu mô hình lắp ghép modul phục vụ cho việc trưng bày, triển lãm.
Mẫu mô hình lắp ghép modul phục vụ cho việc trưng bày, triển lãm.

Sử dụng Module làm khán đài vào dịp Lễ hội hoặc các sự kiện văn hóa khác: Khi có hoạt động Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa vào ngày mồng 5 tháng Giêng, các sự kiện văn hóa –lịch sử khác, để đảm bảo khách đến tham dự có chỗ ngồi và đảm bảo tầm nhìn lên sân khấu, các module có thể tổ chức kết hợp tạo thành khán đài tạm thời hay những giá treo pano đăng tải thông tin về Lễ hội.

Mẫu mô hình lắp ghép modul sử dụng trong Lễ hội
Mẫu mô hình lắp ghép modul sử dụng trong Lễ hội

Giải pháp sử dụng Parklet ngăn phương tiện giao thông cơ giới: Cấu tạo các Parklet được thiết kế với 2 khối lập phương cơ sở, một khối đặc và một khối rỗng có kích thước là 500mm x 500mm x 500mm để có thể đặt được vật dụng lên trên hoặc bên trong chúng. Sau đó ghép chúng thành block hình hộp chữ nhật có kích thước 500mm x 2000mm x 500mm gồm 1 thảm cỏ, 1 ghế ngồi nghỉ và 1 chậu cây xanh có diện tích bằng 1 chỗ đậu xe. Các Parklet được sắp xếp dọc theo vỉa hè phố Đặng Tiến Đông nhằm loại bỏ hàng rào sắt vô cảm trước đó, tạo điều kiện cộng đồng dân cư xung quanh dễ dàng tiếp cận sử dụng nhưng vẫn ngăn chặn được tình trạng xe cộ lấn chiếm vỉa hè.

Parklet được xây dựng theo dạng tập trung và sử dụng để chặn đường khi có yêu cầu.
Parklet được xây dựng theo dạng tập trung và sử dụng để chặn đường khi có yêu cầu.

Trong ngày tổ chức sự kiện, Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, có lượng người tham gia đông, các module Parklet sử dụng để chặn hai đầu đường Đặng Tiến Đông để tạo ra không gian bổ sung cho lễ hội được tổ chức bên trong.

Giải pháp cải tạo các tường rào để cải thiện không gian cảnh quan và nâng cao tính giáo dục trong cộng đồng

Giải pháp cải tạo vỉa hè xung quanh trường THCS Quang Trung: Nhóm nghiên cứu kiến nghị dỡ bỏ các rào cản hiện tại trên vỉa hè, kết hợp các module parklet với các lốp xe ô tô cũ được chồng lên nhau, sơn các màu sặc sỡ, tươi sáng phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh, tạo thành các chậu cây, ghế ngồi, xích đu… để trang trí và tạo thành những không gian tổ chức hoạt vui chơi, học thuật, triển lãm ngoài trời. Trên tường gắn các hệ thống biển báo giao thông lên lốp xe ô tô cũ, rồi treo lên tường quanh trường học theo các bố cục sinh động.

Giải pháp trang trí các lốp ô tô cũ kết hợp giáo dục luật giao thông.
Giải pháp trang trí các lốp ô tô cũ kết hợp giáo dục luật giao thông.

Giải pháp tái sử dụng các phù điêu di tích cũ trong việc giáo dục truyền thống và phát huy giá trị văn hóa lịch sử: Sau khi các tấm phù điêu 2 bên tượng đài vua Quang Trung được thay bằng chất liệu đá, các tấm phù điêu xi măng cũ hiện đang bị bỏ quên, xếp đống ở cuối công viên. Điều này vừa không tôn trọng giá trị lịch sử của tác phẩm vừa mất diện tích lưu trữ, vì vậy đề xuất tái sử dụng bằng cách dựng các tấm phù điêu xi măng cũ trên mảng tường đối diện với cổng trường THCS Quang Trung để phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

Phối cảnh trang trí tường rào đối diện trường THCS Quang Trung
Phối cảnh trang trí tường rào đối diện trường THCS Quang Trung

Giải pháp tạo cảnh quan và cải thiện vi khí hậu khu vực sân lễ hội của công viên

Sử dụng đài phun nước âm nền (Floor Fountain) hay đài phun nước khô (Dry Deck fountain), để giấu hệ thống ống bên dưới mặt sân, giúp an toàn cho người đi lại bên trên. Vào ban ngày mùa hè, các tia nước phun lên tạo cảnh quan và cải thiện môi trường vi khí hậu xung quanh. Vào ban đêm, các tia nước được phun lên kết hợp với các hình ảnh liên quan đến chiến tích của hoàng đế Quang Trung được dựng bằng công nghệ 3D hologram, tạo nên một không gian trình chiếu nghệ thuật của nước và ánh sáng, cảnh quan với lịch sử.

Minh họa hệ thống phun nước ban ngày và ban đêm.
Minh họa hệ thống phun nước ban ngày và ban đêm.

Kết luận

Công viên gò Đống Đa có tầm quan trọng trong lịch sử và cảnh quan xung quanh. Việc quy hoạch tổng thể để kết nối công viên với các không gian xung quanh vừa có tính mở các hướng tiếp cận, vừa có tính kết nối đáp ứng như cầu sử dụng của dân cư xung quanh cũng như các dịp Lễ hội là cần thiết. Trên các cơ sở sở pháp lý, lý thuyết, phân tích thực tiễn và các yếu tố ảnh hưởng nghiên cứu đã đề xuất các nguyên tắc tổ chức kiến trúc cảnh quan của công viên di tích. Từ đó các giải pháp kiến trúc được đề xuất một cách linh hoạt, hấp dẫn, phong phú lại vừa thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu bảo tồn. Điều này đáp ứng được các yêu cầu sử dụng, phù hợp với cảnh quan di tích, cân bằng giữa việc bảo tồn và nâng cao giá trị sử dụng tối đa của công viên đối với cộng đồng.

Giải pháp cũng ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc cải thiện môi trường tự nhiên, tạo không gian sinh hoạt văn hóa đa dạng, hấp dẫn. Bên cạnh đó các giải pháp thiết kế cảnh quan sử dụng vật liệu tái chế bảo vệ môi trường cũng mang tính giáo dục cao tới học sinh và cộng đồng dân cư.

Nâng cao giá trị sử dụng cộng đồng tại công viên di tích lịch sử gò Đống Đa là một vấn gắn với các yếu tố văn hóa – lịch sử – xã hội – kiến trúc, trong đó vai trò của thiết kế tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cần được gắn với sự tham gia của Nhà quản lý – chuyên gia – cộng đồng. Vì vậy rất cần có sự quan tâm vùng với các cơ chế chính sách quản lý phù hợp, thúc đẩy sự chung tay của cả cộng đồng với các mức độ khác nhau để tạo nên sự thành công của mô hình này.

Theo Nhóm tác giả (Giảng viên và sinh viên 19K+ Khoa Kiến trúc trường Đại học kiến trúc Hà Nội: ThS.KTS. Nguyễn Đức Quang – Bộ môn Kiến trúc Nhà ở; Vương Hữu Thanh Phúc; Nguyễn Văn Toàn; Vũ Nguyên Gia Thịnh; Vũ Nguyên Gia Thịnh; Nguyễn Thị Vinh Hạnh)